Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 17 tháng 4 năm 2024
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam
“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian: Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.” Sau khi bái gối trước Chúa chúng ta thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể Cực Thánh, Linh mục nâng chén thánh cùng với Mình Thánh và đọc những lời này của Thánh Gioan Tẩy Giả (Ga 1:29). Phần này của Thánh Lễ được gọi là “Showing of the Host” trong Tiếng Anh, nhưng tiếng Việt thường quen gọi là “Kinh Chiên Thiên Chúa”.
Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma hiện hành bao gồm một đoạn về phần này của Thánh Lễ: “Sau đó vị tư tế giơ cho các tín hữu thấy bánh Thánh Thể trên đĩa hay trên chén, và mời họ dự tiệc của Ðức Kitô, đồng thời cùng với họ dùng lời Tin Mừng để bày tỏ lòng khiêm nhượng” (QCSL, 84). Thực sự có một sự giao tiếp đang diễn ra ở đây. Giống như Thánh Gioan Tẩy Giả, Linh mục công bố sự hiện diện của Chúa Giêsu và chỉ vào Người để mọi người biết rằng Người ở cùng chúng ta. Sau đó, Linh mục đưa ra lời mời gọi những người có thể tham dự vào món quà đặc biệt này, Bí tích Thánh Thể.
Một lời mời và một món quà
“Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Như Edward Sri vạch ra, “những lời này được lấy từ lúc cao trọng nhất trong sách Khải Huyền và thực ra là toàn thể Thánh Kinh (Kh 19:9)”. Cảnh này diễn ra khi đám đông trên trời đang cùng nhau hát những lời ca ngợi Chúa. Ông Sri tiếp tục: “Và thiên thần bảo Thánh Gioan viết: ‘Phúc cho ai được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con’ (Kh 19:9). Bữa tiệc mừng Chiên Con là gì? Đó là Bữa Tiệc Ly, Bí tích Thánh Thể. Trước hết, bữa ăn tối và Con Chiên gợi nhớ đến bữa tiệc Vượt Qua, trong đó người Do Thái hiến tế một con chiên và ăn nó như món chính của bữa ăn… Nhưng đoạn văn này cho chúng ta biết một điều thậm chí còn ấn tượng hơn. Trong Khải Huyền 19:6-9, Chiên Con được mặc khải là chàng rể! Và điều đó có nghĩa bữa tiệc Vượt Qua này là tiệc cưới. Chàng Rể-Chiên là Chúa Giêsu, và Cô Dâu tượng trưng cho chúng ta, Hội Thánh, mà Chúa Giêsu sắp cưới… Khi bạn nghe những lời đó trong Thánh Lễ, bạn có nhận ra rằng mình đang nhận được thiệp mời đám cưới không? Bạn đang được mời gọi tham dự tiệc cưới của Chúa Giêsu và Hội Thánh của Người” (A Biblical Walk Through the Mass, trang 138, 140).
Chúng ta thật hạnh phúc trước lời mời gọi của Người và món quà của chính Chúa Giêsu. Chúng ta làm gì bây giờ? Điều đúng đắn duy nhất cần làm là thành thật với Chúa về lòng quảng đại của Người và nhận ra rằng nếu không có ân sủng và lòng thương xót của Người, chúng ta không bao giờ có thể xứng đáng với món quà như vậy. Phúc cho chúng ta, những lời của viên bách đội trưởng trong Tin Mừng (xem Mt 8:8) đã tóm tắt rõ ràng câu trả lời của chúng ta phải như thế nào. Sau khi nâng Mình Máu lên và “kinh Chiên Thiên Chúa”, Linh mục và giáo dân thưa: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”
Sự Đáp Trả và Tiếp Nhận của Chúng Ta
Như Giáo phận Peoria dạy: “Chúng ta đáp lại lời mời gọi của Linh mục là đón nhận Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể với lòng khiêm nhường. Giống như người đầy tớ của viên bách đội trưởng nhận ra mình không xứng đáng được Chúa ‘vào nhà’ để chữa lành cho con mình, điều đó nhắc nhở chúng ta khiêm nhường—và sự uy nghiêm thiêng liêng của Chúa rằng Người có thể thực hiện công việc này bất chấp sự yếu đuối của chúng ta” (A Study of the Mass, trang 19). Như Edward Sri lưu ý, những lời này của viên bách đội trưởng cũng là một lời cầu nguyện “bày tỏ một đức tin lớn lao hơn hẳn nhiều người khác trong Tin Mừng và làm cả Chúa Giêsu cũng ngạc nhiên: ông tin rằng Chúa Giêsu có thể chữa lành từ xa, chỉ bằng cách phán lời của Người… Chúa Giêsu khen ngợi người này vì đức tin của ông. Cũng giống như viên bách đội trưởng, chúng ta nhận ra mình không xứng đáng để Chúa Giêsu ngự ‘vào nhà’ tâm hồn mình trong việc rước lễ. Tuy nhiên, giống như viên bách đội trưởng tin Chúa Giêsu có thể chữa lành người hầu của mình, chúng ta cũng tin rằng Chúa Giêsu có thể chữa lành chúng ta khi Người trở thành vị khách thân thiết nhất của linh hồn chúng ta trong Bí tích Thánh Thể” (A Biblical Walk Through the Mass, tr. 142).
Giáo phận Peoria nhắc nhở chúng ta: “Chính vì lý do này mà Chúa Giêsu đã đến thế gian, vì ‘người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người bệnh mới cần!’ Tôi đến để tìm những con chiên lạc!’ Thánh Thể, Chúa Giêsu đang tìm chúng ta! Người đến trước cửa nhà chúng ta và gõ cửa. Việc chúng ta rước lễ là một cơ hội để Chúa ngự vào tâm hồn chúng ta…” (A Study of the Mass, tr. 19).
Tất nhiên, Chúa Giêsu biết những sa ngã của chúng ta. Việc Người vẫn muốn chúng ta là điều làm cho tình yêu của Người trở nên mãnh liệt và tuyệt vời biết bao. Việc Người hiến thân mình cho chúng ta còn tuyệt vời hơn nữa. Đó là điều tự nhiên khi chúng ta mong muốn báo đáp lòng tốt, nhưng chúng ta sẽ làm gì khi lòng tốt là món quà lớn nhất trong lịch sử thế giới? Phúc thay, phần còn lại của Thánh Lễ sẽ giúp chúng ta biết phải làm gì!
Đề Nghị để Suy Nghĩ và Thảo Luận:
- Hãy cầu nguyện với câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người đầy tớ của viên bách đại đội trưởng trong Mt 8:5-13. Nếu muốn, hãy mở rộng sự suy niệm của bạn để bao gồm những câu chuyện về sự chữa lành và phép lạ khác trong phần còn lại của chương này. Hãy suy niệm về chính căn tính của bạn và/hoặc mối liên hệ của chính bạn với một hoặc nhiều người gặp gỡ Chúa Giêsu, và cầu xin sự chữa lành mà bạn cần vào lúc này.
- Hãy suy nghĩ về điều gì có thể đang chặn cửa lòng bạn hoặc cản trở lối vào của Chúa Giêsu. Hãy coi việc lãnh nhận Bí tích Sám hối như để chuẩn bị đón nhận Chúa Giêsu một cách tự do và trọn vẹn hơn trong việc Rước lễ.