Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 72 : Rước Lễ Thế Nào

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 22 tháng 5 năm 2024

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Bạn có thể nhận thấy rằng có nhiều cách khác nhau để rước Lễ. Có cách nào đúng không? Chính xác thì chúng ta nên rước lễ như thế nào? Trước hết, điều quan trọng cần lưu ý là chúng ta rước Lễ. Rước lễ là món quà lớn nhất của chúng ta, một món quà được đón nhận nhờ tình yêu quảng đại của Chúa Giêsu. Việc rước lễ không bao giờ được thực hiện bằng hành động của chính chúng ta. Như Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma nêu rõ: “Các tín hữu không được phép tự mình lấy Bánh thánh hoặc Chén thánh và càng không được phép trao chúng cho nhau. Quy tắc được thiết lập cho các Giáo phận của Hoa Kỳ là phải đứng khi rước Lễ, trừ khi một cá nhân tín hữu nào muốn rước lễ trong kúc quỳ” (QCSL [Tiếng Anh], 160). Có thể du di cho những người không thể đứng hoặc quỳ. Nhiều nhà thờ có những khu vực cho phép rước lễ trực tiếp tại hàng ghế dành cho những người cảm thấy khó khăn khi đi lên rước Lễ. Hướng dẫn nói rõ rằng chúng ta lãnh nhận món quà Mình Thánh Chúa và không nhận món quà này cho mình, một sự thật mà chúng ta nhấn mạnh trong tư thế chúng ta tuân giữ khi đón nhận Mình Thánh. Đối với những người nhận trên tay, chúng ta giữ vững tay với lòng bàn tay rộng mở như một cái ngai để đón Chúa chúng ta thật sự hiện diện. Đối với những người rước Mình Thánh trên lưỡi, chúng ta đứng yên khi chờ đợi Mình Thánh Chúa được đặt trên lưỡi.

Tại Sao Chúng Ta Cúi Đầu trước khi Rước Lễ?

Tôi thường thấy người ta cúi đầu trước khi đến gần thừa tác viên. Tôi cũng có nên làm điều đó không? Đúng! Khi GIRM tiếp tục, “Khi rước Lễ, người rước Lễ cúi đầu trước Bí tích như một cử chỉ tôn kính và nhận Mình Thánh Chúa từ thừa tác viên… Khi rước lễ dưới cả hai hình thưc, dấu chỉ tôn kính cũng được làm trước khi lãnh nhận Máu Thánh” (QCSL [Tiếng Anh], 160). Như tôi thường chia sẻ khi dạy trẻ em về các tư thế cầu nguyện và tôn kính, dấu chỉ tôn kính của chúng ta thực cung cấp một cơ hội cho thân xác chúng ta giúp nhắc nhở trí khôn và tâm hồn chúng ta về Đấng mà chúng ta tin rằng đang ở trước chúng ta. Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu, Thiên Chúa toàn năng, Ngôi Hai trong Ba Ngôi, hiện diện trước chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Việc cúi đầu của chúng ta giúp chúng ta nhớ lại rằng Người thực sự ở đó và chúng ta tin rằng Người thực sự ở đó! Giống như rất nhiều phần trong cuộc sống của chúng ta được lặp đi lặp lại thường xuyên, chúng ta có thể có nguy cơ chỉ làm cho có lệ ở phần này của Thánh Lễ. Tuy nhiên, nếu làm như vậy, chúng ta sẽ không nhìn thấy Chúa Giêsu thực sự ở đó trước mặt chúng ta! Lần tới khi bạn lên rước Lễ, hãy cố gắng thực sự cúi đầu với lòng tôn kính và nhớ rằng Chúa Giêsu đang ở đó. Có lẽ hãy tự mình cầu nguyện bằng những lời của Thánh Tôma: “Lạy Chúa con và Thiên Chúa của con” (Ga 20:28). Cũng thế, Giáo phận Peoria nói, “Ngay cả việc rước Lễ cũng là một hành động nghi lễ quan trọng, khi chúng ta khiêm tốn đến gần Chúa Giêsu. Các Giám mục Hoa Kỳ đã yêu cầu chúng ta cúi đầu như một dấu chỉ tôn kính Thánh Thể trước khi rước Lễ… Đó là một cuộc gặp gỡ khi chúng ta đón nhận Người – Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính!” (A Study of the Mass, trang 19–20).

Những Lời Khuyên Thiết Thực khi Rước Lễ

Còn về một số lời khuyên thiết thực thì sao? Đương nhiên rồi! Như tôi đã đề cập ở trên, một cách tuyệt vời để ở trong tình trạng “đón nhận” là đứng yên khi thừa tác viên mang Mình Thánh Chúa đến cho bạn. Một lưu ý thực tế là tôi thường nhận thấy rằng một số người nghiệng mình về phía Mình Thánh, hoặc đôi khi những người có ý rước Lễ bằng lưỡi thậm chí cắn hoặc liếm Mình Thánh. Còn những người  rước Mình Thánh trên tay, tôi thấy đôi khi có người khép tay lại trước khi Mình Thánh Chúa được đặt vào đó. Tôi cho rằng đây có thể là những cách cố gắng giúp đỡ thừa tác viên; tuy nhiên, điều thực sự dễ dàng nhất và có lẽ có tính cầu nguyện nhất nếu bạn ở yên cho đến khi Chúa Giêsu trong Mình Thánh Chúa đến với bạn.

Đối với những người rước Lễ trên tay, Cha Oury lưu ý rằng Thánh Cyril đưa ra chỉ dẫn: “Khi bạn đến gần, đừng đến với lòng bàn tay dang phẳng, cũng không dang rộng các ngón tay… Gãy dùng tay trái của bạn làm thành một cái ngai cho Người. Hãy nhận Mình Thánh Chúa Kitô trong lòng bàn tay và thưa: Amen… Hãy ăn Bánh Thánh và cẩn thận đừng để một chút nào rơi mất… Hãy nói cho tôi biết, nếu bạn được ban cho một số hạt vàng, bạn sẽ không canh giữ chúng với sự quan tâm lớn nhất để không đánh mất bất kỳ hạt nào trong chúng và trở thành người nghèo hơn? Chẳng phải bạn nên cẩn thận hơn nữa để không đánh rơi dù chỉ một phần nhỏ nhất của món quý hơn vàng hay đá quý sao?” (Tha Mass, trang 121–2; Mystagogical Catechesis 5, 21). Thánh Cyril nhắc nhở chúng ta phải đón nhận Vua của các Vua một cách xứng đáng, chắc chắn cả trong việc đón tiếp Người một cách chu đáo cũng như tôn vinh sự hiện diện của Người ngay cả trong những phần nhỏ nhất. Thánh Cyril mời gọi chúng ta xem xét bàn tay và các ngón tay của mình để tìm bất kỳ hạt nhỏ nào của Thánh Thể sau khi chúng ta đã rước Chúa.

Một lời khuyên thực tế cuối cùng có thể là hãy suy nghĩ về những gì bạn nói khi thưa “Amen”. Tôi khuyến khích bạn hãy thưa Amen mạnh mẽ, nhắc nhở mình rằng từ đó có nghĩa là “Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa thực sự ở đây”. Amen này là lời cầu nguyện đức tin quan trọng vào lúc rước Lễ. Cha Charles Belmonte suy niệm sâu hơn về lời Amen: “Vâng, lạy Chúa, con tin. Con yêu và con hy vọng ở Chúa. Con biết thời gian chờ đợi của xon đã qua, vì giờ đây niềm hy vọng của con đã trở thành hiện thực, đáp ứng những nhu cầu sâu xa nhất về đức tin và đức ái của con. Chúa là của con, và con là của Chúa… Tâm hồn con thờ phượng Chúa trong thinh lặng” (Understanding the Mass, tr. 187). Chúng ta hãy biến lời cầu nguyện đức tin tốt đẹp này thành của riêng mình, lần sau và mỗi lần chúng ta thưa Amen và đóm nhận Mình và Máu Chúa Giêsu!

Đề Nghị để Suy Nghĩ và Thảo Luận:

  1. Hãy suy niệm về sự khiêm nhường của Chúa Giêsu mà Thánh Phaolô mô tả trong Thư gửi tín hữu Philíphê 2:5–10. Hãy ghi nhớ đoạn văn này khi bạn đến gần Bí tích Thánh Thể và cúi đầu tôn kính. Ngoài ra, hãy cầu nguyện bằng những đoạn Kinh Thánh khác mời gọi chúng ta cúi đầu trước Chúa (ví dụ: Thánh Vịnh 5:7; Thánh Vịnh 138:2; Mathhêu 8:2).
  2. Khải huyền 3:14 mô tả Chúa Giêsu là “Amen, Nhân Chứng trung tín và chân thật.” Hãy cầu nguyện với Chúa Giêsu là “Amen” và cầu xin ân sủng để kết hợp tiếng “Amen” của bạn trong việc rước lễ với tiếng “Amen” của Người với Thánh Ý của Chúa Cha.