Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 37 : Âm thầm, Khiêm tốn, Ăn năn

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival ngày 30 tháng 8 năm 2023

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Khi chúng ta tiếp tục qua phần Dâng Lễ trong Thánh Lễ, bạn có bao giờ nhận thấy rằng đôi khi Linh mục nói điều gì đó mà bạn không thể nghe được (hầu như không nghe thấy) không? Như chúng ta đã suy niệm trước đây, có những lúc trong Thánh Lễ – chẳng hạn như trước khi đọc Tin Mừng – ở đó Linh mục cầu nguyện một cách thầm lặng hoặc lặng lẽ. Những kinh nguyện này nhằm chuẩn bị cho các Linh mục (hoặc Phó tế) cho những gì sắp xảy ra; chúng mang đến cho Linh mục một giây phút suy nghĩ và mở rộng tâm hồn trong phần Dâng Lễ.

Chúng ta dâng chính mình…

Sau khi đặt bánh và rượu lên bàn thờ, Linh mục cúi đầu và đọc thầm: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận chúng con đang hết lòng khiêm nhường thống hối, và xin cho hy lễ chúng con dâng trước tôn nhan Chúa hôm nay được đẹp lòng Chúa”. Như Giáo phận Peoria giải thích: “Trong kinh nguyện này, Linh mục âm thầm nhân danh mình và nhân danh tất cả các tín hữu, cầu xin Thiên Chúa chấp nhận hy lễ và nhìn nhận chúng ta với lòng khiêm nhường và thống hối” (A Study of the Mass, tr. 12). Linh mục thú nhận sự thật về việc chúng ta cần Thiên Chúa nhiều như thế nào và đôi khi chúng ta không thể sống theo những tiêu chuẩn của Ngài. Với suy nghĩ ấy, Linh mục cầu xin Thiên Chúa chấp nhận chúng ta và hy lễ trong thực trạng của chúng ta, không phải như các Kitô hữu lỗi lầm đã đầu hàng và bỏ cuộc, mà như các Kitô hữu chân thành nhìn nhận những thiếu sót của mình nhưng vẫn cố gắng hướng đến sự hoàn thiện mà Thiên Chúa mời gọi mình hướng đến.

Khi suy niệm về kinh nguyện này, Edward Sri mời gọi chúng ta: “Hãy lưu ý rằng hy lễ được hình dung trong kinh nguyện này không phải là một vật gì đó được dâng lên Thiên Chúa, như bánh và rượu, mà là mọi người được tập hợp lại: ‘Xin thương nhận chúng con…’ Chủ đề này, cũng như việc đề cập đến một tinh thần khiêm nhường và một tâm hồn thống hối, gợi lại lời cầu xin của ba thanh niên Do Thái bị ném vào lò lửa hồng trong Đanien [Chương 3]” (A Biblical Walk Through the Mass, tr. 90). Nếu bạn đã đọc câu chuyện thú vị này, bạn biết rằng ba thanh niên trung tín này đã không thờ lạy ngẫu tượng bằng vàng của Vua Nêbucođonôxô. Để trừng phạt, họ bị ném vào lò lửa đang cháy, nóng gấp bảy lần bình thường. Thay vì bị thiêu sống, ba người này đã đi lại bình an vô sự và bắt đầu hát một bài thánh thi dài ca ngợi Thiên Chúa. Bài thánh thi này chúc tụng Thiên Chúa vì lòng nhân lành của Ngài, nhắc lại bao hồng ân Ngài đã ban cho dân Ngài, và sau đó yêu cầu mọi tạo vật hãy cùng hát ca ngợi Thiên Chúa. Ngay trước phần cuối này, ba người thưa cùng Thiên Chúa rằng họ dâng tất cả những gì họ có (là chính họ) và xin Ngài chấp nhận họ như thể họ đang dâng lễ vật tốt nhất mà người ta có thể tưởng tượng được (hàng chục nghìn con cừu đực, bò đực, và chiên béo).

… và nhận chính Thiên Chúa.

Kinh nguyện của chúng ta trong Thánh Lễ, vang vọng lời cầu nguyện của ba người thanh niên trung tín, cũng tác động một cách tương tự. Chúng ta vừa thưa với Thiên Chúa rằng chúng ta dâng lên Ngài những lễ vật là bánh và rượu, những lễ vật này thậm chí không nhiều so với tiêu chuẩn của con người. Cùng với bánh và rượu, chúng ta còn dâng chính mình, và tất cả chúng ta đều biết rằng đôi khi chúng ta cũng không phải là của lễ xứng đáng dâng lên Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cầu xin Thiên Chúa chấp nhận những gì chúng ta dâng lên như thể chúng tốt lành và đẹp lòng Ngài. Và câu trả lời của Thiên Chúa là gì? Trong 2000 năm qua của Thánh Lễ, dù cộng đoàn lớn hay nhỏ, đức tin mạnh hay yếu, dù chúng ta nghĩ lễ vật của mình xứng đáng (hoặc không xứng đáng) đến đâu, Thiên Chúa vẫn chấp nhận chúng. Như thế vẫn chưa đủ, Thiên Chúa, với tình yêu và lòng quảng đại của Ngài, đã làm một điều không thể tin được với những lễ vật ít ỏi của chúng ta. Ngài biến đổi chúng thành Mình và Máu của Chúa Giêsu Kitô! Thiên Chúa chấp nhận bánh và rượu từ chúng ta và trả lại cho chúng ta món quà là chính Ngài! Thật là một cuộc trao đổi quảng đại! Thật là một Thiên Chúa cao cả mà chúng ta có!

Câu hỏi để suy nghĩ:

  1. Suy niệm về Đanien 3 và cầu nguyện bằng lời của ba thanh niên trong lò lửa hồng.
  2. Lời cầu nguyện này khi kết thúc phần Dâng Lễ có thời được gọi là “Bí mật”. Hãy xem xét những lời này trong Sách Tobit: “Bí mật của vua phải được giữ kín, nhưng người ta phải công bố các công việc của Thiên Chúa và tạ ơn một cách xứng đáng” (Tob 12:7, 11). Hãy suy nghĩ về những giá trị sâu xa mà bạn nắm giữ trong “sự im lặng thiêng liêng” trong tâm hồn mình. Hãy để cho cảm giác tôn kính và ngạc nhiên trước lòng quảng đại của Thiên Chúa truyền cảm hứng cho cách bạn tham gia việc Dâng Lễ trong Thánh Lễ.

Bài Sau