Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 4A : Ý nghĩa của cuộc Rước Nhập Lễ

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Bài này không có trong loạt bài Do this in Memory of Me của Của Cha LUKE SPANNAGEL trên Eucharistic Revival. Được viết để đi kèm với loạt bài Ba Phút về Thánh Lễ và bộ Videos Các Kỳ Quan của Bí Tích Thánh Thể của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tại Hoa Kỳ (VEYM.net). Muốn xem loạt bài này bằng Tiếng Việt, xin vào https://phuchungthanhthe.org/haylamviecnay/

Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của cuộc rước ở đầu Thánh Lễ. Thông thường thì trong cuộc rước này các Linh mục và và các thừa tác viên đi từ cuối nhà thờ lên cung thánh trong khi ca đoàn hát Ca Nhập Lễ. Đôi khi trong các lễ ngày thường, đoàn rước chỉ đi từ phòng áo lên cung thánh. Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma viết:

– Khi giáo dân đã tập hợp, vị tư tế và các thừa tác viên mặc phẩm phục tiến tới bàn thờ theo thứ tự sau đây: [a] Người mang bình hương có đốt hương sẵn, nếu có xông hương; [b]Các thừa tác viên cầm nến và thầy giúp lễ hay một thừa tác viên khác cầm thánh giá đi giữa họ; [c] Các thầy giúp lễ và các thừa tác viên khác; [d] Thầy đọc sách, thầy này có thể mang sách Tin Mừng, chứ không phải sách Bài đọc, nâng cao lên một chút; [e] Vị chủ tế,  nếu có xông hương, linh mục sẽ bỏ hương trước khi đi rước, chúc lành bằng dấu thánh giá, mà không nói chi hết (QCSL 120).

– Hai tay nâng sách Tin Mừng, thầy phó tế đi trước vị tư tế mà tiến đến bàn thờ; nếu không có cầm sách thì thầy đi bên cạnh chủ tế (QCSL 172).

Đây là một giây phút thiêng liêng sâu xa để nhắc nhở rằng chúng ta cũng đang đi theo đoàn rước từ cánh cửa nhà thờ tượng trưng cho thế gian và bước vào cung thánh là cùng đích Thiên Đàng. Tất cả chúng ta đều là khách lữ hành trên đường về Quê Thiên Đàng và Thánh Lễ hướng dẫn cùng ban lương thực cho chúng ta dọc theo cuộc hành trình này.

Cuộc Rước Nhắc Lại Cuộc Lữ Hành về Đất Hứa của Dân Chúa trong Cựu Ước

Như Dân Do Thái trong Cựu Ước, sau khi được Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập bằng cách đưa họ vượt qua Biển Đỏ, Ngài đã đưa họ về Miền Đất Hứa, chúng ta cũng được giải thoát khỏi ách nô lệ ma quỷ và tội lỗi qua giếng Rửa Tội để được đưa về Miền Đất Hứa Mới là Quê Thiên Đàng.

Trong suốt 40 năm nơi hoang địa, Thiên Chúa đã hướng dẫn dân Do Thái và bảo vệ họ bằng cột mây ban ngày và và cột lửa ban đêm. Ngài đã dạy họ bằng Lời của Ngài qua ông Môsê và Lề Luật. Ngài đã nuôi họ bằng thịt chim cút và bánh bởi trời là manna. Khi họ khát, Ngài đã cho họ nước vọt ra từ Đá Tảng. Khi họ bị rắn độc cắn, Ngài đã truyền cho ông Môsê đúc con rắn đồng treo lên cây để bất cứ ai nhìn lên đó đều được cứu thoát. Hơn nữa, Ngài còn luôn đến Nhà Tạm để ở với họ và đồng hành với họ trong suốt cuộc hành trình.

Tất cả những điều trên đều tiền trưng cho Bi Tích Thánh Thể và được nhắc lại trong cuộc rước đầu Lễ. Trong Cuộc Rước này, Thánh Giá làm chúng ta liên tưởng đến con rắn đồng, hai cây nến nhắc đến cột mây và cột lửa, Sách Tin Mừng nhắc đến Lề Luật và Linh mục đóng vai trò ông Môsê.

Cuộc Rước Tượng Trưng cho Cuộc Lữ Hành Dương Thế của Chúng Ta

Ngày nay Chúa Giêsu cũng đang đồng hành với chúng ta trên đường về Quê Trời qua Bí tích Thánh Thể như Người đã đồng hành với các môn đệ từ Galiliê đến Núi Sọ.

Cuộc rước ở đầu Thánh Lễ nhắc nhở cho chúng ta về cuộc hành trình này.

Trong cuộc rước này, chúng ta thấy dẫn đầu là một một người giúp Lễ cầm Thánh Giá, theo sau là hai người giúp Lễ khác cầm nến cao.  Như con rắn đồng trong Cựu Ước tiền trưng cho Đức Kitô đang bị treo trên Thánh Giá, thì cây Thánh Giá trong cuộc rước này tượng trưng cho Đức Kitô, Đấng dẫn đầu chúng ta trên đường về quê Trời. Cuộc rước nhắc nhở chúng ta rằng Đức Kitô bị treo trên Thánh Giá để cứu chúng ta khỏi nọc độc của ma quỷ. Cái chết này của Người sẽ được hiện tại hoá cho chúng ta trong Thánh Lễ mà chúng ta sắp tham dự. Nếu chúng ta nhìn lên Người với lòng tín thác và vâng phục, chúng ta cũng sẽ được cứu rỗi.  Cột mây dẫn đưa dân Do Thái ban ngày và và cột lửa dẫn đưa họ ban đêm cũng tiền trưng cho Đức Kitô là sự che chở và dẫn dắt chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Trong những lúc chúng ta tỉnh thức, Người ở sau lưng chúng ta mà che chở chúng ta. Trong những khi chúng ta gặp khó khăn, thử thách, Người ở đằng trước mà dẫn đường cho chúng ta. Thánh Giá và nến cao nhắc cho chúng ta rằng Chúa Giêsu chính là Đường của chúng ta. Vì thế lúc này chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn để đi theo Chúa Giêsu trong Thánh Lễ.

Tiếp theo là một người hay một phó tế cầm sách Tin Mừng. Như ngày xưa trong Cựu Ước, Thiên Chúa luôn ban Lời của Ngài cho Dân Do Thái qua miệng ông Môsê và sách Lề Luật, thì ngày nay Thiên Chúa cũng ban Lời Ngài cho chúng ta qua Thánh Kinh và Thánh Truyền. Đặc biệt là trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu ban chính Lời của Người qua sách Tin Mừng và lời giảng dạy của Linh mục khi ngài giảng trong ngôi vị là Đức Kitô.  Lời này hướng dẫn chúng ta trên đường về Thiên Đàng. Như thế cuộc rước nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu là Sự Thật của chúng ta. Và chúng ta phải lắng nghe Lời Người phán dạy qua các bài Sách Thánh và lời giảng dạy của Linh Mục trong phần Phụng Vụ Lời Chúa.

Cuối cuộc rước là Linh Mục hay Giám mục Chủ Tế. Trong Thánh Lễ, Linh Mục không còn là Linh mục nữa mà là Chính Đức Kitô vì ngài được truyền chức để hành động trong ngôi vị của Đức Kitô. Giống như Đức Kitô, trong Thánh Lễ, Linh mục là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài đại diện cho Hội Thánh để dâng Lể Vật tinh tuyền là chính Đức Kitô lên Chúa Cha. Ngài giảng dạy và truyền phép trong cương vị Đức Kitô để nuôi dưỡng chúng ta bằng bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Cuộc rước nhắc nhở chúng ta rằng Đức Kitô chính là Sự Sống của chúng ta trên đường về Quê Trời. Và Sự Sống này sắp được trao ban cho chúng ta trong Thánh Lễ.

Đức Kitô được Tượng Trưng trong Suốt Cuộc Rước

Bạn thấy cuộc rước từ cuối nhà thờ lên cung thánh qua giếng Rửa Tội nhắc lại cho chúng ta rằng chúng ta đã từ bỏ thế gian khi qua giếng Rửa Tội, như dân Do Thái ngày xưa từ bỏ Ai Cập qua Biển Đỏ để về Đất Hứa là quê Trời, được tượng trưng bằng cung thánh. Đức Kitô được tượng trưng trong suốt cuộc rước này. Người là Đường dẫn đầu chúng ta như Thánh Giá nến cao. Người là Sự Thật hướng dẫn chúng ta như Sách Tin Mừng. Người là Sự Sống, đồng hành và nuôi dưỡng chúng ta trên cuộc lữ hành về quê Trời bằng Lời Hằng Sống và Bánh Trường Sinh qua Linh mục hành động trong cương vị là Đức Kitô.

Câu Hỏi để Suy Nghĩ:

  1. Trong Thánh Lễ, Thánh Giá và nến cao nhắc nhở cho chúng ta rằng Đức Kitô là Đường của chúng ta. Lần sau khi tham dự Thánh Lễ bạn sẽ nói gì với Chúa khi nhìn vào Thánh Giá nến cao?
  2. Trong Thánh Lễ, Sách Tin Mừng tượng trưng cho Đức Kitô là Sự Thật của chúng ta. Lần sau khi dự Thánh Lễ bạn sẽ chuẩn bị tâm hồn để lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành như thế nào?
  3. Trong Thánh Lễ, Linh mục hành động trong cương vị là Đức Kitô. Ngài đại diện cho Hội Thánh dâng Của Lễ Tinh Tuyền lên Chúa Cha. Của lễ mà bạn sẽ nhờ Linh mục dâng lên Chúa Cha cùng với Chúa Giêsu mỗi khi tham dự Thánh Lễ là gì? Bạn chuẩn bị chúng ra sao?