Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 73 : Rước Lễ dưới Cả Hai Hình Thức
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 29 tháng 5 năm 2024
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam
Lần trước, chúng ta đã đề cập đến việc làm dấu chỉ tôn kính trước khi rước Mình Thánh Chúa hoặc Máu Thánh Chúa. Lần này, chúng ta đặc biệt xem xét việc rước Máu Thánh Chúa. Bạn có thể nhận thấy sự khác biệt trong cách các nhà thờ cho rước Lễ. Một số người đi du lịch có thể thấy có những giáo xứ cho rước cả Máu Châu Báu Chúa và có những giáo xứ khác chỉ cho rước Mình Thánh mà không cho rước Máu Thánh.
Chúng ta hãy xem Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma: “Như chính Linh Mục buộc phải làm thì ước mong các tín hữu rước Mình Thánh Chúa với những bánh thánh được truyền phép ngay trong chính Thánh Lễ, và trong những trường hợp đã được trù liệu, họ cũng được rước Máu Thánh Chúa (x. n. 283), để nhờ cả những dấu chỉ, họ thấy rõ việc hiệp lễ là tham dự vào hy lễ đang cử hành.” (QCSL, 85). Vấn đề ở đây là nhấn mạnh rằng việc rước Lễ sẽ giúp kết hợp chúng ta với Hy lễ Thánh – qua bánh thánh được truyền phép trong Thánh Lễ và (sau đó lưu ý) “điều này được trù liệu” họ cũng được rước Máu Thánh.
Khi Nào Chúng Ta Rước Lễ từ Chén Thánh?
Vậy, khi nào các tín hữu có thể rước Máu Thánh? QCSL nhắc nhở chúng ta rằng các Giám mục có thẩm quyền đưa ra những hướng dẫn về cách thức rước Lễ trong giáo phận của các ngài. Điều này là do các Giám mục là những đấng trông coi phụng vụ trong giáo phận của các ngài. QCSL cung cấp một số hướng dẫn để các Giám mục tuân theo: “Xét về phương diện dấu chỉ, việc hiệp lễ dưới hai hình là hình thức đầy đủ hơn. Quả vậy, dưới hình thức này, dấu chỉ của bữa tiệc Thánh Thể được sáng tỏ hơn. Ý Thiên Chúa muốn thiết lập Giao Ước mới và vĩnh cửu trong Máu Thánh Chúa cũng được biểu lộ rõ ràng hơn. Ðồng thời, mối tương quan giữa bữa tiệc Thánh Thể và bữa tiệc cánh chung trong nước Chúa Cha được diễn tả minh bạch hơn” (QCSL, 281).
Đoạn văn này nói gì với “cả hai loại” (hoặc đôi khi chúng ta thấy phần mô tả “cả hai hình thức”)? Ở đây ám chỉ việc Rước lễ dưới hình Mình Thánh và trong chén thánh. Nghĩa là, việc Rước lễ sẽ được cử hành dưới những hình thức liên quan đến cả việc ăn và uống.
Tại Sao Chúng Ta Không luôn Được Rước Máu Thánh?
Vậy tại sao chúng ta không luôn rước lễ dưới cả hai hình thức? Dù bạn có tin hay không, một lý do đơn giản là tính thực tế. Để có nhiều người uống từ chén thánh cần phải có chén rất lớn hoặc nhiều chén. Tùy thuộc vào quy mô của giáo xứ, điều này có thể không có vấn đề gì; nhưng ở những giáo xứ rất lớn, điều này có thể trở thành một thách đố. Trong một giáo xứ nơi tôi đến thăm, có từ 10 đến 20 thừa tác viên cho rước Lễ ngoại thường trong mỗi Thánh lễ. Như bạn có thể tưởng tượng, việc chuẩn bị cho tất cả những người này và đến chỗ của họ là một tiến trình khá dài. Một lý do thực tế khác đối với một số Giám mục và mục tử là mối quan tâm đến sự tôn kính và lo lắng về khả năng Máu Châu Báu có thể bị đổ ra. Ngoài ra, với sự nhạy cảm cao độ về sức khỏe, đối với một số người, việc uống chung một chén thánh là một thách đố cá nhân.
Cùng với một số lý do thực tế này, còn có sự xem xét về đức tin dựa trên niềm tin của chúng ta rằng Chúa Giêsu hiện diện thực sự và trọn vẹn dưới cả hai hình thức Rước lễ. QCSL tuyên bố, “Các vị chủ chăn phải lo liệu dùng cách nào thích hợp nhất để gợi lại trong tâm trí tín hữu, những người rước Lễ cũng như những người dự Lễ, giáo lý công giáo về hình thức hiệp Lễ, theo ý Công Ðồng Triđentinô? Trước hết, phải nhắc cho các Kitô hữu nhớ rằng theo đức tin Công giáo, dù rước Lễ dưới một hình, họ cũng lãnh nhận trọn vẹn Đức Kitô và bí tích thực thụ. Bởi đó, về hiệu quả, người rước Lễ dưới một hình thôi cũng chẳng thiệt mất ơn nào cần thiết cho sự cứu độ” (QCSL, 282). Văn bản này nhắc nhở các mục tử hãy đảm bảo rằng mọi người biết rằng việc rước Mình Thánh Chúa là đón nhận Đức Kitô trọn vẹn; nhận được từ chén thánh là nhận được trọn vẹn Đức Kitô; tiếp nhận cả hai hình thức là tiếp nhận toàn thể Đức Kitô. Đã có những thời điểm trong lịch sử mà giáo huấn này không nhất thiết phải rõ ràng; đối với một số người, việc rước Lễ dưới một hình thức có thể giúp đạt được sự rõ ràng đó.
Ai Quyết Định Khi Nào Chúng Ta Được Rước Máu Thánh?
Cuối cùng, quyết định tùy thuộc vào Giám mục, người có thể chọn mở rộng quyết định cho từng Cha Xứ. Các Giám mục có trách nhiệm làm bất cứ điều gì các ngài nghĩ là hữu ích nhất cho dân chúng về mặt thiêng liêng, đồng thời bảo vệ đức tin đích thực và lòng tôn kính đối với Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Vì vậy, khi bạn đi du lịch và nhận thấy rằng một số giáo xứ cho rước Lễ dưới cả hai hình thức và một số thì không, nên biết rằng Giám mục và Cha Xứ đã quyết định, theo hướng dẫn của QCSL, làm những gì các ngài nghĩ là tốt nhất cho giáo xứ và giáo dân của các ngài tại thời điểm ấy. Như mọi khi, nếu chúng ta không hiểu sự khôn ngoan của các nhà lãnh đạo trong những quyết định này, chúng ta được mời cầu nguyện để có được sự hướng dẫn và khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, và tiếp tục cầu nguyện cho sự hiệp nhất thực sự trong Đức Kitô!
Đề Nghị để Suy Nghĩ và Thảo Luận:
- Cầu nguyện với 1 Côrintô 10:14–22, trong đó Thánh Phaolô mô tả sự kết hợp của chúng ta trong “một chiếc bánh” Bí tích Thánh Thể. Hãy cầu xin ơn trân quý hơn nữa việc rước Lễ như một sự kết hợp với Đức Kitô và với nhau.
- Hãy cam kết cầu nguyện hàng ngày cho vị Giám mục địa phương của bạn và xin Chúa Thánh Thền hướng dẫn ngài trong mọi quyết định của ngài.