Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 29 :  Kinh Tin Kính là Tuyên Xưng Đức Tin vào Chúa Ba Ngôi

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 5 tháng 7 năm 2023

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Sau khi suy nghĩ Kinh Tin Kính nói chung, chúng ta hãy xem xét kỹ hơn nội dung của lời công bố này về Đức Tin của mình. Khi chúng ta nhìn qua các cụm từ, Kinh Tin Kính trình bày rất rõ ràng những chân lý chính về Chúa Ba Ngôi, niềm tin của chúng ta vào Một Thiên Chúa Duy Nhất trong Ba Ngôi. Như Sách Giáo Lý hiện tại của chúng ta trích dẫn từ Sách Giáo lý Rôma (hoặc Sách Giáo lý của Công đồng Trentô), giải thích “Kinh Tin Kính được chia thành ba phần: ‘Phần đầu nói về Thiên Chúa Ngôi Thứ Nhất và về công trình tạo dựng kỳ diệu; phần tiếp sau nói về Ngôi Hai và về mầu nhiệm Cứu chuộc loài người; phần cuối cùng nói về Ngôi Ba, là nguyên lý và nguồn mạch của việc thánh hóa chúng ta’” (GLCG, số 190).

Ba phần của Kinh Tin Kính

Cha Charles Belmonte mở rộng phần giới thiệu này cho ba phần của Kinh Tin Kính:

Một tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa, Chúa Cha, Đấng Tạo Hóa của chúng ta, Đấng dựng nên trời đất, muôn loài [vật hữu hình và vô hình].

Một Tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô, Chúa chúng ta. Người là Thiên Chúa, Đấng bởi quyền năng Chúa Thánh Thần đã nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria và đã làm người. Sau đó chúng ta tập trung vào Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết Trên Thập Giá của Đức Kitô; Sự Phục Sinh, Lên Trời và tham dự vào cuộc phán xét để hiển trị muôn đời, như đã được thiên sứ loan báo cho Đức Trinh Nữ Maria (Lc 1:33).

Một Tuyên xưng đức tin vào các phương tiện cứu rỗi, được cung cấp bởi Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống siêu nhiên. Chúng ta công bố cách Ngài hoạt động qua Hội Thánh (Understanding the Mass, trang 100-101).

Tiếp tục phần cuối cùng của Kinh Tin Kính, Cha Belmonte viết: “[Tôi] tin Hội Thánh thánh thiện, công giáo và tông truyền. [Từ] công giáo có nghĩa là ‘phổ quát’—một lời nhắc nhở rằng Hội Thánh tồn tại trên khắp thế giới và đón nhận toàn bộ mặc khải của Thiên Chúa… Hội Thánh mang tính tông truyền vì Hội Thánh truy tìm nguồn gốc của mình từ Đức Kitô qua các tông đồ và luôn giảng dạy sứ điệp mà các tông đồ đã nhận được từ Người” (Understanding the Mass, trang 101). Hội Thánh là duy nhất và thánh thiện vì được Đức Kitô thiết lập và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn hướng tới sự hiệp nhất và thánh thiện mà Chúa Giêsu mời gọi mọi Kitô hữu sống. Chúng ta gọi liệt kê này là Bốn Đặc Tính của Hội Thánh. Những đặc tính này giống như những điểm mốc hoặc những đặc điểm nổi bật giúp chúng ta nhận biết Hội Thánh đích thực duy nhất của Chúa Giêsu.

Lời để Nói… và Tin

Khi xem qua từng cụm từ, chúng ta ôn lại những chân lý mà chúng ta tin vào, đồng thời chúng ta cũng được mời suy niệm về những cách thức mà Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho chúng ta. Chúng ta nhớ lại những bước của lịch sử cứu độ và thời điểm Thiên Chúa ngự giữa chúng ta. Chúng ta nhớ đến món quà tình yêu tối hậu của Thiên Chúa và món quà của Chúa Thánh Thần, Đấng giúp hiệp nhất chúng ta và củng cố chúng ta để sống trong tình yêu ấy. Như Cha Belmonte kết luận:

“Kinh Tin Kính không gì khác hơn là lịch sử kỳ diệu về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta… Trong những thời điểm lẫn lộn về tín lý này, chúng ta nên cẩn thận để không làm tổn hại đến nội dung đức tin của mình, ngay cả trong những điều nhỏ nhặt… Trên hết, thật đáng giá để quyết định coi trọng đời sống Kitô hữu của mình. Khi đọc Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên bố rằng chúng ta tin vào Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, vào Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại, và vào Chúa Thánh Thần, là Chúa và Đấng ban sự sống. Chúng ta khẳng định rằng Hội Thánh – duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền – là thân thể của Đức Kitô được Chúa Thánh Thần sinh động hoá. Chúng ta vui mừng vì được ơn tha tội và có niềm hy vọng về sự sống lại. Nhưng những lời ấy có thấm sâu vào tâm hồn chúng ta không? Hay chúng chỉ còn ở trên môi miệng chúng ta thôi?” (Understanding the Mass, trang 102).

Chúng ta thường đọc Kinh Tin Kính, và nhiều người trong chúng ta có thể đọc theo mà thậm chí không thực sự suy nghĩ về những lời này. Nhưng nếu chúng ta thực sự tự hỏi mình đang nói gì chẳng phải sẽ có kết quả hơn sao? Chúng ta đang cùng nhau công bố những chân lý nào? Chúng ta có ý gì khi nói những lời ấy?

Câu Hỏi để Suy Nghĩ:

  1. Hãy dành thì giờ để suy niệm về từng đặc tính trong bốn đặc tính của Hội Thánh (duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền), sử dụng Sách Giáo Lý hoặc nguồn tài liệu khác. Hãy suy xét xem bạn kinh nghiệm sự hiệp nhất, thánh thiện, phổ quát và truyền thống sống động của Hội Thánh trong cuộc sống của chính bạn như thế nào.
  2. Khi suy niệm về Kinh Tin Kính, (những) dòng hoặc (những) cụm từ nào nổi bật nhất đối với bạn? Hãy cầu nguyện với những phần này và mời Chúa Thánh Thần dẫn bạn đến sự hiểu biết sâu xa hơn về những mầu nhiệm Đức tin của chúng ta.