Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 47 :  Nguồn Gốc của Kinh Nguyện Thánh Thể

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival ngày 7 tháng 11 năm 2023

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Nguồn gốc của Kinh nguyện Thánh Thể là gì? Chúng ta bắt đầu với những gì chính Chúa Giêsu đã nói và đã làm. Cha Guy Oury viết, “Theo Thánh Phaolô và Thánh Luca, Chúa Giêsu ‘tạ ơn’ (1 Côr 11:24; Lc 22:17). Theo Thánh Matthêu và Thánh Máccô, Người ‘dâng [một] lời chúc tụng’ (Mt. 26:26; Mc 14:22). Hai cách diễn tả đều tương đương với nhau. Chúng chỉ đến một kinh nguyện chúc tụng tạ ơn theo phong tục của người Do Thái. Nghi thức của bữa ăn Vượt Qua, có thể là nguồn gốc cho việc thiết lập và cử hành Bí tích Thánh Thể lần đầu tiên, bao gồm một kinh nguyện như vậy” (The Mass, trang 92–93). Nếu nhìn qua các sách Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu thường xuyên tạ ơn. Điều này nhắc nhở chúng ta về từ Thánh Thể, có nghĩa là tạ ơn!

Nguồn gốc Do Thái của các Kinh nguyện Thánh Thể

Như Edward Sri nhận xét, “Các học giả đã ghi nhận rằng Kinh nguyện Thánh Thể bắt nguồn từ những kinh nguyện tại bàn ăn của người Do Thái được đọc trong mỗi bữa ăn. Khi gần bắt đầu bữa ăn, người cha trong gia đình hoặc người chủ toạ cộng đồng sẽ cầm bánh và nói lời chúc tụng (barakah) ca ngợi Thiên Chúa rằng: ‘Chúc tụng Ngài, lạy Chúa, là Thiên Chúa của chúng con, là Vua vũ trụ, Đấng đã đem bánh từ trời xuống.” Sau đó, bánh được bẻ ra và đưa cho những người tham dự, và người ta bắt đầu ăn… Khi bữa ăn gần kết thúc, người chủ toạ cầu nguyện một barakah thứ hai và lâu hơn trên một ly rượu. Lời chúc tụng này có ba phần: 1) ngợi khen Thiên Chúa vì việc tạo dựng của Ngài; 2) tạ ơn về công cuộc cứu chuộc của Ngài trong quá khứ (ví dụ, ban giao ước, đất đai, Lề luật); và 3) lời cầu xin cho tương lai, rằng công cuộc cứu rỗi của Thiên Chúa sẽ tiếp tục trong cuộc sống của họ và đạt đến đỉnh cao khi sai Đấng Mêsia đến để khôi phục vương quốc của Đavít” (A Biblical Walk Through the Mass, trang 93). Cấu trúc và nội dung đó có vẻ quen thuộc phải không? Ông Sri tiếp tục nói rằng khuôn mẫu này đã được tìm thấy trong những Kinh nguyện Thánh Thể thời sơ khai và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Chúng ta cũng thấy khuôn mẫu này trong các tác phẩm của Thánh Gustinô và Thánh Hippolytô.

Những Lời Hứa với Người Do Thái được Thực Hiện trong Chúa Giêsu

Thật hợp lý khi Chúa Giêsu cầu nguyện theo kiểu mẫu của người Do Thái vào thời của Người. Điều khác biệt và điều thay đổi những lời cầu nguyện này đối với chúng ta là khi Chúa Giêsu phán: “Đây là Mình Thầy. Đây là Máu của Thầy.” Như Cha Oury tiếp tục: “Trong kinh nguyện chúc tụng của Người, và đặc biệt là lời Người nói vào đêm trước Cuộc Thương Khó để thiết lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã vượt xa những kinh nguyện chúc tụng của những kẻ đương thời với Người. Người đề cập đến nhiều điều hơn là các lợi ích của việc tạo dựng hay các phúc lành của lịch sử cứu độ trong Cựu Ước. Người tỏ ra những lời hứa đã được thực hiện nơi chính Người… Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ một cuộc tưởng niệm về Giao ước của Người. Người đã để lại cho họ một số hành động được thực hiện lâu dài: bẻ bánh và trao bánh, trao chén, cùng với những lời truyền phép” (The Mass, trang 94).

Biết thêm về nguồn gốc Do Thái có thể giúp ích rất nhiều cho chúng ta trong việc hiểu các phong tục và tài trích dẫn mà chúng ta tìm thấy trong Thánh Kinh cũng như xem có bao nhiêu lời cầu nguyện trong Thánh Lễ được hình thành. Trên hết, nguồn gốc này có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn niềm khao khát Đấng Thiên Sai và món quà tuyệt vời mà Chúa Giêsu là khi Người thực sự hiện diện với chúng ta! Khi chúng ta tiếp tục cuộc hành trình qua các phần của Thánh Lễ, những lời tạ ơn và ngợi khen sẽ tiếp tục hiện diện, cũng như những lời nhắc nhở liên tục về việc Chúa Giêsu thực sự hiện diện với chúng ta như thế nào và tại sao Thánh Lễ lại là một kinh nguyện ngợi khen độc đáo và hoàn hảo dâng lên Chúa Cha đến như thế. Thách đố trong tuần: Hãy xem bạn nhận thấy bao nhiêu lần từ “cảm ơn” hiện diện trong Thánh Lễ!

Câu Hỏi để Suy Niệm:

  1. Hãy chấp nhận thách đố của Cha Luke để đếm số lần bạn nghe thấy từ “cảm tạ” hoặc “tạ ơn” trong Thánh Lễ.
  2. Bạn có bạn bè hoặc người quen nào là người Do Thái không? Nếu mối quan hệ cho phép, hãy hỏi bạn của bạn xem họ có thực hành việc cầu nguyện trong bữa ăn hay không và họ thực hành như thế nào.