Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 68 : Hiệp Thông Thánh – Rước Lễ

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 24 tháng 4 năm 2024

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Khi chúng ta tiếp tục Nghi thức Hiệp Lễ, thời điểm được mong đợi từ lâu đã đến. Cuối cùng cũng đến lúc Rước Lễ! Đây là thời điểm chúng ta đã chuẩn bị trong suốt Thánh Lễ. Bất cứ khi nào tôi nghĩ về niềm vui khi được Rước Lễ, tôi nhớ rất rõ cảm giác hồi hộp khi được Rước Lễ Lần Đầu. Tôi nghĩ đến bài hát chúng tôi đã học và bữa tiệc tuyệt vời sau đó. Nhưng tôi đặc biệt nhớ đến giây phút Rước Lễ. Dù lúc đó tôi còn nhỏ, đang học lớp hai, tôi nhớ mình đã cảm nhận được sự gần gũi đặc biệt với Chúa mà trước đây tôi chưa từng cảm nhận được. Tôi không biết liệu tôi có hiểu rõ được ý nghĩa của việc Rước Lễ trên bình diện trí tuệ hay thậm chí thần học hay không, nhưng tôi chắc chắn cảm nhận được sự kết hợp thiêng liêng thực sự với Chúa.

Như Cha Joseph McGloin dạy: “Từ ‘hiệp thông’ gần như có thể tự giải thích được. Theo nghĩa đen, nó có nghĩa là ‘kết hợp với’. Nó gợi ý về sự chia sẻ, sự thông phần lẫn nhau. Do đó, việc Hiệp Thông Thánh (Rước Lễ) là sự chia sẻ mật thiết vào đời sống của Đức Kitô” (How to Get More Out of the Mass, trang 128). Đó chính là điều xảy ra trong việc Rước Lễ. Chúng ta đón nhận Mình và Máu Châu Báu, Linh Hồn và Thiên Tính của Đức Kitô vào trong thân xác chúng ta, và Người kết hợp chúng ta với Người. Không giống như thức ăn thông thường trở thành một phần của cơ thể chúng ta, Bí tích Thánh Thể kết hợp cơ thể chúng ta với Chúa. Cha McGloin nói tiếp: “Trong khi các Bí tích khác mang đến cho chúng ta ân sủng của Đức Kitô, thì Bí tích này mang đến cho chúng ta ân sủng của chính Đức Kitô cùng với chính Người. Quả thật, một người có bất kỳ đức tin nào vào Đức Kitô sẽ thật khờ dại khi bỏ qua món quà tuyệt vời này” (How to Get More Out of the Mass, trang 133).

Tham gia vào Hy Tế Hoàn hảo của Đức Kitô

Bạn có để ý ngài rằng nói Hy Tế (Lễ Hy sinh) không? Hy vọng rằng từ này nhắc nhở chúng ta về một trong những tên gọi của Thánh Lễ, Hy Tế Thánh. Khi hành trình qua Thánh Lễ, chúng ta đã nhận thấy rằng Thánh Lễ là sự tham gia thực sự vào Bữa Tiệc Ly và Thập Giá của Chúa Giêsu. Trong Thánh Lễ, chúng ta được mời tham dự vào Hy Lễ hoàn hảo duy nhất của Chúa Giêsu. Cha Guy Oury cho chúng ta biết Hy Tế và Rước Lễ kết hợp với nhau như thế nào trong Thánh Lễ. Ngài nói, “Thánh Lễ là một Hy Lễ nhưng cũng là một bữa tiệc, hay đúng hơn là một Bữa Tiệc Hy Sinh. Nếu không có sự Hiệp Thông Thánh (Rước Lễ) thì nó sẽ không có ý nghĩa, ít ra là không phải ý nghĩa mà Chúa ban cho nó.” Ngài nói tiếp: “Bữa ăn tượng trưng cho sự kết hợp giữa Thiên Chúa của giao ước và dân của Thiên Chúa”.

Điều này trở nên rõ ràng hơn nếu chúng ta nhìn vào các bữa ăn và các bữa tiệc trong lịch sử Dân Do Thái. Theo Cha Oury, “Trong bữa ăn [truyền thống của người Do Thái], Thiên Chúa hiện diện như một người bạn đồng bàn, chắc chắn là vô hình nhưng vẫn hiện diện. Ngài sống với con người, chia sẻ những sở thích chung của họ và chào đón họ như những người bạn thân thiết. Con người được Thiên Chúa mời gọi… Vào thời Đức Kitô, hình ảnh bữa tiệc là một trong những hình ảnh phổ biến nhất để miêu tả vương quốc sắp đến. Chúa đã sử dụng nó nhiều lần trong các dụ ngôn. Nó tượng trưng cho Vương Quốc Thiên Đàng cả dưới hình thức trần thế là Hội Thánh lẫn hình thức tối hậu và dứt khoát là Thiên Đàng. Chính Bí tích Thánh Thể đã được thiết lập trong bối cảnh của một bữa tiệc thánh, đó là Lễ Vượt Qua” (The Mass, trang 105–6).

Cuộc Cử Hành Vĩ Đại Nhất của Mọi Thời Đại

Hãy xem việc Rước Lễ còn hơn một bữa ăn như thế nào? Đúng vậy, đó là Bữa Ăn Thánh, Thứ Năm Tuần Thánh, Bữa Tiệc Ly, ở đó chúng ta là khách của Chúa, Đấng hiến mình để nuôi dưỡng chúng ta. Nhưng bữa ăn này cũng là Hy lễ Thập Giá, ở đó tội lỗi của chúng ta bị khắc phục và bị đánh bại một lần là đủ. Bữa tiệc cũng là sự báo trước Bữa Tiệc Thiên Quốc, nơi đó chúng ta sẽ vui mừng cùng Chúa và các Thánh hiệp thông mãi mãi. Cuối cùng, bữa ăn đặc biệt này cũng là phương tiện hiệp nhất giữa các tín hữu – Thân Mình Đức Kitô, Hội Thánh. Với tất cả ý nghĩa này, Thánh Lễ là lễ cử hành vĩ đại nhất của mọi thời đại. Không những chúng ta chỉ hiện diện trong buổi cử hành tuyệt vời này, mà nhiều người trong chúng ta còn được mời gọi rước Chúa trong Bí tích Thánh Thể. Trong những tuần tới, chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn về việc Rước Lễ đúng cách, ai có thể Rước Lễ, các hình thức Rước Lễ khác nhau và phải làm gì khi chúng ta không thể rước Chúa.

Đề Nghị để Suy Nghĩ và Thảo Luận

  1. Suy ngẫm về lời hứa của Thiên Chúa qua ngôn sứ Isaia là sẽ tổ chức một bữa tiệc “cho muôn dân” (xem Is 25:1–9). Hãy tạ ơn Đức Kitô vì Hy tế của Người hiện diện trong Thánh Lễ, và hãy biến lời cầu nguyện của ngôn sứ Isaia thành của riêng bạn: “Chúng ta hãy vui mừng hân hoan vì Người đã cứu chúng ta!” (Is 25:9).
  2. Hãy đào sâu ý thức của bạn về các ngày Lễ theo nghi lễ trong Cựu Ước là những Lễ dọn đường cho Đức Kitô như được mô tả trong Sách Lêvi (xem Lêvi 23). Thảo luận với gia đình hoặc cộng đồng của bạn về cách củng cố tính trung tâm của Thánh Lễ trong đời sống hàng tuần hoặc hàng ngày của bạn.