Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 62 : Nghi thức Chúc Bình an

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 6 tháng 3 năm 2024

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Sau Kinh Lạy Cha và Kinh Khẩn Xin, như Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma nói, “Tiếp theo là Nghi Thức Chúc Bình An: Hội Thánh cầu bình an và hiệp nhất cho chính mình, cho toàn thể gia đình nhân loại, và các tín hữu tỏ bày sự hiệp thông cộng đoàn và lòng thương mến nhau, trước khi rước Thánh Thể” (QCSL, 82). Vào lúc này trong Thánh Lễ, linh mục cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các Tông Đồ rằng: ‘Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con’. Xin đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa; xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hợp nhất theo thánh ý Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.” Sau đó mọi người đáp: “Amen”.

Bình an Thực sự Là Gì –  và Không phải Là Gì

Bình an hay hoà bính thực sự là gì? Có lẽ chúng ta có thể đi đến nhiều định nghĩa khác nhau. Sách Giáo lý nói: “Hoà bình không phải chỉ là vắng bóng chiến tranh, và không thể giản lược vào việc giữ được thế quân bình giữa các lực lượng đối nghịch nhau” (GLCG, 2304). Sách Giáo lý tiếp tục với một trích dẫn của Thánh Augustinô, người đã viết rằng bình an là “sự ổn định của trật tự” (GLCG, 2304). “Hòa bình trên trần thế là hình ảnh và hoa trái của bình an của Đức Kitô, “Thủ lãnh Hòa Bình” thời Messia (Is 9,5). Nhờ máu đổ ra “trên thập giá… Người đã giao hoà loài người với Thiên Chúa và làm cho Hội Thánh trở thành bí tích hợp nhất nhân loại và kết hợp nhân loại với Thiên Chúa. ‘Chính Người là bình an của chúng ta’ [Eph 2:14]” (GLCG, 2305). Như Edward Sri viết, “Nhiều người tìm kiếm sự an toàn và bình an trên thế giới này, một nền bình an dựa trên thành công, mọi việc diễn ra tốt đẹp, tránh các vấn đề và đau khổ. Nhưng loại bình an này khá mong manh và phù du… Tuy nhiên, Đức Kitô ban cho chúng ta một sự bình an sâu xa hơn, lâu dài hơn – một sự bình an mà thế gian không thể ban cho. Khi chúng ta đặt Chúa Giêsu làm nền tảng cho cuộc đời chúng ta và sống theo kế hoạch của Người dành cho chúng ta, Người ban cho chúng ta sự bình an nội tâm, tinh thần có thể chịu đựng được nhiều thất vọng, thử thách và đau khổ của cuộc đời. Đây là loại bình an trong tâm hồn cũng xây dựng sự hiệp nhất đích thực trong hôn nhân, gia đình, cộng đồng, giáo xứ và quốc gia. Và đây là điều mà Linh mục cầu nguyện vào lúc này của phụng vụ” (A Biblical Walk Through the Mass, p. 130–31).

Hy vọng rằng chúng ta đã có được những giây phút bình an thật sự trong tâm hồn, nhắc nhở chúng ta về Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta cách quảng đại biết bao. Đối với những ai chưa có, món quà Chúa Giêsu Thánh Thể chắc chắn mời gọi chúng ta đến với sự bình an mà chúng ta hằng mong ước. Khi chúng ta chuẩn bị đón Hoàng tử Hoà Bình thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, có lẽ thật thích hợp khi Nghi thức Chúc Bình an diễn ra vào thời điểm này trong Thánh Lễ. Theo Cha Charles Belmonte, “Khi chúng ta nói ‘Amen’, chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta không chỉ cầu xin bình an cho cá nhân chúng ta mà còn cầu xin bình an cho toàn thể Hội Thánh… Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa đã làm cho các môn đệ của Người nhận thức được tầm quan trọng của bình an, hoa trái của đức ái. Nhiều lần Người nói về sự hiệp nhất, tinh thần phục vụ, khiêm tốn và bác ái. Đây là những nhân đức và khuynh hướng của tâm hồn chỉ có thể phát triển trong bầu khí bình an.” (Understanding the Mass, trang 173–74).

Bình an Khi Chuẩn bị Rước Lễ

Vì vậy, chắc chắn rằng bình an là một mong muốn và nhu cầu thiết tha đối với chúng ta, các Kitô hữu. Điều này đúng ở mọi thời điểm trong cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là trong Thánh Lễ. Trong Thánh Lễ có rất nhiều hồng ân và ân sủng tuyệt vời; chắc chắn chúng ta sẽ nhận được những ân sủng đó một cách hiệu quả hơn nếu tâm hồn chúng ta bình an và mở ra cho Đức Kitô, thay vì bị phân tâm và buồn bã vì những điều xảy ra với mình. Điều này đúng nhất khi đến giờ Rước Lễ. Chúng ta chuẩn bị đón nhận món quà tuyệt vời nhất: chúng ta không thể để tâm hồn xao lãng! Vì vậy, chúng ta hãy chắc chắn rằng, bằng một lời cầu nguyện và một cử chỉ, rằng chúng ta thực sự sẵn sàng đi lên rước Chúa.*

Khi suy niệm về Nghi thức Chúc Bình an trong Thánh Lễ, Cha Guy Oury nói: “Qua việc chúc bình an, chúng ta cầu xin bình an và hiệp nhất trong Hội Thánh, và vượt ra ngoài những ranh giới hữu hình của nó, cho toàn thể gia đình nhân loại. Và vì trong những cuộc tụ họp của chúng ta, chúng ta là một tế bào của Hội Thánh, chúng ta bày tỏ tình yêu thương lẫn nhau trước khi cùng nhau đón nhận một tấm Bánh duy nhát biến chúng ta nên một. Đây là hai thành phần của nghi thức: lời cầu nguyện cho bình an và sự hiệp nhất của Hội Thánh và trao đổi dấu chỉ hàn huyên huynh đệ, nếu không phải với toàn thế giới, thì ít nhất là với những người lối xóm gần nhất của chúng ta” (The Mass, trang 111–12). Vì vậy, chúng ta không chỉ đảm bảo rằng mọi sự đều yên ổn với những người trong hàng ghế của chúng ta; chúng ta cũng đang thực hiện một cử chỉ mang tính biểu tượng vì bình an cho toàn thế giới! Tuần tới, chúng ta sẽ xem xét một số cách khác nhau để làm Chúc Bình an, và tại sao đây không phải là lúc để “đập tay nhau” và lên kế hoạch cho những việc sau này trong ngày!

Câu hỏi để Suy nghĩ:

  1. Hãy xem cách mô tả bình an của Thánh Augustinô là “sự ổn định của trật tự”. Hãy cầu nguyện bằng một đoạn Thánh Kinh mô tả sự bình an của thành phố có trật tự hoặc vương quốc của Thiên Chúa, chẳng hạn như Isaia 32, Isaia 54, Thánh vịnh 122 hoặc Khải Huyền 21.
  2. Bình an là một trong những hoa quả của Chúa Thánh Thần mà Thánh Phaolô liệt kê trong Thư gửi tín hữu Galatê (5:22). Hãy cầu xin Thánh Thần ban cho bạn hoa quả này trong cuộc sống của chính bạn cũng như ân sủng và sự hướng dẫn để chia sẻ món quà này với người khác.

*Ghi chú lịch sử/phụng vụ: Dành cho những ai muốn tìm hiểu về bối cảnh lịch sử của việc đặt Nghi thức Chúc Bình an vào thời điểm này trong Thánh Lễ, như Cha Guy Oury vạch ra rằng, về mặt lịch sử, nó đã xuất hiện ở nhiều lúc khác nhau trong Thánh Lễ. Trong các bài viết của ngài, Thánh Justin “đặt nó ngay sau Lời cầu nguyện chung (Lời Nguyện Tín Hữu)… [Như vậy] hẳn cũng đã là phong tục ở Roma, từ sớm nhất cho đến khoảng thế kỷ thứ năm. Bài Giảng Trên Núi của Thánh Matthêu nói: ‘Nếu khi bạn đem của lễ đến bàn thờ mà nhớ ra anh em có điều gì bất bình với mình, thì hãy để của lễ trước bàn thờ, đi làm hòa với anh em trước đã, rồi mới đến dâng lễ vật” (Mt 5:23–24). Với những lời này của Đức Kitô, việc dâng lễ dường như là thời điểm hoàn hảo để chúc bình an. Nhưng còn có một sự cân nhắc khác, một điều đã tạo nên sự thay đổi. Kinh Lạy Cha là kinh chuẩn bị Rước Lễ và lời cầu xin ngay trước lời cầu xin cuối cùng, ‘Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha’, đòi hỏi một cử chỉ, một nghi thức, một biểu hiện cụ thể. Lời Chúc Bình an cho thấy rõ điều này và việc đổi nó đến chỗ hiện tại đã được thực hiện. Bằng chứng cho thấy việc này đã được thực hiện vào đầu thế kỷ thứ năm” (The Mass, trang 111).

Categories

Latest Posts

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa
Hãy Làm Việc Này

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng –  Sanctus
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng – Sanctus

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại