Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy – Bài 6 : Làm Dấu Thánh Giá
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 15 tháng 12 năm 2022.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam [. . .]
“Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.” Một khi chúng ta đã hát xong bài ca nhập lễ hoặc tiền ca ở đầu Thánh Lễ, có một cử chỉ quen thuộc mà chúng ta làm trong mỗi Thánh Lễ và thường xuyên với kinh nguyện của chúng ta: chúng ta làm Dấu Thánh Giá. Tại sao? Như Tiến sĩ Edward Sri viết, “Làm Dấu Thánh Giá không chỉ đơn giản là một cách để bắt đầu cầu nguyện. Tự nó là một lời cầu nguyện mạnh mẽ nhằm tuôn đổ những phúc lành cả thể trên cuộc sống của chúng ta. Khi làm Dấu Thánh Giá… chúng ta bước vào một truyền thống thánh thiêng có từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, khi nghi thức này được hiểu như một nguồn sức mạnh và sự bảo vệ của Thiên Chúa. Khi làm dấu này, chúng ta khẩn cầu sự hiện diện của Thiên Chúa và mời Ngài chúc lành, trợ giúp và bảo vệ chúng ta khỏi mọi nguy hại. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các Kitô hữu thời sơ khai làm Dấu Thánh Giá khá thường xuyên, ước mong rút được sức mạnh ẩn chứa trong đó.” (A Biblical Walk Through the Mass, tr. 17).
Ông Sri tiếp tục trích dẫn lời của tác giả Kitô giáo thời ban đầu là Tertullian (160-225 sau Công nguyên), đã nói: “Trong tất cả các cuộc hành trình và chuyển động của chúng ta, trong tất cả các lần ra vào, khi đi giày, khi tắm rửa, khi ngồi ở bàn ăn, khi thắp nến, khi nằm, khi ngồi, bất kể việc gì, chúng ta đều làm Dấu Thánh Giá trên trán” (A Biblical Walk Through the Mass, tr.17-18).
Một Cử chỉ Thánh
Vì chúng ta quá thường xuyên sử dụng Dấu Thánh Giá, nên điều quan trọng là phải nhớ lại món quà đầy ý nghĩa đó thực sự là gì. Cử chỉ này tự nó hướng chúng ta đến Thập giá của Chúa Giêsu – nó nhắc nhở chúng ta về Hy tế cứu độ của Người – nơi mà Chúa Giêsu đã hiến dâng tất cả vì yêu chúng ta để chiến thắng tội lỗi và sự chết. Những lời chúng ta nói nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đã được đưa vào sự sống của Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Điều quan trọng cần lưu ý là chúng ta cầu nguyện nhân “danh” ở số ít chứ không phải “nhiều danh”. Cầu nguyện bằng nhân “danh” số ít nhắc lại rằng Thiên Chúa là Một Thiên Chúa Duy Nhất có Ba Ngôi. Ngoài việc nhắc nhở chúng ta về Thiên Chúa Ba Ngôi và Thập giá Đức Kitô, Dấu Thánh Giá còn nhắc nhở chúng ta về Bí tích Rửa tội, khi chúng ta được gia nhập gia đình của Thiên Chúa và được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa: chúng ta được rửa tội theo nghĩa đen “… nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”! Chúng ta được nhắc nhở rằng Chúa Cha yêu thương chúng ta đến nỗi đã sai Chúa Con đến cứu độ chúng ta, và Chúa Thánh Thần được sai đến để hướng dẫn chúng ta trên đường về quê trời. Điều đó rất có ý nghĩa đối với một hành động nhỏ chỉ diễn ra trong vài giây!
Khi nghĩ về Dấu Thánh Giá, một trong những cách suy niệm yêu thích của tôi là hình dung nó giống như thế nào khi Đức Mẹ Maria làm Dấu Thánh Giá. Tôi nhớ đã nghe một câu chuyện về việc Thánh Bernadette đôi khi nhận xét với các chị em khác rằng Dấu Thánh Giá của họ cần phải cung kính hơn. Tôi luôn nghĩ rằng Thánh Bernadette đã nhìn thấy Đức Mẹ làm Dấu Thánh Giá khi Mẹ lần hạt Mân Côi (khi Mẹ hiện ra với chị ở Lộ Đức). Nó hẳn đã gây ấn tượng mạnh mẽ với chị! Mặc dù bây giờ chúng ta phải tưởng tượng ra cảnh này, nhưng chúng ta có thể xem lại các bước cổ điển khi làm Dấu Thánh Giá trong Nghi thức Rôma: dùng tay phải chạm vào trán (nói: “Nhân danh Cha”), vào giữa ngực (nói: “và Con”), vào vai trái (nói: “và Thánh”) và vai phải (nói: “Thần. Amen.”)
Một Món Quà Đầy Ân Sủng
Giống như hầu hết mọi sự trong cuộc sống của chúng ta, việc lặp đi lập lại Dấu Thánh Giá thường xuyên đôi khi có thể làm giảm sự chú ý của chúng ta đối với điều chúng ta đang làm và ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, như chúng ta đã lưu ý, Dấu Thánh Giá là một lời cầu nguyện vô cùng mạnh mẽ và là một cử chỉ đầy ý nghĩa. Lần sau khi bạn bắt đầu cầu nguyện hoặc trong Thánh Lễ, mời bạn dừng lại một chút và thực sự biến Dấu Thánh Giá thành một lời cầu nguyện thật từ tâm hồn bạn. Bạn có thể tưởng tượng nó giống như thế nào khi Đức Mẹ Maria, Thánh Bernadette, hoặc một trong các vị thánh làm nó. Hãy nghĩ đến việc đưa bàn tay bạn lên và nói các lời chậm hơn. Hãy nghĩ về tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho bạn khi bạn vẽ hình Thánh giá. Hãy tạ ơn Chúa vì bạn đã được thông phần vào sự sống của Chúa Ba Ngôi qua Bí Tích Rửa Tội. Dấu Thánh Giá thực sự là một món quà đầy ân sủng khôn tưởng!
Câu Hỏi để Suy Nghĩ:
- Hãy suy niệm về những lời của Thánh Phaolô nói với tín hữu Galatê: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian.” (Gal 6:14). Làm sao Thập giá của Đức Kitô lại là lý do để “hãnh diện”? Xem xét mối liên hệ hiện tại của bạn với những điều thuộc về thế gian. Điều gì có thể cần phải được đóng đinh trong bạn để Chúa có thể ngự trị trọn vẹn hơn trong đời sống của bạn? Hãy mang thử thách này vào lần cầu nguyện tiếp theo khi bạn làm Dấu Thánh Giá.
- Bạn cảm thấy thế nào khi làm Dấu Thánh Giá? Tự tin, điên khùng, cái gì khác? Thánh Phaolô giải thích rằng “sứ điệp về thập giá là điên rồ đối với những người đang hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người đang được cứu, đó là quyền năng của Thiên Chúa” (1 Cor 1:17) và Chúa Giêsu “cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.” (Hb 12:2). Hãy nhớ lại những lĩnh vực trong cuộc sống của bạn mà bạn cảm thấy ngu ngốc hoặc bất lực, và cầu xin sức mạnh của Danh Thiên Chúa bằng cách làm Dấu Thánh Giá.
- Bạn có biết hoặc làm việc với bất cứ em bé nào chưa biết làm Dấu Thánh Giá chưa? Truyền lại đức tin bằng cách chỉ cho người khác làm thế nào để làm Dấu Thánh Giá một cách cầu nguyện và cung kính.