Ánh Sáng Đẹp Tươi 2023: Nhiệm Huấn Vượt Qua, Bài I – Hy Lễ
Ngày 12 tháng 4 năm 2023
Tác giả: Đức Tổng Giám mục Charles Thompson
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam.
Chào mừng bạn đến với Ánh Sáng Đẹp Tươi, những bài giáo lý phụng vụ bắt nguồn từ truyền thống nhiệm huấn của Hội Thánh. Nhiệm huấn là một hình thức giáo lý cổ xưa giúp chúng ta đi sâu hơn vào các mầu nhiệm chúng ta cử hành trong các Bí tích. Mỗi tuần, một chủ đề mới sẽ giúp bạn tập trung vào những ân sủng có sẵn cho bạn qua Thánh Lễ khi bạn trong cầu nguyện suy niệm về nội dung của chủ đề.
Hãy Tưởng tượng Nghi Thức
Một sự im lặng ngọt ngào đã đến với nội tâm bạn… như thể một làn sương nhẹ nhàng rơi xuống vùng đất khát khao của tâm hồn bạn. Bạn ngồi tỉnh táo trên băng ghế gỗ, dán mắt vào hành động của Linh mục, người đứng thẳng sau bàn thờ. Trước hết, tay ngài nhấc đĩa có bánh thánh lên. Vẫn cầm đĩa thánh, ngài đọc những lời cổ xưa: “Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này…” Nhẹ nhàng, ngài đặt đĩa thánh lên khăn thánh trắng như tuyết bằng vải lanh nằm giữa bàn thờ. Tiếp theo, ngài nâng cao chén thánh lên, trong đó chứa rượu pha vài giọt nước. Đôi mắt của Linh mục ngước lên khi ngài dâng những lời cổ xưa hơn lên Cha Trên Trời của chúng ta trong sự kết hợp với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con rượu này là sản phẩm từ cây nho và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa …” Sau mỗi lời cầu khẩn, bạn đồng thanh với toàn thể cộng đoàn đáp lại: “Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời.” Bạn đang kết hợp chính tâm hồn của bạn cách mật thiết với Của Lễ này. Bạn bị thu hút vào đó… trong lòng bạn dấy lên một ước muốn sâu thẳm hơn, là trở thành một của lễ sống động cùng với Chúa Giêsu, Vị Thượng Tế Cao Cả.
Mọi thành viên đã được rửa tội của cộng đoàn phụng vụ đều được mời gọi tham dự cách trọn vẹn, có ý thức và tích cực vào Thân Mình Đức Kitô. Chia sẻ chức tư tế chung của tất cả những người đã được rửa tội, hiệp nhất với các tư tế thừa tác hành động in persona Christi (trong cương vị là Đức Kitô), bạn làm sao để có thể kết hợp chính mình với việc tự hiến của Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha để phục vụ tha nhân?
Trích từ các Giáo Phụ
“Bây giờ hãy lắng nghe những gì Thánh Tông Đồ thúc giục chúng ta làm. Ngài nói, tôi mời gọi anh em hãy dâng thân mình làm của lễ sống động. Thánh Phaolô đã nâng mọi người lên hàng tư tế bằng lời khuyên này của ngài. Chức tư tế của Kitô hữu tuyệt vời biết bao? Chúng ta tham dự với tư cách vừa là của lễ được dâng lên nhân danh chính mình vừa như tư tế dâng lễ vật. Các tư tế này không cần phải tìm kiếm những gì ngoài chính mình để dâng hiến cho Thiên Chúa: với chính mình và trong chính mình, họ mang hy lễ là chính họ mà dâng lên Thiên Chúa để cầu cho chính mình. Của lễ vẫn còn và tư tế vẫn luôn như thế. Bị hiến tế, nhưng lễ vật vẫn sống: vị tư tế hiến dâng lễ vật, nhưng không thể giết người. Thật vậy, đó là một hy tế phi thường, trong đó thân thể được hiến dâng mà không bị giết, và máu được hiến dâng mà không đổ ra. Thánh Tông Đồ nói: Bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, tôi kêu gọi anh em dâng thân xác mình làm hy lễ sống động. Thưa anh em, hy lễ này theo khuôn mẫu hy tế của Đức Kitô qua đó Người đã hiến dâng Mình Người làm của lễ hy sinh sống động để cho thế gian được sống. Người thực sự đã biến Thân Mình Người thành của lễ sống động vì dù bị giết nhưng Người vẫn tiếp tục sống. Ở một của lễ như vậy, Sự Chết nhận được tiền chuộc, nhưng của lễ vẫn còn sống. Chính Sự Chết bị trừng phạt. Đây là lý do tại sao cái chết đối với các vị tử vì đạo là một sự tái sinh và sự kết thúc của các ngài là một sự khởi đầu. Cuộc hành quyết của các ngài là cánh cửa dẫn đến sự sống, và những người được cho là đã bị khai trừ khỏi mặt đất sẽ tỏa sáng rực rỡ trên thiên đàng.”
– Thánh Phêrô Kim Ngôn
Suy tư Giáo lý về Nghi thức
Theo Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, Hội Thánh hiệp nhất trong việc dâng Chúa Giêsu Kitô lên Thiên Chúa Cha và vì lợi ích của người khác:
“Bí tích Thánh Thể cũng là hy tế của Hội Thánh. Hội Thánh, là Thân Thể của Đức Kitô, tham dự vào lễ tế của Đấng là Đầu của mình. Cùng với Người, toàn thể Hội Thánh được dâng lên. Hội Thánh kết hợp mình với việc chuyển cầu của Người bên Chúa Cha, để cầu cho tất cả mọi người. Trong bí tích Thánh Thể, hy tế của Đức Kitô cũng trở thành hy tế của các chi thể trong Thân Thể Người. Đời sống của các tín hữu, lời ca ngợi, sự đau khổ, lời cầu nguyện, việc lao động của họ, được kết hợp với cùng những khía cạnh đó trong đời sống của Đức Kitô và với toàn bộ lễ tế của Người, và như vậy chúng có một giá trị mới. Hy tế của Đức Kitô hiện diện trên bàn thờ đem lại cho mọi thế hệ Kitô hữu khả năng được kết hợp với lễ tế của Người” (GLCG, số 1368).
Việc cử hành mỗi Bí tích trong bảy Bí tích liên quan đến hành động chết và sống lại cùng một lúc. Trong Bí tích Rửa Tội, như Hội Thánh dạy, chúng ta chết đi cho chính mình và sống lại với Đức Kitô. Với Dầu thánh, cũng được sử dụng cho Bí tích Thêm sức và Truyền Chức thánh, mỗi người đã rửa tội được xức dầu trong Chúa Giêsu Kitô để làm tư tế, ngôn sứ và vương đế. Sự trân quý của một người đối với lời mời gọi nên thánh phổ quát và sứ vụ được xác định dựa trên sự hiểu biết về đặc tính ba chiều kích của việc xức dầu. Như vậy, mỗi người đã được rửa tội đều nhận được ân sủng cần thiết của Thiên Chúa để phục vụ làm chứng cho con người và sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô qua vai trò môn đệ truyền giáo và quản gia.
Hiệu quả của lời nói và hành động của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly được tỏ lộ trong Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết trên Thập giá của Người. Người hy sinh mạng sống để chúng ta được sống đời đời với Người trong sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Trong việc kết hợp với toàn thể Hội Thánh, nhờ chia sẻ chức tư tế chung của những người đã được rửa tội, các chi thể của Thân Mình Đức Kitô thông phần vào Hy Lễ của Chúa Giêsu. Chúng ta kết hợp đời sống của chúng ta, tất cả những gì chúng ta có để tạ ơn, với Hy Lễ của Người.
Chúa Giêsu là Đấng đã trở nên giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Người chia sẻ những kinh nghiệm của chúng ta về đau đớn, buồn phiền, vui sướng, mất mát, gặp gỡ, thất vọng, thành công, sinh tử. Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta được Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương đến mức không thể hiểu nổi. Bất cứ lễ vật nào chúng ta dâng lên Thiên Chúa đều mờ nhạt so với Hy Lễ của Chúa Giêsu. Dù không hoàn hảo, nhưng chúng ta luôn có một điều gì đó để dâng lại cho Thiên Chúa. Trong khi Chúa Giêsu vâng phục hiến mình cho Chúa Cha để chuộc tội cho sự bất phục tùng của con người, thì chúng ta dâng chính mình để tạ ơn. Vì vậy, chúng ta cố gắng tham dự cách trọn vẹn, có ý thức và tích cực vào bữa tiệc Thánh Thể. Chúng ta chết cho chính mình và sống lại với Người.
Sống như Đức Kitô Hôm nay
Việc cử hành Thánh Lễ là “nguồn mạch và tột đỉnh” của căn tính và sứ vụ của đạo Công giáo, từ đó phát sinh ra tất cả các thừa tác vụ và dịch vụ. Cùng với Chúa Giêsu Kitô, chúng ta dâng mình cho Thiên Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, bắt nguồn từ lời mời gọi nên thánh và truyền giáo của Bí tích Rửa tội, nhằm gây hứng khởi cho chúng ta trong việc tham gia vào các việc thương linh hồn cũng như thương xác. Đối với việc làm chứng tá Kitô giáo đích thực của bất kỳ người Công giáo nào, cách sống đời sống bí tích trong Chúa Giêsu Kitô trong các lĩnh vực gia đình, xã hội, kinh tế và chính trị của xã hội phải phù hợp với việc chúng ta tham dự vào sự tự hiến của Chúa Giêsu Kitô trong khi Dâng Lễ Vật.
Trong Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta nên xem xét các công việc của Lòng Thương Xót là thương linh hồn và thương xác.
Các việc thương linh hồn bao gồm:
- Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người.
- Thứ hai: Mở dạy kẻ mê muội.
- Thứ ba: Yên ủi kẻ âu lo.
- Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội.
- Thứ năm: Tha kẻ dể ta.
- Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta.
- Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
Các việc thương xác bao gồm:
- Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn.
- Thứ hai: Cho kẻ khát uống.
- Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc.
- Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc.
- Thứ năm: Cho khách đỗ nhà.
- Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi.
- Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết.
Những việc thương xót này, đặc biệt là những việc thương xác, dựa trên Tin Mừng thánh Mátthêu 25:31–46 và thường được Đức Thánh Cha Phanxicô trích dẫn như những dấu chỉ của vai trò môn đệ truyền giáo trong Chúa Giêsu Kitô.
Chúng tôi cũng mời bạn đi sâu hơn nữa bằng cách cầu nguyện với Tài liệu Đồng hành Kinh Nguyện Thánh Thể trong Mùa Phục Sinh [Tiếng Anh | Tiếng Tây Ban Nha | Tiếng Việt Nam] là những bài liên quan với loạt bài Nhiệm Huấn hàng tuần của chúng tôi.
Nếu dùng bản tiếng Việt Nam lần đầu, làm ơn tải xuống và đọc Tài Liệu Hướng dẫn trước khi sử dụng Tài Liệu Đồng hành.