Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 43 :  Kinh Tiền Tụng

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival ngày 11 tháng 10 năm 2023

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Khi tiếp tục cuộc hành trình qua Kinh nguyện Thánh Thể, chúng ta chuyển sang giáo huấn của Giáo phận Peoria: “Kinh nguyện Thánh Thể là trung tâm và tột đỉnh của toàn thể Thánh Lễ. Thánh Thể có nghĩa là tạ ơn. Kinh nguyện Thánh Thể là một cuộc cử hành tạ ơn và thánh hóa. Thánh Lễ dâng lên lời ngợi khen và thờ phượng xứng đáng đối với Thiên Chúa khi đặt trước ngai của Ngài Hy tế của Con Ngài trên Thập giá… Kinh nguyện Thánh Thể dâng lên lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, vì đó là lời cầu nguyện của Con Ngài, Chúa Giêsu. Hành động với tư cách là Đức Kitô, Linh mục, nhân danh cộng đoàn, dâng lời cầu nguyện tôn thờ và ca ngợi Chúa Cha cao cả này nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần” (“A Study of the Mass,” trang 13). Rất rõ ràng ở phía trước, chúng ta đang tạ ơn Thiên Chúa khi chúng ta tập trung quanh bàn thờ. Một phần đặc biệt của kinh nguyện tại bàn thờ đề cao sự tạ ơn được gọi là Kinh Tiền Tụng.

Một Kinh nguyện Thống nhất qua các thế kỷ

Kinh Tiền Tụng bắt đầu bằng một cuộc đối thoại quen thuộc:

Chúa ở cùng anh chị em. Và ở cùng [thần trí] Cha.

Hãy nâng tâm hồn lên. Chúng con đang hướng về Chúa.

Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta. Thật là chính đáng.

Như Edward Sri giải thích, “Cuộc đối thoại này lần đầu tiên được tường thuật trong Kinh nguyện Thánh Thể của Thánh Hippolytus (khoảng năm 215 sau Công Nguyên). Giờ đây, mười tám thế kỷ sau, chúng ta tiếp tục nói những lời tương tự, kết hợp chúng ta với các Kitô hữu của Hội Thánh thời sơ khai” (A Biblical Walk Through the Mass, trang 95). Tôi thích chia sẻ đoạn đường dài trong lịch sử này với giáo dân khi tôi vừa dâng Thánh Lễ vừa giải thích. Hãy suy nghĩ về điều này trong giây lát: một trong những tường thuật cổ xưa nhất của chúng ta về Thánh Lễ bao gồm cuộc đối thoại này. Hãy nghĩ đến tất cả các Thánh Lễ được cử hành trong suốt dòng lịch sử; hãy nghĩ đến sự hiệp nhất trong kinh nguyện với tất cả những người đã đi trước chúng ta! Là một Linh mục, tôi luôn được củng cố bởi ý nghĩ rằng một số Linh mục thời sơ khai là các vị thánh và tử đạo đã sử dụng những lời tương tự khi dâng Thánh Lễ. Thật là một lời nhắc nhở tuyệt vời về sự hợp nhất mà chúng ta chia sẻ qua Thánh Lễ!

Phần thứ nhất của cuộc đối thoại này đưa chúng ta trở lại lúc đầu của Thánh Lễ, khi cộng đoàn được chủ tế chào đón. Như Edward Sri giải thích, phần tiếp theo của cuộc đối thoại nhắc lại Ai Ca 3:41, “Hãy giơ tay và hướng lòng lên Đức Chúa, là Đấng ngự trên trời”. Tiến sĩ Sri nói, đối với chúng ta, đây là một “lời cảnh tỉnh” ở đó Linh mục “kêu gọi chúng ta dành sự quan tâm hoàn toàn nhất đến những gì sắp xảy ra”. Ông trích lời Thánh Cyprianô (+ 258 AD), chú gỉi về phần này của cuộc đối thoại: “Anh em thân mến, khi chúng ta đứng cầu nguyện, chúng ta phải tỉnh thức và tha thiết với cả tâm hồn, chăm chú vào lời cầu nguyện của mình. Hãy bỏ qua mọi suy nghĩ trần thế và xác thịt, đừng để linh hồn lúc đó suy nghĩ về bất cứ điều gì ngoại trừ đối tượng của kinh nguyện ấy” (A Biblical Walk Through the Mass, trang 96–97). Thật quá rõ ràng, lời trao đổi thứ hai trong cuộc đối thoại giúp chúng ta đổi kéo sự chú ý của chúng ta trở lại với Thiên Chúa khi chúng ta bước vào Kinh nguyện Thánh Thể.

Kinh nguyện Tạ ơn

Trong phần cuối của cuộc đối thoại, Tiến sị Sri nhắc nhở chúng ta rằng tạ ơn Thiên Chúa “là một đáp trả thông thường trong Thánh Kinh đối với lòng nhân lành của Thiên Chúa và đối với công cuộc cứu độ của Ngài trong cuộc đời chúng ta” (A Biblical Walk Through the Mass, trang 98). Như chúng ta sẽ thấy nhiều hơn ở lần sau, những lời tiếp theo trong Kinh Tiền Tụng sẽ nhắc nhở chúng ta về nhiều lý do khác nhau để tạ ơn Thiên Chúa. Trở lại với phần Dâng Lễ, chúng ta có thể nhớ lại rằng chúng ta biết ơn vì những phúc lành mà chúng ta nhận được về sinh kế và nguồn tài nguyên. Chúng ta có thể nghĩ đến sự chăm sóc của Thiên Chúa dành cho chúng ta và tất cả những gì Ngài cung cấp cho chúng ta. Như Tiến sĩ Sri đã nói rất hay: “Chúng ta cũng phải tạ ơn vì phép lạ sắp xảy ra giữa chúng ta, khi bánh và rượu trên bàn thờ sẽ được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Giêsu. Chúa và Vua của chúng ta sẽ sớm ở với chúng ta trong sự Hiện diện Thật sự của Bí tích Thánh Thể. Tâm hồn chúng ta phải tràn đầy lòng biết ơn khi thánh đường của chúng ta trở thành Nơi Cực Thánh, ở đó sự hiện diện của Thiên Chúa ngự. Thật là một đặc ân tuyệt vời cho chúng ta được đến gần! […] Có rất nhiều điều để tạ ơn vào lúc này trong Phụng vụ! Do đó, chúng ta nhìn nhận rằng lòng biết ơn là đáp trả phù hợp duy nhất đối với các mầu nhiệm sắp mở ra trước mắt chúng ta. Để đáp lại lời mời tạ ơn Chúa của Linh mục, chúng ta đáp: ‘Thật là chính đáng’” (A Biblical Walk Through the Mass, p. 99). Amen!

Câu hỏi để Suy niệm:

  1. Trong thời gian cầu nguyện của riêng bạn, dù riêng tư hay với người khác, hãy nghĩ đến việc sử dụng đối thoại của Kinh Tiền Tụng như một hướng dẫn để bắt đầu việc suy niệm của bạn theo ba giai đoạn: 1) Dành một chút thì giờ để ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa. 2) Nâng tâm hồn lên với Chúa một cách có ý thức. 3) Cảm tạ Chúa. Hãy để lời cầu nguyện của bạn tiến hành từ điểm khởi đầu này.
  2. Cha Luke, trích dẫn Edward Sri, tham khảo Ai Ca 3:41: “Hãy giơ tay và hướng lòng lên Đức Chúa, là Đấng ngự trên trời.” Như tựa đề của cuốn sách Thánh Kinh này gợi ý, câu này xuất phát từ một chương nói về sự đau khổ. Hãy nghĩ đến việc suy niệm hoặc thậm chí đọc lớn tiếng Ai Ca 3 như một cách cầu nguyện cho những người đang đau khổ vào lúc này.