Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy – Bài 8 : Hành động Sám hối

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày từ 21 tháng 11 năm 2022.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam [. . .]

Sau lời chào của linh mục và câu trả lời của mọi người khi bắt đầu Thánh Lễ, tiếp theo chúng ta chia sẻ về Hành động Sám hối. Nếu bạn nghĩ rằng điều đó nghe giống như xưng tội, đừng lo—đó là một điều tốt! Trong Nghi thức Nhập Lễ, chúng ta nhớ lại mình đang ở trước mặt Thiên Chúa. Nếu chúng ta thực sự chân thành nhận ra rằng Thiên Chúa (Đấng hoàn toàn thánh thiện) đang ở giữa chúng ta, thì chúng ta nhận ra sự cần thiết của việc thanh tẩy. Chúng ta nhận ra rằng khi gặp gỡ Thiên Chúa, chúng ta phải đến gần với một tâm hồn trong sạch. Vì vậy, chúng ta dành một phút thinh lặng ngắn ngủi để nhớ lại những tội lỗi và lỗi lầm của mình, và xin Chúa tha thứ cùng chữa lành chúng ta. Sau thời gian thinh lặng của chúng ta, linh mục (hoặc phó tế) hướng dẫn cộng đoàn cầu nguyện một trong ba lời nguyện có thể (được gọi là các lựa chọn A, B và C—sẽ nói thêm ở bài sau).

Lịch sử của Hành động Sám hối

Giống như hầu hết mọi phần của Hy tế Thánh, chúng ta tìm thấy các mô tả về Hành động Sám hối trong các miêu tả thởi Hội Thánh sơ khai về Thánh Lễ. Một tài liệu trong số đó, Didachē, nghĩa là Giáo huấn của các Tông đồ, đưa ra hướng dẫn cho các Kitô hữu cử hành bí tích Thánh Thể: “Hãy tụ họp vào Ngày của Chúa, bẻ bánh và dâng Thánh Thể; nhưng trước hết hãy thú nhận những lỗi lầm của mình, để hy tế của bạn trở nên trong sạch” (A Biblical Walk Through the Mass, tr. 32). Như Cha Guy Oury ghi nhận, “Trong một thời gian dài trước đây, nghi thức này chỉ liên quan đến chủ tế và các thừa tác viên của ngài. Trước khi tiến lên bàn thờ, họ im lặng cầu nguyện, nằm úp mặt xuống sàn nhà, như vẫn được thực hiện trong phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh” (The Mass, p. 49). Để mọi người hiện diện có thể tham gia tích cực hơn vào phần quan trọng này của Thánh Lễ, các lựa chọn hiện tại của chúng ta đã được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, ngoại trừ một số em nhỏ của chúng ta, sẽ rất khó cho tất cả mọi người nằm xuống các băng ghế dài!

Tham gia như thế nào

Cái nhìn trung thực này vào nội tâm của mình trong Hành động Sám hối giúp chúng ta nhận thức được tội lỗi của mình và quan trọng nhất là ý thức rằng mình cần Thiên Chúa giúp để chiến thắng tội lỗi. Một cách rất thực tế, suy tư ngắn ngủi này nhắc lại những chỗ trong cuộc sống của chúng ta mà chúng ta biết rằng mình cần Đức Kitô nhiều hơn. Nếu bạn chưa nghĩ đến ý định hợp cùng linh mục dâng Thánh Lễ, thì đây có thể là thời điểm tuyệt vời để cầu xin sự giúp đỡ đặc biệt để thắng vượt một tội lỗi cụ thể hoặc có thể được chữa lành thêm khỏi hậu quả của những tội lỗi trước đó. Chúng tôi tin rằng Thánh Lễ là kinh nguyện mạnh mẽ nhất mà chúng ta có thể cầu nguyện với nhau bởi vì chính Chúa Giêsu đang thực sự hiện diện và chúng ta đang cùng với Người tham gia vào việc thờ phượng Thiên Chúa Cha một cách hoàn hảo. Trong Thánh Lễ, chúng ta tham dự vào Hy tế hoàn hảo duy nhất trên Thập giá, nơi Đức Kitô hiến mình để cho tội lỗi của chúng ta được tha thứ. Ý thức rằng Chúa Giêsu sẽ hiện diện trên bàn thờ hoặc suy nghĩ về việc Thánh Lễ là một sự thông phần vào Thánh Giá, thời điểm này thực sự có thể là một niềm hy vọng lớn lao. Thật là một hồng ân tuyệt hảo!

Trong phần này của Thánh Lễ, khi nhớ lại tội lỗi của mình, bạn có thể cảm thấy không xứng đáng với điều chúng ta sắp cử hành. Mặc dù có thể không thoải mái khi nghĩ về nơi nào chúng ta cần được chữa lành và lớn lên, nhưng đó thực sự là một dấu chỉ tốt về ân sủng đang hành động trong lòng chúng ta. Chúng ta được tạo ra cho tình yêu và vì tình yêu. Chúng ta được dựng nên để sống và hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Dĩ nhiên, tội lỗi làm gián đoạn và phá vỡ sự hiệp thông ấy: tội lỗi đẩy chúng ta ra khỏi nơi chúng ta thuộc về. Lý do khiến chúng ta cảm thấy thất vọng, xấu hổ hay buồn bã khi nghĩ về tội lỗi của mình là vì tận đáy lòng, chúng ta biết rằng tội lỗi ấy trái ngược với cuộc sống mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta. Hy vọng rằng sự khó chịu ấy sẽ thúc đẩy chúng ta tìm ơn tha thứ của Đức Kitô qua Bí tích Hòa giải.

Đôi khi chúng ta dùng nước thay vào

Để có thêm một chút kiến thức bổ sung: Bạn có bao giờ nhận thấy rằng trong thời gian này, linh mục có thể đi vòng quanh với Nước Thánh không? Như Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma nói: “Vào ngày Chúa Nhật, nhất là trong Mùa Phục Sinh, thay vì nghi thức thống hối thường lệ, thỉnh thoảng nên làm phép và rảy nước thánh để nhớ lại phép rửa” (QCTSL, số 51). Như dân từ các giáo xứ của tôi có thể nói cho bạn biết bạn, đây thường là một trong những phần yêu thích của tôi trong Thánh Lễ! Sử dụng aspergillum (thường là một bình chứa nhỏ có miếng bọt biển bên trong ở cuối tay cầm, đôi khi được gọi là cây rảy nước) hoặc thậm chí có thể là một cành cây xanh, linh mục sẽ nhúng nó vào nước rồi rẩy nước lên dân chúng. Như khi chúng ta nói về việc sử dụng Nước Thánh lúc bước vào nhà thờ, nước này gợi lại phép rửa của chúng ta và niềm vui được Đức Kitô giải thoát khỏi tội lỗi. Thảo nào linh mục thường rất rộng rãi trong việc sử dụng Nước Thánh ở phần này của Thánh Lễ!

Câu hỏi để suy nghĩ:

  1. Hãy chậm rãi cầu nguyện Thánh Vịnh 51 như một cách chuẩn bị cho Nghi Thức Sám Hối. (Lưu ý rằng câu 9 đề cập đến việc được tẩy sạch bởi “nhành hương thảo,” một nhánh cây được dùng để rảy nước thánh.) Những từ hoặc cụm từ nào nói với bạn khi bạn tìm ơn tha thứ và chữa lành? Hãy ghi nhớ những lời này trong lần tới khi bạn tham dự Thánh Lễ.
  2. Đọc phần đầu trình thuật của Thánh Luca về việc Chúa Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24:13-24). Hãy quan sát cách Chúa Giêsu mời các môn đồ chia sẻ điều họ đang thảo luận và cách họ thoải mái bày tỏ những điều họ nghĩ trong lòng. Hãy đặt mình vào cảnh này. Bạn muốn bày tỏ điều gì với Chúa khi Người mời bạn “hãy thổ lộ tâm can với Thiên Chúa” (Tv 62:9)? Hãy tiếp cận Hành động Sám hối với cùng sự tự do này để đặt toàn thể con người của bạn trước mặt Chúa.