Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 48 : Lời Khẩn Cầu Thánh Thần – Epiclesis
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival ngày 15 tháng 11 năm 2023
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam
Bây giờ tiếp tục với các phần riêng của Kinh nguyện Thánh Thể, chúng ta đến một thời điểm thực sự đầy hành động: Epiclesis. “Epiclesis” là gì? Chúng ta thậm chí phát âm nó như thế nào? (Một cách phát âm phổ biến là Ê-pic-lêsis.) Cha Charles Belmonte dạy, “Trong Epiclesis, Linh mục khẩn cầu Thiên Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến để biến bánh và rượu mà chúng ta dâng lên thành Mình và Máu Đức Kitô và nhờ thế chúng ta có thể cử hành mầu nhiệm Thánh Thể và làm cho mọi hiệu quả của Bí tích tác động trong chúng ta. Đồng thời, Linh mục giơ tay, lòng bàn tay hướng xuống chén thánh và bánh thánh, và làm dấu thánh giá trên chúng. Với cử chỉ này, ngài cầu xin Thiên Chúa tuôn đổ phúc lành trên các Lễ vật được dâng lên và biến chúng thành Mình và Máu Con của Ngài” (Understanding the Mass, trang 135). Đó là rất nhiều hành động cho một vài lời nói nhanh chóng! Đây là thời điểm quan trọng vì nó cho chúng ta biết về điều sắp xảy ra: việc biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Giêsu.
Tại sao đôi khi Rung Chuông trong Epiclesis
Theo Giáo phận Peoria, “Epiclesis là lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần xuống trên các Lễ vật được dâng hiến… Chính nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng ngự xuống trên các Tông Đồ vào Lễ Ngũ Tuần, mà Linh mục, qua bàn tay của mình, dâng những Lễ vật của con người và những yếu tố trần thế sẽ được thánh hiến để trở thành những Lễ vật của Thiên Chúa và những thực tại trên trời. Thường thì chúng ta có thể nghe thấy ‘tiếng chuông thánh’ kêu gọi sự chú ý của chúng ta đến lời khẩn cầu và kêu gọi Chúa Thánh Thần này” (“A Study of the Mass,” p. 14). Đây có thể là thời điểm tốt để đề cập đến việc sử dụng chuông, tùy theo truyền thống của địa phương, bạn có thể nghe thấy một vài lúc khác nhau trong Kinh nguyện Thánh Thể, bao gồm Sanctus, Epiclesis, việc nâng Mình và Máu Chúa Giêsu lên cao sau khi Truyền phép, và sau khi Linh mục rước Lễ. Tại sao rung chuông? Có lẽ đặc biệt các học sinh của chúng ta nhận ra tầm quan trọng của chuông (hoặc các tín hiệu tương tự), giúp lôi kéo sự chú ý của chúng ta đến một thời điểm quan trọng. Đối với tôi, suốt những năm đi học, tiếng chuông giờ ăn trưa luôn là âm thanh chào đón! Tương tự như vậy, trong Kinh nguyện Thánh Thể, tiếng chuông có thể hướng sự chú ý của chúng ta đến những thời khắc quan trọng, chẳng hạn như việc quỳ gối để chuẩn bị cho Chúa Giêsu, Đấng sắp hiện diện, cầu xin Chúa Thánh Thần làm cho lễ vật bánh và rượu của chúng ta xứng đáng với Hy Lễ Thánh Lễ, nhìn lên Chúa chúng ta đang thực sự hiện diện trong sự tôn thờ được nâng cao trên bàn thờ, hoặc trong việc chuẩn bị gần để rước Lễ của chúng ta. Mặc dù một số người có thể lưu ý rằng tiếng chuông là một truyền thống từ xa xưa khi mọi người thường không biết ngôn ngữ của những kinh nguyện, nhưng với sự thành thật khiêm tốn, nhiều người trong chúng ta phải thú nhận rằng chúng ta vẫn thường cần một lời kêu gọi chú ý để không bỏ lỡ những giây phút quan trọng này.
Một Kinh Nguyện Cầu Xin Sự Trợ Giúp của Chúa Thánh Thần
Mặc dù chúng ta thường nghĩ về Epiclesis như việc cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống để chuẩn bị biến các Lễ vật thành Thánh Thể Cực Trọng, như thường thấy trong các kinh nguyện trong Thánh Lễ, thậm chí còn có nhiều điều hơn thế. Cha Guy Oury giải thích: “Dấu chỉ của sự nhìn nhận và chấp nhận của Thiên Chúa sẽ là sự kết hợp hiệu quả với Hy lễ… Nhưng có thể có nhiều lý do cho lời cầu nguyện này. Có thể là cầu xin Chúa chấp nhận Hy lễ. Cũng có thể là xin thông phần cách hiệu quả vào Hy lễ qua việc rước Lễ (Hiệp Thông Thánh). Hoặc có thể là xin Thánh Hiến” (The Mass, trang 100). Điểm mấu chốt là chúng ta biết mình cần sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần! Để trung thành cử hành Thánh Lễ, trung thành rước Lễ và sống trung thành: để thực hiện tất cả những hành vi này, chúng ta cần Chúa Thánh Thần.
Vì vậy, lần tới khi bạn nghe tiếng chuông ấy hoặc nhìn thấy Linh mục đặt tay trên Lễ vật, hãy nhớ rằng chúng ta đang cầu xin Chúa Thánh Thần thánh hóa các Lễ vật và tâm hồn của mỗi người chúng ta!
Câu Hỏi để Suy Niệm:
- Để chuẩn bị cho Thánh Lễ lần tới, hãy cầu xin Chúa Thánh Thần giúp bạn tham dự phụng vụ một cách hiệu quả.
- Trong thời gian đọc kinh Epiclesis, hãy kết hợp tâm hồn bạn với ý của lời cầu nguyện này bằng cách cầu xin Thiên Chúa chấp nhận Hy lễ, sự thông phần hiệu quả của chúng ta vào Hy lễ và sự hoàn thành viêc Truyền Phép.