Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 38 : Xông Hương
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival ngày 6 tháng 9 năm 2023
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam
Chúng ta tiếp tục phần Dâng Lễ của Thánh Lễ, bây giờ chúng ta đến phần có thể sử dụng hương. Một số người trong chúng ta có thể thích hương, còn những người khác thì không. Bạn có biết hương được làm từ gì và tại sao chúng ta sử dụng nó không?
Hương là gì và nó từ đâu đến?
Theo Catholic Source Book, “Nhũ hương… là thành phần chính trong hương được sử dụng trong phụng vụ ngày nay. Một loại nhựa được sản xuất bởi một họ cây sa mạc mọc ở miền nam Ả Rập, nó có nguồn gốc từ nhựa khô, tạo thành các khối tinh thể có màu hổ phách/vàng. Với các Kitô hữu, nó có một biểu tượng phong phú cho lời cầu nguyện và sự thanh luyện. Từ thời sơ khai của Kitô giáo, nó đã được liên kết với Đức Kitô, bắt đầu từ món quà của các đạo sĩ (Matthêu 2:10–11). Ngay cả trước đó, người Do Thái đã coi mùi hương cay nồng đậm đà của nó như một lễ vật thanh khiết, đẹp lòng Thiên Chúa” (tr. 307). Cha Charles Belmonte cho biết thêm: “Hương là một chất nhựa mà khi đặt trên than đang cháy sẽ tỏa ra mùi thơm ngát khi cháy. Nó có một vị trí trong việc thờ phượng của dân Israel; thực ra, tác giả Thánh Vịnh so sánh lời cầu nguyện của chúng ta với làn khói hương bay lên thiên quốc. Trong Sách Khải Huyền, nó được coi là biểu tượng cho lời cầu nguyện của các Thánh” (Understanding the Mass, trang 50).
Hương được nhắc đến ở đâu trong Thánh Kinh?
Ngoài Sách Khải Huyền, hương được nhắc đến trong Sách Dân số 7:14 như một phần của việc dâng lễ vật để cung hiến bàn thờ. Đệ Nhị Luật 33:10 đề cập đến “khói của lễ vật”. Xuất Hành 30:34–38 mô tả việc trộn các chất thơm với trầm hương nguyên chất thành những phần bằng nhau, thậm chí còn mô tả cách nghiền nó thành mịn như bụi. Trong Khải Huyền 5:8, Thánh Gioan cho chúng ta biết các Kỳ Lão có “những chiếc chén bằng vàng chứa đầy hương, đó là lời cầu nguyện của các Thánh”. Trong một trích dẫn khác, Khải Huyền 8:3–4 mô tả một thiên sứ cầm bình hương bằng vàng “và được ban cho nhiều hương thơm, để dâng lên cùng những lời cầu nguyện của tất cả các thánh,… khói hương, cùng với lời cầu nguyện của các thánh, bay lên trước nhan Thiên Chúa …” Hy vọng rằng từ những đoạn văn này chúng ta có thể thấy rõ rằng có mối liên hệ giữa hương trầm với lời cầu nguyện và Hy Lễ. Khi xông hương trong Thánh Lễ, có những lúc rõ ràng là dùng hương để tôn kính người và vật, điều này đặc biệt rõ ràng khi xông hương trong phần Dâng Lễ. Đề cập đến phần này của Thánh Lễ, Quy chế Tổng Quát của Sách Lễ Rôma nói, sau khi đặt bánh và rượu lên bàn thờ, “Linh mục có thể xông hương lễ phẩm đặt trên bàn thờ, sau đó thánh giá và chính bàn thờ, để nói lên rằng lễ phẩm và lời nguyện của Hội Thánh ví như hương trầm bay lên trước thánh nhan Chúa. Sau đó, Linh mục, vì thừa tác vụ thánh, và giáo dân, vì phẩm giá phép rửa, có thể được thầy phó tế hay người giúp lễ nào khác xông hương” (QCSL, 75). Như Giáo phận Peoria dạy, “Hương đặc biệt này cho thấy mối liên hệ giữa bàn thờ hiến tế, những người dâng lễ vật và những người kết hợp với lễ vật. Trước khi xông hương, chúng ta cúi đầu không những chỉ như một dấu tôn kính mà còn như một dấu khẳng định rằng, giống như hương trầm, chúng ta dâng đời mình cho Thiên Chúa và cầu xin cho chúng được nhắc lên và biến đổi” (A Study of the Mass, p. 12).
Tại sao phải dùng hương trong Thánh Lễ?
Một linh mục lớn tuổi từng nói với tôi rằng ngài thích xông hương để tôn kính những người thánh và những vật thánh. Khi nhìn thấy làn khói bốc lên, ngài ý thức rằng chúng ta tụ họp lại với nhau như dân Chúa trong Thánh Lễ, cùng với Chúa Giêsu dâng Hy Lễ hoàn hảo lên Chúa Cha. Trong Thánh Lễ, những lời cầu nguyện của chúng ta được kết hợp với nhau, và hương nhắc nhở chúng ta một cách trực quan về những lời cầu nguyện ấy được dâng lên Thiên Chúa. Ngài cũng đề cập rằng ngài đặt một, hai hoặc ba thìa hương (từ chiếc hộp nhỏ gọi là thuyền hương) lên than đang cháy trong bình hương (đôi khi được gọi là lư hương). Đối với ngài, một thìa gợi nhớ đến sự Duy nhất của Thiên Chúa; hai thìa chỉ hai bản tính của Đức Kitô (nhân loại và Thiên Chúa); và ba thìa chỉ ba ngôi vị của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đối với vị linh mục ấy, đây là một cách đơn giản để nhớ lại những chân lý nòng cốt về Thiên Chúa khi chúng ta cùng nhau cầu nguyện trong Thánh Lễ.
Để tóm tắt cho chúng ta, Cha Oury lưu ý rằng việc xông hương “là dấu tôn vinh những lễ vật sắp trở thành Mình và Máu Đức Kitô. Niềm vinh dự dành cho tất cả những người tham dự cuộc cử hành và các lễ vật tượng trưng cho đời sống và công việc của họ. Xông hương cũng là một loại lời thỉnh cầu, có ý nghĩa sâu xa. Qua đó, chúng ta cầu nguyện để lễ vật và lời cầu nguyện của Hội Thánh được bay lên thiên đình, đến trước sự hiện diện của Thiên Chúa trên cao, như một đám mây hương thực sự” (The Mass, trang 87).
Câu hỏi để suy nghĩ:
- Hãy đọc và cầu nguyện với một hoặc tất cả các đoạn dùng hương trong Cựu Ước mà Cha Luke trích dẫn (Dân số 7:14, Đệ Nhị Luật 33:10 và Xuất Hành 30:34–38). Khi bạn suy niệm về những gì bạn đọc, hãy để cho việc sử dụng hương trong lịch sử phong phú hoá sự hiểu biết của bạn về vai trò của hương trong Hy Lễ thánh của Thánh Lễ.
- Hãy suy niệm về vai trò của hương trong Khải Huyền 5:8 và 8:3–4. Khi bạn cầu nguyện, riêng tư hay trong phụng vụ, hãy tưởng tượng lời cầu nguyện của bạn đang bay lên đến Thiên Chúa như hương trầm.
Bài Sau