Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy – Bài 7 : Lời Chào
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 20 tháng 12 năm 2022.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam trong [. . .]
“Chào Joe. Bạn có khỏe không?” Bất cứ khi nào chúng ta gặp một người mà chúng ta biết, chúng ta có thể chào họ cách này. Tuy nhiên, Thánh Lễ, cuộc tụ họp gia đình của Thiên Chúa, hoàn toàn không bắt đầu như thế. Tại sao? Chắc chắn rằng Thánh Lễ không giống như gặp gỡ mọi người trên đường phố. Khi đến tham dự Thánh Lễ, chúng ta không chỉ tình cờ gặp một người quen: chúng ta đang gặp gỡ và tôn thờ Thiên Chúa Toàn Năng. Sau khi làm Dấu Thánh Giá, linh mục nói: “Chúa ở cùng anh chị em,” hoặc một trong những câu khác được đề ra trong Sách Lễ, chẳng hạn như “Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em”; hoặc “Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô ở cùng anh chị em.” Lời chào này cho thấy ngay rằng những gì chúng ta sắp làm sẽ rất khác thói quen hàng ngày bình thường. Ngoài ra, nó nhắc lại rằng chúng ta là một phần của điều gì đó vĩ đại hơn—việc cử hành Phụng vụ phổ quát—Thiên Chúa với tất cả dân Ngài.
Khác xa với bình thường
Nếu điều duy nhất mà vị linh mục nói là những điều đại loại như: “Tôi rất vui được gặp bạn” hoặc “Ôi, hôm nay trời lạnh,” thì ngài có thể tạo ra ấn tượng rằng chúng ta vừa bước vào một cuộc trò chuyện quen thuộc. Chúng ta có thể bỏ lỡ điều gì đó thánh thiêng sắp xảy ra. Vì vậy, lời chào phổ quát giúp chúng ta chuẩn bị để bước vào cử hành Thánh Lễ một cách trọn vẹn hơn và giúp chúng ta nhận ra đây sẽ là một cuộc tụ họp thiêng liêng với Thiên Chúa Toàn Năng đang hiện diện trước mặt chúng ta. Nếu bạn nghĩ về những từ này, thì chúng thực sự là một lời cầu nguyện của linh mục xin ân sủng, bình an, tình yêu, v.v. của Chúa ở cùng mỗi người – bây giờ đó là cách để bắt đầu một cuộc quy tụ dân Chúa! Sau đó, các tín hữu đáp lại bằng phần cầu nguyện của chính họ, xin một ân sủng tương tự cho linh mục bằng cách đáp lại, “Và với (thần trí) cha.”
Thần trí của ai?
Tại sao chúng ta nói, “Và ở cùng (thần trí) cha?” Bản dịch tiếng Anh cho cụm từ này thực sự là một bản sát từng chữ so với lời nguyện bằng tiếng Latinh trong Thánh Lễ: “Et cum spiritu tuo.” [Còn bản tiếng Việt “và ở cùng cha” thì thiếu từ “spiritu.” Nếu dịch cho chỉnh thì phải là “Và ở cùng thần trí cha.”] Cụm từ này rõ ràng cũng liên kết chúng ta với một số chỗ trong Thánh Kinh. Thí dụ như lời chào của chủ tế: “Chúa ở cùng anh chị em,” được thấy trong Sách Bà Rút câu 2:4; và chúng ta thấy lời đáp của gíao dân “Chúa ở cùng thần trí cha” được thấy trong Thư Thứ 2 của thánh Phaolô gửi Timôtê câu 4:22.
Vâng, thưa cha, con thấy những dòng đó ở đâu trong Thánh Kinh. Nhưng “thần trí” ở đây có nghĩa gì? Theo một số vị thánh và các tác giả Kitô giáo, “thần trí” không ám chỉ linh hồn của linh mục ám chỉ “Thánh Thần” mà linh mục đã lãnh nhận qua bí tích Truyền chức thánh. Như Edward Sri viết, trích dẫn lời của Cha Jeremey Driscoll để xác minh: “Bằng cách nói ‘và ở cùng thần trí cha’, dân chúng đang nhìn nhận hoạt động vô song của Chúa Thánh Thần qua linh mục trong phụng vụ thánh nhờ chức thánh của ngài. Như Cha Jeremy Driscoll giải thích, ‘Dân chúng đang hướng đến “thần trí” của linh mục; nghĩa là, phần nội tâm sâu xa nhất của con người ngài, nơi ngài đã được truyền chức chính là để lãnh đạo mọi người trong hành động thánh. Thực ra, họ nói: “Hãy là tư tế cho chúng tôi bây giờ,” biết rằng chỉ có một tư tế duy nhất, là Chính Đức Kitô, và rằng người đại diện cho họ bây giờ phải được điều chỉnh một cách tinh vi để thực hiện tốt các nhiệm vụ thánh của mình’.” (A Biblical Walk Through the Mass, trang 28).
Lời chào đầu Thánh Lễ là lời cầu xin Chúa hiện diện với dân chúng và một lời nguyện đáp lại của giáo dân thừa nhận hồng ân thiêng liêng mà Thiên Chúa đã ban cho linh mục để giúp hướng dẫn chúng ta trong kinh nguyện. Đó chắc chắn là một lời chào trang trọng hơn chúng ta thường sử dụng ở bất cứ nơi nào. Tuy nhiên, điều chúng ta làm ở Nhà thờ phải khác với việc gặp nhau tại một trận bóng đá hoặc một nhà hàng. Linh mục rất có thể tiếp tục đưa ra một số lời chào mừng hoặc nhận xét về thời tiết, nhưng những nhận xét ấy theo sau các lời đối thoại mở đầu: “Chúa ở cùng anh chị em,” “Và ở cùng [thần trí] cha.” Bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với như gia đình của Thiên Chúa!
Câu Hỏi để Suy Nghĩ:
- Hãy suy nghĩ về cách bạn chào đón những người có các mối quan hệ khác nhau trong cuộc sống của bạn, chẳng hạn như thành viên gia đình, bạn bè và người quen trong nghề nghiệp. Bạn truyền đạt điều gì qua những lời chào đa dạng ấy? Hãy chú ý đến cơ hội chào hỏi tiếp theo trong ngày của bạn và chú tâm hơn đến những điều và cách bạn giao tiếp.
- Hãy đọc Rút 2 và 2 Timôtê 4:19-22 để thấy lời chào phụng vụ của chúng ta trong những bối cảnh này. Hãy dành thời giờ để suy niệm về những đoạn văn này, đặt mình vào các bối cảnh và nhận ra rằng bạn là một phần của dòng quan hệ vĩ đại của con người.