Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 51 : Tường Thuật Thiết Lập Bí tích Thánh Thể

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival ngày 13 tháng 12 năm 2023

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Tường thuật Thiết lập Bí tích Thánh Thể là gì? Nói một cách đơn giản, Tường thuật thiết lập Bí tích Thánh Thể là những lời của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly mà chúng ta nghe trong Thánh Lễ. Đây là những lời của Thánh Lễ mô tả những gì Chúa Giêsu đã làm và những gì Người đã nói, bao gồm cả những lời Truyền phép, là những lời ban Mình và Máu Chúa cho chúng ta để có Bí tích Thánh Thể. Khi chúng ta nghe từ “Thiết lập” trong bối cảnh này, chúng ta nói về việc Thiết lập Bí tích Thánh Thể.

Một Tường thuật từ nhiều Văn bản

Cha Guy Oury dạy: “Câu chuyện về việc thiết lập Bí tích Thánh Thể được kể lại bằng hai cách khác nhau trong tường thuật Tin Mừng. Theo truyền thống của Thánh Phaolô, mà Thánh Luca dựa vào, thì Chúa sau mỗi lần thánh hiến đã truyền cho các môn đệ làm điều Người đã làm để tưởng nhớ đến Người: ‘Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy’ (Lc 22:19). ‘Mỗi khi uống, các con hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy’ (1 Côrintô 11:25). Thánh Mátthêu mở đầu mỗi cuộc truyền phép bằng lời mời gọi ăn bánh và rượu: ‘Hãy cầm lấy mà ăn’… ‘Tất cả các con hãy uống này’ (Mt 26:26tt).” Cha Oury tiếp tục, “Thánh Phaolô và Thánh Luca nói về ‘chén giao ước mới trong máu Thầy’. Thánh Mátthêu diễn tả trực tiếp và đột ngột hơn: ‘Đây là Máu Thầy, máu giao ước [mới] sẽ đổ ra vì nhiều người được tha tội’… Như đã được tường thuật trong Thánh Mátthêu, những lời truyền phép chứa đựng điều tương đương với một giáo lý trọn vẹn về việc cử hành Thánh Lễ. Quả thực, các lời ấy nói rằng cái chết của Chúa Giêsu có đặc tính của một Hy lễ đền tội được hiến dâng vì tội lỗi thế gian. Hơn nữa, chúng còn nói rằng Bí tích Thánh Thể ban cho chúng ta Mình thật và Máu thật của Đức Kitô chịu đóng đinh làm lương thực, và qua chính việc ăn thịt của Hy lễ một cách bí tích, nó cũng cho chúng ta thông phần vào Hy lễ của chính Đức Kitô – điều này theo ý muốn của Chúa đã được đích thân bày tỏ…” Thật thú vị, “Không có một Phụng vụ nào tuân thủ cách nghiêm ngặt một trong bốn công thức của Thánh Kinh mà loại trừ ba công thức kia. Mọi trình thuật phụng vụ về việc Truyền phép đều được thực hiện bằng cách vay mượn từ nhiều văn bản” (The Mass, trang 91–92).

Một Hình Ảnh Đầy đủ hơn về Bữa Tiệc Ly

Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu và các môn đệ dùng bữa theo nghi thức. Bữa ăn này có một trình tự các sự kiện và diễn tiến mà các môn đệ có lẽ đã quen thuộc. Những gì chúng ta nhận ra bây giờ trong Thánh Lễ phản ảnh những phần của bữa ăn mà Chúa Giêsu đã thay đổi một cách đáng kể. Những thay đổi đó ngày nay chúng ta thấy ở trung tâm của Thánh Lễ, khi linh mục làm trong cương vị là con người của Đức Kitô. Những lời nói và hành động trọng tâm của Thánh Lễ này là những lời nói và hành động đích thực của Chúa Giêsu, những lời nói và hành động mà qua đó Chúa Giêsu biến đổi bánh và rượu thành Thánh Thể, Mình và Máu thật của Người.

Tóm lại từ những điều nói ở trên, nếu chúng ta gồm bốn Tin Mừng lại với nhau (hoặc, trong trường hợp này là các Tin Mừng cộng với các tác phẩm của Thánh Phaolô), chúng ta sẽ có được một hình ảnh đầy đủ hơn về Chúa Giêsu và cuộc đời, lời nói và sứ vụ của Người. Hội Thánh thời sơ khai biết rằng chúng ta không được bỏ sót bất cứ điều gì và biết cách tốt nhất để đưa ra “bức tranh tổng thể” là sử dụng tất cả các sách Tin Mừng và sách Thánh Kinh được linh hứng. Chắc chắn chúng ta được hưởng lợi ích từ đức tin và sự khôn ngoan của những người đi trước chúng ta! Trong Thánh Kinh, chúng ta có bốn tường thuật hơi khác nhau về lời nói và hành động trong Bữa Tiệc Ly. Như chúng tôi đã nói trước đây khi suy niệm về các sách Tin Mừng, chúng ta có bốn sách Tin Mừng khác nhau bởi vì mỗi tác giả đều có những độc giả cụ thể mà các ngài nhắm đến. Một số điều lẽ ra đã được các độc giả của các ngài biết đến một cách rộng rãi nên không cần phải viết ra. Thí dụ, Thánh Matthêu không cần phải nói về những bữa ăn, hy lễ và những tập tục của người Do Thái bởi vì ngài viết cho độc giả Do Thái, là những người đã biết tất cả những điều ấy. Mặt khác, Thánh Luca và Thánh Phaolô nói về phong tục nhiều hơn, vì các ngài chủ yếu viết cho những người không phải Do Thái. Khi nói đến Bí tích Thánh Thể, điều thiết yếu và điều được tìm thấy trong mỗi trình thuật là Chúa Giêsu, bằng lời nói, biến bánh và rượu thành Mình và Máu Người, ban Sự Hiệp Thông cho các môn đệ và yêu cầu các ngài tiếp tục cử hành Bí tích Thánh Thể. Đó chính xác là những gì chúng ta làm trong mỗi Thánh Lễ!

Câu hỏi để Suy nghĩ:

  1. Trước khi tham dự Thánh Lễ, hãy dành thì giờ đọc từng Tường thuật về việc Thiết lập Bí tích Thánh Thể trong các Tin Mừng Mátthêu, Márcô, Luca và 1 Côrintô. Hãy chuẩn bị tâm trí để chú ý đến những lời bạn sẽ nghe lại trong Phụng vụ Thánh Thể.
  2. Trong cầu nguyện, hãy suy niệm và tạ ơn về những nghi lễ tôn giáo, văn hóa và gia đình vốn là một phần trong cuộc sống của bạn. Hãy tìm cách củng cố những nghi lễ này và hướng chúng về Chúa.