Thông Điệp ECCLESIA DE EUCHARISTIA – Chương IV

CHƯƠNG IV: THÁNH THỂ VÀ SỰ HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

34.  Năm 1985, phiên họp khoáng đại đặc biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục đã nhìn thấy trong “giáo hội học về hiệp thông” ý tưởng chủ đạo và cơ bản của những văn kiện Công Đồng Vaticanô II.[67] Trong cuộc lữ hành trần thế, Giáo Hội được kêu mời gìn giữ và phát triển sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và giữa các tín hữu với nhau. Hướng về mục đích đó, Giáo Hội luôn có sẵn Lời Chúa và các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể, nhờ đó mà Giáo Hội luôn “sống động và lớn mạnh”[68] và đồng thời trong đó Giáo hội tự diễn tả chính mình. Không phải ngẫu nhiên mà từ ngữ hiệp thông lại trở thành một trong những danh từ chuyên biệt của Bí Tích Rất cao cả này. 

Do vậy, Bí Tích Thánh Thể được xem như chóp đỉnh của tất cả các bí tích, vì Bí Tích Thánh Thể luôn thể hiện một cách hoàn hảo nhất sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha, nhờ sự đồng hình dạng với Chúa Con duy nhất bởi tác động của Chúa Thánh Thần. Với một niềm tin sâu sắc, một trong những tác giả thời danh của truyền thống byzantin, đã diễn tả chân lý này khi bàn đến Bí Tích Thánh Thể: “Như thế mầu nhiệm này thật hoàn hảo, khác với mọi nghi thức khác, và nó dẫn thẳng đến chóp đỉnh của mọi ơn ích, vì đó cũng là cứu cánh tuyệt đỉnh của mọi cố gắng con người. Bởi vì chúng ta gặp chính Thiên Chúa trong mầu nhiệm ấy, và chính Thiên Chúa kết hợp với chúng ta bằng một mối liên kết hoàn hảo nhất.”[69] Chính vì thế mà vun trồng trong các tâm hồn niềm ao ước Bí Tích Thánh Thể triền miên là điều rất thích hợp. Cũng chính vì thế đã khai sinh một cách thức “rước lễ thiêng liêng”, được phổ biến tốt đẹp từ nhiều thế kỷ trong Giáo Hội và rất được các bậc thầy thánh thiện về đời sống thiêng liêng khuyến khích. Thánh Têrêsa Giêsu đã viết: “Khi bạn không thể rước lễ trong thánh lễ được thì bạn hãy rước lễ thiêng liêng vậy, vì đó là một cách thức mang lại nhiều lợi ích […] ; bằng cách đó bạn ghi khắc trong lòng tình yêu sâu xa với Chúa chúng ta.”[70]

35.  Tuy nhiên cử hành Bí Tích Thánh Thể không thể là khởi điểm cho sự hiệp thông được – vì sự hiệp thông đã được xem như hiện hữu rồi – và sau đó mới củng cố và đưa lên mức hoàn hảo. Chính Bí Tích diễn tả mối dây hiệp thông đó, một mặt trong chiều kích vô hình của nó, chiều kích nầy nối kết chúng ta với Chúa Cha và chúng ta với nhau trong Đức Kitô qua tác động của Chúa Thánh Thần, mặt khác, trong chiều kích hữu hình đòi hỏi sự hiệp thông trong giáo huấn của các Tông Đồ, trong các bí tích và trong phẩm trật. Tương quan chặt chẽ giữa yếu tố vô hình và yếu tố hữu hình của sự hiệp thông Giáo Hội cấu tạo nên Giáo Hội như Bí Tích cứu độ.[71] (71). Chỉ trong bối cảnh này mới có việc cử hành Bí Tích Thánh Thể hợp pháp và sự tham dự đích thực vào bí tích này. Hệ quả là có một đòi buộc nội tại đối với Bí Tích Thánh Thể: phải được cử hành trong sự hiệp thông và, cụ thể hơn, trong sự toàn vẹn của những điều kiện đòi hỏi. 

36.  Sự hiệp thông vô hình, dù tự bản chất luôn luôn tăng trưởng, đòi hỏi đời sống ân sủng, nhờ đó chúng ta trở thành “những người được tham dự vào bản tính Thiên Chúa” (2 P 1,4), và việc thực hành những nhân đức, tin, cậy, mến. Quả thật, chỉ như thế mới thiết lập được sự hiệp thông đích thực với Chúa Cha, Chúa Con và ChúaThánh Thần. Đức tin không thể đủ; mà còn phải bền vững trong ơn thánh và trong đức ái bằng cách lưu lại “cả hồn””cả xác” trong lòng Giáo Hội;[72] vì thế, nói như Thánh Phaolô “đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5,6).

Sự tôn trọng toàn thể những mối liên kết vô hình là một nghĩa vụ đạo đức nghiêm nhặt đối với bất cứ ngưới Kitô hữu nào muốn tham dự hoàn toàn vào Bí Tích Thánh Thể khi rước Mình và Máu Đức Kitô. Cũng chính Tông Đồ Phaolô nhắc nhở tín hữu bổn phận này bằng lời cảnh cáo: “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn bánh và uống chén này” (1Cr 11, 28). Với tất cả tài hùng biện của mình, thánh Gioan Kim Khẩu đã khuyến khích các tín hữu: “Tôi cũng thế, tôi lớn tiếng van nài, tôi xin và van nài anh em, đừng bước tới bàn thánh này với một tầm hồn ô uế và hư đốn. Một thái độ như thế không thể gọi là rước Chúa, ngay như nếu anh em có rước Chúa hàng ngàn lần đi nữa thì chỉ chuốc lấy án phạt, ray rức và sự gia tăng hình phạt mà thôi.”[73] 

Cũng trong viễn tượng ấy, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã xác định lại một cách đúng đắn rằng “Ai biết mình đang mắc tội trọng, phải lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải trước khi đến rước lễ.”[74] Vì thế tôi ước muốn nói lại rằng quy luật nầy vẫn còn và sẽ còn giá trị mãi trong Giáo Hội, quy luật mà Công Đồng Triđentinô đã áp dụng cụ thể lời khuyến cáo nghiêm khắc của Tông Đồ Phaolô khi khẳng định rằng, để có thể rước lễ cách xứng đáng “nếu ai biết mình đang ở trong tình trạng tội trọng, thì phải đi xưng thú tội mình trước đã.”[75]

37.  Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Hòa Giải là hai bí tích được liên kết mật thiết với nhau. Nếu Thánh Thể hiện tại hóa Hy Tế cứu độ của Thập Giá, không ngừng lưu truyền bằng bí tích, thì điều đó có nghĩa là từ Bí Tích này phát xuất một đòi buộc hoán cải liên tục, đáp lại từ chính bản thân lời khuyến cáo mà Thánh Phaolô ngỏ với tín hữu thành Côrintô: “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2 Cl 5,20). Nếu người Kitô hữu mang trong tâm hồn gánh nặng của một tội trọng thì cuộc hành trình hối cải qua Bí Tích Hoà Giải, trở thành một bước đường bó buộc phải đi qua để tham dự hoàn toàn vào Hy Tế Thánh Thể.

Lẽ dĩ nhiên, phán quyết về tình trạng ân sủng thuộc quyền của chính đương sự, vì đó là một phán quyết của lương tâm. Tuy nhiên, trong trường hợp một hành vi bên ngoài vi phạm nghiêm trọng, công khai và liên tục luật luân lý, Giáo Hội trong sự lo lắng mục vụ về trật tự cộng đồng và vì lòng tôn kính Bí Tích, không thể không cảm thấy liên quan. Tình trạng mâu thuẫn luân lý công khai này đã được đề cập đến trong Giáo Luật về việc từ chối không cho rước lễ những ai “ngoan cố ở trong tội trọng tỏ tường.”[76]

38.  Như tôi đã nhắc đến, sự hiệp thông Gíáo Hội cũng hữu hình, và tự diễn tả qua những mối liên hệ được chính Công Đồng nêu lên trong giáo huấn của mình: “Những người được gia nhập hoàn toàn vào cộng đoàn Giáo Hội là những ai lãnh nhận Thánh Thần của Đức Kitô, chấp nhận trọn vẹn tổ chức và tất cả những phương thế cứu rỗi đã được Giáo Hội thiết lập, và nhờ những mối dây liên hệ do việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, việc cai quản và sự hiệp thông của Giáo Hội, họ liên kết với Chúa Kitô trong tổ chức hữu hình mà Người điều khiển nhờ Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục.”[77]

Bí Tích Thánh Thể, vì là sự thể hiện bí tích cao quí nhất của sự hiệp thông trong Giáo Hội, đòi buộc phải được cử hành trong một bối cảnh tôn trọng những mối dây liên kết bên ngoài của sự hiệp thông. Một cách đặc biệt, vì Bí Tích Thánh Thể là “sự hoàn tất của đời sống thiêng liêng và là cứu cánh của mọi bí tích,”[78] đòi buộc những mối dây hiệp thông trong các bí tích phải có thực, nhất là Bí Tích Rửa Tội và Truyền Chức Thánh. Không thể nào cho một người chưa rửa tội hay chối từ toàn bộ chân lý đức tin về Mầu Nhiệm Thánh Thể được rước lễ. Đức Kitô là sự thật và Ngài làm chứng cho sự thật (x. Ga 14,6; 18,37); Bí Tích Mình và Máu Ngài không chấp nhận sự dối trá. 

39.  Mặt khác, vì chính đặc điểm của sự hiệp thông Giáo Hội và mối tương quan của sự hiệp thông ấy với Bí Tích Thánh Thể, phải nhắc lại rằng “Hy tế Thánh Thể, dù luôn được cử hành trong một cộng đoàn riêng biệt, không bao giờ là một cử hành của riêng cộng đoàn đó thôi: thật vậy, khi đón nhận sự hiện diện Thánh Thể của Chúa, cộng đoàn cũng đón nhận trọn vẹn ơn cứu độ và dù bề ngoài thường xuyên là đặc thù, cộng đoàn cũng tỏ lộ như là hình ảnh và là sự hiện diện thực sự của Giáo Hội duy nhất , thánh thiện, công giáo và tông truyền.”[79] Từ đó phải nghĩ rằng một cộng đoàn thật sự là Thánh Thể không được khép mình lại, như tự đủ cho mình, nhưng phải hòa đồng với mọi cộng đoàn công giáo khác. 

Sự hiệp thông Giáo Hội trong cộng đồng Thánh Thể là sự hiệp thông với Giám Mục của mình và với Đức Giáo Hoàng Rôma. Thật vậy, Giám mục là nguyên lý hữu hình và là nền tảng cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội địa phương của mình.[80] Do đó không hợp lý chút nào nếu Bí Tích tuyệt hảo của sự hiệp nhất Giáo Hội lại được cử hành mà không có một sự hiệp thông đích thực với Giám Mục. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã viết: “Chớ gì việc cử hành Thánh Thể nầy chỉ được xem là hợp pháp khi được cử hành dưới sự chủ tọa của Giám Mục hay của vị được ngài chỉ định.”[81] Cùng một cách như thế, vì “Đức Giáo Hoàng Rôma, Đấng kế vị Thánh Phêrô, là nguyên lý và là nền tảng hữu hình và vĩnh cửu của sự hiệp nhất giữa các Giám Mục cũng như toàn thể đông đảo tín hữu,”[82] sự hiệp thông với Ngài là một đòi buộc nội tại của việc cử hành Hy Tế Thánh Thể. Từ đó xuất phát một chân lý sâu xa được phụng vụ diễn tả bằng nhiều cách: “Mọi cử hành Thánh Thể được thực hiện trong sự hiệp thông không những với Giám Mục mà còn với Đức Giáo Hoàng, với hàng Giám Mục, với toàn thể hàng giáo sĩ và giáo dân khắp nơi. Mọi cử hành Thánh Thể thành sự đều diễn tả sự hiệp thông toàn cầu này với Thánh Phêrô và với toàn thể Giáo Hội, hoặc đòi hỏi một cách khách quan mối hiệp thông này, như trong trường hợp các Giáo Hội Kitô giáo ly khai với Rôma.”[83]

40.  Bí Tích Thánh Thể tạo sự hiệp thông và giáo dục sự hiệp thông. Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu thành Côrintô, chỉ cho họ thấy những chia rẽ giữa họ biểu lộ trong cộng đoàn tham dự Thánh Thể, đi ngược lại với điều họ cử hành là Bữa Ăn Tối của Chúa. Vì vậy, vị Tông Đồ kêu mời họ suy nghĩ về thực tại đích thực của Bí Tích Thánh Thể để đưa họ trở về với tinh thần hiệp thông huynh đệ (x. 1Cr 11,17-34). Thánh Augustinô cũng đã đồng ý sự đòi buộc này. Ngài nhắc lại lời của vị Tông Đồ: “Anh em là thân thể Đức Kitô, và anh em là những chi thể của thân thể ấy” (1 Cr 12, 27), ngài lưu ý: “Nếu anh em là Thân Mình của Đức Kitô và là các chi thể của Ngài, thì biểu tượng của chính anh em được đặt trên bàn của Chúa; ở đó anh em đón nhận mầu nhiệm của riêng mình.”[84] Và từ đó ngài rút ra hệ quả nầy: “Chúa chúng ta đã thánh hiến trên bàn thờ mầu nhiệm sự bình an và hiệp nhất của chúng ta. Ai nhận lãnh mầu nhiệm hiệp nhất mà không lưu lại trong mối dây liên hệ bình an, thì không nhận lãnh mầu nhiệm của mình để được cứu rỗi; họ nhận lãnh lời chứng kết án họ.”[85]

41.  Sự cổ võ đặc biệt hữu hiệu cho hiệp thông , đặc điểm của Bí Tích Thánh Thể, là một trong những lý do của tầm quan trọng Thánh Lễ Chúa Nhậït. Về phương diện này và về những lý do đã khiến cho nó trở nên cần thiết cho đời sống của Giáo Hội và của các tín hữu, tôi đã bàn rất nhiều trong Tông Thư Ngày của Chúa (Dies Domini)[86] về sự thánh hoá Ngày Chúa Nhậït. Tôi đã nhắc lại rằng đối với các tín hữu, tham dự Thánh Lễ là một nghĩa vụ buộc, trừ khi họ có một ngăn trở nghiêm trọng nào, và cũng vậy, về phần mình các Mục Tử có bổn phận tương ứng tạo điều kiện thiết thực cho mọi người để họ thực thi huấn giới.[87] Gần đây nhất, trong Tông Thư Bước vào Ngàn Năm Mới (Novo millennio ineunte), nhằm vạch ra đường hướng mục vụ cho Giáo Hội vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, tôi muốn làm nổi bật đặc biệt Thánh Lễ Chúa Nhật, nhấn mạnh vì sao Thánh Lễ Chúa nhật rất hữu hiệu cho sự hiệp thông: Tôi đã viết “ Bí Tích Thánh Thể là nơi đặc biệt để sự hiệp thông luôn được loan báo và được gìn giữ. Đúng thế, nhờ tham dự vào Bí Tích Thánh Thể, ngày của Chúa cũng trở thành ngày của Giáo Hội, như thế Giáo Hội có thể thực hiện một cách có hiệu quả vai trò của bí tích hiệp nhất.”[88]

42.  Gìn giữ và phát huy hiệp nhất Giáo Hội là một trách nhiệm của mọi tín hữu, họ tìm thấy trong Bí Tích Thánh Thể, bí tích hiệp nhất của Giáo Hội, một môi trường để thể hiện thao thức đó một cách đặc biệt. Cụ thể hơn, công việc nầy thuộc trách nhiệm đặc biệt của các Mục Tử, mỗi người tuỳ theo cấp bậc và nhiệm vụ của mình trong Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội đã ban hành những quy luật nhằm giúp giáo dân đến bàn tiệc của Chúa thường xuyên và có hiệu quả, ấn định những điều kiện khách quan theo đó buộc phải từ chối không cho rước lễ. Chăm lo giúp người ta giữ luật một cách trung thành là cách biểu lộ thiết thực tình yêu đối với Thánh Thể và Giáo Hội. 

43.  Khi nhận thức Bí Tích Thánh Thể như là bí tích của sự hiệp thông Giáo Hội, có một luận cứ không thể bỏ qua được vì tầm quan trọng của nó: tôi cố ý nói đến tương quan (của Thánh Thể) với nổ lực đại kết. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh vì trong những thập niên vừa qua, đông đảo tín hữu khắp nơi trên thế giới đã khao khát sự hiệp nhất giữa tất cả những Kitô hữu với nhau. Công Đồng Vaticanô II, ngay từ đầu sắc lệnh về đại kết, nhìn nhận đó là một hồng ân đặc biệt của Thiên Chúa.[89] Điều này đã mang đến một ân sủng thật hiệu quả trên bước đường đại kết cho chính chúng ta, con cái của Giáo Hội công giáo, cũng như cho những anh em chúng ta thuộc các Giáo Hội khác và các Cộng Đoàn giáo hội. 

Lòng ao ước đạt tới sự hiệp nhất thôi thúc chúng ta hướng nhìn về Bí Tích Thánh Thể, là Bí tích hiệp nhất tuyệt vời của Dân Chúa, vì đó là cách biểu lộ hoàn hảo nhất và là nguồn suối tuyệt đỉnh của hiệp nhất.[90] Trong cử hành Hy Tế Thánh Thể, Giáo Hội dâng lời khẩn cầu lên Thiên Chúa, là Cha giàu lòng thương xót, xin Ngài ban cho con cái Ngài tràn đầy Thánh Thần để họ trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô.”[91] Trong khi dâng lời cầu nguyện này lên Cha của ánh sáng, Đấng ban phát mọi ơn lành tuyệt hảo và mọi quà tặng kỳ diệu” (Gc 1, 17), Giáo Hội tin vào sự hữu hiệu của lời cầu, vì Giáo Hội cầu nguyện trong sự kết hợp với Đức Kitô là Đầu và là Phu Quân, Đấng biến lời khẩn cầu của hiền thê thành của chính mình bằng cách kết hợp vào hy tế cứu chuộc của Ngài. 

44.  Chính vì sự hiệp nhất của Giáo Hội, mà Bí Tích Thánh Thể thực hiện nhờ hy tế của Đức Kitô và nhờ hiệp thông vào Mình và Máu Chúa, nhất thiết đòi buộc phải có sự hiệp thông toàn vẹn trong những ràng buộc tuyên xưng đức tin, các bí tích và việc cai quản của Giáo Hội. Không thể nào đồng tế cùng một phụng vụ Thánh Thể cho đến khi những mối liên hệ nầy được tái lập hoàn toàn. Đồng tế như vậy không thể là một phương tiện có giá trị và còn có thể tạo nên một chướng ngại trên con đường dẫn đến sự hiệp thông trọn vẹn, làm giảm thiểu giá trị của khoảng cách đang ngăn chặn chúng ta với mục tiêu, và du nhập hay công nhận những hàm hồ về điều này điều nọ của chân lý đức tin. Bước đường đi đến hiệp nhất trọn vẹn chỉ có thể thực hiện trong chân lý mà thôi. Về điều này, những khoản cấm của Luật Giáo Hội không chừa chỗ cho ngờ vực,[92] phù hợp với qui luật luân lý mà Công Đồng Vaticanô II đã ban hành.[93]

Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói lại ở đây những gì tôi đã thêm vào trong thông điệp Ut unum sint (Xin cho chúng nên một), sau khi đã thừa nhận là không thể chia sẻ cùng một Bí Tích Thánh Thể: “Chúng tôi cũng thế, chúng tôi ao ước mãnh liệt được đồng cử hành một Thánh Thể duy nhất của Thiên Chúa, và sự ước ao đó đã trở thành cùng một lời ngợi khen và cùng một lời cầu khẩn. Chúng ta cùng nhau hướng về Chúa Cha và chúng ta luôn làm như thế mỗi ngày một nhiều hơn với “một con tim duy nhất.”[94]

45.  Không có trường hợp nào được đồng tế khi không có sự hiệp thông trọn vẹn, nhưng đối với việc cho chịu lễ, thì lại khác trong những hoàn cảnh đặc biệt, cho những người thuộc những Giáo Hội hay những Cộng Đoàn giáo hội không cùng hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội công giáo. Thật vậy, trong trường hợp này, mục đích là để thỏa mãn một nhu cầu thiêng liêng cần thiết cho sự cứu rỗi những người này, chứ không phải nhằm thực hiện một liên hệ hiệp thông bất khả, bao lâu những mối dây liên hệ hữu hình của hiệp thông Giáo Hội chưa được thiết lập trọn vẹn. 

Công Đồng Vaticanô II đã phát biểu theo đường hướng đó khi xác định phải xử trí thế nào với những người Đông Phương, là những người thiện chí nhưng đã ly khai với Giáo Hội công giáo, khi họ xin được rước lễ từ tay một thừa tác viên công giáo một cách thành thật và họ hội đủ những điều kiện cần thiết.[95] Cách làm này đã được hai Bộ Giáo Luật phê chuẩn với những thích nghi cần thiết, trong đó cũng có đề cập đến trường hợp những Kitô hữu, không phải là Đông Phương, không hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội công giáo.[96]

46.  Trong thông điệp Ut unum sint, tôi đã bày tỏ là tôi hoàn toàn chấp nhận những qui luật này nhằm giúp cho phần rỗi các linh hồn với sự phân định cần thiết: “Thật là một niềm vui khi các thừa tác viên công giáo, trong những trường hợp đặc biệt đã được xác định, có thể ban những Bí Tích Thánh Thể, Giải Tội và Xức Dầu Bệnh Nhân cho những Kitô hữu không cùng hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội công giáo, có ước mong mãnh liệt được lãnh nhận, tự nguyện và cùng chia sẻ niềm tin mà Giáo hội công giáo tuyên xưng trong các bí tích này. Ngược lại, trong những trường hợp rõ rệt, và đối với những hoàn cảnh đặc biệt, những người công giáo có thể xin chịu các bí tích ấy từ tay những thừa tác viên của những Giáo Hội mà trong đó các bí tích này thành sự.”[97]

Cũng phải chú trọng kỹ lưỡng đến những điều không có luật trừ, dù là những trường hợp đặc biệt đã được xác định rất kỹ, vì chỉ cần chối từ một hay nhiều chân lý đức tin về các bí tích này, trong số đó có chân lý liên quan đến sự cần thiết của chức tư tế thừa tác để cho các bí tích được thành sự, đủ làm cho việc lãnh nhận bí tích không còn hợp pháp, vì người xin lãnh nhận không hội đủ những điều kiện cần thiết. Ngược lại, một tín hữu công giáo không thể nào rước lễ trong một cộng đoàn không có Bí Tích Truyền Chức thành sự.[98]

Việc tuân giữ trung thành tất cả những qui luật về vấn đề này[99] vừa thể hiện và bảo đảm tình yêu đối với Chúa Giêsu Kitô trong Bí Tích rất thánh, cũng như đối với các anh em thuộc giáo hội Kitô khác mà ta cần làm chứng tá cho sự thật và đối với chính việc cổ võ sự hiệp nhất


[67] X. Tường trình kết thúc, II.C.1: L’Osservatore Romano, 10/12/1985, 7.

[68] Công đồng Chung Vaticanô II, Hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium, 26.

[69] Nicolas Cabasilas, Sự sống trong Đức Kitô, IV, 10: SCh 355, 270.

[70] Camino de Perfecciĩn, Chương 35.

[71] X. Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Thư gởi các Giám mục của Hội Thánh Công giáo về một vài Khía cạnh của Hội Thánh được hiểu như sự Hiệp thông Communionis Notio (28/5/ 1992), 4: AAS 85 (1993), 839-840.

[72] X. Công đồng Chung Vaticanô II, Hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium, 14.

[73] Homiliae in Isaiam, 6, 3: PG 56, 139.

[74]  Số 1385; x. Giáo Luật, Điều 916; Giáo luật của Giáo hội Đông Phương, Điều 711.

[75] Diễn văn gởi đến các Thành viên của Toà Ân giải của các Vương cung Thánh Đường Rôma (30/1/1981): AAS 73 (1981), 203. X. Công đồng chung Trentô, Khoá XIII, Decretum de ss. Eucharistia, Chương 7 và Điều 11: DS 1647, 1661.

[76] Điều 915; Giáo luật của Giáo hội Đông Phương, Điều 712.

[77] Hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium, 14.

[78]  Thánh Tôma Aquina, Summa Theologiae, III, q. 73, I. 3c.

[79] Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Thư gửi các Giám mục của Hội Thánh Công giáo về vài Khía cạnh Hội Thánh được hiểu như sự Hiệp thông Communionis Notio (28/5/ 1992), 11: AAS 85 (1993), 844.

[80] X. Công đồng Chung Vaticanô II, Hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium, 23.

[81] Ad Smyrnaeos, 8: PG 5, 713.

[82] Công đồng Chung Vaticanô II, Hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium, 23.

[83] Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Thư gửi các Giám mục của Hội Thánh Công giáo về vài Khía cạnh Hội Thánh được hiểu như sự Hiệp thông Communionis Notio (28/5/ 1992), 14: AAS 85 (1993), 847.

[84]  Sermo 272: PL 38, 1247.

[85] Ibid. , 1248.

[86] X. Số 31-51: AAS 90 (1998), 731-746.

[87] X. Ibid. , Số 48-49: AAS 90 (1998), 744.

[88] Số 36: AAS 93 (2001), 291-292.

[89] X. Sắc lệnh về Đại kết Unitatis Redintegratio, 1.

[90] X. Hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium, 11.

[91] “Liên kết tất cả chúng ta, đang chia sẻ cùng một bánh và một chén rượu, lại với nhau trong sự hiệp thông của cùng một Chúa Thánh Thần”: Anaphora của Phụng vụ thánh Basiliô.

[92] X. Giáo Luật, Điều 908; Giáo luật của Giáo hội Đông Phương, Điều 702; Ủy ban Toà thánh cổ võ sự Hiệp nhất Kitô hữu, Kim chỉ nam về Đại kết, 25/3/1993, 122-125, 129-131: AAS 85 (1993), 1086-1089; Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Thư Ad Exsequendam, 18/5/2001: AAS 93 (2001), 786.

[93] “Luật Chúa cấm thông dự vào việc thờ phụng có phương hại đến vấn đề hiệp nhất của Hội Thánh, hoặc đưa đến sai lầm hoặc nguy cơ lạc hướng về đức tin, sinh ra gương mù gương xấu, hoặc tạo nên thái dộ lãnh đạm”: Sắc lệnh về Giáo hội Công giáo Đông Phương Orientalium Ecclesiarum, 26.

[94] Số 45: AAS 87 (1995), 948.

[95] Sắc lệnh về Giáo hội Công giáo Đông Phương Orientalium Ecclesiarum, 27.

[96] X. Giáo Luật, Điều 844 §§ 3-4; Giáo luật của Giáo hội Đông Phương, Điều 671 §§ 3-4.

[97] Số 46: AAS 87 (1995), 948.

[98] X. Công đồng Chung Vaticanô II, Sắc lệnh về Đại kết Unitatis Redintegratio, 22.

[99] Giáo Luật, Điều 844; Giáo luật của Giáo hội Đông Phương, Điều 671.