Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 76 : Lời Nguyện Hiệp Lễ
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 19 tháng 6 năm 2024
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam
“Chúng ta hãy cầu nguyện.” Sau khi rước Lễ và cầu nguyện, chúng ta chuẩn đi ra vào thế gian. Đây được gọi là Lời nguyện Hiệp Lễ. Như Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma nói: “Ðể hoàn tất lời nguyện của dân Chúa và để kết thúc toàn bộ nghi thức rước Lễ, vị tư tế đọc lời nguyện Hiệp Lễ để cầu xin cho mầu nhiệm đã cử hành được sinh hoa kết quả” …. Giáo dân tung hô “Amen”, để làm cho lời nguyện đó thành của mình” (GQCSL, 89). Theo Giáo phận Peoria, “Thường thì Lời nguyện [này] cầu xin Thiên Chúa giúp đem các ân sủng nhận được trong Bí tích Thánh Thể ra thực hành, và làm cho việc cử hành được viên mãn trên Thiên đàng. Lời nguyện [này] thường cho thấy sứ vụ của chúng ta như môn đệ của Đức Kitô trong thế gian” (A Study of the Mass, t. 20).
Những Lời Nguyện Ngắn, Nhanh và Tuyệt Vời
Những lời nguyện này thường rất ngắn và nhanh… mặc dù bỏ lỡ chúng thực sự là bỏ lỡ một điều gì đó tuyệt vời. Thí dụ, hãy xem đến những Lời nguyện Hiệp Lễ trong các Lễ trọng kính Chúa trong Mùa Thường niên:
Mình và Máu Thánh Chúa Kitô (Corpus Christi): “Lạy Chúa Giêsu, chúng con tuy còn ở dưới thế, nhưng đã được tham dự bàn tiệc trên trời khi thông hiệp với Mình và Máu Thánh Chúa. Xin cho chúng con một khi lên cõi trời vinh hiển được cùng Chúa vui hưởng phúc trường sinh. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời..”
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin cho bí tích tình yêu này hằng lôi kéo chúng con đến cùng Ðức Kitô Con Một Chúa, để chúng con được cháy lửa yêu mến nồng nàn và biết nhận ra Người hiện diện trong mỗi anh chị em chúng con. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.”
Lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ trụ: “Lạy Chúa, chúng con được vinh dự sống theo lời giáo huấn của Ðức Kitô là Vua toàn thể vũ trụ, chúng con cũng vừa lãnh nhận thần lương ban sự sống muôn đời: xin cho chúng con được mãi mãi cùng Người hưởng vinh quang thiên quốc. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.”
Mặc dù tôi chắc chắn muốn chia sẻ thêm nhiều lời nguyện phong phú này, nhưng những thí dụ trên cho chúng ta một ý tưởng hay về những gì chúng ta cầu nguyện trong phần này của Thánh Lễ. Chúng ta nhớ lại món quà tuyệt vời mà chúng ta đã nhận được. Chúng ta cầu xin rằng hoa trái của Chúa Giêsu thực sự hiện diện sẽ củng cố chúng ta trong tình yêu của Người khi chúng ta bước ra để vào thế gian. Chúng ta đang hướng đến việc chia sẻ cuộc sống trọn vẹn với Chúa Đáng Yêu của chúng ta trong Nước Thiên Đàng.
Chuẩn Bị Ra Về Làm Môn Đệ Truyền Giáo
Như Cha Charles Belmonte dạy, Lời nguyện Hiệp Lễ thực sự giúp ích rất nhiều cho việc tổng hợp những gì chúng ta đã nghe, nói và làm trong Thánh Lễ: “Chúng ta được nuôi dưỡng bằng ‘bánh hằng sống’, lương thực là nguồn can đảm của chúng ta. Nhân đức can đảm này giúp chúng ta duy trì cuộc chiến hàng ngày chống lại những đam mê và sự yếu đuối của mình… Nhân đức can đảm đi đôi với khả năng hy sinh chính mình… Tin Mừng được gửi đến những người yếu đuối, nghèo khổ, hiền lành và khiêm nhường, những người xây dựng hòa bình và những người có lòng thương xót, nhưng đồng thời, nó cũng chứa đựng lời kêu gọi liên tục về lòng can đảm. Tin Mừng thường lặp lại: ‘Đừng sợ’ (Mt 14:27). Nó dạy con người rằng, vì chính nghĩa, vì sự thật, vì công lý, người ta phải có khả năng ‘hy sinh mạng sống’ (Ga 15:13)… Chúng ta có thể thu được rất nhiều lợi ích từ những Lời nguyện Hiệp Lễ bằng cách sử dụng chúng như nguồn cảm hứng để suy niệm cách cá nhân trong ngày”( Understanding the Mass, tr.191–3).
Thành thật với chính mình, chúng ta biết rằng đôi khi vào lúc này trong Thánh Lễ, chúng ta nghĩ đến những gì sắp xảy ra, có thể là một bữa ăn gia đình vui vẻ hoặc thưởng thức một trận đấu banh lớn. Tuy nhiên, Lời nguyện Hiệp Lễ nhắc nhở chúng ta rằng hoa trái của Thánh Lễ không chỉ diễn ra trong các bức tường nhà thờ mà còn diễn ra trong trí khôn và trái tim của chúng ta. Khi chúng ta sẵn sàng ra đi, hy vọng rằng chúng ta đã được củng cố quyết tâm trung thành. Mong rằng trái tim chúng ta ngày càng giống Đấng yêu thương chúng ta nhất.
Vì vậy, thay vì suy nghĩ về những gì sẽ xảy ra sau lúc này trong Thánh Lễ như tìm cách rời khỏi bãi đậu xe, tại sao bạn không dùng lúc này như một cơ hội cuối cùng để thu xếp mọi sự và thực sự chuẩn bị đi ra để vào thế gian như một môn đệ truyền giáo của Chúa Giêsu Kitô? Nếu làm như vậy, chúng ta sẽ không dễ dàng quên những ân sủng lớn lao mà chúng ta đã nhận được trong Thánh Lễ. Thay vào đó, chúng ta sẽ tích cực mang chúng theo mình suốt ngày – và thậm chí tốt hơn nữa – là chia sẻ chúng với người khác!