Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 58 : Nghi thức Hiệp Lễ

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 7 tháng 2 năm 2024

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Gần đến lúc Hiệp Thông Thánh (Rước Lễ) rồi! Sau khi đi qua Kinh nguyện Thánh Thể và cùng nhau đáp lại một cách hùng hồn bằng Đại Amen, giờ đây chúng ta chuẩn bị những điều cuối cùng trước giây phút Hiệp Thông Thánh. Phần tiếp theo của Thánh Lễ được gọi là Nghi thức Hiệp Lễ. Những phần đặc biệt của thời điểm này trong Thánh Lễ bao gồm:

  • Kinh nguyện của Chúa
  • Chúc Bình An
  • Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei) và Bẻ Bánh
  • Việc bỏ Mình Thánh và Máu Thánh
  • Kinh nguyện chuẩn bị riêng của Linh mục
  • Nâng Mình Thánh Chúa với Kinh “Đây Chiên Thiên Chúa”
  • Việc Rước Lễ (Hiệp thông) của Linh mục và các tín hữu
  • Điệp khúc hoặc Ca Hiệp Lễ
  • Thời gian để cầu nguyện thầm lặng cá nhân
  • Lời nguyện Hiệp Lễ

Chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn từng phần trong những tuần tới.

Nhưng trước hết… Tại sao?

Mặc dù chúng ta có thể quen thuộc với phần này của Thánh Lễ, nhưng thật hữu ích nếu chúng ta ngừng lại và hỏi: “Chính xác thì chúng ta đang làm gì?” Nhiều người trong chúng ta đã Rước Lễ một thời gian dài, nhưng có bao giờ chúng ta ngừng lại để tự hỏi tại sao mình lại làm như vậy không? Như Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma viết: “Thánh Lễ là bữa tiệc Vượt Qua, vì thế theo lệnh Chúa, các tín hữu đã được chuẩn bị như nghi thức ấn định, nên rước Mình Máu Thánh Chúa như của ăn thiêng liêng. Việc bẻ bánh và các nghi thức chuần bị khác nhằm đạt điều nói trên và đưa ngay giáo dân đến việc hiệp lễ” (QCSL, 80).

Khi nói về Thánh Thể, chúng ta thường nghĩ đến bốn điều: Sự Hiện Diện Thật của Mình và Máu Đức Kitô; Hy Tế Thập giá; Bí tích Hiệp Nhất giữa mọi người; và Tiệc Vượt Qua hay Bữa Tiệc Thiên quốc. Sự Hiện Diện Thật nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu thực sự ở đó. Hy Tế nhắc nhở chúng ta rằng Thánh Lễ là Hy Tế hoàn hảo duy nhất của Chúa Giêsu trên Thập giá và cho thấy Chúa Giêsu yêu thương chúng ta biết bao. Sự Hiện Diện Thật của Chúa Giêsu và Hy Tế của Người mở ra cánh cửa cho sự phục hồi, chữa lành và hiệp nhất thực sự. Những chân lý này cũng hướng chúng ta về Thiên Đàng, nơi chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự viên mãn và hoàn hảo của sự hiệp nhất và tình yêu. Hình ảnh Bữa Tiệc Thiên quốc gợi nhớ đến việc cử hành, ăn uống. Như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, chúng ta lãnh nhận Mình và Máu Người bằng cách ăn và uống. Đó chính là nội dung của Nghi thức Hiệp Lễ: mục đích của tất cả các kinh nguyện, cử chỉ và lời nói là chúng ta đón nhận Chúa Giêsu trong việc Hiệp Thông Thánh (Rước Lễ)!

Lương Thực Thiêng Liêng của Chúng Ta

Tiếp tục với Cha Charles Belmonte, “Các Kitô hữu tiên khởi luôn ví Bí tích Thánh Thể như sự sống của linh hồn. Thánh Augustinô viết: ‘Thật là một điều tuyệt vời khi các Kitô hữu quanh Carthage [ở Bắc Phi] gọi chính Bí tích Rửa tội không gì khác hơn là sự cứu rỗi, và Bí tích Mình Thánh Đức Kitô không gì khác hơn là sự sống. Theo truyền thống các Tông đồ, các Hội Thánh của Đức Kitô cho rằng nếu không có Phép Rửa và tham dự Bàn tiệc của Chúa thì không ai có thể đến được Vương quốc của Thiên Chúa hoặc sự cứu rỗi và sự sống vĩnh cửu. Thánh Kinh làm chứng cho điều này. Đây chính là cùng một Mình và Máu, mà qua việc bị hiến tế, đã phục hồi tình bằng hữu của chúng ta với Thiên Chúa. Hy Tế của Đức Kitô và Bữa Tiệc Vượt Qua có mối liên hệ mật thiết với nhau. Mẹ Hội Thánh của chúng ta khuyến khích chúng ta tham dự vào cả Hy Tế và Bàn Tiệc Thánh trong việc lãnh nhận Mình và Máu Chúa, nếu chúng ta chuẩn bị thích hợp. Những điều này sẽ là lương thực cho cuộc hành trình về nhà Cha của chúng ta” (Understanding the Mass, trang 166–67).

Để biết thêm về nền tảng cơ bản của hiến tế và việc ăn uống, Cha Belmonte nhìn lại mối liên hệ giữa hiến tế và các bữa tiệc: “Phong tục hiến tế cổ xưa đòi buộc rằng một phần của lễ vật phải được trả lại cho người hiến dâng tế vật. Vì vậy, theo nghĩa biểu tượng, người ấy đã trở thành thực khách của Thiên Chúa. Điều vốn chỉ là biểu tượng trong các nghi lễ ngoại giáo và hình ảnh trong lễ vật của người Do Thái thì lại thành một hiện thực trong Thánh Lễ. Sau khi chúng ta dâng Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô làm của lễ Hy Sinh, Thiên Chúa ban Người cho chúng ta làm lương thực thiêng liêng” (Understanding the Mass, tr. 165). Vì vậy, trong các lễ tế thời xưa, bất cứ khi nào một người dâng của lễ cho Thiên Chúa, người ấy luôn nhận được “một chút gì đó” để mang về. Nói chung, đây là một phần của Hy Tế. Trong trường hợp rước Chúa Giêsu trong Thánh Lễ, chúng ta nhận lại Đức Kitô trọn vẹn: Mình, Máu, Linh Hồn và Thiên Tính. Thật là một cuộc trao đổi tuyệt vời! Không có giao dịch nào tốt hơn trên thế gian!

Câu hỏi để suy nghĩ:

  1. Khi bạn chia thức ăn hoặc một vật được Thiên Chúa tạo dựng thành nhiều phần, hãy tận dụng cơ hội để suy nghĩ về mầu nhiệm Đức Kitô hiện diện trọn vẹn trong mỗi phần của Mình Máu Thánh.
  2. Trong bữa ăn sau, hãy để cho kinh nghiệm của bạn về cách ăn uống này giúp bạn chuẩn bị gặp gỡ Đức Kitô qua việc ăn uống Mình Máu Thánh Chúa.

Bài Sau

Categories

Latest Posts

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa
Hãy Làm Việc Này

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng –  Sanctus
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng – Sanctus

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại