Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 78: Giải Tán – Ra Về Bình An
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 10 tháng 7 năm 2024
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam
Vừa mới nhận được phép lành qua tay Linh mục, bây giờ đến với lời chỉ dẫn và lời đáp cuối cùng trong Thánh Lễ: Giải tán. Đối với phần này của Thánh Lễ, Sách lễ Rôma đưa ra bốn lựa chọn mà Phó tế (nếu có) hoặc chính Linh mục có thể sử dụng:
“Thánh Lễ đã hết, chúc anh chị em ra về bình an.”
“Hãy ra đi và công bố Tin Mừng của Chúa.”
“Hãy ra vđi bình an va tôn vinh Chúa bằng cuộc sống của anh chị em.”
“Hãy ra đi bình an.”
Với bất kỳ câu nào trong những câu này, dân chúng đáp: “Tạ ơn Chúa.” Ngoài ra, bạn có thể biết rằng trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh và kết thúc Mùa Phục Sinh, chúng ta cũng thêm một câu “Alleluia” kép vào cuối những câu giải tán này.
Ảnh của Edwin Lucero
Một Lời Sai Đi…
Bạn có nhận thấy điều gì nhất quán hoặc được lặp lại trong những câu giải tán này không? Tất cả đều bắt đầu bằng “Hãy ra đi”! Tại sao chúng ta lại nói như vậy? Chắc chắn không phải vì Linh mục đã sẵn sàng để tiếp tục công việc hàng ngày của mình! Giáo phận Peoria dạy rằng, “Sau khi [Lời nguyện Hiệp Lễ] cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để đem đức tin của mình ra thực hành, Nghi thức kết thúc là ‘sai đi’ trong sứ vụ này như những môn đệ của Đức Kitô” (A Study of the Mass, tr. 20). Chúng ta vừa cầu nguyện cùng nhau, tôn vinh Thiên Chúa trong Hy Lễ hoàn hảo của Đức Kitô trong việc thờ phượng Chúa Cha; sau khi được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa trong Kinh Thánh và Sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, giờ đây chúng ta đã sẵn sàng ra đi vào thế giới. Mỗi lựa chọn giải tán thực sự là một chỉ dẫn: “Hãy ra về”; “Hãy ra đi và công bố Tin Mừng”; “Hãy ra đi bình an và tôn vinh Chúa”; “Hãy ra đi bình an.” Bằng một cách thực sự, mỗi câu này cho chúng ta biết phải làm gì tiếp theo một cách thực tế, bây giờ thời gian chúng ta cùng nhau tham dự một Thánh Lễ cụ thể đã kết thúc.
Như Edward Sri kể lại, “Trong thế giới cổ đại, người ta thường kết thúc một cuộc tụ họp bằng một lời giải tán chính thức. Các Kitô hữu thời sơ khai đã cảm thấy cần phải đưa một kết thúc buổi lễ phụng vụ của họ một cách tương tự. Từ thế kỷ thứ tư trở đi, những từ tiếng Latin Ite Missa est đã được sử dụng cho nhiệm vụ này… Điều quan trọng nhất về sự giải tán này là toàn bộ phụng vụ có tên là ‘Thánh Lễ’, bắt nguồn từ từ Missa (‘giải tán’ hay ‘sai đi’) trong câu kết này. Điều này cho thấy rằng Thánh Lễ cuối cùng phài được coi là một sự sai đi. Như Sách Giáo Lý giải thích, việc cử hành Thánh Thể được gọi là ‘Thánh Lễ’ (Missa) ‘bởi vì phụng vụ trong đó mầu nhiệm cứu độ được hoàn thành kết thúc bằng việc sai các tín hữu ra đi (missio), để họ có thể chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày của họ’” (A Biblical Walk Through the Mass, trang 147–8; CCC, 1332).
Ảnh của Devin Rosa
… để Ra đi Truyền giáo
Có ai nhận thấy rằng trích dẫn từ Sách Giáo lý bao gồm từ missio nghe rất giống với mission (sứ vụ hay truyền giáo) không? Tôi đã nghe một số Linh mục giải thích rằng Thánh Lễ kết thúc thực sự là một cuộc sai đi của dân Kitô giao để truyền giáo. Nếu bạn nghĩ về tất cả những gì chúng ta đã nhận được trong Thánh Lễ, trái tim và trí khôn của chúng ta sẽ tràn đầy chân lý, lòng nhân từ và tình yêu của Thiên Chúa. Tất nhiên, đó là những món quà cần được chia sẻ! Chúng ta sống trong một thế giới đang trải nghiệm những hậu quả của tội lỗi và sự tan vỡ, một thế giới cần hy vọng và ánh sáng, một thế giới cần những hoa quả của Thánh Lễ!
Như Edward Sri tiếp tục, “Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ, ‘Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con’ (Ga 20:21). Chúa Cha đã sai Chúa Con đến thế gian, để chết vì tội lỗi chúng ta và cho chúng ta được chia sẻ sự sống thần linh của Người. Như chúng ta đã thấy, toàn thể Mầu nhiệm Vượt qua của Cuộc Khổ nạn, cái Chết… sự Phục sinh [và Lên Trời] của Chúa Giêsu được hiện diện với chúng ta trong phụng vụ Thánh Thể để chúng ta có thể được kết hợp sâu đặm hơn vào cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu. Bí tích Thánh Thể càng kết hợp chúng ta với Chúa Giêsu sâu xa hơn, thì chúng ta càng tỏa sáng sự sống và tình yêu của Người trong thế giới chung quanh chúng ta. Do đó, câu kết thúc của phụng vụ không phải là lời giải tán vô mục đích. Đó là lời giải tán có sứ vụ. Đó là việc sai dân Thiên Chúa ra đi để mang những mầu nhiệm của Đức Kitô vào thế giới” (A Biblical Walk Through the Mass, trang 148). Lần tới khi bạn rời Thánh Lễ, tôi thách bạn hãy vui vẻ nghĩ về tất cả những hoa trái của Thánh Lễ đó và sau đó tự hỏi: Làm sao tôi có thể chia sẻ những hoa trái này với những người tôi sẽ gặp?
Gơi Ý để Suy Nghĩ:
- Suy niệm về những kinh nghiệm sống của bạn trong việc trao sứ vụ hoặc truyền giáo. Những yếu tố, văn bản và vật chất, của những kinh nghiệm phi phụng vụ của bạn khi kãnh nhận hoặc trao một sứ vụ là gì? Hãy mang câu chuyện cá nhân này vào tiến trình chuẩn bị cho Thánh Lễ, ý thức rằng việc tham gia phụng vụ của bạn sẽ trang bị cho bạn để ra đi truyền giáo nhân Danh Chúa.
- Chấp nhận thách đố của Cha Luke để nhận ra những hoa trái bạn đã nhận được trong Thánh Lễ và cam kết chia sẻ những hoa trái này với những người khác khi bạn ra về.
- Cầu nguyện với Luca 7, chú ý đến động lực của sứ vụ, việc trao sứ vụ và giải tán trong những cuộc gặp gỡ khác nhau của sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Thí dụ, viên bách đội trưởng dạy chúng ta điều gì về việc thi hành sứ vụ dưới thẩm quyền của Chúa Giêsu (Lc 7:1–10)? Chúng ta thấy động lực nào của việc đi, đến và làm sứ giả của Thiên Chúa trong các tương tác giữa Thánh Gioan Tẩy Giả các môn đệ của Chúa Giêsu và Chúa Giêsu (Lc 7:18–35)? Người phụ nữ tội lỗi đã sinh hoa trái gì khi chia sẻ với những người khác trước khi nghe lời sai đi của Chúa Giêsu: “Đức tin của con đã cứu con; hãy ra đi bình an” (Lc 7:36-50)? Hãy để cho những câu này định hướng sự tham gia của bạn trong Thánh Lễ như là một cuộc gặp gỡ thực sự với Chúa Giêsu Kitô và một cuộc sai đi để chia sẻ hoa quả của Người với tha nhân.