Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 27 : Kinh Tin Kính
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 21 tháng 6 năm 2023
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam
“Tôi tin kính một Thiên Chúa…” Tất cả chúng ta đều có thể nhận ra những lời này là lời mở đầu của Kinh Tin Kính mà chúng ta cùng nhau đọc sau bài giảng. Ngoài việc cần phải đứng dậy và duỗi chân sau bài giảng, tại sao chúng ta lại có Kinh Tin Kính?
Kinh Tin Kính là gì?
Theo chú giải từ ngữ trong Sách Giáo lý của chúng ta, Kinh Tin Kính (tiếng Việt còn được dịch là Tín biểu) là “một tuyên bố tóm tắt mang tính liệt kê, ngắn gọn hoặc lời tuyên xưng đức tin Kitô giáo, chẳng hạn như Kinh Tin Kính của các Tông Đồ, Kinh Tin Kính Công đồng Nicea. Từ ‘Kinh Tin Kính’ xuất phát từ Credo trong tiếng Latinh, có nghĩa là ‘Tôi tin’, với nó Kinh Tin Kính bắt đầu” (CCC, Bảng chú giải, s.v. “Kinh Tin Kính”). Như chúng ta sẽ thấy, một Kinh Tin Kính là tập hợp những chân lý cốt lõi mà chúng ta tin. Như Sách Giáo Lý dạy, đã có nhiều lời tuyên xưng đức tin đến từ các Công đồng Hội Thánh hoặc từ một số cá nhân. “Không một Tín biểu nào xuất phát từ những thời đại khác nhau của đời sống Hội Thánh có thể bị coi là lỗi thời và vô ích. Các Tín biểu này giúp chúng ta ngày nay biết được và thấu hiểu đức tin ngàn đời của Hội Thánh, thông qua các bản tóm lược đã được thực hiện. ” (GLCG, số 193). Sách Giáo lý tiếp tục rằng hai Tín biểu có một vị trí đặc biệt trong đời sống Hội Thánh: Kinh Tin Kính các Tông đồ và Kinh Tin Kính Nicea. “Kinh Tin Kính Các Tông Đồ được được gọi như vậy bởi vì được coi, một cách chính xác, như bản tóm lược trung thành đức tin của các Tông Đồ” (GLCG, số 194). “ Tín biểu được gọi là Nicêa-Constantinôpôli có một uy thế lớn lao vì phát xuất từ hai Công đồng chung đầu tiên (năm 325 và năm 381). Cho đến nay, bản này vẫn còn là gia sản chung của tất cả các Giáo Hội lớn của Đông phương và Tây phương ” (GLCG, số 195). Mặc dù Kinh Tin Kính Các Tông Đồ hoặc Kinh Tin Kính Nicea có thể được sử dụng trong Thánh Lễ, nhưng có lẽ nhiều người trong chúng ta thường nghe Kinh Tin Kính Nicea được sử dụng nhiều hơn.
Một Công Bố về Đức Tin và Đổi Mới Niềm Tin
Kinh Tin Kính đi vào Thánh Lễ như thế nào? Như Giáo phận Peoria hướng dẫn, “Kinh Tin Kính, hay Lời Tuyên xưng Đức tin, bắt nguồn từ Hội Thánh cổ xưa. Lời công bố về đức tin này ban đầu không được viết ra để đọc trong Thánh Lễ; đúng hơn nó được dự định như một ‘hợp đồng’ tiên quyết cho việc rửa tội dành cho người trưởng thành. Người ta phải tuyên xưng những chân lý thiết yếu này của đức tin trước khi được nhận vào Hội Thánh qua Phép Rửa. Cuối cùng, Kinh Tin Kính được đưa vào Thánh Lễ như ngày nay” (A Study of the Mass, tr. 9). Cha Guy Oury nói, “Các Giáo phụ khuyến khích các Kitô hữu đọc [Kinh Tin Kính] hàng ngày, buổi sáng và buổi tối, như một canh tân đức tin của họ và để bảo vệ họ khỏi những sai lầm về giáo lý” (The Mass, trang 71). Có bao nhiêu người trong số các bạn đọc Kinh Tin Kính mỗi sáng khi ra khỏi giường?! Bỏ chuyện đùa sang một bên, các Giáo phụ thực sự có ý gì đó ở đây. Bởi vì Kinh Tin Kính là một bản tóm tắt tuyệt vời về các chân lý của Đức tin, đặc biệt là về Chúa Ba Ngôi (sẽ nói thêm về điều ấy sau), biết Kinh Tin Kính là một cách tuyệt vời để biết một số điều cơ bản của đức tin và giữ cho chúng luôn tươi mới trong trí khôn và tâm hồn chúng ta.
Câu Hỏi để Suy Nghĩ:
- Theo lời khuyên của Cha Luke, hãy cân nhắc việc bắt đầu và/hoặc kết thúc một ngày của bạn bằng cách đọc Kinh Tin Kính như một cách cầu nguyện.
- Cân nhắc việc tụ tập với những người khác để học Kinh Tin Kính, sử dụng Sách Giáo lý hoặc nguồn tài liệu khác. Một lựa chọn là học một dòng Kinh Tin Kính mỗi tuần để chuẩn bị tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật.