Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 65 : Nghi thức Bẻ Bánh

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 3 tháng 4 năm 2024

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Tuần này, chúng ta tiếp tục với những hành động ý nghĩa đang diễn ra trong khi đọc kinh Chiên Thiên Chúa. Sách Lễ Rôma cho biết rằng trong khi hát hoặc đọc kinh Chiên Thiên Chúa, Linh mục “cầm Mình Thánh, bẻ bánh trên đĩa, đặt một miếng nhỏ vào chén thánh và đọc thầm: ‘Xin cho việc hòa Mình và Máu Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con mà chúng con sắp lãnh nhận đem lại cho chúng con sự sống muôn đời’.” Chúng ta gọi phần này của Thánh Lễ là Bẻ Bánh hay Bẻ Bánh và Hoà Lẫn. Bách khoa toàn thư Công giáo dạy rằng, “Việc bẻ bánh, từ tiếng Latinh, fractio, là hành động bẻ bánh của Bánh đã được thánh hiến trong Hội Thánh” (Catholic Encyclopedia, trang 226), đó là lý do tại sao việc bẻ bánh đôi khi được gọi là nghi thức Bẻ Bánh. “Nghi thức này nhìn có vẻ đơn giản nhưng lại mang đầy ý nghĩa cổ xưa. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu ‘bẻ bánh’ để phân phát cho các môn đệ. Sau khi Phục Sinh, các môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu trong việc ‘Bẻ Bánh’. Cả trong Sách Công Vụ Tông Đồ và trong các thư của Thánh Phaolô, việc cử hành Thánh Lễ thường được gọi là ‘Bẻ Bánh’”. (A Study of the Mass, trang 19).

Tiến sĩ Edward Sri lưu ý một số đoạn Thánh Kinh liên quan đến việc “Bẻ Bánh”, bao gồm: Mt 14:19; 15:36; Mc 6:41; 8:6; Lc 9:16; Mt 26:26; Mc 14:22; Lc 22:19; 1 Cô-rinh-tô 11:24; Lc 24:30; Cv 2:42, 46 (A Biblical Walk Through the Mass, tr. 132–33).

Một Dấu chỉ Hiệp Nhất

“Bẻ Bánh” là dấu chỉ hiệp nhất của chúng ta, cùng nhau chia sẻ “một tấm bánh”. Mặc dù về mặt thực tế, nhiều nhà thờ sử dụng bánh thánh nhỏ hơn để cho Rước Lễ, nhưng biểu tượng của việc bẻ bánh nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta kết hợp với nhau trong Đức Kitô, không chỉ trong Thánh Lễ ở đó chúng ta có mặt mà còn với những người hiện diện trong Thánh Lễ ở mọi thời điểm và mọi nơi. Một dấu chỉ hiệp nhất khác là sự hướng dẫn của Hội Thánh rằng, nếu có thể, các tín hữu nên Rước Lễ từ các bánh thánh đã được truyền phép trong chính Thánh Lễ ấy. Chúng ta biết Đức Kitô thực sự hiện diện và vẫn hiện diện như vậy trong các Bánh Thánh được cất trong Nhà tạm. Việc nhận bánh thánh đã được thánh hiến trong Thánh Lễ mà chúng ta tham dự mang lại dấu hiệu hiệp nhất và cũng củng cố sự thông phần của chúng ta vào Hy Tế của Đức Kitô. (Hãy nhớ lại thời Cựu Ước/Đền thờ người ta được trao lại một phần của lễ vật và sự tham dự của họ được hoàn thành bằng cách ăn phần đó.)

Một Biểu Tượng của Thực Tại

Như đã đề cập ở trên, sau khi bẻ Bánh Thánh lần đầu, Linh mục bẻ một miếng nhỏ và bỏ vào chén thánh. Đây được gọi là “Hòa lẫn Mình và Máu thánh”. Như Giáo phận Peoria giải thích: “Đặt một miếng bánh thánh vào chén thánh là một phong tục rất cổ xưa có niên đại ít nhất là từ thế kỷ thứ tư. Ban đầu, nó được thiết lập để thể hiện sự đoàn kết và hiệp thông giữa Đức Thánh Cha, các Giám mục và Hội Thánh địa phương của các ngài. Các mảnh bánh thánh từ các Thánh Lễ do Đức Giáo hoàng hoặc Giám mục cử hành được các phó tế mang đến các nhà thờ địa phương và đặt vào các chén thánh khi cử hành Thánh Lễ. Việc này tượng trưng cho thực tại rằng toàn thể Hôi Thánh hiện diện trong mỗi Thánh Lễ Mặc dù ngày nay việc thực hành như vậy không còn nữa, nhưng việc Hòa lẫn Mình và Máu thánh Chúa Giêsu Kitô vẫn là một phần thật đẹp đẽ của Nghi thức Hiệp Lễ vì nó diễn tả một thực tại cao cả. Khi việc truyền phép diễn ra, bánh và rượu được thánh hiến riêng biệt, vì đây là cách Chúa chúng ta thiết lập lễ hy sinh tưởng nhớ Cái Chết của Người trên Thập giá. Người đã tiên liệu Cái Chết của Người sẽ xảy ra như thế nào: Mình và Máu Người bị tách ra và Người đổ máu cho đến chết trên Thập giá. Việc hòa nhập vào thời điểm này trong Thánh Lễ tượng trưng cho sự Phục sinh của Chúa Giêsu khi vào ngày thứ ba Thân xác và Linh hồn của Người được kết hợp vĩnh viễn” (A Study of the Mass, tr. 19).

Để nhắc nhở chúng ta rằng toàn thể Đức Kitô hiện diện trong cả Mình Thánh và/hoặc Máu Thánh, Cha Charles Belmonte viết: “Một số người nói rằng hình dạng tách biệt tượng trưng cho việc Lễ vật Hy sinh ở trong tình trạng chết (thân xác ở một nơi, máu ở nơi khác), trong khi trên thực tế, Chúa chúng ta hiện diện trong cả hai hình, như Người ở trên trời, sống động và vinh hiển. Vì vậy, việc hòa lẫn tượng trưng cho sự tái hợp giữa Thân Xác và Linh Hồn của Đức Kitô như trong sự Phục Sinh của Người. Tuy nhiên, có khả năng là sự hòa lẫn phải phù hợp với đòi hỏi của tín lý để cho thấy rõ ràng sự kết hợp và bất khả phân ly của Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô” (Understanding the Mass, trang 179–80).

Bí Tích Hiệp Nhất

Với tư cách là một Linh mục, tôi thực sự thích nghĩ đến phong tục cổ xưa là phó tế mang một mảnh Bánh Thánh được Giám mục truyền phép trong Thánh Lễ. Đôi khi sau lời nguyện hoà lẫn, tôi thầm đọc một lời cầu nguyện ngắn cho vị Giám mục. Tôi cầu xin Chúa ban cho ngài sự khôn ngoan và sức mạnh để dẫn dắt chúng ta một cách tốt đẹp. Tôi xin cho ngài được mạnh sức qua việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và trái tim của ngài tiếp tục trở nên giống Đức Kitô hơn. Trong giây phút đó, dấu chỉ hiệp nhất này nhắc tôi nhớ lại ngày thụ phong, khi các Linh mục hứa tôn trọng và vâng phục Giám mục và những người kế vị ngài. Bí tích Thánh Thể thực sự là Bí tích hiệp nhất của chúng ta – lôi kéo mỗi người chúng ta vào sự hiệp nhất lớn lao hơn với Đức Kitô và với nhau.

Đó la tất cả từ Nghi thức Bẻ Bánh và Hoà Lẫn! Nghi thức này cho chúng ta thấy một cách cụ thể rằng không có phần nào của Thánh Lễ mà không có ý nghĩa sâu xa, ngay cả những cử chỉ có vẻ nhỏ nhặt. Phải chăng điều này có nghĩa là chúng ta phải chú ý mọi lúc? Hãy cố gắng hết sức và nhận ra rằng nếu bạn lo ra, bạn có thể bỏ lỡ điều gì đó thật sự đặc biệt!

Câu Hỏi để Suy Nghĩ:

  1. Hãy cầu nguyện bằng một hoặc nhiều đoạn Thánh Kinh có nội dung “Bẻ Bánh”, chẳng hạn như Mt 14:19, 15:36, 26:26; Mc 6:41, 8:6, 14:22; Lc 9:16, 22:19, 24:30; Cv 2:42, 46; 1 Cor 11:24. Hãy ở yên trong ý thức của bạn về việc trở thành một phần của “đám mây nhân chứng lớn” đươc kết hợp trong nghi thức “Bẻ Bánh”.
  2. Hãy đặc biệt chú ý đến Nghi thức Bẻ Bánh và Hòa lẫn vào lần tới khi bạn tham dự Thánh Lễ. Hãy cầu nguyện cho vị Giám mục địa phương của bạn và cho sự hiệp nhất của Hội Thánh địa phương và Hội Thánh hoàn vũ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Categories

Latest Posts

Ánh Sáng Đẹp Tươi: Nhiệm Huấn Vượt Qua, Bài V Mầu Nhiệm Vượt Qua
Nhiệm Huấn 2023

Ánh Sáng Đẹp Tươi: Nhiệm Huấn Vượt Qua, Bài V Mầu Nhiệm Vượt Qua

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 30 – Rửa Tay
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 30 – Rửa Tay

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 29 – Dâng Rượu
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 29 – Dâng Rượu

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 28 – Dâng Bánh
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 28 – Dâng Bánh

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 27 – Dâng Lễ Vật
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 27 – Dâng Lễ Vật