Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 42 :  Kinh nguyện Thánh Thể (Kinh Tạ Ơn)

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival ngày 5 tháng 10 năm 2023

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Sau Lời nguyện Tiến Lễ, bây giờ chúng ta đến với Kinh nguyện Thánh Thể (Tiếng Việt còn dịch là Kinh Tạ Ơn). Theo Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, “Bây giờ bắt đầu điểm trung tâm và cao nhất của toàn bộ việc cử hành nghĩa là chính kinh Tạ Ơn, gồm việc tạ ơn và thánh hoá. Vị tư tế mời giáo dân hướng tâm hồn lên để cầu nguyện và tạ ơn Chúa; đồng thời liên kết họ với mình trong lời cầu nguyện, để nhân danh tất cả cộng đoàn dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha, qua Ðức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần. Ý nghĩa của lời cầu nguyện này là toàn thể cộng đoàn tín hữu kết hiệp với Ðức Kitô mà tuyên xưng những kỳ công của Thiên Chúa và hiến dâng hy lễ. Kinh nguyện Thánh Thể đòi hỏi mọi người phải lắng nghe với lòng tôn kính và trong thinh lặng” (QCSL, 78).

Chúng ta hãy bắt đầu! Đối với những người khao khát sự Hiện diện Thật của Chúa Giêsu, thời điểm đang đến gần! Đối với những người khao khát cầu nguyện tốt, chúng ta được mời thông phần vào kinh nguyện hoàn hảo của Chúa Giêsu—Hy Lễ và việc thờ phượng hoàn hảo dành cho Chúa Cha. Qua suốt Kinh nguyện Thánh Thể, chúng ta có thể tìm thấy một phác thảo và mẫu mực tuyệt vời cho lời cầu nguyện của chính mình. Bằng cách xem xét kỹ hơn các thành phần chính, chúng ta hy vọng có thể bước vào lời cầu nguyện tuyệt vời này một cách hiệu quả hơn.

Các yếu tố của Kinh nguyện Thánh Thể

Như Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma tiếp tục, “Những yếu tố chính tạo nên kinh Tạ Ơn có thể phân ra như sau:

a) Việc tạ ơn (đặc biệt được nêu rõ trong lời tiền tụng) khi Linh mục nhân danh toàn thể dân thánh mà tán tụng Chúa Cha và cảm tạ Ngài về tất cả công trình cứu chuộc, hoặc về lý do nào đặc biệt, tuỳ ngày, tùy lễ, tùy mùa khác nhau.

b) Việc tung hô: toàn thể cộng đoàn hợp cùng các thần thánh trên trời, hát “Thánh, Thánh, Thánh”. Lời tung hô này là thành phần của chính kinh Tạ Ơn, nên cả giáo dân và Linh mục cùng hát.

c) Kinh cầu xin Chúa Thánh Thần (epiclesis): Hội Thánh đặc biệt kêu cầu Chúa Thánh Thần dùng quyền năng để hiến thánh các lễ phẩm do loài người dâng tiến, nghĩa là làm cho trở thành Mình và Máu Ðức Kitô, và để của lễ tinh tuyền được rước lấy trong khi hiệp lễ, đem lại ơn cứu độ cho những ai lãnh nhận.

d) Phần tường thuật việc lập bí tích Thánh thể và phần hiến thánh: hy lễ được thực hiện nhờ lời nói và việc làm của Ðức Kitô, hy lễ do chính Ðức Kitô đã thiết lập trong bữa tối sau hết, khi dâng tiến Mình và Máu Người dưới hình bánh và hình rượu, khi ban cho các Tông Ðồ để ăn và uống, và khi truyền cho các ngài phải làm cho mầu nhiệm này tồn tại mãi.

e) Tưởng niệm (anamnesis): nhờ việc tưởng niệm, khi thi hành mệnh lệnh đã lãnh nhận từ Ðức Kitô qua các Tông Ðồ, Hội Thánh tưởng niệm chính Ðức Kitô, nhất là nhắc lại cuộc khổ hình hồng phúc, sự sống lại vinh hiển và lên trời của Người.

f) Dâng tiến: nhờ việc dâng tiến trong chính cuộc tưởng niệm này, Hội Thánh, và nhất là Hội Thánh tập họp tại đây và trong lúc này, dâng của lễ tinh tuyền lên Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần. Hội Thánh có ý cho các tín hữu không những dâng của lễ tinh tuyền, mà còn học cho biết dâng chính mình, và, nhờ Ðức Kitô làm môi giới, mỗi ngày một hiệp nhất hơn với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa là mọi sự trong mọi người.

g) Chuyển cầu: các lời chuyển cầu cho thấy hy lễ Tạ Ơn được cử hành trong sự hiệp thông với toàn thể Hội Thánh, cả thiên quốc lẫn trần gian, và cho thấy lễ phẩm được dâng tiến đểcầu cho chính Hội Thánh và mọi chi thể, còn sống cũng như đã qua đời, là những chi thể đã được kêu mời thông phần ơn cứu chuộc và ơn cứu độ do Mình và Máu Ðức Kitô đem lại.

h) Vinh tụng ca kết thúc kinh Tạ Ơn: đây là lời chúc vinh Thiên Chúa, được giáo dân tán đồng và kết thúc bằng lời tung hô “Amen” (QCSL, 79; nhấn mạnh thêm).

Trong những tuần tới, chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn về Kinh nguyện Thánh Thể và các phần riêng của Kinh nguyện này. Có ai thắc mắc còn bao lâu nữa mới đến phần Hiệp Thông Thánh (rước Lễ)? Sự chờ đợi chắc chắn sẽ đáng giá!

Câu hỏi để Suy Niệm:

  1. Lần sau khi bạn tham dự Thánh lễ, hãy xem liệu bạn có thể xác định được các yếu tố khác nhau của Kinh nguyện Thánh Thể hay không. Ngay cả khi bạn không nhận thấy tất cả tám yếu tố được mô tả trong Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, hãy tận dụng cơ hội để lắng nghe kỹ những yếu tố bạn nghe thấy.
  2. Hãy cân nhắc việc đưa cấu trúc của các phần của Kinh nguyện Thánh Thể vào thời gian suy niệm hoặc chiêm niệm của riêng bạn. Chẳng hạn, hãy dành thì giờ để tạ ơn Thiên Chúa, ca ngợi Ngài, cầu xin Ngài tuôn đổ Thánh Thần, nhớ lại việc thiết lập Bí tích Thánh Thể và Mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô, dâng mình cho Đức Chúa Cha qua Đức Kitô, cầu nguyện cho ý chỉ riêng của mình và tôn vinh Thiên Chúa bằng một Kinh Sáng Danh để kết thúc.