Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 50 : Sự Biến Thể

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival ngày 6 tháng 12 năm 2023

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Tôi thường nghe người ta hỏi tại sao, đối với rất nhiều Linh mục, Truyền phép là giây phút yêu thích nhất của các ngài trong Thánh Lễ. Chính xác thì việc Truyền phép “làm việc” như thế nào?

Cám ơn vi đa hỏi! Cách đây vài năm, tôi đã một mình đảm nhận một nhiệm vụ lớn và phải vật lộn với một số vấn đề về sức khỏe. Tôi đã làm việc nhiều ngày để cố gắng đáp ứng tất cả các nhu cầu, nhưng tôi thường xuyên cảm thấy mình thiếu sót. Vào khoảng thời gian đó, tôi nhận được một lời thú nhận tuyệt vời từ một trong những Linh mục khôn ngoan của chúng ta, ngài đã nhắc nhở tôi rằng phần tốt nhất và quan trọng nhất trong ngày của tôi luôn là điều xảy ra ở bàn thờ. Ngài nói rằng tôi có thể kết thúc một ngày với những dự án còn dang dở và những sứ điệp chưa được trả lời, nhưng nếu tôi trung thành cầu nguyện Thánh Lễ tại bàn thờ thì đó sẽ là một ngày trọng đại. Thật là những lời an ủi tuyệt vời!

Vào lúc Truyền phép và nâng Mình Máu Thánh lên sau đó, tôi luôn được cam đoan rằng tôi đang ở đúng nơi tôi phải ở: tôi đang đáp lại lời mời gọi mà Thiên Chúa ban cho tôi để phục vụ như một Linh mục. Như tất cả chúng ta, tôi chưa phải là một người hoàn toàn và có những ngày tôi cảm thấy cần phải tiến bộ hơn nữa. Tuy nhiên, trong giây phút đó của Thánh Lễ, tôi luôn được an ủi và củng cố, hạ mình và được bồi dưỡng. Bởi vì tôi có thể là người cầu toàn nên không phải lúc nào tôi cũng nhận được lời khen; Bởi vì tôi có đầu óc bén nhạy nên tôi thường nghĩ đến những vấn đề cần giải quyết và những việc cần phải làm. Nhưng giây phút ấy của Thánh Lễ là giây phút ngơi và bình an thực sự. Nếu bạn giống như tôi và thường có tâm trí bận rộn, tôi mời bạn trong giây phút đặc biệt ấy của Thánh Lễ, hãy tận hưởng sự yên nghỉ trong bình an của Người. Hãy nhắc nhở chính mình rằng không có nơi nào tốt để ở trong giây phút đó hơn là kết hợp với Chúa Giêsu thật sự hiện diện trên bàn thờ.

Việc Truyền phép Ảnh hưởng đến Sự Biến Thể như thế nào

Chính xác thì việc Truyền phép hoạt động như thế nào? Hãy mở lại Sách Giáo lý của chúng ta để học được một số sự khôn ngoan hữu ích. “Trong Bí tích này, Đức Kitô hiện diện nhờ sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Đức Kitô. Các Giáo phụ mạnh mẽ khẳng định đức tin của Hội Thánh vào hiệu lực của lời Đức Kitô và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần trong việc thực hiện sự biến đổi này. Thánh Gioan Kim Khẩu tuyên bố: “Không phải người ta, nhưng chính Đức Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh vì chúng ta, làm cho các lễ vật trở thành Mình và Máu Đức Kitô. Vị tư tế, hình ảnh của Đức Kitô, đọc các lời này, nhưng hiệu quả và ân sủng là do Thiên Chúa. Ngài đọc ‘Này là Mình Thầy’. Lời này biến đổi các lễ vật” (GLCG, 1375). Sách Giáo lý cho chúng ta biết rằng lời Chúa Giêsu là điều biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Người.

Sách Giáo lý tiếp tục: “Công đồng Triđentinô đã tóm tắt đức tin công giáo bằng lời tuyên bố: “Vì Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, đã phán dạy: Điều Người dâng lên dưới hình bánh, đích thực là Thân Mình Người, nên Hội Thánh luôn luôn xác tín như vậy, và thánh Công đồng này một lần nữa tuyên bố: Nhờ lời thánh hiến bánh và rượu đã diễn ra sự biến đổi trọn vẹn bản thể bánh thành bản thể Mình Thánh Đức Kitô, Chúa chúng ta, và biến đổi trọn vẹn bản thể rượu thành bản thể Máu Thánh Người; Hội Thánh công giáo gọi việc biến đổi này một cách thích hợp và chính xác là sự biến đổi bản thể (transsubstantiatio)’” (GLCG, 1376). Đối với nhiều người trong chúng ta, sự biến thể có thể là một từ vĩ đại và đáng sợ. Lý do chúng ta sử dụng những từ như thế này là vì chúng giúp chúng ta mô tả chính xác những gì chúng ta tin là đúng. Việc biến thể giúp chúng ta biết rằng “nó là gì” là những gì biến đổi trong Thánh Lễ. Như chúng tôi đã nói trước đây về lễ vật, trước khi Truyền phép chúng chỉ đơn thuần là bánh và rượu. Những lời này của Chúa Giêsu biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Người. Mặc dù hình dáng bên ngoài vẫn còn nguyên, chúng ta tin rằng toàn thể Đức Kitô hiện diện trong Bánh Thánh và Chén Thánh đã được Truyền phép. Như Sách Giáo Lý của chúng ta dạy, lý do chúng ta tin rằng Chúa Giêsu hiện diện là vì Chúa Giêsu đã nói điều đó. Chúng ta tin Người khi Người nói: “Đây là Mình Thầy”. Chúng ta tin Người khi Người nói “Đây là Máu Thầy”. Chúng ta tin rằng Thánh Thể thật sự là Chúa Giêsu. Cũng chính Chúa Giêsu đã sinh ra ở Bêlem, cũng chính Chúa Giêsu đã hiến mình trên Thập giá – Chúa Giêsu thật sự ở cùng chúng ta!

Nhìn bằng con mắt đức tin

Một số người có thể nói, “Nhưng thưa cha, bánh thánh “nhìn” vẫn như thế!” Thánh Cyrillô thành Giêrusalem (314–386) dạy rằng: “Đừng nghĩ đây chỉ là bánh và rượu thường. Chúng là Mình và Máu Đức Kitô, như Chúa đã khẳng định. Đức tin phải thuyết phục bạn về điều sau mặc dù các giác quan của bạn gợi ý cho bạn về điều trước. Đừng phán đoán điều này theo sở thích của bạn, nhưng dựa trên đức tin của bạn, hãy tin tưởng một cách vững vàng và chắc chắn rằng bạn đã được làm cho trở nên xứng đáng với Mình và Máu Đức Kitô” (Understanding the Mass, trang 140–141). Nếu đức tin của bạn cảm thấy không chắc chắn, hãy cầu xin Chúa giúp bạn nhìn bằng con mắt đức tin rằng Người thực sự ở đó. Hãy để cho việc bái gối và tôn kính từ thân xác bạn giúp nhắc nhở tâm trí bạn về điều chúng ta tin là đúng. Hãy để khuôn mẫu đức tin của các thánh và các vị tử vì đạo gợi hứng cho bạn. Hãy để tâm hồn chúng ta tràn ngập niềm vui sau khi Truyền phép, và chúng ta hãy vui mừng khi nhớ lại rằng Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích. Chúng ta hãy vui mừng reo lên những lời của Thánh Gioan: “Chúa đó!” (Gioan 21:7).

Câu hỏi để Suy nghĩ:

  1. Hãy học giáo huấn của Hội Thánh về sự hiện diện của Đức Kitô “dưới hình dạng Thánh Thể” trong Sách Giáo lý, các đoạn 1373–1381, hoặc thậm chí toàn thể phần về Bí tích Thánh Thể (1322–1419). Hãy cân nhắc việc mời những người khác tham gia cùng bạn trong việc học hỏi này để củng cố đức tin của bạn vào Bí tích Thánh Thể và việc tham dự Thánh Lễ. [Nếu bạn biết tiếng Anh] hãy nghĩ đến việc việc nghe các bài 180–194 trong loạt bài Giáo lý trong một năm của Cha Mike Schmitz, là loạt bài đưa người nghe vào cuộc hành trình đi vào mầu nhiệm Thánh Thể.
  2. Mang theo lời của Thánh Gioan: “Chúa đó!” (Ga 21:7), trong tâm hồn bạn đến Thánh Lễ để tìm kiếm và tìm thấy sự hiện diện của Đức Kitô trong lúc Truyền phép.

Bài Sau