Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 60 : Kinh Lạy Cha – Phần 2
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 22 tháng 2 năm 2024
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam
Chúng ta tiếp tục đi sâu vào kho tàng vĩ đại của Kinh Lạy Cha. Có lần tôi gặp một linh mục tổ chức một tuần lễ tĩnh tâm tập trung vào Kinh Lạy Cha. Ngài đã dự định tổ chức hai hoặc ba cuộc hội thảo mỗi ngày trong suốt một tuần. Khi chuẩn bị những ghi chú từ suy niệm trong cầu nguyện, ngài chỉ đọc được đến cụm từ đầu tiên: “Lạy Cha chúng con”. Như Edward Sri nói: “Từ Chúng con trong kinh nguyện này cũng rất có ý nghĩa. Nó chỉ đến sự hiệp nhất sâu xa mà chúng ta có được nhờ Cha chung của chúng ta trên trời. Tất cả những ai hiệp nhất trong Đức Kitô đều thực sự là anh chị em trong Người. Trong Đức Kitô, Cha của Chúa Giêsu đã trở thành Cha của chúng ta và tất cả chúng ta đều là con cái của Chúa Cha trong gia đình giao ước của Thiên Chúa” (A Biblical Walk Through the Mass, trang 124). Hãy ngồi lại và suy nghĩ dù chỉ vài phút về điều đó có nghĩa gì. Thiên Chúa là Cha của chúng ta; chúng ta là con cái của Ngài. Tuyệt vời! Nếu bạn cần suy niệm hoặc thấy mình có thêm vài phút để suy nghĩ và cầu nguyện, hãy nghĩ đến cụm từ đặc biệt ấy: “Lạy Cha chúng con”.
Ba lời cầu nguyện, bảy lời cầu xin
Về phần còn lại của Kinh Lạy Cha, theo Bách khoa toàn thư Công giáo, “Về cơ bản, nó bao gồm ba lời cầu nguyện cho vinh quang của Thiên Chúa (Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện) và một sự tỏ bày về mức độ của vinh quang ấy (dưới đất cũng như trên trời), tiếp theo là ba lời cầu xin (lương thực, ơn tha thứ và thoát khỏi cám dỗ) và lời cầu xin cuối cùng để được giải thoát khỏi sự dữ, tức là sự dữ luân lý” (Catholic Encyclopedia, t. 358). Tập trung vào lời cầu xin lương thực, Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma nêu rõ: “Trong kinh Lạy Cha, ta xin Chúa ban bánh hằng ngày, bánh này đối với Kitô hữu còn ám chỉ bánh Thánh Thể; lại xin Chúa thanh tẩy tâm hồn cho khỏi mọi tội lỗi, hầu của thánh được thực sự ban cho những người thánh” (QCSL, 81).
Mặc dù có thể nói rất nhiều về từng lời cầu nguyện trong số bảy lời cầu xin, Cha Charles Belmonte cho chúng ta một cái nhìn tổng quan ngắn gọn về từng lời cầu xin:
1. Danh Cha cả sáng. “Không phải là chúng ta nghĩ rằng chúng ta làm cho Thiên Chúa nên thánh bằng lời cầu nguyện của mình; đúng hơn, chúng ta cầu xin Thiên Chúa cho danh Ngài được trở nên thánh trong chúng ta… Chúng ta mong ước tôn vinh Thiên Chúa: để mọi người yêu mến và kính sợ Ngài; để sự thánh thiện, lòng nhân lành và sự khôn ngoan của Ngài được nhìn nhận khắp nơi.”
2. Nước Cha trị đến. “Trong lời cầu nguyện thứ hai, chúng ta mong muốn Thiên Chúa ngự trị trong ý muốn của mọi người. Chúng ta cầu xin rằng tất cả chúng ta đều có thể vui vẻ đạt đến đích trong Vương quốc của Ngài. Chúng ta cầu nguyện rằng Vương quốc mà Thiên Chúa đã hứa với chúng ta sẽ đến, Vương quốc được chiến thắng nhờ Máu Thánh Đức Kitô và cuộc khổ nạn…”
3. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. “Trong lời cầu nguyện thứ ba, chúng ta cầu nguyện để mọi người phục vụ và vâng phục Thiên Chúa dưới đất như Ngài được các thiên thần phục vụ trên trời; và để mọi người luôn tránh xa tội lỗi và làm những điều đẹp lòng Thiên Chúa…”
4. Xin cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày. “Trong lời cầu xin thứ tư, chúng ta xin bất cứ điều gì cần thiết để ăn, mặc, và những nhu cầu vật chất khác; về lương thực hằng ngày của chúng ta, đối với Kitô hữu cũng có nghĩa là Mình Thánh Đức Kitô, và để được tha tội. Như vậy, chúng ta có thể hiểu lời cầu xin này theo nghĩa thiêng liêng cũng như nghĩa đen…”
5. Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. “Một khi chúng ta đã cầu xin sự nuôi dưỡng cần thiết từ lòng quảng đại của Thiên Chúa, chúng ta xin Ngài tha thứ cho tội lỗi của chúng ta. Được nhắc nhở rằng chúng ta là tội nhân và buộc phải cầu xin sự tha thứ cho lỗi lầm của mình là điều khôn ngoan và đúng đắn…”
6. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. “Trong lời cầu xin thứ sáu, chúng ta cầu xin Chúa giữ chúng ta khỏi sa chước cám dỗ. Chúng ta không nên tin tưởng vào sức mạnh của chính mình; chúng ta nên sợ sự độc ác và thiếu kiên định của mình, kẻo những điều này khiến chúng ta rời xa ân sủng và tình bằng hữu của Ngài.”
7. Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ. “Trong lời cầu xin thứ bảy, chúng ta cầu xin sự giải thoát khỏi những sự dữ đang hành hạ chúng ta và có thể khiến chúng ta xa rời tình phụ tử của Ngài… Chúng ta cầu xin được giải thoát khỏi tội lỗi và hình phạt của tội lỗi, khỏi mọi cạm bẫy của ma quỷ và thế gian đã gài đặt chống lại chúng ta.” (Understanding the Mass, tr. 170-172).
Chắc chắn rằng đây là kinh nguyện vĩ đại nhất. Chính Chúa Giêsu đã ban nó cho chúng ta. Nó bày tỏ mối quan hệ đặc biệt của chúng ta với Thiên Chúa. Nó bao gồm rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Nó chuẩn bị cho chúng ta một niềm khao khát lành mạnh và thực sự được kết hợp với Thiên Chúa, qua việc Hiệp Thông Thánh (Rước Lễ) dưới đất và vĩnh viễn trên Thiên Đàng! Không có gì đáng ngạc nhiên khi kinh nguyện này được tìm thấy ở trung tâm của Thánh Lễ!
Câu hỏi để suy nghĩ:
- Sử dụng nhật ký cầu nguyện hoặc phương tiện khác, cầu nguyện và viết hoặc rút ra câu trả lời của bạn cho từng lời cầu xin trong “Kinh Lạy Cha”. Hãy để cách cầu nguyện này hòa lẫn kinh nghiệm và ý chỉ của chính bạn với kinh nghiệm và ý chỉ của tất cả những người hiệp nhất cầu nguyện, “Lạy Cha chúng con…”
- Hãy đào sâu lòng quý trọng của bạn đối với kinh nguyện trọng tâm này bằng cách học hỏi, cá nhân hoặc với người khác, Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo về “Kinh Lạy Cha” (GLCG 2759–2865).
Bài Sau