Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 41 : Lời nguyện Tiến Lễ
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival ngày 27 tháng 9 năm 2023
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam
“Điểm tạm ngừng” tiếp theo của chúng ta trong cuộc hành trình qua Thánh Lễ này là Lời nguyện Tiến Lễ. Tương tự như những gì chúng ta đã thấy với Lời Tổng Nguyện ở đầu Thánh Lễ, Lời Nguyện Tiến Lễ cho chúng ta một tóm lược về lễ vật của chúng ta và hướng tâm trí chúng ta đến Kinh nguyện Thánh Thể sắp tới. Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma nói rằng: “Sau khi đặt lễ phẩm trên bàn thờ, với các nghi thức kèm theo, vị tư tế mời giáo dân cùng với mình cầu nguyện, rồi đọc lời nguyện tiến lễ để kết thúc phần chuẩn bị lễ phẩm và sửa soạn đọc kinh Tạ Ơn. Trong Thánh Lễ chỉ đọc một lời nguyện tiến lễ với câu kết ngắn, nghĩa là ‘Nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con’, hay nếu câu kết có nhắc đến Chúa Con, thì ‘Người hằng sống hằng trị muôn đời’. Dân chúng, khi tham gia vào lời cầu nguyện này, biến lời cầu nguyện thành của mình bằng cách tung hô Amen.” (QCSL. 77).
Dâng Lời Nguyện, Đón Nhận Ân Sủng
Chúng ta đang cầu nguyện về điều gì vào lúc này trong Thánh Lễ? Nói chung, nếu xem qua những kinh nguyện này, chúng ta sẽ thấy những từ quen thuộc sau: lời cầu nguyện, các lễ vật (gifts), các của lễ (offerings), các hy lễ (sacrifices) và các tế phẩm (oblations). Chúng ta cũng cầu xin Thiên Chúa thánh hóa, chấp nhận và biến đổi những lễ vật này. Làm rõ nội dung của những Lời nguyện Tiến Lễ này, Cha Charles Belmonte viết, “chúng ta thường nhìn nhận sự bất lực của mình để dâng lên Thiên Chúa những lễ vật tương xứng với lòng nhân lành và quyền năng của Ngài. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa chấp nhận những gì chúng ta dâng hiến một cách chân thành. Chúng ta cầu xin một số ân sủng liên quan đến mầu nhiệm được cử hành trong ngày đặc biệt ấy, thay cho những của lễ vật chất. Chúng ta nhận thấy một nhịp điệu đi lên hoặc cố gắng tiến lên trong tiến trình của hành vi phụng vụ. Nếu chúng ta đối chiếu kinh nguyện này với Tổng Nguyện, chúng ta có thể nhận thấy lòng nhiệt thành và sự tin tường càng lúc càng gia tăng. Chúng ta biết rằng những của lễ chúng ta dâng lên Thiên Chúa sẽ được đền đáp lại cho chúng ta gấp trăm lần” (Understanding the Mass, trang 116).
Khi nghe đề cập đến hy lễ, chúng ta nhớ lại một trong những chạn lý cả thể về Thánh Lễ: đó thực sự là Hy Lễ duy nhất của Đức Kitô. Trong Thánh Lễ, Hy Lễ hoàn hảo của Đức Kitô trên Thập Giá được tái trình bày cho chúng ta. Theo cách hiểu truyền thống về một hiến tế, chúng ta cần có tư tế, lễ vật/của lễ và bàn thờ. Đối với Hy Lễ hoàn hảo của Đức Kitô, Chúa Giêsu vừa là tư tế vừa là lễ vật/của lễ; nghĩa là Người dâng hiến Chính Mình làm hy lễ trên bàn thờ Thập giá. Thánh Lễ là cách chúng ta tiếp cận hy lễ ấy và nhiều hoa trái của nó. Thật tuyệt vời: Hy tế của Chúa Giêsu ở ngay trước mặt chúng ta. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Thánh Lễ là một kinh nguyện quyền năng như thế!
Kết Hợp Của Lễ của Chúng Ta với Hy Lễ của Đức Kitô
Dĩ nhiên, chúng ta không phải chỉ là khán giả trong Thánh Lễ; chúng ta không chỉ ngồi ở đó và xem những gì Chúa Giêsu làm. Chúng ta được mời tham dự và kết hợp với Đức Kitô trong việc dâng hy lễ của chính mình. Khi suy niệm về phần này của Thánh Lễ, chúng ta có thể kết hợp lời cầu nguyện và lễ vật của mình với Lễ vật hoàn hảo của Chúa Giêsu. Như Cha Charles Belmonte nói, “Thánh Phaolô khuyến khích các Kitô hữu tiên khởi hãy dâng mọi hành động lên Thiên Chúa. ‘Dù anh em ăn, uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm tất cả vì vinh danh Thiên Chúa’ (1 Côrintô 10:31), và không bao giờ nói hay làm bất cứ điều gì trừ khi ‘nhân danh Chúa Giêsu’ (Côlôxê 3:17). Công đồng Vaticanô II [trong Hiến chế về Hội Thánh, Lumen Gentium, 34] khuyến khích các Kitô hữu bình thường dâng lễ vật hàng ngày của họ kết hợp với hy tế Thánh Thể: Vì mọi công việc, lời cầu nguyện và nỗ lực tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình bình thường của họ, nếu kiên nhẫn chịu đựng—tất cả những điều này sẽ trở thành ‘của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu Kitô’ (1 Phêrô 2:5). Cùng với việc dâng Mình Thánh Chúa, chúng được dâng cách thích hợp nhất trong cuộc cử hành Thánh Lễ” (Understanding the Mass, trang 116–117). Cha Belmonte tiếp tục gợi ý rằng chúng ta nên dâng lễ vật lên Thiên Chúa mỗi ngày như một chuẩn bị trước cho việc tham dự Lời nguyện Tiến Lễ này. Nếu bạn sẵn lòng, tôi mời bạn nghĩ đến việc chấp nhận thách đố của ngài. Hãy quyết tâm dâng lễ vật mỗi ngày trong tuần tới, và sau đó mang những lễ vật ấy đến để kết hợp một cách thiêng liêng với Hy Lễ trong Thánh Lễ Chúa nhật. Hy vọng rằng bạn sẽ cảm nghiệm được sự kết hợp sâu xa hơn với Chúa Giêsu, đặc biệt là lần tới khi bạn tham dự Thánh Lễ!
Câu hỏi để Suy Niệm:
- Hãy chấp nhận thách đố của Cha Luke để dâng lên Thiên Chúa một cách có ý thức những hy sinh hoặc hy lễ hàng ngày và mang những cố gắng ấy đến Thánh Lễ. Trong khi Linh mục đọc Lời nguyện Tiến Lễ, hãy kết hợp những hy sinh của bạn trong những ngày qua với Hy tế của Đức Kitô trên bàn thờ.
- Khi bạn gặp một khó khăn bất ngờ hôm nay hoặc tuần này hãy nhớ đến Lời nguyện Tiến Lễ và cầu xin Chúa ban ơn để đáp lại cơ hội này theo Thánh ý Chúa. Hãy lấy sức mạnh để kiên trì bằng cách dâng kinh nghiệm này “nhờ Đức Kitô, Chúa chúng ta”.