Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 26 :  Làm Sao để tham dự vào Bài Giảng

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 14 tháng 6 năm 2023

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Tại sao bài giảng lại dài thế? Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta bắt đầu bằng việc nhận ra rằng không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu Lời Chúa một cách hoàn hảo khi đọc lần đầu. Bất cứ khi nào đọc một đoạn Thánh Kinh, chúng ta nên tự hỏi: “Thiên Chúa đang nói gì ở đây?” Đôi khi thật dễ dàng để lắng nghe Thiên Chúa; đôi khi không dễ dàng như vậy. Có khi việc đọc Thánh Kinh có thể giải đáp những thắc mắc của chúng ta; có khi việc đọc dường như chỉ mang đến nhiều thắc mắc hơn. Chúng ta khiêm tốn nhận ra rằng việc hiểu mọi điều về Thiên Chúa và về chúng ta không phải lúc nào cũng dễ dàng. Vì vậy, trong khiêm nhường, chúng ta nhận ra mình cần được giúp đỡ. Đó là lúc những vị giảng giải Lời Chúa đến – những vị đã được Thiên Chúa ban cho một ân sủng đặc biệt để giúp dân Chúa hiểu rõ hơn những gì Ngài muốn truyền thông cho chúng ta. Với nhiều năm cầu nguyện và nghiên cứu, một số nhà giảng thuyết có thể trở thành những nguồn đáng kinh ngạc, chẳng hạn như Đức Hồng Y Newman, người được biết đến là giảng trung bình khoảng một tiếng rưỡi cho mỗi bài giảng!

Kéo Mọi Người lại Gần Hơn

Trong bài giảng, giám mục, linh mục hoặc phó tế cố gắng hết sức để giúp chúng ta nghe được điều Thiên Chúa nói. Chúng tôi cố gắng giải thích Thánh Kinh và áp dụng nó vào cuộc sống của chúng ta ở địa phương. Như chúng tôi đã nói lần trước, mục đích chính của bài giảng là lôi kéo mỗi trái tim trong Hội Thánh đến gần Chúa Giêsu hơn. Điều này thực sự quan trọng: linh mục tìm kiếm từng tâm hồn. Đó là lý do tại sao đôi khi bài giảng tập trung vào một điều gì đó bạn đã biết, đã làm hoặc đã tin; đó là lý do tại sao bài giảng có thể không phải lúc nào cũng hoàn toàn phù hợp với những gì bạn đang nghĩ đến. Bởi vì có rất nhiều người ngồi trong hàng ghế với hoàn cảnh và kinh nghiệm khác nhau, nên việc giảng một bài giảng nhắm trực tiếp đến mọi người có thể hơi phức tạp một chút. Bạn có để ý rằng đôi khi nhà thuyết giảng nói cùng một điều bằng vài cách khác nhau không? Đây là một cách giúp nhiều người khác nhau hiểu được cùng một sứ điệp.

Lắng Nghe với Tâm Hồn Rộng Mở

Tuy nhiên, bạn đừng lầm tưởng – Trong bài giảng không chỉ có người giảng thuyết cố gắng giúp mọi người hiểu được sứ điệp mà Thiên Chúa gửi đến chúng ta. Một trong những phần quan trọng nhất của bài giảng là phần liên quan đến mọi người ngồi dưới hàng ghế: tất cả mọi người đều được mời gọi lắng nghe với tấm lòng rộng mở. Mỗi người được khuyến khích làm theo bài giảng trong tâm hồn mình, đón nhận những gì hữu ích và tìm kiếm những nhu cầu thực sự của tâm hồn mình. Nếu chúng ta tin rằng Thiên Chúa làm việc qua vị giáo sĩ có chức thánh đang giảng, thì trong bài giảng sẽ luôn luôn có một điều gì đó dành cho chúng ta; chúng ta chỉ cần lắng nghe.

Một phần quan trọng khác của việc lắng nghe bài giảng là mở lòng để được thách đố. Nếu chúng ta nghĩ rằng mình đã biết tất cả (hoặc đủ rồi), lòng chúng ta sẽ không sẵn sàng đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa qua nhà thuyết giảng. Chúng ta phải sẵn sàng thừa nhận rằng mình không biết mọi sự và không phải lúc nào mình cũng hiểu mọi sự một cách hoàn hảo. Lắng nghe bài giảng cần có lòng khiêm nhường. Tôi nhớ lại một trong những giáo sư chủng viện tại Mount St. Mary— Sơ Joan—người đã nghe hàng chục bài giảng hết ngày này qua ngày khác, trong đó có hàng ngàn bài giảng của các phó tế trong chủng viện vẫn đang học cách giảng. Mặc dù sơ ấy biết nhiều hơn chúng tôi, mặc dù có lúc dường như chúng tôi đang thử thách sự kiên nhẫn của sơ ấy, sơ ấy vẫn luôn ở hàng ghế đầu, sẵn sàng chăm chú lắng nghe. Thật là một thái đô khiêm nhường tuyệt vời! Người giảng thuyết cũng cần có đức khiêm nhường này, đó là lý do tại sao chúng tôi đã nói ở trên rằng vị ấy cố gắng hết sức. Hãy nhớ rằng khi bạn nghe thấy điều gì đó khó nghe, nhiệm vụ của người thuyết giảng là phải công bố sự thật, và có lẽ Thiên Chúa đang kêu gọi bạn đến gần trái tim Ngài hơn qua chính lời nói của người thuyết giảng.

Nói như vậy, tất cả chúng ta đều biết rằng bài giảng trước cộng đoàn không phải lúc nào cũng là một màn trình diễn ngoạn mục. Đôi khi chúng ta bị phân tâm hoặc mệt mỏi. Đôi khi chúng ta hy vọng người giảng sẽ nói về điều gì đó trong bài đọc mà chúng ta quan tâm, nhưng vị ấy lại không nói đến điều đó. Dù thế nào đi nữa, Thiên Chúa chỉ yêu cầu chúng ta cố gắng thật sự lắng nghe, biết rằng trong đó sẽ có một điều gì đó giúp ích cho chúng ta. Và khi bắt đầu cảm thấy mỏi lưng, hãy nghĩ đến những người trong nhiều năm đã qua đã nghe các bài giảng dài hàng giờ và tự nhắc nhở mình: “Kìa, đã gần đến lúc đọc Kinh Tin Kính và Lời Nguyện Tín Hữu rồi!”

Câu Hỏi để Suy Nghĩ:

  1. Hãy cầu nguyện theo câu chuyện về Phói tế Philiphê và hoạn quan người Êthiôpia trong Công vụ 8:26–40. Khi kết thúc cầu nguyện, hãy tạ ơn các thừa tác viên có chức thánh đã giúp chúng ta hiểu và đáp lại Lời Chúa trong Thánh Kinh.
  2. Hãy giúp chính mình bạn tham dự vào bài giảng trong Thánh Lễ bằng cách tiếp cận phần Phụng vụ này như một cuộc đi tìm kho báu hoặc “trò chơi” “trốn tìm”. Chúa Giêsu đã ẩn chứa sứ điệp gì cho bạn trong bài giảng này?