Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 74 : Cầu Nguyện Riêng trong Thinh Lặng
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 5 tháng 6 năm 2024
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam
Sau giây phút tuyệt vời được rước Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta nên làm gì tiếp? Bạn hiểu rồi: hãy cầu nguyện! Theo Giáo phận Peoria, “Sau khi rước Mình Thánh Chúa, chúng ta trở lại hàng ghế của mình… Đây là thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện và trò chuyện với Chúa, Đấng chúng ta vừa rước” (A Study of the Mass, tr. 20). Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma dạy chúng ta rằng thời gian này có thể dành cho việc cầu nguyện thầm lặng hoặc ca hát: “Khi cho rước lễ xong, nếu thích hợp, Linh mục và các tín hữu tuỳ nghi cầu nguyện âm thầm trong một khoảng thời gian. Nếu muốn, toàn thể cộng đoàn cũng có thể hát một Thánh Vịnh hoặc một bài ngợi khen hay một bài thánh ca nào đó” (QCSL, 88). Tùy thuộc vào truyền thống giáo xứ của bạn, có lẽ đã có một bài thánh ca hoặc điệp ca Hiệp lễ, bắt đầu sau khi linh mục Rước Lễ. Giáo xứ của bạn cũng có thể có truyền thống hát một bài thánh ca sau Hiệp Lễ, đôi khi được gọi là thánh ca tạ ơn. Nhiều tác giả khuyến cáo rằng, ngoài những điều này, còn cần có một khoảng thời gian im lặng.
Tầm Quan Trọng của Im Lặng
Cha Guy Oury nói rằng khoảng thời gian im lặng này rất quan trọng: “Toàn thể Hội Thánh, toàn thể cộng đồng, nên dành thời gian để âm thầm tạ ơn. Làm như vậy là điều quan trọng, ngay cả khi việc này được làm sau khi kết thúc Thánh Lễ. Đây là lúc, nếu có thể, để bắt đầu thời gian thinh lặng, như đã được khuyến khích ở những thời điểm khác của buổi cử hành. Tuy nhiên, về tổng thể, Kinh nguyện Thánh Thể có ít thời gian im lặng hơn nhiều so với trước đây, và sự im lặng giúp cho việc hồi tâm là một giá trị không thể bị mất đi được. Việc tạ ơn hoàn toàn không thể thiếu được dưới hình thức tập thể và hình thức cá nhân. Hiệu quả bí tích của Bí tích Thánh Thể không tự động có tác dụng. Nó đòi hỏi sự chuẩn bị. Thánh Lễ tự nó là một lời tạ ơn, nhưng việc tạ ơn không chỉ dừng lại ở việc Rước Lễ. Nó tiếp tục và có thể kéo dài đến một bài thánh ca hoặc một Thánh vịnh được đọc chung. Có nhiều ca hát trong Thánh Lễ, nhưng vào lúc này, nên để sự yên lặng bao trùm cộng đoàn” (The Mass, trang 123).
Vậy, kinh cầu nguyện nào phù hợp trong thời gian này? Cha Oury ghi lại một tác giả ẩn danh viết ở Syria vào khoảng năm 300 sau Công Nguyên, người đã cho chúng ta một ví dụ: “Sau khi lãnh nhận Mình và Máu Châu Báu Đức Kitô, chúng ta tạ ơn Người vì đã làm cho chúng ta xứng đáng được chia sẻ các mầu nhiệm thánh của Người và cầu xin Người để việc tham dự này không làm cho chúng ta bị phán xét và kết án nhưng được cứu rỗi và mang lại lợi ích cho linh hồn và thể xác, giữ lòng đạo đức, được tha tội và cho sự sống của thế giới mai sau” (The Mass, trang 117). Có lẽ đây là giây phút cầu nguyện mà lòng chúng ta tuôn trào lời tạ ơn khi nhận ra món quà tuyệt vời mà chúng ta đã được Chúa ban cho. Có lẽ đây là lúc để cầu xin cho chúng ta được thêm sức mạnh để làm những gì chúng ta đang phải đối mặt. Hy vọng rằng đây là lúc để chúng ta nói từ trái tim mình rằng chúng ta thực sự muốn sống trong tình yêu của Thiên Chúa.
Cầu Nguyện Thầm Lặng nhưng Tích Cực
Dù lời cầu nguyện của chúng ta là gì, Cha Joseph McGloin nhắc nhở chúng ta rằng thời gian im lặng này không thể là thời gian vô tâm và thụ động: “Vì vậy, mặc dù đây là thời gian im lặng, nhưng không phải là lúc để chúng ta đứng thẳng, dù là quỳ hay ngồi, và ngủ gật để mơ về một ngày sắp tới hoặc đêm đã qua. Đây cũng không phải là lúc để nói: ‘Được rồi, Chúa ơi, hãy làm việc của Chúa’, rồi lại thụ động chờ Người làm việc đó. Điều đó cũng lịch sự như việc chào đón một vị khách vào nhà và sau đó chỉ ngồi đó trong khi họ mua vui và đãi chúng ta. Không, giây phút kết hợp với Thiên Chúa sau khi Rước Lễ phải là phần tích cực và tuyệt vời nhất của Thánh Lễ đối với chúng ta. Chúng ta nói chuyện với Người và chúng ta lắng nghe. Cuộc nói chuyện của Người sẽ là cuộc nói chuyện lặng lẽ – cách mà Người hầu như luôn giao tiếp với con người… Người muốn dạy chúng ta, đặc biệt là vào thời điểm thân mật này, hãy đáp lại tình yêu của Người. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ đáp trả cách tích cực. Cầu nguyện thầm lặng không có nghĩa là chỉ ngồi thụ động như vua chú, chờ đợi những món quà được đặt dưới chân mình. Một người phụ nữ từng phàn nàn với Cha Walter Farrell, nhà văn vĩ đại của dòng Đa Minh, rằng dường như bà không thể cầu nguyện trước Thánh Thể. ‘Con bắt đầu đọc Kinh Kính Mừng’, bà nói với ngài, ‘và sau đó con nhìn vào nhà tạm và bắt đầu nghĩ xem Thiên Chúa tốt lành biết bao, và con không bao giờ đọc xong Kinh Kính Mừng của mình.’ Bà ấy không thể cầu nguyện sao? Đây là một cách cầu nguyện hoàn hảo. Và Đức Maria sẽ là người đầu tiên nhìn nhận điều đó. Mục đích chính của việc chúng ta tôn sùng Đức Maria (và tất cả các Thánh) là dẫn chúng ta đến việc tôn thờ Người Con Thiên Chúa của Mẹ” (How to Get More Out of the Mass, trang 137–9).
Vì vậy, chúng ta hãy tận dụng cơ hội này để cầu nguyện sau khi rước Lễ và đến gần hơn với Chúa mà chúng ta vừa đón nhận!
Đề Nghị để Suy Nghĩ và Thảo Luận:
- Hãy ôn lại giáo huấn của Chúa Giêsu về cầu nguyện trong Matthêu 6:5-8. Hãy áp dụng sự chú ý này trong việc cầu nguyện cá nhân với Thiên Chúa Cha vào lúc bạn cầu nguyện sau khi Rước Lễ.
- Giáo xứ của bạn thực hành việc cầu nguyện trong và sau khi rước Lễ như thế nào? Hãy tích cực tham gia vào thời gian cầu nguyện này và thoải mái thưa chuyện với Cha Xứ nếu bạn có đề nghị nào về việc sử dụng các bài thánh ca hoặc im lặng trong thời gian này.