Ánh Sáng Đẹp Tươi: Nhiệm Huấn Vượt Qua, Bài V Mầu Nhiệm Vượt Qua

Tác giả: Kately Javier – Được đăng trong Eucharistic Revival Blog Ngày 10 tháng 5 năm 2023. Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam.

Chào mừng bạn đến với Ánh Sáng Đẹp Tươi, những bài giáo lý phụng vụ bắt nguồn từ truyền thống nhiệm huấn của Hội Thánh. Nhiệm huấn là một hình thức giáo lý cổ xưa giúp chúng ta đi sâu hơn vào các mầu nhiệm chúng ta cử hành trong các Bí tích. Mỗi tuần, một chủ đề mới sẽ giúp bạn tập trung vào những ân sủng có sẵn cho bạn qua Thánh Lễ khi bạn trong cầu nguyện suy niệm về nội dung của chủ đề.

Hãy Tưởng Tượng Nghi Thức

Khi Hy Lễ Thánh nằm yên bình trên bàn thờ, bạn vẫn quỳ gối, trong khi những thời khắc im lặng hòa quyện với những lời cầu nguyện gợi lên thảm cảnh cứu chuộc. Linh mục đứng ở tư thế “orans”, hai cánh tay ở hai bên mình, dang thẳng ra để cầu nguyện. “Vì vậy, lạy Chúa, khi kính nhớ cuộc khổ hình sinh ơn cứu độ, sự sống lại và lên trời vinh hiển của Con Chúa, … Chúng con nài xin Chúa đoái nhìn hiến lễ Hội Thánh dâng lên Chúa, và khi Chúa nhận đây chính là Của Lễ mà Chúa muốn hiến tế để nguôi lòng Chúa, xin cho chúng con… trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô.” Bạn biết điều này có thật. Bạn biết điều này đúng. Không những chỉ Hy Tế của Chúa Giêsu được hiện tại hoá cho bạn để bạn có thể tham gia vào đó, mà cả sự chiến thắng của Người nữa! Sự tưởng nhớ thánh thiện và sống động lôi kéo bạn vào trong mầu nhiệm này, như Trời thực sự hôn đất. Niềm khao khát vĩnh cửu sâu thẳm trong lòng bạn được đánh thức, và trong những giây phút này, bạn tin chắc rằng Chúa Giêsu đổi mới mọi sự.

Câu Hỏi để Suy Niệm

Hãy nghĩ đến tình yêu vô biên của Chúa Cha khi bạn nhìn lên Đức Kitô, Con Ngài, được hiến tế làm của lễ Hy Sinh cho bạn—để tha tội cho bạn và hòa giải bạn với Thiên Chúa. Lòng bạn phản ứng thế nào trước thảm cảnh cứu chuộc? Đối với bạn, việc ơn cứu chuộc trong Đức Kitô được hiện tại hoá và dọn sẵn một lần nữa trên bàn thờ trong mỗi Thánh Lễ có ý nghĩa gì?

Trích dẫn từ các Giáo Phụ

Chúa, tuy là Thiên Chúa nhưng đã trở thành con người. Người chịu đau khổ thay cho những kẻ đau khổ, Ngài bị trói thay cho những kẻ bị xiềng xích, bị kết án thay cho những kẻ có tội, bị chôn cất thay cho những kẻ nằm trong mồ; nhưng Người đã sống lại từ cõi chết và kêu lớn: Ai sẽ tranh đấu với Ta? Hãy để kẻ ấy đối đầu với Ta. Ta đã giải thoát những kẻ bị kết án, làm cho kẻ chết sống lại, cho người ta sống lại từ nấm mồ. Ai có điều gì muốn nói chống lại Ta? Người nói, Ta là Đức Kitô; Ta đã tiêu diệt sự chết, chiến thắng kẻ thù, giày đạp địa ngục dưới chân, trói buộc kẻ mạnh và đưa loài người lên đỉnh cao: Ta là Đức Kitô.

Vậy, hỡi tất cả các dân tộc loài người, hãy đến nhận lấy sự tha thứ cho những tội lỗi làm ô uế các con. Ta là sự tha thứ của các con. Ta là Lễ Vượt Qua mang lại ơn cứu rỗi. Tôi là con chiên đã bị hiến tế vì các con. Ta là giá chuộc của con, là sự sống của các con, là sự sống lại của các con, là ánh sáng của các con, ta là sự cứu rỗi của các con và là vua của các con. Ta sẽ đưa các con đến đỉnh cao của thiên đàng. Chính tay phải Ta sẽ nâng các con dậy và chỉ cho các con thấy Chúa Cha Hằng Hữu.

Melito xứ Sardis

Một Suy Tư Giáo Lý về Nghi Thức

Trong mỗi Thánh Lễ, thảm cảnh cứu chuộc được hiện tại hóa một lần nữa khi Đức Kitô dâng Mình Mình của Người để cứu rỗi thế gian. Mầu nhiệm Vượt Qua mà qua đó việc cứu chuộc chúng ta được thực hiện được tái trình bày trên bàn thờ. Chính sự tái trình bày này, sự tưởng nhớ này, sự hồi tưởng này, mà Chúa đã muốn trong lần cử hành Thánh Lễ đầu tiên tại Bữa Tiệc Ly. Hoàn toàn ý thức được Hy Lễ mà Người phải thực hiện trên Thánh Giá ở Đồi Canvê, Đức Kitô đã truyền cho các môn đệ cử hành Bí tích Thánh Thể để tưởng nhớ đến Ngưởi – trong anamnesis phần tưởng niệm– của Người. Đức Kitô truyền lệnh chúng ta cử hành Thánh Lễ như một hành động tưởng nhớ Mầu nhiệm Vượt qua mà Người phải trải qua và nhờ đó Người đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa Cha. Tuy nhiên, hành động tưởng nhớ này không nhằm mục đích đơn giản là gợi nhớ về một sự kiện diễn ra ở một thời điểm duy nhất trong lịch sử. Trọng tâm của anamnesis là hành động làm cho một sự kiện đã diễn ra trong quá khứ được trở thành hiện tại hôm nay. Do đó, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Hy Lễ của Đức Kitô trên thập giá – sự kiện cứu chuộc diễn ra vào Thứ Sáu Tuần Thánh hơn hai ngàn năm trước và bởi quyền năng của Thiên Chúa vượt thời gian để cứu rỗi toàn thể nhân loại – đã được hiện tại hoá cho chúng ta hôm nay trong mỗi Thánh Lễ.

Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo mô tả việc tưởng niệm Hy Tế của Đức Kitô trong Thánh Lễ như sau: “Bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, là hiện tại hoá hy tế duy nhất của Người… Khi cử hành phụng vụ về các biến cố này, chúng hiện diện và được hiện tại hoá một cách nào đó.” (GLCG, 1362–1363). Khi cử hành Thánh Lễ, Mầu nhiệm Vượt qua choc thủng các giới hạn về thời gian, không gian và thậm chí cả lý trí của con người khi chúng ta được hiện diện trong những giây phút Đức Kitô chịu đau khổ, chịu chết, sống lại từ cõi chết và lên trởi. Hãy kể đến chiều sâu của mầu nhiệm đang được hiện tại hóa. Khi chúng ta quỳ gối trước Chúa trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta đang quỳ trên đất thánh của Đồi Canvê nhìn lên Thân Thể Đức Kitô đang hy sinh trên Thập Giá vì tội lỗi chúng ta. Mặc dù bị tràn ngập bởi tình yêu vĩ đại của Đức Kitô được mạc khải trong Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Người, nhưng chúng ta không để cho mình phải đau buồn, vì trong tâm hồn chúng ta vang lên những lời cứu độ của Đức Kitô, những lời đáp lại niềm vui của chúng ta: “Ta là Đấng Kitô… Ta là Lễ Vượt Qua mang đến ơn cứu rỗi.” Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được hiện diện không chỉ với Cuộc Khổ nạn và Cái chết của Đức Kitô mà còn với Sự Phục sinh và Lên Trời vinh hiển của Người! Quỳ trước Chiên Con bị giết, chúng ta cũng quỳ trước Đức Kitô Vua, Đấng đã chiến thắng sự chết bằng sự Phục Sinh để chúng ta có thể đón nhận sự sống mới trong Người.

Sống như Đức Kitô Hôm nay

Là một gia đình đức tin, chúng ta quy tụ quanh bàn tiệc Thánh Thể để tưởng nhớ Mầu Nhiệm Vượt Qua khi chúng ta làm chứng cho Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết, Phục Sinh và Lên Trời của Đức Kitô hiện diện trên bàn thờ. Là những chứng nhân của Mầu nhiệm Vượt qua được tái hiện trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được sai đi thi hành sứ mệnh như những môn đệ của Đức Kitô để loan báo tình yêu của Thiên Chúa cho thế giới.

Khi rời Thánh Thể, chúng ta hãy cẩn thận đừng bao giờ nhầm lẫn giữa anamnesis (tưởng nhớ) amnesia (hay quên). Hãy tưởng tượng một chút xem chứng mất trí nhớ thiêng liêng này có thể diễn ra như thế nào – bạn xong Thánh Lễ trong sự bình an của Chúa, sẵn sàng công bố tình yêu của Chúa cho bất cứ ai bạn gặp, chỉ để rồi nhanh chóng cảm thấy mình bị tràn ngập và mất tập trung bởi những đòi hỏi chồng chất của cuộc sống hàng ngày. Trước khi bạn nhận ra điều đó, bạn bắt đầu quên Chúa khi bạn đấu tranh để cân bằng những trách nhiệm khác nhau trước mắt mình. Đây là một thực tại mà rất nhiều người trong chúng ta phải đối diện. Giữa nhiều ưu tiên cạnh tranh đang tranh giành sự chú ý của chúng ta—từ kế hoạch gia đình, thời hạn làm việc, đến các vấn đề sức khỏe, v.v.—chúng ta bị cám dỗ quên mất Chúa và sứ mệnh mà Người dành cho cuộc đời chúng ta. Vì thế, chúng ta phải rời Thánh Lễ để sẵn sàng chiến đấu với chứng mất trí nhớ thiêng liêng này bằng một quyết tâm sống trong một sự tích cực tưởng nhớ các mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô trong mọi lúc của mỗi ngày. Khi cuộc sống của chúng ta trở nên bận rộn và tâm trí tràn ngập tiếng ồn ào, chúng ta hãy dừng lại để nhớ đến Đấng yêu thương chúng ta. Với đôi mắt luôn hướng về Đức Kitô, chúng ta có thể bắt đầu sống trong sự tưởng nhớ các mầu nhiệm cứu độ không chỉ hiện diện trên bàn thờ mà còn được biểu lộ trong cuộc sống của mình.

Như được phản ánh trong cuộc đời của các môn đệ đầu tiên, người đã gặp được tình yêu của Thiên Chúa nơi con người Chúa Giêsu Kitô sẽ được đánh động để rao giảng tình yêu này cho người khác. Chúng ta cũng chia sẻ sứ vụ tông đồ này để đi ra từ Thánh Lễ hầu loan báo Tin Mừng cứu độ cho toàn thế giới. Bằng lời nói và việc làm, chúng ta loan báo Đức Kitô cho những người chúng ta gặp gỡ với hy vọng rằng họ cũng có thể nhận biết tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Đây là sứ mệnh của chúng ta – sống từ anamnesis (sự tưởng niệm) trong việc tích cực tưởng nhớ Mầu Nhiệm Vượt Qua và loan báo Tin Mừng này cho người khác để họ cũng có thể đến chia sẻ niềm vui của Chúa.

Qua chuỗi Ánh Sáng Đẹp Tươi, mỗi tuần từ ngày 13 tháng 4 đến ngày 25 tháng 5 năm 2023, bạn sẽ được mời đi sâu hơn vào các mầu nhiệm của Thánh Lễ qua bốn bước:

  1. Suy niệm một nghi thức (hoặc một phần) của Thánh Lễ;
  2. Đọc đoạn trích của một trong các Giáo phụ liên quan đến nghi thức;
  3. Tham gia suy tư giáo lý về nghi thức Thánh Lễ;
  4. Hãy xem xét hãy kêu gọi làm thế nào bạn có thể “Sống Đức Kitô Hôm Nay”, bắc cầu giữa trải nghiệm đức tin của bạn với đời sống môn đệ hàng ngày của bạn.

Chúng tôi cũng mời bạn đi sâu hơn nữa bằng cách cầu nguyện với Tài liệu Đồng hành Kinh Nguyện Thánh Thể trong Mùa Phục Sinh [Tiếng Anh | Tiếng Tây Ban Nha | Tiếng Việt Nam] là những bài liên quan với loạt bài Nhiệm Huấn hàng tuần của chúng tôi.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Categories

Latest Posts

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa
Hãy Làm Việc Này

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng –  Sanctus
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng – Sanctus

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại