Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 81:  Đem Chúa Giêsu Đi với Chúng Ta

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 13 tháng 8 năm 2024

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Khi bạn rời Thánh Lễ, Chúa Giêsu có còn ở với bạn không? Người có thật và thực sự hiện diện trong bạn không? Như chúng tôi đã đề cập trước đây, đức tin Công giáo dạy chúng ta rằng Chúa Giêu vẫn hiện diện thật sự trong Bí tích Thánh Thể cho đến khi hình dạng bề ngoài của Mình Thánh và/hoặc Máu Thánh không còn là hình bánh và rượu nữa, sau khi chúng được cơ thể chúng ta tiêu hoá. Mặc dù có nhiều ý kiến ​​khác nhau về thời gian thực sự kéo dài bao lâu, nhưng hầu hết đều đồng ý rằng khoảng 15 phút. Chắc chắn rằng đó là lý do cao quý để cố gắng và dự trù cho thời gian tạ ơn sau Thánh Lễ. Khi chúng ta ra đi, điều tuyệt vời là hãy nhớ rằng, suy luận một cách rất thực tế, chúng ta là nhà tạm vì có Chúa Giêsu trong mình ở thời gian đó.

Noi gương Đức Mẹ khi Rước Lễ

Edward Sri đưa ra những ý tưởng để suy niệm qua lời của Thánh Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ông Sri nhắc nhở chúng ta rằng khi có sự hiện diện thật của Chúa Giêsu qua việc rước Lễ, chúng ta rất giống Đức Mẹ Maria có Chúa Giêsu trong cung lòng Mẹ: “Đức Gioan Phaolô II đã lưu ý đến mối liên hệ sâu xa giữa việc Đức Mẹ Maria cưu mang Chúa Giêsu trong lòng và người rước Lễ. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta trở nên giống như Đức Mẹ mỗi khi chúng ta rước Mình Thánh Chúa. ‘Đức Maria đã sống đức tin Thánh Thể của mình ngay cả trước khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, bằng chính sự kiện Mẹ đã hiến dâng cung lòng trinh trắng của mình cho sự Nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa.’ Trong chín tháng, Đức Maria đã mang trong Mẹ Mình và Máu Chúa Giêsu. Trong Thánh Lễ, chúng ta đón nhận Mình và Máu bí tích của Chúa chúng ta. ‘Vào lúc Truyền tin, Đức Maria đã thụ thai Con Thiên Chúa trong thực tại thể lý của mình và máu Mẹ, do đó, Mẹ đã tiền dự trong chính mình điều ở một mức độ nào đó sẽ xảy ra cách bí tích nơi mỗi tín hữu rước nhận Mình và Máu Chúa, dưới dấu chỉ của bánh và rượu’” (A Biblical Walk Through the Mass, trang 142–3, Ecclesia de Eucharistia, 55).

Như ông Sri đã ghi nhận, Thánh Gioan Phaolô II tiếp tục suy niệm về việc học về Thánh Lễ và rước Lễ sẽ như thế nào đối với Đức Mẹ Maria. “Đức Maria hẳn đã cảm thấy thế nào khi nghe từ miệng Thánh Phêrô, Gioan, Giacôbê và các Tông đồ khác những lời được nói trong Bữa Tiệc Ly: ‘Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em’ (Lc 22:19)? Thân xác được trao ban vì chúng ta và hiện diện dưới các dấu chỉ Bí tích chính là thân xác mà Mẹ đã thụ thai trong lòng Mẹ!” Ông Sri viết, “Sau đó, Đức Gioan Phaolô đã phác họa một cách tuyệt đẹp về ý nghĩa độc đáo của Bí tích Thánh Thể đối với Đức Trinh Nữ Maria: ‘Đối với Đức Mẹ Maria, việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể bằng cách nào đó có nghĩa là một lần nữa chào đón vào lòng Mẹ Trái Tim đã đập cùng một nhịp với trái tim Mẹ…’ Thật là một sự hiểu biết sâu xa! Hãy tưởng tượng Đức Mẹ Maria chuẩn bị để được đoàn tụ với Con Mẹ cách này. Hãy tưởng tượng sự chú ý yêu thương mà Mẹ dành cho Chúa Giêsu mỗi lần rước Lễ. Thật là một niềm vui lớn lao đối với Mẹ khi được Con của Mẹ ngự trong lòng Mẹ một lần nữa! Xin Đức Maria là mẫu gương cho chúng ta trong cách chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta có thể nhiệt thánh đón chào Chúa Giêsu mỗi lần rước Lễ như Đức Maria đã đón nhận Con Mẹ. Chớ gì Thánh Thể làm cho trái tim chúng ta đập càng ngày càng cùng một nhịp với Thánh Tâm Đức Kitô như trái tim của Đức Mẹ Maria đập cách hoàn hảo với Thánh Tâm Người” (A Biblical Walk Through the Mass, trang 142-3, Ecclesia de Eucharistia, 56).

Mang Theo Sự Hiện Diện của Chúa Giêsu khi Chúng Ta Ra Đi

Tuệt đẹp! Thật là một suy niệm tuyệt vời và phong phú để nghĩ đến khi chúng ta nhớ lại với niềm vui rằng Chúa Giêsu đang ở trong chúng ta. Mặc dù chắc chắn là nhẹ nhõm hơn, một nhận thức tương tự đến từ một trong những câu chuyện khôi hài nhất về các Thánh mà tôi được biết khi đọc về Thánh Lễ và Thánh Thể. Cha Stefano Manelli kể lại rằng Thánh Philip Neri đã sai hai cậu giúp lễ cầm nến thắp sáng tháp tùng một người rời khỏi nhà thờ ngay sau khi rước Lễ (Jesus Our Eucharistic Love: Eucharistic Life Exemplified by the Saints, trang 46). Bạn có thể hình dung ra không? Còn sắc mặt của người ấy thì sao?! Đương nhiên, đó có thể là một sự sửa sai đối với ông ta để giúp ông nhận ra rằng mình không nên rời Thánh Lễ sớm. Nhưng nó cũng thực sự nhấn mạnh đền ý thức vui mừng rằng sau khi rước Lễ, Chúa Giêsu thực sự hiện diện với chúng ta trong một thời gian. Khi ông ấy rời Thánh Lễ, Thánh Philip Neri đã bảo các cậu giúp lễ cầm nến đi theo vì đó là Đoàn rước Thánh Thể! Nếu chúng ta có thể thường xuyên nhận ra rằng Chúa Giêsu thực sự hiện diện với chúng ta sau khi rước Lễ, thì những cuộc trò chuyện và hoạt động của chúng ta khi chúng ta rời Thánh Lễ sẽ khác biệt như thế nào? Chúng ta sẽ chào đón những người chúng ta gặp như thế nào? Chúng ta sẽ ra khỏi bãi đậu xe như thế nào? Chúng ta sẽ có những hoạt động nào ngay sau Thánh Lễ? Chúng ta sẽ nói chuyện với những người chúng ta gặp như thế nào? Mong rằng ý thức sâu sxa hơn về món quà của Chúa Giêsu trong chúng ta sẽ củng cố chúng ta để tôn vinh sự hiện diện của Người trong cách chúng ta chứng tỏ tình yêu của Người!

Ảnh của Edwin Lucero

Đề Nghị để Suy Niệm:

  1. Khi bạn chuẩn bị rời nhà thở sau Thánh Lễ, hãy cầu xin Đức Mẹ và Thánh Philip Neri chuyển cầu cho bạn để giúp bạn nhận ra và tôn kính sự hiện diện Thánh Thể của Đức Kitô trong chính bạn và những người khác.
  2. Hãy nghĩ đến việc “tiếp xúc trực quan” với nhà tạm sau Thánh Lễ như một cách để nhìn nhận Bí tích Thánh Thể vẫn còn ở trong nhà thờ kết hợp với sự hiện diện của chính bạn như một nhà tạm sống động đang tiến vra thế gian. Tìm những cách cụ thể để trở thành một “ngọn đèn chầu” để nhắc nhở mọi người về sự hiện diện của Đức Kitô.