Từ Thánh Thể đến Truyền Giáo: Quyền Năng Biến Đổi của Chúa Thánh Thần

Hãy để Chúa Thánh Thần biến Bạn thành Thừa Sai Thánh Thể

Hiện nay chúng ta đang ở năm thứ ba của Phục hưng Thánh Thể, một thời điểm được đánh dấu bằng việc nhấn mạnh đến sứ vụ truyền giáo, chúng ta được mời gọi đào sâu sự hiểu biết của mình về vai trò biến đổi của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống hằng ngày của mình khi chúng ta cố gắng trở thành thừa sai Thánh Thể. Tầm nhìn của kế hoạch Phục hưng Thánh Thể là “Để gợi hứng cho một phong trào của người Công giáo trên khắp nước Hoa Kỳ, là những người được chữa lành, hoán cải, đào luyện và hợp nhất nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể—và sau đó họ sẽ được sai đi truyền giáo ‘để cho thế gian được sống.’” Tầm nhìn này mời gọi chúng ta suy nghĩ về cách Chúa Thánh Thần có thể hoạt động trong chúng ta. Nó khơi dậy một tình yêu thắm thiết đối với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và trao quyền cho chúng ta để chia sẻ tình yêu ấy với tha nhân.

Lời Mời Gọi của Chúa Thánh Thần

Hành trình trở thành thừa sai Thánh Thể bắt đầu bằng lời mời gọi liên tục của Chúa Thánh Thần. Sự thúc đẩy nhẹ nhàng này thường khuấy động tâm hồn chúng ta, nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc tham dự Thánh Lễ. Đối với nhiều người, việc tham dự Thánh Lễ có thể giống như một nhiệm vụ hoặc thói quen, thậm chí còn như một gánh nặng; tuy nhiên, Chúa Thánh Thần liên tục hoạt động, gieo hạt giống ân sủng là điều có thể dẫn đến những biến đổi sâu xa trong cuộc sống của chúng ta.

Trong một thế giới đầy rẫy những trò tiêu khiển và những ưu tiên cạnh tranh lẫn nhau, chúng ta có thể dễ dàng lờ đi những thúc giục nhẹ nhàng này. Khi người ta xa rời các hoạt động đức tin của mình, họ có thể trở nên chai đá với lời mời gọi bên trong của Chúa Thánh Thần. Cảm thức tội lỗi ban đầu khi bỏ lỡ Thánh Lễ có thể dần dần phai nhạt, dẫn đến một trái tim cứng lòng. Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần không bỏ mặc chúng ta. Lời mời gọi liên lỉ này vẫn hiện hữu, nhẹ nhàng thôi thúc chúng ta quay trở lại với vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, đặc biệt là trong việc cử hành Thánh Lễ. Đây là nơi mà tiến trình chữa lành và biến đổi bắt đầu.

Vai Trò của Hành Động Sám Hối trong Thánh Lễ

Ở đầu mỗi Thánh Lễ, chúng ta tham dự vào Hành động Sám hối. Nghi thức này là cơ hội để Chúa Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn chúng ta. Giây phút này rất quan trọng; đó là lúc Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nhận ra tội lỗi của mình, mời gọi chúng ta nhìn nhận tình trạng tan vỡ của mình và tìm kiếm lòng thương xót của Thiên Chúa. Tiến trình này không nhằm mục đích lên án chúng ta, mà để giúp chúng ta hoán cải và đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn.

Nếu chúng ta để cho Chúa Thánh Thần vạch cho chúng ta thấy những thiếu sót của mình, chúng ta sẽ chuẩn bị để tham dự trọn vẹn vào Thánh Lễ. Ân sủng của Chúa Thánh Thần sẽ làm mềm lòng chúng ta, giúp chúng ta đến gần bàn thờ với lòng khiêm nhường và tin tưởng. Xác tín này dẫn chúng ta đến việc cảm nghiệm được lòng thương xót có sức chữa lành của Thiên Chúa, cho phép chúng ta gặp gỡ Người cách trọn vẹn hơn trong Phụng vụ Lời Chúa và cuối cùng là trong Phụng vụ Thánh Thể.

Gặp gỡ Chúa Giêsu trong Phụng vụ Lời Chúa

Khi chúng ta chuyển từ Hành động Sám hối sang Phụng vụ Lời Chúa, Chúa Thánh Thần tiếp tục đóng một vai trò then chốt. Thánh Kinh, được công bố trong Thánh Lễ, trở nên sống động nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Đối với nhiều người, những Bài Đọc này thoạt đầu có vẻ khô khan hoặc không có gì liên quan đến họ; tuy nhiên, nếu mở lòng ra với Chúa Thánh Thần, chúng ta bắt đầu cảm nghiệm được quyền năng biến đổi của Lời Chúa.

Trong một buổi hội thảo trực tuyến dành cho những Người Chỉ Đường của kế hoạch Phục hưng Thánh Thể, Cha David Pivonka, T.O.R., Viện trưởng Đại học Phanxicô ở Steubenville đã kể lại một câu chuyện về một góa phụ, sau khi mất chồng, bà cảm thấy mất niềm tin. Tuy nhiên, vào một ngày Chủ Nhật, trong khi đọc Chương 4 của Tin Mừng Thánh Gioan về Người Phụ Nữ Bên Bờ Giếng, bà đã gặp lại Đức Kitô. Lời Chúa đã trở thành Nước Hằng Sống, làm tươi mới tinh thần bà và thắp lại mối quan hệ của bà với Thiên Chúa. Đây là công trình của Chúa Thánh Thần, đánh thức chúng ta về sự thích hợp của Thánh Kinh và cho phép Thánh Kinh nói trực tiếp với cuộc sống của chúng ta.

Mỗi Thánh Lễ mang đến cho chúng ta một cơ hội để biến đổi qua Lời Chúa. Chúa Thánh Thần thổi sự sống vào Thánh Kinh, biến chúng từ văn bản đơn thuần thành sự giao tiếp trực tiếp của Thiên Chúa với chúng ta. Lời mời gọi lắng nghe và suy niệm này chuẩn bị cho chúng ta đến đỉnh cao của Thánh Lễ là Phụng vụ Thánh Thể.

Phụng Vụ Thánh Thể: Một Cuộc Gặp Gỡ Có Sức Biến Đổi

Phụng vụ Thánh Thể tượng trưng cho đỉnh cao của việc thờ phượng của chúng ta, ở đó bánh và rượu được biến đổi thành Mình và Máu Đức Kitô. Sự biến đổi kỳ diệu này được thực hiện nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Điều quan trọng là phải ý thức rằng không phải sự thánh thiện của linh mục mang lại sự biến đổi này, mà chính ân sủng của Thiên Chúa hoạt động qua linh mục.

Hành động của Chúa Thánh Thần trong Thánh Lễ vượt ra ngoài sự biến đổi của các yếu tố (bánh và rượu); nó cũng bao gồm sự biến đổi của toàn thể cộng đồng. Trong phần Dâng Lễ, chúng ta không những chỉ dâng những lễ vật là bánh và rượu lên bàn thờ mà còn dâng cả cuộc sống của mình, bao gồm những vui buồn, những vật lộn trong cuộc sống và những hy vọng của chúng ta. Trong kinh Cầu Khẩn Thánh Thần (Epiclesis) của Kinh Nguyyện Thánh Thể, Chúa Thánh Thần kết hợp của lễ của chúng ta với Hy lễ của Đức Kitô, biến đổi chúng ta trong tiến trình này.

Khi rước Lễ, chúng ta được nuôi dưỡng và củng cố, được trang bị để sống đức tin của mình như những thừa sai Thánh Thể trên thế gian. Hành động rước Mình và Máu Đức Kitô ban cho chúng ta khả năng để thể hiện tình yêu và ân sủng của Người trong các tương tác hàng ngày của chúng ta. Sự biến đổi liên tục này là cốt lõi của việc trở thành một thừa sai Thánh Thể.

Chúa Thánh Thần và Sứ Vụ của Chúng Ta

Trong sứ vụ của mình như những thừa sai Thánh Thể, chúng ta được mời gọi trở thành những nhà tạm sống động, những bình chứa tình yêu của Chúa Thánh Thần trong một thế giới đang cần hy vọng vô cùng. Chúa Thánh Thần không những chỉ biến đổi tâm hồn chúng ta mà còn thúc đẩy chúng ta chia sẻ sự biến đổi ấy với với những người khác. Khi hiểu biết và yêu mến Thánh Thể hơn, chúng ta trở thành công cụ của ân sủng Thiên Chúa, vươn tới những người chung quanh với lòng trắc ẩn và tinh thần phục vụ.

Chương 6 của Tin Mừng Thánh Gioan đưa ra một giáo huấn đầy thách đố của Chúa Giêsu: “Nếu các ngươi không ăn Thịt Ta và uống Máu Ta, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi” (Ga 6:52). Lời kêu gọi triệt để này đòi hỏi một đức tin sâu xa và mở lòng ra với quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Thần. Khi nhiều môn đệ bỏ đi, Chúa Giêsu đã không giảm cường điệu sứ điệp của Người; thay vào đó Người còn thậm chí nhấn mạnh hơn. Người đã trao cho chúng ta chân lý về sự hiện diện thật của Người trong Bí tích Thánh Thể. Người mời gọi chúng ta đón nhận mầu nhiệm và thách đố mà Bí tich Thánh Thể mang lại, cùng trở nên hiện thân của Người trong thế gian.

Cũng giống như các Tông Đồ được Chúa Thánh Thần trao quyền vào Lễ Ngũ Tuần để rao giảng Tin Mừng, chúng ta cũng được mời gọi thi hành sứ vụ này. Thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng “Trung tâm của Hội Thánh là Bí tích Thánh Thể, ở đó Đức Kitô hiện diện và hoạt động trong nhân loại và trên toàn thế giới qua Chúa Thánh Thần” (Triều Yết Chung – 13/9/1989). Chính qua Bí tích trung tâm này mà chúng ta tìm thấy sức mạnh và hứng cảm để chu toàn sứ vụ truyền giáo của mình.

Sống Như Những Thừa Sai Thánh Thể

Khi kết hợp với Chúa Thánh Thần trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta bắt đầu hiểu rằng sứ vụ của mình như các thừa sai Thánh Thể vượt ra ngoài những bức tường của nhà thờ. Nó mời gọi chúng ta xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ, chữa lành và phục vụ trong cộng đồng của chúng ta. Sự biến đổi này thúc đẩy chúng ta phản ảnh tình yêu của Đức Kitô trong các hành động của mình, cho dù qua các việc thường ngày ở nhà, tại sở làm, các việc bác ái, đấu tranh cho công lý hay chỉ đơn thuần là hiện diện với những người đang cần đến chúng ta.

Hơn nữa, Chúa Thánh Thần trang bị cho chúng ta những món quà độc đáo mà chúng ta có thể chia sẻ với người khác. Chúng ta được mời gọi trở thành người quản lý những món quà này, sử dụng chúng để xây dựng Hội Thánh và truyền bá sứ điệp Tin Mừng. Khi làm như vậy, chúng ta phản ảnh sứ vụ Phục hưng Thánh Thể, nhằm truyền cảm hứng cho một phong trào của những người Công giáo, không những chỉ được biến đổi bởi cuộc gặp gỡ của họ với Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể, mà còn được thúc đẩy chia sẻ cuộc gặp ấy với thế gian.

Kết luận

Tóm lại, hành trình trở thành những thừa sai Thánh Thể gắn liền một cách chặt chẽ với tác động biến đổi của Chúa Thánh Thần. Từ lời mời ban đầu để tham dự Thánh Lễ cho đến ân sủng chữa lành được càm nghiệm qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Thánh Thần thúc đẩy sự tham gia của chúng ta vào Bí tích trung tâm này. Khi chúng ta để Chúa Thánh Thần hoạt động trong lòng mình, chúng ta mở lòng ra để hiểu thấu đáo hơn và trân quý hơn ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể trong cuộc sống của chúng ta.

Phục Hưng Thánh Thể là thời điểm quan trọng để chúng ta tái cam kết với sứ vụ này, Nó truyền cảm hứng cho chúng ta để sống như những chứng nhân cho tình yêu của Đức Kitô. Chúng ta được mời gọi để được chữa lành, hoán cải, đào luyện và hợp nhất qua những cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.  Cuối cùng, chúng ta được sai đi đem Chúa Thánh Thể vào thế gian “để cho thế gian được sống”. Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta được trao quyền để đem ánh sáng của Đức Kitô vào bóng tối, biến đổi thế giới của chúng ta qua từng cuộc gặp gỡ một.

Câu Hỏi để Suy Nghĩ

  1. Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy bạn đào sâu mối quan hệ của bạm với Bí tích Thánh Thể như thế nào?
  2. Bạn có thể đáp lại lời mời gọi của Chúa Thánh Thần để sống sứ vụ của bạn như một thừa sai Thánh Thể trong cộng đồng của mình bằng những cách nào?
  3. Hãy suy nghĩ về thời điểm bạn cảm nhận được quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Thần qua Bí tích Thánh Thể trong cuộc sống của bạn. Kinh nghiệm này đã thay đổi bạn như thế nào?

Phaolô Phạm Xuân Khôi

For Proclaim Conference 2024 – Archdiocese of Galveston-Houston