Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 25 :  Nhìn Sâu hơn vào Bài Giảng

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 7 tháng 6 năm 2023

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Tuần này, chúng ta nhìn kỹ hơn đến bài giảng. Như Giáo phận Peoria dạy, “bài giảng ‘phục vụ như một nối kết tổng thể giữa Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. Trước khi các môn đệ nhận ra Chúa Giệsu trong ‘việc bẻ bánh,’ Người giải thích Thánh Kinh cho các ông, ‘đổ đầy tâm hồn các ông một ao ước nồng cháy.’ Bài giảng cố gắng thắp lên một ngọn lửa yêu mến dành cho Thiên Chúa và Hội Thánh của Ngài. Như một ‘cây cầu’ nó lôi kéo chúng ta sâu hơn vào các mầu nhiệm mà chúng ta cử hành – đặc biệt nhất là mầu nhiệm Thánh Thể cực trọng” (A Study of the Mass, p. 9). Vì vậy, như bạn bắt đầu thấy, bài giảng thật sự gói ghém một số mục tiêu quan trọng.

Được Gợi Hứng bởi các Giáo Phụ

Một trong những văn bản mô tả sớm nhất về Thánh Lễ là của Thánh Gútinô Tử đạo, viết trước năm 165 sau Công Nguyên một chút. Khi ngài mô tả các kinh nguyện và ý nghĩa của Thánh Lễ, tôi luôn kinh ngạc bởi chúng rất giống với việc cử hành của chúng ta ngày nay. Đó là một minh chứng tuyệt vời về sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và sự liên tục của đức tin và phụng vụ Công giáo của chúng ta. Khi Thánh Gútinô mô tả bài giảng, ngài nói về cách người lãnh đạo khuyến khích mọi người noi theo những điều tốt đẹp họ vừa nghe. Suốt nhiều thế kỷ sau, những nhà giảng thuyết vẫn đi theo khuôn mẫu này. Linh mục có thể sử dụng nhiều loại bài giảng khác nhau cho những hoàn cảnh khác nhau, trong khi kể đến việc dân chúng là những người như thế nào, họ đã biết những gì, họ đang tham gia vào những hoạt động hay đoàn thể nào, những loại quan tâm nào hiện đang xảy ra ở cấp địa phương, v.v. Tất cả những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến cả những gì các tín hữu cần nghe cũng như họ có hiểu rõ không và sống theo những điều đó mỗi ngày thế nào. Bất kể hoàn cảnh nào, và bất kể xuất thân của giáo dân như thế nào, tất cả các bài giảng đều thực sự có một điểm chung: Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại vì chúng ta và cuộc sống của chúng ta trong Người. Một vị giáo sư lão thành tại chủng viện đã từng nói: “Nếu bạn không bao giờ nói điều gì khác trên toà giảng ngoại trừ việc Chúa Giêsu yêu bạn và muốn bạn ở với Người, thì những điều thiết yếu chính sẽ luôn có trong mỗi bài giảng.”

Một Cái Cầu Nối giữa Hai Nửa

Vì vậy, chúng ta phải luôn tập trung vào Đức Kitô, tình yêu của Người dành cho chúng ta và điều ấy có ý nghĩa gì trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta tập trung vào sự hiện diện bốn chiều kích của Đức Kitô với chúng ta trong mỗi Thánh Lễ: Người hiện diện trong Lời Chúa, trong linh mục, trong cộng đoàn của Người, và đặc biệt trong Mình và Máu Người nơi Bí tích Thánh Thể một cách độc đáo nhất. Chúng ta tập trung vào Chúa Giêsu qua Thánh Kinh và Lời yêu thương của Thiên Chúa dành cho dân Người. Chúng ta tập trung vào việc Chúa Giêsu ngự giữa chúng ta, hiến mình vì tội lỗi chúng ta, sống lại trong vinh thắng và tiếp tục ở với chúng ta qua Bí tích Thánh Thể. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, số 1346 khẳng định: “Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể cùng nhau tạo thành ‘một hành vi thờ phượng duy nhất’; Bàn tiệc Thánh Thể dọn ra cho chúng ta vừa là bàn của Lời của Chúa vừa là của Mình của Chúa.” Điều quan trọng cần nhớ là Thánh Lễ không chỉ là một chuỗi các sự kiện không liên quan gì với nhau: đó là sự hiệp nhất hoàn hảo trong Đức Kitô. Nửa đầu giúp chúng ta biết Thiên Chúa (và chính mình), nuôi dưỡng đức tin vào Thiên Chúa; nửa sau giúp chúng ta kết hợp với Người cả thể xác lẫn tâm hồn. Vì vậy, hy vọng của bài giảng là giúp nối kết hai nửa này lại với nhau để các tín hữu có thể ra đi vào thế giới và thực sự sống cuộc sống của Đức Kitô.

Câu hỏi để Suy Nghĩ:

  1. Hãy đọc về “bài giảng” đầu tiên của Thánh Phêrô và ảnh hưởng của nó trong trình thuật từ Công vụ 2:14–41. Hãy quyết tâm chăm chú hơn trong việc lắng nghe bài giảng vào lần tới khi bạn tham dự Thánh Lễ, và xin Chúa ban ơn để bạn có thể áp dụng các bài học từ bài giảng vào chính cuộc sống của bạn.
  2. Trên đường Emmau, hai môn đệ cảm thấy tâm hồn họ bừng cháy khi Chúa Giêsu Phục sinh giải thích Thánh Kinh cho họ (xem Lc 24:13-35). Lời tung hô Tin Mừng trước đoạn Tin Mừng này cầu xin: “Lạy Chúa Giêsu, xin mở Thánh Kinh cho chúng con; / xin làm cho trái tim chúng con bừng cháy khi Chúa nói với chúng con.” Hãy biến lời cầu xin này thành của riêng bạn khi bạn chuẩn bị tích cực tham dự vào Phụng vụ Lời Chúa, kể cả bài giảng.