Tông Thư Mane Nobiscum Domine – Phần IV

IV. THÁNH THỂ LÀ NGUYÊN LÝ VÀ LÀ DỰ PHÓNG CỦA “SỨ VỤ”

“Ngay lúc ấy, họ đứng dậy” (Lc 24, 33)

24. Sau khi nhận ra Chúa, hai môn đệ Emmaus “đứng dậy ngay lúc ấy” (x. Lc 24,33) để đi loan báo điều họ đã thấy và đã nghe. Khi đã có một kinh nghiệm xác thực về Đấng phục sinh, được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Người, người ta không thể nào giữ riêng cho mình niềm vui mình đã cảm nếm. Việc gặp gỡ Đức Kitô, được vùi sâu thêm mãi trong sự hiệp thông Thánh Thể, sẽ khơi dậy trong Hội Thánh và nơi mỗi người Kitô hữu sự cấp thiết phải làm chứng và phải loan báo Tin Mừng. Tôi đã nhấn mạnh đến điều này trong bài giảng khi công bố Năm Thánh Thể, bằng cách dẫn lời thánh Phaolô : “Thật vậy, mỗi lần ăn bánh và uống chén này, anh em công bố sự kiện Chúa đã chết cho đến ngày Người đến” (1Cr 11,26). Thánh Tông Đồ nêu lên mối liên hệ chặt chẽ giữa bàn tiệc và việc loan báo : hiệp thông với Đức Kitô trong lễ tưởng niệm cuộc Vượt qua của Người cũng đồng thời có nghĩa là kinh nghiệm về nhu cầu nhất thiết phải trở thành những người được sai đi loan báo biến cố đã được hiện tại hoá trong nghi lễ này.[1] Lời chào kết thúc cuối mỗi thánh lễ chính là một trách nhiệm được trao cho người Kitô hữu, thúc đẩy người Kitô hữu dấn thân làm cho Tin Mừng lan toả và làm cho xã hội được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo.

25. Với một sứ vụ như thế, Thánh Thể không chỉ đem lại sức mạnh nội tâm, nhưng còn – theo một ý nghĩa nào đó – mở ra một dự phóng. Thật vậy, Thánh Thể là một cách thức hiện hữu được chuyển từ Đức Kitô sang người Kitô hữu và, nhờ chứng tá của người Kitô hữu, được lan toả trong xã hội và trong văn hoá. Để yếu tố này trở thành hiện thực, mỗi tín hữu cần phải hấp thụ, qua việc suy niệm cá nhân và cộng đoàn, những giá trị được Thánh Thể diễn tả, những thái độ được Thánh Thể gợi mở, những cách giải quyết trong đời sống do Thánh Thể khơi dậy. Đến đây, lẽ nào chúng ta lại không nhận ra một trách nhiệm đặc biệt phát sinh từ Năm Thánh Thể ?

Tạ ơn

26. Một yếu tố nền tảng của dự phóng này xuất phát từ chính ý nghĩa của hạn từ “Thánh Thể” : “Tạ Ơn”. Nơi Đức Giêsu, trong hiến tế của Người, trong lời thưa “xin vâng” vô điều kiện của Người đối với thánh ý Chúa Cha, có tiếng “xin vâng”, tiếng “cảm ơn” và tiếng “amen” của toàn thể nhân loại. Hội Thánh được mời gọi để nhắc nhớ chân lý cao cả ấy cho toàn thể nhân loại. Đây là điều cấp thiết phải thực hiện, đặc biệt là trong nền văn hoá bị tục hoá của chúng ta, một nền văn hoá ám ảnh não trạng lãng quên Thiên Chúa và cổ võ thói tự mãn phù phiếm của con người. Đưa dự phóng Thánh Thể vào cuộc sống thường ngày, đến bất cứ nơi nào con người sinh sống và làm việc – trong gia đình, trường học, xí nghiệp, trong mọi môi trường sinh sống – có nghĩa là làm chứng rằng thực tại nhân loại không thể được chứng thực nếu không quy chiếu về Đấng Sáng tạo : “Không có Đấng Sáng tạo, thụ tạo sẽ tan thành mây khói.”[2] Điểm quy chiếu siêu việt này thúc giục chúng ta hãy cất lời “cảm ơn” liên lỉ về tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta là. Nói cách khác, thái độ “Biết ơn” phải lẽ ấy không hề gia giảm tính độc lập xác đáng của những thực tại trần thế,[3] nhưng hoạch định cho những thực tại ấy một vị trí rạch ròi hơn, đồng thời còn cho thấy những giới hạn tất nhiên của chúng.

Trong Năm Thánh Thể này, ước mong các Kitô hữu nỗ lực dấn thân hơn nữa để làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới ! Chúng ta đừng sợ nói về Thiên Chúa và hãy dạn dĩ nêu lên những chứng từ cho niềm của mình. “Nền văn hoá Thánh Thể” sẽ cổ vũ một nền văn hoá đối thoại, đồng thời mang đến cho nền văn hoá này sức mạnh và tố chất bổ dưỡng. Thật là nhầm lẫn khi cho rằng mọi quy chiếu công khai về đức tin đều có thể gây phương hại đến sự độc lập chính đáng của quốc gia và các thể chế dân sự, hoặc sẽ rất sai lầm nếu cứ hô hào lập trường bất bao dung. Nếu lịch sử đã chứng tỏ những sai lầm đó có thể xảy ra ngay cả giữa các tín hữu, như tôi đã có dịp nhìn nhận trong Năm toàn xá 2000, thì sai lầm đó không phải do “nguồn cội Kitô giáo”, nhưng là do sự bất đồng quan điểm giữa các Kitô hữu đang khi tất cả đều muốn trung thành với nguồn cội của mình. Người nào học thưa lời “cảm ơn” theo cách thức của Đức Kitô chịu đóng đinh thập giá, thì người ấy sẽ có thể là chứng nhân tử đạo, chứ không bao giờ lại là một tên đao phủ.

Con đường của tình liên đới

27. Thánh Thể không phải chỉ là một cách diễn tả sự hiệp thông trong đời sống của Hội thánh, nhưng còn là một dự phóng về tình liên đới cho toàn thể nhân loại. Trong việc cử hành Thánh Thể, Hội Thánh không ngừng canh tân ý thức của mình là “dấu chỉ và dụng cụ” không phải chỉ cho sự hiệp nhất sâu xa với Thiên Chúa nhưng còn cho sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại nữa.[4] Mỗi Thánh lễ, dù được cử hành cách kín đáo hay tại một miền đất xa xôi nào trên thế giới, vẫn luôn luôn là dấu chỉ của sự phổ quát. Người Kitô hữu tham dự Thánh Thể thì nhờ Thánh Thể mà học biết trở thành những người kiến tạo sự hiệp thông, hoà bình và liên đới trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Hình ảnh về một thế giới của chúng ta bị xé rách, một thế giới đã khai mạc Thiên niên kỷ mới với cám cảnh khủng bố và bi kịch chiến tranh, hơn bao giờ hết, thế giới ấy vẫn thúc giục người Kitô hữu hãy học cho biết kinh nghiệm này : Thánh Thể đúng là một trường học tuyệt đẳng về hoà bình, nơi đây các thiện nam tín nữ, tuỳ theo mức độ đảm nhận trách nhiệm trong đời sống xã hội, văn hoá, chính trị, đang được đào tạo để trở thành những người kiến tạo bầu khí đối thoại và hiệp thông.

Phục vụ những người bé mọn

28. Còn một điểm nữa tôi muốn mọi người chú tâm đến bởi vì chính đây là chỗ đáng kể để cho thấy việc tham dự Thánh Thể, được cử hành trong cộng đoàn, có thành thực hay không : đó là sự thúc đẩy của Thánh Thể đối với cộng đoàn để dấn thân một cách thực tiễn nhằm kiến tạo một xã hội công bằng và huynh đệ hơn. Trong Thánh Thể, Thiên Chúa của chúng ta đã bày tỏ cách thức tối hậu của tình yêu, đảo lộn mọi tiêu chuẩn về quyền bính vẫn thường xuyên chi phối những mối tương giao của con người và quyết liệt khẳng định tiêu chuẩn phục vụ : “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và phục vụ mọi người” (Mc 9,15). Không phải là ngẫu nhiên khi chúng ta không thấy trình thuật thiết lập Thánh Thể trong Tin Mừng theo thánh Gioan, nhưng lại có câu chuyện về “việc rửa chân” (x. Ga 13,1-20) : Khi quỳ gối xuống rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu đã giải thích một cách minh bạch ý nghĩa thâm thuý của Thánh Thể. Đến lượt mình, thánh Phaolô mạnh dạn khuyến cáo rằng, quả là vô phép lắm thay, nếu cứ liều lĩnh cử hành Thánh Thể mà không toả sáng lòng mến, lòng mến ấy được biểu lộ qua những việc chia sẻ rất cụ thể với những anh chị em túng nghèo (x. 1 Cr 11,17-22. 27-34).

Vậy hà cớ gì chúng ta lại không lấy Năm Thánh Thể này làm dịp thuận tiện để các cộng đoàn giáo phận và giáo xứ dấn thân vào một hoạt động cụ thể nào đó, nhờ tình huynh đệ thúc bách, nhằm giải trừ rốt ráo một trong muôn vàn hình thức túng nghèo đang hoành hành trong thế giới chúng ta ? Tôi nghĩ đến thảm họa đói kém đang đày đọa hàng trăm triệu con người, tôi nghĩ đến những căn bệnh đang tàn phá những quốc gia đang phát triển, đến cảnh neo đơn của những người cao niên, đến cảnh sống bấp bênh của những người thất nghiệp, đến nỗi thống khổ của những người di cư. Đó là những sự dữ đang hoành hành – dưới nhiều hình thức khác nhau – ngay cả tại những miền đất sung túc nhất. Chúng ta không thể dối lòng được đâu : chỉ nhờ tình yêu hỗ tương, và nhất là, nhờ vòng tay rộng mở chúng ta dành cho những anh chị em đang sống trong cảnh túng bấn, chúng ta mới được nhìn nhận là những người môn đệ chân chính của Đức Kitô (Ga 13,35 ; Mt 31,21-46). Đó là tiêu chí dùng để lượng định xem các cuộc cử hành Thánh Thể của chúng ta đã là chân thực hay chưa.


[1] X. Bài giảng lễ kính Mình và Máu thánh chúa Kitô (06 tháng giêng 2004) ; La Documentation catholique 101 (2004), pp. 602-603.

[2] X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế mục vụ về Hội Thánh trong thế giới ngày nay, Gaudium et Spes, số 36.

[3] X. Ibid.

[4] X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Hội Thánh, Lumen gentium, số 1.