Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy – Bài 5 : Hôn Bàn Thờ

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 14 tháng 12 năm 2022.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam trong [. . .]

Tại sao Cha lại hôn bàn thờ?

Bạn có để ý rằng, trong ca nhập lễ hoặc điệp ca, chủ tế đến gần và hôn bàn thờ không? Tại sao ngài lại làm điều đó? Như Cha Charles Belmonte giải thích trong sách của ngài, Tìm Hiểu về Thánh Lễ: “Như một dấu chỉ tôn kính, linh mục và phó tế (nếu hiện diện) hôn bàn thờ… Bàn thờ tượng trưng cho trung tâm của Hội Thánh. Đó là bàn tiệc của Chúa và là trung tâm của hành động Thánh Thể. Nó luôn được coi là biểu tượng của Đức Kitô. Đó là lý do tại sao chúng ta phủ bàn thờ bằng một tấm khăn, vì lòng tôn kính để cử hành việc tưởng niệm hy tế của Chúa” (Understanding the Mass, tr. 49).

Ý Nghĩa của Bàn Thờ Công Giáo là gì?

Theo Tự điển Bách khoa Công giáo, “bàn thờ” bắt nguồn từ tiếng Hípri có nghĩa là “nơi hy sinh” (Bách khoa Công giáo, tr. 31). Có lẽ điều này làm cho chúng ta nhớ đến nhiều bàn thờ được dựng lên trong suốt Cựu Ước để dâng của lễ lên Thiên Chúa. Bàn thờ được dựng lên ở những nơi đặc biệt mà dân chúng gặp gỡ Thiên Chúa, rồi trở thành các nơi cầu nguyện. Bối cảnh này dẫn chúng ta đến các bàn thờ hiện tại trong các nhà thờ của chúng ta, nơi cử hành Hy tế Thánh Lễ và chúng ta gặp gỡ Đức Kitô hiện diện thật trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta gọi Thánh Lễ là hy tế vì chúng ta được Thiên Chúa ban cho cơ hội thông phần vào Hy tế hoàn hảo duy nhất của Chúa Giêsu trên Thập giá. Chúa Giêsu Kitô—Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính—hiện diện trong Kinh Nguyện Thánh Thể trong Thánh Lễ. Chúa Giêsu Kitô, chính là Thiên Chúa, hiện diện ở đó với chúng ta! Không lạ gì khi chúng ta dành cho bàn thờ một vinh dự đặc biệt như nơi chúng ta gặp gỡ Đức Kitô ngự giữa chúng ta!

Hơn cả một cử chỉ đơn giản

Như Cha Belmonte tiếp tục, “Hôn bàn thờ là hôn Đức Kitô. Vì vậy, có thể hiểu rằng chúng ta muốn nụ hôn của chủ tế này là nụ hôn của chúng ta. Nó gợi lại trong ký ức chúng ta nhiều nụ hôn của người phụ nữ tội lỗi trong nhà người Pharisêu. Cô không thể ngừng hôn chân Đức Kitô, rửa chúng bằng nước mắt của mình. Cô đã được tha nhiều vì đã yêu nhiều (Lc 7:38). Và chúng ta cũng có quá nhiều lỗi lầm cần được tha thứ! Giờ đây, bằng nụ hôn này, vị Linh mục cũng biểu thị sự kết hợp của Phu quân (Đức Kitô) với Hiền thê của Người (Hội Thánh)… Điều mà vị linh mục sắp bắt đầu hoàn thành ở đây không gì khác hơn là tạo ra sự kết hợp của Hội Thánh với Thầy của mình, của linh hồn với Đấng Cứu Chuộc của nó” (Understanding The Mass, tr. 49). Như bạn có thể nhận ra, hôn bàn thờ không chỉ là một cử chỉ đơn giản!

Hài cốt của những người đã đi trước chúng ta

Với sự trang nghiêm của bàn thờ, nó đáng được xây dựng một cách đặc biệt. “Theo tập tục cổ truyền của Hội Thánh và theo ý nghĩa, mặt bàn thờ cố định phải làm bằng đá, và là đá tự nhiên. Tại các Giáo phận của Hoa Kỳ, có thể sử dụng loại gỗ quý, chắc chắn và được chế tác tinh xảo, miễn là bàn thờ không thể di chuyển về cấu trúc” (QCSL, số 301). Bàn thờ thường cũng có một viên đá đặt đặc biệt chứa hài cốt của một vị thánh. Hài cốt thường là một mảnh xương nhỏ của một trong những vị tử vì đạo hoặc có lẽ là một vị thánh quan thầy hoặc được kính nhớ cho một ngôi thánh đường riêng biệt. Truyền thống về hài cốt có thể bắt nguồn từ những thế kỷ đầu tiên của các Thánh Lễ được cử hành tại nơi chôn cất các vị tử đạo hoặc trong các hang toại đạo.

Đối với tôi, là một linh mục, tôi thường nghĩ về vị thánh nơi bàn thờ và về cuộc đời cùng lòng trung thành của ngài với Đức Kitô. Tôi nghĩ về cách mà việc làm chứng cho đức tin giúp củng cố chúng ta bây giờ. Tôi nhớ rằng sự chuyển cầu của các thánh giúp chúng ta trong thời đại này. Khi cử hành Thánh Lễ cách này, có một mối liên hệ đặc biệt giữa Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô và cách Thánh Thể thêm sức mạnh cho vị thánh cụ thể ấy—ít nhất là, một lời nhắc nhở tuyệt vời về cách Thánh Thể thêm sức mạnh cho chúng ta để sống thánh thiện và trung thành trong Đức Kitô !

Câu Hỏi để Suy Nghĩ:

  1. Hãy cầu nguyện với trình thuật người phụ nữ hôn chân Chúa Giêsu trong Lc. 7:36-50. Hãy suy niệm về tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa trong đời sống của chính bạn, và xét xem bạn có thể bày tỏ tình yêu biết ơn của mình qua việc tôn kính Mình Thánh Đức Kitô như thế nào.
  2. Hãy biến ước muốn của tác giả Thánh Vịnh thành ước muốn của bạn: “Con sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa, tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con.” (Tv 43:4). Lần sau khi bạn tham dự Thánh Lễ, hãy chú ý đến việc hôn bàn thờ và kết hợp chính mình bạn cách tinh thần với cử chỉ tôn kính yêu thương này dành cho Thiên Chúa, là niềm vui và hoan lạc của chúng ta.