Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 64 : Lạy Chiên Thiên Chúa

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 20 tháng 3 năm 2024

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Tiếp tục Nghi thức Hiệp Lễ, chúng ta đã đọc Kinh Lạy Cha và chúc Bình An cho nhau cách thánh thiện và tôn kính. Tiếp theo là gì? Như Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma giải thích: “Cử chỉ bẻ bánh, mà Ðức Kitô đã thực hiện trong bữa tối sau hết, đã trở thành tên gọi cho toàn bộ cử hành Tạ Ơn vào thời các Tông Ðồ. Nghi thức này nói lên rằng các tín hữu tuy nhiều, nhưng vì hiệp thông cùng một bánh ban sự sống là Ðức Kitô, Ðấng đã chết và sống lại vì phần rỗi thế gian nên trở thành một thân thể (1 Cr 10,17). Việc bẻ bánh bắt đầu sau khi trao bình an, và phải được thực hiện với lòng tôn kính, tuy nhiên không nên kéo dài quá mức cần thiết cũng như gán cho nó một tầm quan trọng quá đáng… [Linh mục bẻ Bánh và bỏ một miếng Mình Thánh vào chén thánh để biểu thị việc bẻ bánh. sự hiệp nhất của Mình và Máu Chúa trong công cuộc cứu độ, tức là Mình của Chúa Giêsu Kitô, hằng sống và vinh quang]. Ðang khi vị tư tế bẻ bánh và bỏ một phần vào chén thánh thì ca đoàn hay ca viên hát đối đáp hay đọc lớn tiếng kinh ‘Lạy Chiên Thiên Chúa’, và giáo dân đáp lại. Kinh này có thểđược lặp đi lặp lại, bao lâu còn cần để kèm theo việc bẻ bánh. Lần cuối cùng được kết thúc bằng câu: ‘Xin ban bình an cho chúng con.’” (QCSL, 83).

Chiên Thiên Chúa trong Thánh Kinh

Có thể bạn đang nghĩ, Thư Cha, khoan đã! Còn Chiên Thiên Chúa thì sao? Vâng, như chúng ta sẽ thấy, ở thời điểm này của Thánh Lễ, một số hành động sẽ gối lên nhau. Vào lúc này trong Thánh Lễ, chúng ta hát hoặc đọc kinh Agnus Dei: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con. Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con. Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin ban bình an cho chúng con.” Sách Lễ Rôma dạy rằng những câu đầu có thể được lặp lại nếu cần, nhưng lần cuối cùng luôn kết thúc bằng “xin ban bình an cho chúng con”. Như Thánh Gioan Tẩy Giả đã báo trước, Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa – Hy lễ đích thực duy nhất được dâng lên vì tình yêu dành cho chúng ta để được tha tội. Như Giáo phận Peoria dạy: “Con chiên bị giết có tầm quan trọng cực kỳ xuyên suốt Thánh Kinh. Lời tiên tri của ngôn sứ Giêrêmia là Tôi Tớ đau khổ của Chúa sẽ giống như ‘con chiên bị dẫn đi làm thịt’. Sách Khải Huyền nói rằng ngự trên Bàn thờ Thiên Quốc là Chiên Con của Thiên Chúa có dấu hiệu bị giết vì tội lỗi của chúng ta. Đối với Lễ Vượt Qua của người Do Thái, con chiên là con vật được quy định để hiến tế. Sự hy sinh của Chúa Giêsu là Lễ Vượt Qua mới. Thực ra, như Tin Mừng Thánh Gioan trình bày chi tiết, Chúa Giêsu là Chiên Con của Lễ Vượt Qua mới” (A Study of the Mass, trang 18).

Ý nghĩa Chiên Thiên Chúa

Đi sâu hơn, Cha Charles Belmonte nói: “Hình ảnh ‘Con Chiên Thiên Chúa’ đầy ý nghĩa và hữu ích để khơi dậy lòng sùng kính của chúng ta trước khi Rước Lễ. Con Chiên đã được ngôn sứ Isaia và Thánh Gioan Tẩy Giả loan báo sẽ xóa sạch tội lỗi của chúng ta bằng cách vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa: ‘Người vô tội, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông’. (Is 53: 7)… Con Chiên cũng được báo trước bởi chiên vượt qua mà người Do Thái đã hiến tế vào đêm trước khi họ rời ách nô lệ ở Ai Cập. Lời diễn tả của Thánh Gioan Tẩy Giả nhắc nhở chúng ta về con chiên mà người Do Thái cử hành Lễ Vượt Qua hàng năm, lời cam kết về sự hòa giải của con người với Thiên Chúa. Thánh sử Gioan, người đứng dưới chân Thập giá, nhận thấy chân Chúa Giêsu không bị gãy như trường hợp hai tên trộm. Ở chi tiết này, chúng ta tìm thấy một số điểm tương đồng với mệnh lệnh của Thiên Chúa dành cho Chiên Vượt Qua: ‘Ngươi không được bẻ gãy bất kỳ xương nào của nó’ (Xh 12:46)… Cuối cùng, Agnus Dei [Chiên Thiên Chúa] cũng là một bài thánh ca hôn lễ dành cho cử hành lễ cưới của Chiên Con với hiền thê của Người là Hội Thánh, trong hòa bình và hiệp nhất, như được mô tả trong Sách Khải Huyền. Ở đó, trên bàn thờ, Chiên Con vẫn còn sống, nhưng như thể bị giết. Hai mươi bốn kỳ lão vây quanh Chiên Con. Họ mặc áo choàng trắng và đội vương miện bằng vàng. Hàng ngàn thiên thần ca ngợi sự hy sinh và chiến thắng của Con Chiên. Chắc chắn, mỗi Thánh Lễ chỉ là khúc dạo đầu và là biểu tượng cho việc tôn thờ Chiên Con trong cõi vĩnh hằng trong tương lai” (Understanding the Mass, tr. 180–81).

Vì vậy, giống như nhiều phần khác của Thánh Lễ mà chúng ta đã ôn lại, Chiên Thiên Chúa chứa đầy ý nghĩa và biểu tượng, tất cả đều chỉ trực tiếp về Chúa Giêsu Kitô, đang thực sự hiện diện trên bàn thờ: Mình và Máu, Linh hồn và Thiên tính của Người. Ngay trước khi chúng ta sẵn sàng Rước Lễ, những lời này nhắc nhở chúng ta về Đấng đang hiện diện trên bàn thờ và trong tình yêu cao cả của mình, Ngưởi đã hiến tế chính mình để cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Đây là Đấng làm ứng nghiệm những lời tiên tri xưa. Đây là Đấng mà lòng người hằng khao khát. Đây là Đấng mà Hy Tế hoàn hảo của Người kéo chúng ta lại với nhau trong tình yêu và mở ra sự thông phần vào vẻ đẹp và sự hoàn hảo của thiên đàng. Thật là một Đấng Cứu Rỗi vĩ đại! Chúng ta thật hạnh phúc biết bao khi Người thực sự hiện diện ở giữa chúng ta!

Câu hỏi để Suy Nghĩ:

  1. Hãy suy niệm về một hoặc nhiều đoạn liên quan đến con chiên mà Cha Luke trình bày trong bài suy niệm tuần này: Xh 12; Isaia 53; Gioan 1:19–51; Khải Huyền 5. Hãy cảm tạ Chúa Cha vì đã mạc khải Chiên Thiên Chúa cho chúng ta.
  2. Cầu nguyện với hình ảnh Chiên Thiên Chúa trong nghệ thuật, chẳng hạn như Agnus Dei của Francisco de Zurbarán, Ghent Altarpiece của anh em nhà Van Eyck, hay Con Chiên Hy sinh của Josefa de Ayala. Hãy để kinh nghiệm cầu nguyện trực quan này giúp bạn cảm nhận được sự hiện diện của Đức Kitô trong Thánh Lễ.