Vai trò “Đồng Trách Nhiệm” của Giáo Dân trong Việc Phục hưng Thánh Thể của Giáo xứ

Chúng ta đang ở giữa năm Phục hưng Giáo Xứ và năm Thứ Hai của Kế hoạch Phục hưng Thánh Thể Toàn quốc của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Từ khi bắt đầu phổ biến trang web Phục hưng Thánh Thểđã có rất nhiều giáo xứ mong ước sớm có các tài liệu học tập về Phục hưng Thánh Thể bằng tiếng Việt. Cho đến nay, trang web Phục hưng Thánh Thể tương đối đã đầy đủ. Các videos về Mầu Nhiệm Thánh Thể trong Đời sống Hội Thánh và Chúa Giêsu và Thánh Thể bằng tiếng Việt Nam đã hoàn tất và đang được đưa lên các trang web. Tuy nhiên cũng có nhiều người thắc mắc về việc tại sao cho đến ngày nay vẫn có nhiều giáo giáo xứ không đề cập gì đến việc Phục hưng Thánh Thể. Vậy chúng ta phải làm gì?

Việc “Đồng trách nhiệm” của tín hữu giáo dân

Sở dĩ có tình trạng chậm trễ trong việc phát động phong trào Phục hưng Thánh Thể ở nhiều giáo phận và giáo xứ vì mỗi giáo phận hay giáo xứ đều có những ưu tiên riêng của mình n. Với những giới hạn về tài chánh và nhân lực hiện nay, thật khó mà mong chờ giáo xứ hay giáo phận khởi xướng việc Phục hưng Thánh Thể để chúng ta được tham gia.

Trách nhiệm thi hành và quảng bá việc Phục hưng Thánh Thể không phải chỉ là trách nhiệm của các Cha, mà còn là trách nhiệm của từng giáo dân. Theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thì các tín hữu giáo dân “không còn được coi là ‘cộng tác viên’ của hàng giáo sĩ nữa mà thực sự được công nhận là ‘những người đồng trách nhiệm” đối với sự tồn tại và hoạt động của Hội Thánh” (Rome, 26/5/2009).

Chính vì thế khi chúng ta cảm nao nức hay thấy bồn chồn về việc Phục hưng Thánh Thể mà không biết làm sao để tham gia thì đó là dấu chỉ Thiên Chúa muốn chúng ta nhận lãnh một phần trách nhiệm trong công cuộc Phục hưng Thánh Thể của Người.

Chúa đang mời gọi chúng ta tham gia

Trong cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu không tuyển mộ ồ ạt hàng ngàn người để chinh phục thế gian, nhưng Người chỉ chọn 12 Tông Đồ cùng một số môn đệ và một ít phụ nữ. Đây là những người tuy được Chúa gọi đích danh và biết từng người, nhưng các ngài cũng tình nguyện đi theo Người và ở với Người trong suốt cuộc hành trình rao giảng công khai của Người cho đến ngày Người về với Chúa Cha. Và chính những vị này đã vâng lệnh Chúa ra đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ sau khi Chúa về trời.

Ngày nay Chúa cũng đang mời gọi đích danh mỗi người trong chúng ta qua sự khao khát tham gia phong trào Phục hưng Thánh Thể của mình. Người muốn chúng ta đi theo Người qua việc học hỏi về các giáo huấn của Người để biết Người và làm theo Thánh Ý Người. Người muốn chúng ta ở với Người bằng cách đến với Người trong Bí tích Thánh Thể để được nghe Lời Người, được đồng bàn với Người, ngõ hầu Người có thể biến đổi chúng ta nên giống Người mỗi ngày một hơn. Và rồi Người cũng sai chúng ta đem tinh thần của Người vào thế gian để cho thế gian được sống.

Việc Phục hưng Thánh Thể bắt đầu từ mỗi cá nhân

Chính vì thế, việc Phục hưng Thánh Thể phải bắt đầu từ mỗi cá nhân. Muốn góp phần vào việc Phục hưng Thánh Thể thì chính chúng ta phải biết Chúa, yêu Chúa và có một mối liên hệ cá nhân mật thiết với Chúa.

Chúa Giêsu tuy đã về trời, nhưng Người vẫn hiện diện thật một cách bí tích trong Thánh Thể. Người muốn chúng ta đem tất cả gồng gánh nặng nề của cuộc đời mình đến với Người để Người bổ sức và vác đỡ cho chúng ta. Người muốn chúng ta được nghỉ ngơi trong vòng tay yêu thương của Người, người mốn chúng ta trở thành những người bạn tâm giao hay đúng hơn là trở thành “người yêu” của Người, và trở thành “hiện thân của Người” cho tha nhân.

Chúng ta phải bắt đầu như thế nào?

Một cột trụ quan trọng nhất trong bốn cột trụ của việc Phục hưng Giáo Xứ là cổ võ và tạo điều kiện cho những cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Để chuẩn bị cho các cuộc gặp gở này thì các Giám mục đang phổ biến một cột trụ quan trọng thứ hai của bốn cột trụ này là Học hỏi hăng say.

Dù chúng ta có yêu Chúa Thánh Thể cách nào đi nữa, nhưng nếu chúng ta chỉ yêu bằng cảm tình thì tình yêu này khó mà bền vững được trước những giông tố của cuộc đời. Muốn tin Chúa và yêu Chúa cách bền vững, chúng ta cần phải biết về Chúa, biết càng nhiều càng tốt, chứ không phải chỉ biết cách hời hợt. Từ biết việc học biết về Chúa, chúng ta hiểu giáo huấn của Chúa nhiều hơn và cuối cùng thì chúng ta thật sự biết Chúa và từ đó có thể đem người khác về với Chúa.

Đặc biệt với Bí tích Thánh Thể, chúng ta cần phải biết Thánh Thể là gì, hay đúng hơn Thánh Thể là ai, Chúa hiện diện trong Bí tich Thánh Thể thế nào, và tại sao Chúa lại ngự trong Thánh Thể…

Dưới đây là những gì bạn có thể làm để Phục hưng Thánh Thể

1.     Cầu Nguyện

Điều trước hết chúng ta có thể làm là cầu nguyện cho việc Phục Hưng được kết quả mỹ mãn, và để biết Chúa muốn mình phải làm gì. Ban điều hành cuộc Phục Hưng Thánh Thể đề nghị bạn bắt đầu bằng cách đọc Kinh Phục Hưng Thánh Thể (National Eucharistic Revival Prayer) mỗi ngày, làm Tuần Cửu Nhật Đốm Lửa Phục Hưng (Revival Spark Series) để xin Chúa soi sáng xem mình có thể góp phần ra sao. Tuần cửu nhật Tiếng Anh được thực hiện qua email trong Get Involved:https://www.eucharisticrevival.org/get-involved How Will You Respond?

2.     Học hỏi

Rồi chúng ta học hỏi thêm về phong trào Phục hưng Thánh Thể, về Bí tích Thánh Thể và Thánh Lễ trong trang web National Eucharistic Revival hoặc trang web Phục hưng Thánh Thể để biết những điều căn bản về phong trào.

Dưới đây là những videos và bài học mà chúng ta có thể học hỏi bất cứ lúc nào.

3.     Tham gia

Để tham gia hay khởi xướng việc Phục hưng Thánh Thể trong giáo xứ, chúng ta có thể liên lạc với văn phòng giáo xứ hay với Cha Xứ xem giáo xứ mình có chương trình Phục hưng Thánh Thể chưa. Nếu có thì chúng ta có thể tình nguyện hợp tác với chương trình tuỳ theo khả năng của mình. Nếu giáo xứ chưa có, chúng ta có thể giới thiệu chương trình này cho Cha Xứ.

Nếu có khả năng, chúng ta có thể tình nguyện làm Point Person mà chúng tôi tạm dịch là những Người Chỉ Đường cho giáo xứ. Chúng tôi sẽ nói về Người Chỉ Đường ở những mục sau.

Chúng tôi tin chắc rằng các Cha Xứ sẽ nhiệt tâm ủng hộ chúng ta. Nhưng nếu chẳng may…, xin đừng bỏ cuộc. Hãy tiếp tục học hỏi, hãy tiếp tục gặp gỡ và gắn bó với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, hãy cầu nguyện nhiều hơn cho giáo xứ.

Sau đó tìm kiếm những người cũng được Chúa Thánh Thần thúc đẩy như chúng ta để cùng nhau học tập và sống Thánh Thể.

Một điều nữa chúng ta có thể làm là phổ biến rộng rãi hai trang web National Eucharistic RevivalPhục hưng Thánh Thể cho càng nhiều người càng tốt. Nếu chúng ta đang ở trong một đoàn thể, chúng ta có thể đề nghị những buổi học tập ngay trong đoàn thể của mình. Đừng chỉ ngồi đó chờ đợi.

Kết Luận

Chúng ta nên nhớ một điều rất quan trọng là các vị lãnh đạo giáo xứ vì thiếu nhân sự nên không thể quán xuyến hết mọi việc. Và nếu các ngài quá bận rộn thì việc đồng trách nhiệm và hợp tác của chúng ta lại càng thiết yếu hơn.

Chúng ta cần phải cầu nguyện rất nhiều và thận trọng trong việc làm của mình. Đừng vì quá nhiệt thành mà rơi vào cạm bẫy của ma quỷ. Trong việc sốt sắng cổ võ kế hoạch Phục hưng Thánh Thể này, nếu chúng ta biết kiên nhẫn học hỏi, cầu nguyện, sống Thánh Thể và phó thác cho Chúa thì đó là thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.  Nếu chúng ta cảm thấy thất vọng, bất bình và nhất là bất mãn thì đó là dấu chỉ ma quỷ đang bắt đầu can thiệp vào công việc của chúng ta.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Categories

Latest Posts

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa
Hãy Làm Việc Này

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng –  Sanctus
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng – Sanctus

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại