Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – 71 : Rước Lễ Thiêng Liêng
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 14 tháng 5 năm 2024
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam
Khi xem đến các hướng dẫn về việc Rước Lễ, chúng ta lưu ý rằng có một số trường hợp mà một người không thể rước Chúa Giêsu thật sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, chẳng hạn như một người không chia sẻ đức tin Công giáo hoặc niềm tin vào hồng ân Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể; có người tin nhưng vì bệnh tật nên không thể rước Lễ được; một người đang sống ngoài giáo huấn luân lý của Hội Thánh; hoặc một người cần lãnh nhận Bí tích Hòa giải trước khi rước Lễ. Đối với nhiều người trong những tình cảnh này, việc không lên rước Thánh Thể có thể là một sự hy sinh lớn lao. Chúng ta nên làm gì khi không thể đón nhận hồng ân lớn nhất có thể có trên thế gian?
Trong “Nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu”, chúng ta gặp Chúa Giêsu, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Đấng ban cho chúng ta món quà lớn nhất mà chúng ta có thể nhận được: Chính Người. Thật roõ ràng, việc không thể rước Lễ có thể là một thử thách và hy sinh đáng kể. Thực thể rằng đây là một sự hy sinh khó khăn là một điều tốt! Khó khăn này cho chúng ta thấy trái tim mình thực sự ở đâu và chúng ta hiểu được chân lý của Bí tích Thánh Thể. Nếu chúng ta đã không tin Chúa Giêsu thực sự hiện diện thì sự hy sinh này sẽ không khó mà dâng lên như vậy. Bên cạnh sự tôn kính chân thành mà chúng ta thể hiện đối với Bí tích, việc không thể lãnh nhận bí tích có thể mang đến cho chúng ta một cơ hội duy nhất để nhận thức rõ hơn về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình và lời kêu gọi của Người để chúng ta quay lưng lại với tội lỗi và để cho ân sủng của Người hoạt động trong cuộc đời chúng ta. Đối với những ai đang khao khát sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, thời gian này cũng mang lại một cơ hội thực hành việc “Rước lễ thiêng liêng” để kết hợp với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.
Rước Lễ Thiêng Liêng Là Gì
Rước lễ thiêng liêng là gì? Như Hướng dẫn về Rước Lễ nêu rõ: “Tất cả những người không rước Lễ được khuyến khích bày tỏ trong lòng mình ước muốn cầu nguyện để được kết hợp với Chúa Giêsu và với nhau” (Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, 1996). Việc thực hành này được gọi là Rước Lễ Thiêng Liêng. Mặc dù việc rước Lễ vô cùng quan trọng và là tham dự Thánh Lễ một cách trọn vẹn nhất, nhưng những người không thể lãnh nhận Bí tích Thánh Thể có thể kết hợp cách thiêng liêng với Đức Kitô qua cầu nguyện. Chúng ta vẫn có thể cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa trong giây phút đó vì tình yêu tuyệt vời của Chúa Giêsu và sự hy sinh cứu độ của Ngài. Chúng ta có thể nhìn nhận qua kinh nguyện rằng chúng ta tin rằng Chúa Giêsu thật sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta có thể bày tỏ lòng khao khát thực sự rằng chúng ta sẽ được lãnh nhận Bí tích Thánh Thể trong tương lai. Chúng ta có thể bày tỏ ước muốn trong giây phút được lãnh nhận các ân sủng từ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, mặc dù chúng ta không thể lãnh nhận Người một cách bí tích. Vì vậy, những người không thể rước Lễ vẫn có thể đạt được hoa trái thiêng liêng từ Thánh Lễ, kết hợp với Đức Kitô qua ước muốn và cầu nguyện. Vào nhiều thời điểm khác nhau trong lịch sử Hội Thánh của chúng ta, việc Rước Lễ Thiêng Liêng thực sự là chuẩn mực hơn là ngoại lệ. Nhiều vị thánh sống trong thời đại mà việc Rước lễ rất hiếm, phát sinh từ nhiều yếu tố như tính hợp pháp của Kitô giáo, việc thiếu linh mục, hoặc cảm giác khiêm nhường không xứng đáng để rước Chúa. Trong cuốn sách The Holy Sacrifice of the Mass (Hy Tế Thánh Lễ) của mình, Cha Michael Muller nói về sự hiệp nhất tâm linh với Thánh Lễ ngay cả khi ở xa: “Sẽ tốt cho những ai có thể làm như vậy vào buổi sáng và về phòng gần vào giờ mà họ biết là giờ Hy Tế Thánh. Thánh Lễ được cử hành trong Hội Thánh, và sau khi cầu xin ân sủng của Thiên Chúa, họ hãy hồi tâm và nhiệt thành làm bổn phận tôn giáo, quỳ gối trước Đấng Chịu Đóng Đinh và với tất cả tình cảm sùng kính có thể để kết hợp trái tim và con người với Thánh Tâm Chúa Giêsu trong Thánh Lễ, rồi đọc những lời cầu nguyện tương tự mà họ sẽ đọc nếu họ thực sự có mặt trong nhà thờ, không bao giờ quên Rước Lễ Thiêng Liêng, có thể được thực hiện ở bất cứ nơi nào, và vào bất kỳ giờ nào trong ngày hay đêm” (The Holy Sacrifice of the Mass, trang 392).
Làm Thế Nào để Rước Lễ Thiêng Liêng
Rước lễ thiêng liêng cho phép tất cả chúng ta tham gia cầu nguyện trong Thánh Lễ, từ hàng ghế của mình hoặc từ xa. Nếu bạn không thể rước Lễ, ngay sau khi Linh mục rước Lễ (vào thời điểm bình thường mọi người lên rước Lễ), bạn có thể thưa cùng Chúa Giêsu trong lòng bạn về mong muốn được rước Người. Đây có thể là lời cầu nguyện của riêng bạn hoặc, nếu bạn thích, kinh nguyện thường được biết đến này của Thánh Alphonsô Liguori:
Kinh Rước Lễ Thiêng Liêng
“Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự trong Bí Tích Mình Thánh. Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao rước Chúa vào linh hồn con. Nhưng, bởi vì bây giờ con không thể rước Chúa được, thì xin Chúa ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng, chẳng khác gì như con được rước Chúa thật. Con xin đón rước Chúa, cùng kết hợp làm một với Chúa cho trọn. Xin Chúa đừng để con lìa bỏ Chúa bao giờ.”
Đức tin bảo chúng ta rằng, nhờ ân sủng của Đức Kitô, chúng ta sẽ vượt qua được những thử thách trong cuộc sống. Hôm nay chúng ta hãy kết hợp tâm trí với Chúa Giêsu, tin tưởng vào Người và tình yêu của Người dành cho chúng ta!
Đề Nghị để Suy Nghĩ và Thảo Luận:
- Cho dù bạn có Rước Lễ thường xuyên hay không, hãy nghĩ đến cách bạn có thể kết hợp việc thực hành “Rước Lễ Thiêng Liêng” vào cuộc sống hàng ngày của mình, vào lúc Thánh Lễ hàng ngày ở địa phương mà bạn không thể tham dự, hoặc khi đi ngang qua một nhà thờ Công giáo nơi có Thánh Thể được cất trong nhà tạm.
- Nếu bạn rước Lễ thường xuyên, hãy cố gắng quan tâm đến những người không hoặc không thể rước Lễ. Lần tới khi bạn chuẩn bị rước Lễ, hãy cầu nguyện để những người khác cũng có thể rước Lễ.