Thông Điệp ECCLESIA DE EUCHARISTIA : Kết Luận
KẾT LUẬN
59. “Ave verum corpus natum de Maria Virgine!”. Cách đây vài năm, tôi đã cử hành lễ Kim Khánh Linh Mục của tôi. Hôm nay tôi cảm thấy như một hồng ân sự kiện tôi hiến dâng cho Giáo Hội thông điệp này về Bí Tích Thánh Thể vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, trùng hợp với năm thứ hai mươi lăm tôi lãnh nhận nhiệm vụ kế vị Thánh Phêrô. Điều này làm cho lòng tôi dâng trào niềm biết ơn. Mỗi ngày, từ hơn nửa thế kỷ nay, từ ngày 2 tháng 11 năm 1946, năm mà tôi cử hành thánh lễ đầu tiên trong hầm mộ Thánh Lêônađô trong đại thánh đường Wawel ở Cracovi, ánh mắt tôi chăm nhìn mình thánh và chén thánh, trong đó thời gian và không gian dường như “cô đọng lại” và trong đó thảm kịch đồi Golgotha lại tái hiện một cách mãnh liệt, tỏ lộ tính cách “đồng thời” huyền nhiệm của nó. Mỗi ngày, đức tin của tôi đã cho tôi nhìn biết trong bánh và rượu được hiến thánh, vị Lữ Hành thần linh, một ngày kia, đã cùng đi đường với hai môn đệ làng Emmau, để cho mắt họ nhận ra ánh sáng và tim họ chứa chan hy vọng (x. Lc 24,13-35).
Anh chị em rất thân mến!
Xin hãy cho phép tôi, trong một niềm vui thân tình mãnh liệt, hiệp nhất với niềm tin của anh chị em và để củng cố nó, tôi đưa ra chứng từ đức tin cá nhân của tôi vào Bí Tích Thánh Thể rất thánh. “ Kính chào thân xác thật sinh ra từ cung lòng Trinh Nữ Maria, thực sự đã chịu đau khổ, được hiến tế trên thập giá vì loài người!”. (Ave verum corpus natum de Maria Virgine/ vere passum, immolatum, in cruce pro homine!). Đây là kho tàng của Giáo Hội, quả tim của thế giới, bảo chứng của ngày cuối cùng mà mọi người đều mong mỏi, dù không ý thức. Vĩ đại thay mầu nhiệm này. Chắc chắn nó vượt xa chúng ta và nó thử thách cam go những khả năng của trí óc chúng ta đòi buộc phải đi xa hơn những dáng vẻ bên ngoài. Nơi đây, giác quan của chúng ta bất lực –“ thị giác, xúc giác, vị giác đều phải lụn bại” (visus, tactus, gustus, in te fallitur), thánh thi Adoro Te devote đã nói như thế, nhưng chỉ cần đức tin của chúng ta đâm rễ sâu vào Lời Chúa Kitô được các Tông Đồ truyền lại, đủ cho chúng ta. Xin cho phép tôi lặp lại với Chúa Kitô, nhân danh tất cả Giáo Hội, nhân danh mỗi người trong anh chị em, như Thánh Phêrô vào cuối diễn từ về Bí Tích Thánh Thể trong Tin Mừng thánh Gioan: “Lạy Chúa, bỏ Chúa chúng con đi với ai? Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).
60. Vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba này, tất cả chúng ta, con cái của Giáo Hội, chúng ta được mời gọi phải tiến lên với một sức năng động mới trong đời sống Kitô hữu. Như tôi đã viết trong Tông Thư Novo millennio ineunte, không cần phải vạch thêm một “chương trình mới”, chương trình đã có sẵn rồi: chính là chương trình của mọi ngày, được rút ra từ Tin Mừng và Thánh Truyền sống động. Rốt cùng vì nó được qui vào một trung tâm là chính Chúa Kitô mà chúng ta phải hiểu biết, yêu mến, noi gương, để sống sự sống Ba Ngôi trong Ngài và cùng với Ngài biến đổi lịch sử cho đến khi hoàn tất trong thành Giêrusalem thiên quốc.”[103] Việc thực hiện chương trình của đà tiến đổi mới này trong đời sống Kitô hữu phải xuyên qua Bí Tích Thánh Thể.
Mọi dấn thân vào sự thánh thiện, mọi hoạt động nhằm hoàn thành sứ mạng của Giáo Hội, mọi nỗ lực thực hiện các chương trình mục vụ, phải múc lấy nơi mầu nhiệm Thánh Thể, sức mạnh cần thiết và phải hướng về đó như chóp đỉnh. Trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta có Chúa Giêsu, chúng ta có hy tế cứu chuộc của Ngài, chúng ta có sự phục sinh của Ngài, chúng ta có hồng ân Thánh Thần, chúng ta có việc tôn thờ, sự vâng phục và tình yêu đối với Chúa Cha trên trời. Nếu chúng ta coi thường Bí Tích Thánh Thể, làm sao có thể chữa trị sự nghèo nàn khốn khổ của chúng ta?
61. Mầu nhiệm Thánh Thể, – hy tế, hiện diện, bữa tiệc – không chấp nhận sự giảm thiểu cũng như sự thao túng nào; nó phải được sống toàn vẹn, dù trong việc cử hành hay trong việc trò chuyện thân mật với Chúa Giêsu mà người ta vừa đón nhận khi rước lễ, hay hơn thế nữa, trong thời gian cầu nguyện và tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ. Lúc ấy Giáo Hội được xây dựng một cách vững chắc và yếu tính của Giáo Hội thực sự được diễn tả: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền; là dân, là đền thờ và là gia đình của Thiên Chúa; là thân thể và là Hiền Thê của Chúa Kitô, được sinh động bởi Thánh Thần; là bí tích phổ quát của ơn cứu độ và là sự hiệp thông được cơ cấu hóa theo phẩm trật.
Con đường mà Giáo Hội đang đi vào những năm đầu tiên nầy của thiên niên kỷ thứ ba cũng là con đường dấn thân đại kết mới. Những thập niên cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai, đạt được chóp đỉnh trong Đại Năm Thánh, đã thúc đẩy chúng ta vào hướng đó, khuyến khích tất cả những người đã lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy phải đáp lại lời cầu của Chúa Giêsu “ut unum sint” (Ga 17,11) (xin cho chúng nên một). Một con đường như thế thì rất dài và đầy chướng ngại vượt hẳn sức con người; nhưng chúng ta có Bí Tích Thánh Thể, và trước sự hiện diện của Ngài, chúng ta có thể nghe từ đáy lòng chúng ta, như thể ngõ với chúng ta, những lời nói mà tiên tri Êlia đã nghe: “Hãy dậy mà ăn, không thì đường sẽ còn dài đối với ngươi (1 V 19,7). Kho tàng Bí Tích Thánh Thể mà Chúa đã đặt dưới quyền sử dụng của chúng ta thúc đẩy chúng ta đi đến mục tiêu là chia sẻ toàn vẹn kho tàng ấy với tất cả anh em đã được liên kết với chúng ta trong cùng một Bí Tích Thánh Tẩy. Tuy nhiên, để đừng lãng phí kho tàng quí báu như thế, phải tôn trọng những đòi buộc gắn liền với sự kiện đó là bí tích của sự hiệp thông trong đức tin và trong sự kế nhiệm các tông đồ.
Khi trao lại cho Bí Tích Thánh Thể tất cả tầm quan trọng xứng đáng và chú tâm đặc biệt, không để suy giảm một chiều kích nào hay một đòi buộc nào, chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta thực tâm ý thức sự cao cả của hồng ân này. Chúng ta cũng được mời gọi làm như thế bởi một truyền thống liên tục, ngay từ những thế kỷ đầu tiên, đã mục kích cộng đoàn Kitô hữu ân cần gìn giữ “kho tàng” này. Nhờ tình yêu thúc đẩy, Giáo Hội chăm lo thông truyền cho những thế hệ Kitô hữu sẽ đến, không bỏ mất một yếu tố nào, đức tin và giáo thuyết về mầu nhiệm Thánh Thể. Chú tâm vào Mầu Nhiệm này, không bao giờ sợ thái quá, vì “tất cả mầu nhiệm cứu độ của chúng ta được gồm tóm trong Bí Tích này.”[104]
62. Anh chị em thân mến, hãy học cùng các thánh, những người diễn giải lừng danh việc tôn sùng Bí Tích Thánh Thể đích thực. Nơi các ngài, khoa thần học về Bí Tích Thánh Thể đạt được tất cả vẽ đẹp của cái đã sống thực, “thấm nhập” vào chúng ta hay nói cách khác, “sưởi ấm” chúng ta. Hơn hết hãy lắng nghe Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, nơi Mẹ, hơn ai hết, Mầu Nhiệm Thánh Thể tỏa sáng như một mầu nhiệm sự sáng. Khi quay hướng về Mẹ, chúng ta biết được sức mạnh làm biến đổi của Bí Tích Thánh Thể. Trong Mẹ chúng ta nhìn thấy thế giới được canh tân trong tình yêu. Khi chiêm ngắm Mẹ, Đấng hồn xác Lên Trời, chúng ta khám phá ra cái gì đó của “trời mới, đất mới”, sẽ mở ra trước mắt chúng ta khi Chúa Kitô quang lâm. Bí Tích Thánh Thể là bảo chứng ngay từ trần gian này và một cách nào đó là nếm trước sự quang lâm đó: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22,20).
Dưới hình bánh rượu khiêm tốn, được biến bản thể, thành Mình và Máu Ngài, Chúa Kitô đồng hành với chúng ta, Ngài là sức mạnh và của ăn đàng cho chúng ta, và Ngài biến chúng ta thành những chứng nhân hy vọng cho tất cả anh em chúng ta. Nếu đứng trước mầu nhiệm này, lý trí của chúng ta cảm nhận giới hạn của mình, thì con tim được chiếu sáng nhờ ơn Thánh Thần, hiểu rõ phải có thái độ nào, khi chìm sâu trong tôn thờ và trong một tình yêu không hạn giới.
Chúng ta hãy mượn những tâm tình của Thánh Tôma Aquinô, nhà thần học lừng danh và đồng thời là thi nhân say đắm của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể của Ngài và hãy để cho tâm hồn chúng ta cũng mở rộng ra để chime ngưỡng mục tiêu đã hứa, mục tiêu mà con tim chúng ta đang hướng tới, khao khát niềm vui và an bình:
Bone pastor, panis vere
Jesu, nostri miserere!
Lạy mục tử nhân lành, bánh đích thực, xin thương xót chúng con.
Xin nuôi dưỡng chúng con, che chở chúng con. Xin cho chúng con nhìn thấy thiện hảo tuyệt vời trong cõi đất dành cho kẻ sống.
Chúa biết và có thể làm mọi sự, Chúa là lương thực của chúng con trên trần gian này, xin đem chúng con lên cõi cao xanh để là thực khách và thừa kế muôn đời trong gia đình các thánh.
Ban hành tại Roma, cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô, ngày 17 tháng 04 năm 2003, Thứ Năm Tuần Thánh, trong năm thứ 25 triều Giáo Hoàng của tôi và trong năm Mân Côi.
GIOAN-PHAOLÔ
[103] N. 29: AAS 93 (2001) trang 285; La Documentation catholique 98 (2001), trang 78.
[104] Thánh Tôma Aquinô, Tổng luận thần học III, q.83, a.4c