Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 40 :  Rửa Tay

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival ngày 13 tháng 9 năm 2023

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Chúng ta tiếp tục hành trình qua phần Dâng Lễ trong Thánh Lễ. Sau khi dâng Lễ vật (và sau khi xông hương), bạn có thể thấy Linh mục rửa tay trên một đĩa gọi là lavabo (có nghĩa là, “Tôi sẽ rửa”) và lau khô bằng khăn. Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma nói rằng việc rửa tay này là một nghi thức “biểu lộ lòng ước ao được thanh tẩy trong tâm hồn” (QCSL, 76).

Ý Nghĩa Thực Tiễn và Biểu Tượng của Việc Rửa Tay

Để giải thích việc rửa tay này cách sâu xa hơn, Cha Charles Belmonte dạy, “Trong mỗi Thánh Lễ, một nghi thức phụng vụ được thực hiện vốn ban đầu là để đáp ứng một nhu cầu thực tiễn. Chủ tế rửa tay đã chạm vào các lễ vật cũng như bình hương trước khi cầm lấy bánh sắp trở nên Mình Thánh Đức Kitô. Hội Thánh đã giữ việc cử hành nghi thức rửa tay này để bày tỏ ước muốn thanh tẩy nội tâm. Ý nghĩa mầu nhiệm này đã được Thánh Cyril thành Giêrusalem nhấn mạnh vào thế kỷ thứ tư, khi ngài viết: ‘Hành động này chứng tỏ rằng chúng ta phải được giải thoát khỏi mọi tội lỗi. Chúng ta làm các hành động bằng tay của mình; rửa tay là việc gần nhất để thanh tẩy việc làm của chúng ta’” (Understanding the Mass, trang 114).

Ngay cả khi ý nghĩa tâm linh hợp ý, bạn có thể nhận thấy trên thực tế là bàn tay của Linh mục có vẻ không hề bẩn thỉu chút nào. Đúng là lễ vật của chúng ta ngày nay rất sạch sẽ, nhưng nếu bạn nhớ lại vài bài trước đây, vào thời kỳ đầu của Hội Thánh, người ta mang đủ thứ để dâng Lễ chứ không chỉ là những hộp đựng bánh và rượu nho nhỏ gọn gàng. Chẳng hạn như một người có thể mang nông sản hoặc một con gà làm quà cho người nghèo. Đương nhiên, nếu Linh mục cầm lấy những loại lễ vật này, chúng ta sẽ muốn ngài rửa tay trước khi tiếp tục Hy lễ Thánh trong Thánh Lễ.

Mặc dù ngày nay chúng ta không còn cần đến việc tẩy rửa thực tế này nữa nhưng sự hiểu biết về việc tẩy rửa tâm hồn vẫn rất có giá trị. Như Giáo phận Peoria lưu ý, “Hội Thánh duy trì nghi thức rửa tay này vì nó diễn tả ước muốn được thanh tẩy nội tâm” (A Study of the Mass, p. 12). Ước muốn này rất rõ ràng khi chúng ta thấy kinh nguyện riêng mà Linh mục cầu nguyện tron lúc rửa tay này: “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con phạm, xin Ngài thanh tẩy.” Mặc dù Linh mục đọc kinh nguyện này một cách riêng tư, nhưng đây cũng là chỗ mà tất cả các tín hữu có thể kết hợp trong cầu nguyện, xin Thiên Chúa thanh tẩy trí khôn và tâm hồn mình trước sự Hiện Diện Thật của Đức Kitô trên bàn thờ.

Kết Hợp Chính Mình với Hy Lễ Thánh của Thánh Lễ

Sau khi rửa tay, Linh mục quay trở lại giữa bàn thờ, dang tay ra rồi chắp tay lại và yêu cầu các tín hữu: “Anh chị em hãy cầu nguyện để hy lễ của tôi cũng là của anh chị em được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận.” Theo chỉ thị gần đây nhất của chúng ta, các tín hữu đứng lên đáp lại: “Xin Chúa nhận hy lễ bởi tay cha, để ca tụng vinh danh Chúa, và mưu ích cho chúng ta cùng toàn thể Hội Thánh Người”. Cha Charles Belmonte viết rằng “Linh mục xin chúng ta kết hợp chính mình chúng ta với ngài trong hành động hiến tế đang đến gần… Linh mục nhấn mạnh rằng hy lễ là của tôi (tức là Đức Kitô tự hiến chính mình – khía cạnh của chức Linh mục thừa tác) và của anh chị em (toàn thể Hội Thánh dâng Hy Lễ – khía cạnh của chức tư tế cộng đồng)” (Understanding the Mass, trang 115). Giáo phận Peoria giải thích: “Lời mời tạo nên sự khác biệt giữa cách Linh mục dâng Lễ vật và cách tín hữu dâng Lễ vật. Hy Tế Thánh Lễ không phải chỉ do một mình Linh mục cử hành. Nhờ bí tích Rửa Tội, tất cả chúng ta đều được mời gọi dâng mình cho Chúa Cha qua Đức Kitô” (A Study of the Mass, tr. 12).

Như đã thấy trong suốt phần Dâng Lễ, có một số cơ hội để chúng ta kết hợp chính mình và các hy sinh của mình với Chúa Giêsu. Đây không phải là một chuyện ngẫu nhiên! Mỗi lời mời này giúp chúng ta ý thức được những gì chúng ta có thể dâng lên và chú ý đến những gì sắp xảy ra trong Thánh Lễ. Lần sau, chúng ta sẽ thấy Lời Nguyện Tiến Lễ kết hợp những lời cầu nguyện và hy sinh của chúng ta khi thời điểm mà Sự Hiện Diện Thật của Đức Kitô càng lúc càng đến gần hơn.

Câu hỏi để Suy niệm:

  1. Chấp nhận lời mời của Cha Luke để kết hợp lời cầu nguyện của bạn với kinh nguyện của Linh mục trong nghi thức Rửa Tay. Lần sau khi bạn tuân hành nghi thức này, hãy biến kinh nguyện của Linh mục thành của riêng bạn: “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con phạm, xin Ngài thanh tẩy.” Hãy chú ý trong giây phút này để trút bỏ những chia trí và tham dự Thánh Lễ cách trọn vẹn hơn.
  2. Bên ngoài bối cảnh Thánh Lễ, hãy dành thì giờ để cầu nguyện chậm rãi và chăm chú với câu thưa của giáo dân trước lời mời gọi của Linh mục sau khi rửa tay: “Xin Chúa nhận hy lễ bởi tay Cha để ca tụng tôn vinh danh Chúa, và mưu ích cho chúng ta và toàn thể Hội Thánh Người.” Khi bạn chuẩn bị tham dự Thánh Lễ, hãy nhắc lại ý định chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa cũng như tìm kiếm sự tốt lành thật cho chính mình và cho tha nhân.

Categories

Latest Posts

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa
Hãy Làm Việc Này

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng –  Sanctus
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng – Sanctus

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại