Ánh Sáng Đẹp Tươi: Nhiệm Huấn Vượt Qua, Bài II – Chúc Tụng và Tạ Ơn

Tác giả: Sr. Maria Miguel Wright, O.P.- Được đăng trong Eucharistic Revival Blog Ngày 12 tháng 4 năm 2023

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam.

Chào mừng bạn đến với Ánh Sáng Đẹp Tươi, những bài giáo lý phụng vụ bắt nguồn từ truyền thống nhiệm huấn của Hội Thánh. Nhiệm huấn là một hình thức giáo lý cổ xưa giúp chúng ta đi sâu hơn vào các mầu nhiệm chúng ta cử hành trong các Bí tích. Mỗi tuần, một chủ đề mới sẽ giúp bạn tập trung vào những ân sủng có sẵn cho bạn qua Thánh Lễ khi bạn trong cầu nguyện suy niệm về nội dung của chủ đề.

Hãy Tưởng tượng Nghi Thức

“Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con …” Bạn đang đứng chăm chú, kết hợp với linh mục và toàn thể cộng đoàn tụ tập trong giây phút đặc quyền để tạ ơn và ca ngợi. Ôi! Bạn đang ở ngưỡng cửa Thiên đàng, đang nóng lòng bước vào một cuộc tái trình bày một hành động vĩ đại nhất trong lịch sử – Cuộc Khổ nạn và vinh quang của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ của bạn. Khi những lời quen thuộc này chảy qua trái tim bạn, bạn nhắm mắt lại một lúc và nhận ra trái tim mình đang đập, khao khát nhiều hơn nữa, khao khát Thiên Đàng. Cộng đoàn tụ họp trong sự kết hợp với linh mục không thể nào gọi là đủ – toàn bộ nhiệm thể của Đức Kitô hiện diện: các thiên thần và các thánh. Bạn kết hợp chính mình với việc tôn thờ thiên quốc này khi bạn vui mừng tung hô: “Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, trời đất đầy vinh quang Chúa. Hoan hô Chúa trên các tầng trời. Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Hoan hô Chúa trên các tầng trời.”

Câu hỏi để Suy niệm

Có khi nào bạn tưởng tượng mình cùng với các Thánh và các Thiên thần trong Thánh Lễ chưa? Tôi thường cố gắng tưởng tượng Thiên thần Bản mệnh của tôi và Thánh Quan Thày yêu quý của tôi, Chân phước Miguel Pro, đang thờ phượng bên cạnh tôi. Các Thánh đã cho chúng ta một lộ trình nên thánh, và bây giờ các ngài khuyến khích chúng ta, yêu thương chúng ta và cùng bước đi với chúng ta. Những ai trên Thiên Đàng đang ở với bạn cách đặc biệt trong mỗi Thánh Lễ? Hãy xin các ngài tỏ cho bạn biết (các ngài sẽ làm như vậy!) và dạy bạn cách dâng lời ca ngợi và cảm tạ lên Thiên Chúa.

Trích Dẫn từ các Giáo Phụ

“Tư tưởng của chúng ta ở đời này phải hướng về việc chúc tụng Thiên Chúa, vì đời sau chúng ta sẽ vui mừng mãi mãi trong việc tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta sẽ không sẵn sàng cho cuộc sống ca ngợi đó trừ khi chúng ta rèn luyện chính mình cho điều đó ngay bây giờ ở đời này.

“Vì vậy, chúng ta chúc tụng Thiên Chúa trong cuộc đời trần thế của mình, đồng thời chúng ta cũng dâng lên những lời cầu xin. Lời chúc tụng của chúng ta được tỏ bày với niềm vui, lời cầu xin của chúng ta được thể hiện bằng lòng khát khao. Vì chúng ta đã được Chúa hứa ban vinh quang mà giờ đây chúng ta chỉ sở hữu được một phần. Vì lời hứa ban vinh quang được Chúa là Đấng trung tín đã hứa cho nên chúng ta tin cậy và vui mừng; nhưng vì việc chiếm hữu hoàn toàn bị trì hoãn nên chúng ta mong ước và khao khát nó. Thật tốt cho chúng ta nếu chúng ta biết kiên trì khao khát cho đến khi nhận được điều đã hứa. Khi sự khao khát qua đi, thì chỉ còn lại lời ngợi khen…

“Bây giờ chúng ta chúc tụng Thiên Chúa, tụ họp lại như chúng ta đang ở đây trong nhà thờ; nhưng khi chúng ta ra về để tiếp tục những con đường khác nhau, có vẻ như chúng ta ngừng chúc tụng Thiên Chúa. Tuy nhiên nếu chúng ta không ngừng sống một cuộc đời công chính, chúng ta sẽ luôn chúc tụng Thiên Chúa. Bạn chỉ ngừng chúc tụng Thiên Chúa khi bạn đi trật đường công lý. Nếu bạn không bao giờ rời khỏi con đường đấy, lưỡi bạn có thể im tiếng, nhưng đời sống bạn sẽ lớn tiếng tunh hô, Alleluia! Chúc tụng Chúa!”

Thánh Augustinô

Suy tư Giáo Lý về Nghi thức

Tôi biết tôi không đơn độc trong việc khao khát Chúa. Trong những giây phút yên tĩnh trong ngày, trong những đau khổ của cuộc đời, ngay cả trong những niềm vui lớn nhất của tôi, vẫn thiếu một điều gì đó. Tận đáy lòng tôi, tôi biết phải có một điều gì hơn thế nữa.

Thánh Augustinô biết rõ niềm khao khát ấy. Sau nhiều năm sống cho thế gian này, cuối cùng ngài cũng nhìn nhận sự thật rằng danh vọng và lạc thú trần thế mà thôi thì chưa đủ. Cuộc hành trình của ngài thật khó khăn—trong những năm đầu hoán cải, trong khi cầu nguyện xin ơn để vượt qua những tật xấu của mình, ngài đã nói một câu nổi tiếng: “nhưng chưa đâu”. Tuy nhiên, niềm khao khát Thiên Chúa của Thánh Augustinô cuối cùng đã tiêu hao và biến đổi ngài. Ngài nhận ra Đấng mà ngài hằng ước mong đang chờ đợi để ban tặng chính Mình trong Bí tích Thánh Thể, và việc ca ngợi sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể đã đánh dấu phần còn lại của cuộc đời ngài.

Trong mỗi Thánh Lễ khi chúng ta chuẩn bị cho sự hiện diện này của Chúa Giêsu Thánh Thể để một lần nữa Người ngự xuống trên bàn thờ của chúng ta, Hội Thánh mời gọi chúng ta cùng hát lên một bài ca khao khát và mong chờ với toàn thể Thiên Đàng. Thật cảm động biết bao khi trong phụng vụ của chúng ta bao gồm một thời gian phấn khởi, một thời gian ca hát và hân hoan khi nghĩ đến ao ước sâu xa nhất của con tim chúng ta đang đực hiện tại hoá. Nhiều lần chúng ta nghĩ đến lời tạ ơn cần thiết phải đến sau khi đón nhận Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Trong cuộc sống, tôi nhận thấy rằng sự nao nức và mong đợi trước một thời điểm cuộc gặp gỡ, một lòng biết ơn trước những gì sắp xảy ra, có thể lam cho cuộc gặp gỡ ấy trở nên ý nghĩa hơn nhiều.

Khi còn nhỏ, tôi luôn có cảm giác háo hức chờ đợi những ngày nghỉ lễ. Niềm vui và sự khao khát (thường thiếu kiên nhẫn) trước viễn cảnh được gặp lại ông bà, các cô, chú và anh chị em họ của tôi lớn dần đến mức gần như không thể chịu nổi. Khi ngày ấy cuối cùng cũng đến, chuyến đi dường như kéo dài vô tận. Khi chúng tôi càng đến gần hơn, sự hứng khởi càng tăng. Có những dấu hiệu quen thuộc – cột đèn giao thông cuối cùng trước khi đến nơi, một cánh cửa nhà ga độc đáo khi chúng tôi rẽ vào con đường cuối cùng, những đường vòng và những ngọn đồi trong vài dặm cuối ấy. Tôi có một kỷ niệm rất sống động khi đi dọc theo dãy nhà cuối cùng dẩn đến nhà bà tôi trong khi hát đến kiệt sức và nhảy nhót trên ghế với các anh em trong niềm vui trong trắng.

Tôi không nghĩ kinh nghiệm này là của riêng tôi. Thiên Chúa đã tạo dựng trong chính bản tính của chúng ta niềm khao khát và chờ đợi được gặp gỡ Tình Yêu, và niềm khao khát này nhất thiết dẫn đến sự hứng khởi trước viễn cảnh chắc chắn được gặp gỡ. Trong Kinh Tiền Tụng của Thánh Lễ, chúng ta kết hợp với toàn thể Thiên Đàng. Trong cương vị là Chúa Giêsu Kitô, Linh mục thưa cùng Chúa Cha nhân danh Nhiệm Thể Đức Kitô là Hội Thánh. Những “dấu chỉ” này cho chúng ta biết sự thật là chúng ta đã gần đến nơi. Chúng ta đem tất cả những khao khát, tất cả những đau buồn, tất cả những niềm vui của mình và dâng chúng lên Chúa Cha khi vừa thấy Thiên Đàng. Và sau đó, chúng ta hát bài ca ngợi khen, khao khát và hân hoan trước món quà mà Chúa Cha sắp ban cho chúng ta – Sự Hiện Diện Thật của Con Ngài.

Sống theo Đức Kitô Hôm nay

Thánh Augustinô nhắc nhở chúng ta rằng lời ngợi khen chúng ta dâng lên trong Thánh Lễ là lời ngợi khen đánh dấu toàn thể cuộc đời chúng ta. Chúng ta học cách chúc tụng Thiên Chúa trong phụng vụ, nhưng việc chúc tụng Thiên Chúa không chỉ giới hạn trong phụng vụ. Thực ra, vào cuối mỗi Thánh Lễ, chúng ta thực sự được sai đi để vào thế giới. Tình yêu, lòng biết ơn và lời chúc tụng đã đánh dấu cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể phải đến cùng chúng ta, và thậm chí thúc đẩy chúng ta đi vào một thế giới cũng đang khao khát Đức Kitô nhiều như chúng ta. Hãy nghĩ đến các môn đệ sau khi gặp Đức Kitô Phục Sinh trên đường Emmau. Mắt các ông mở ra trước sự hiện diện của Đức Kitô khi Người bẻ bánh, và rồi các ông lập tức đi loan báo Sự Phục Sinh của Người cho các Tông đồ (xem Lc 24:13-35).

Khi chúng ta dành thời gian với người mình yêu thương, sự thân thiết sẽ tăng lên sau mỗi lần gặp gỡ. Càng yêu ai đó, chúng ta càng nghĩ về họ nhiều hơn—những từ ngữ, cụm từ, chuyện vui, bài hát và địa điểm tất cả đều mang lại những kỷ niệm về người thân yêu của chúng ta. Khi chúng ta xa cách về mặt thể lý, những kỷ niệm này đem những người thân yêu của chúng ta đến gần chúng ta với lòng biết ơn, tạ ơn và thường pha lẫn với một chút buồn bã cùng mong chờ. Chúng ta muốn ở bên họ, nhưng tình yêu của họ đã thay đổi chúng ta bằng những cách không thể quên được.

Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta và tình yêu đáp lại của chúng ta là một thực tại sâu đặm hơn nhiều. Trong mỗi Thánh Lễ, chúng ta có cơ hội được rước Chúa Giêsu Kitô vào thân xác mình một cách bí tích. Chúng ta đã nhìn thấy khuôn mặt của Người và nghe thấy giọng nói của Người trong Thánh Kinh. Càng nhìn Người, dành thời gian với Người và đón nhận Người vào chính con người chúng ta, chúng ta càng được biến đổi theo hình ảnh của Người và thấy sự hiện diện thật của Người trong cuộc sống của chúng ta. Tình yêu của Người gắn bó chúng ta với Người theo đúng nghĩa đen, và khi nhận ra điều này, chúng ta cảm nhận được niềm vui, lòng biết ơn và sự khao khát Đấng yêu thương chúng ta.

Tôi thường ngạc nhiên vì vẻ buồn rầu của con người ngày nay. Dù tôi ở cửa hàng tạp hóa, bưu điện, trạm xăng hay đơn giản là đi dạo, rất nhiều người tôi gặp trông giống như thể họ đã mất hết hy vọng. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi có đủ can đảm để đến gần họ và kể cho họ nghe về Đấng mà họ đang khao khát? Những cuộc đời sẽ thay đổi ra sao nếu tôi cố gắng nhận ra và chúc tụng Chúa Giêsu ẩn giấu trong họ như tôi chúc tụng và yêu mến Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể? Khía cạnh nào của tình yêu Chúa Giêsu sẽ chờ đợi tôi qua họ? Những câu hỏi này đầy thử thách nhưng cũng khuấy động con tim làm cho nó trở nên hứng khởi. Chúng ta được tạo dựng để ban tặng chính mình trong tình yêu và chúc tụng. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta điều này trên Thập giá, và trong Bí tích Thánh Thể, Người làm cho thực tại này thành hiện tại với chúng ta trong mỗi Thánh Lễ. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có can đảm trong mọi giây phút của cuộc đời để làm điều tương tự?

Qua chuỗi Ánh Sáng Đẹp Tươi, mỗi tuần từ ngày 13 tháng 4 đến ngày 25 tháng 5 năm 2023, bạn sẽ được mời đi sâu hơn vào các mầu nhiệm của Thánh Lễ qua bốn bước:

  1. Suy niệm một nghi thức (hoặc một phần) của Thánh Lễ;
  2. Đọc đoạn trích của một trong các Giáo phụ liên quan đến nghi thức;
  3. Tham gia suy tư giáo lý về nghi thức Thánh lễ; 4. Hãy xem xét hãy kêu gọi làm thế nào bạn có thể “Sống Đức Kitô Hôm Nay”, bắc cầu giữa trải nghiệm đức tin của bạn với đời sống môn đệ hàng ngày của bạn.

Bạn có thể tìm thấy bài trước đây của loạt bài này tại đây: Bài I—Sự hy sinh [Tiếng Anh | Tiếng Tây Ban Nha | Tiếng Việt Nam].

Chúng tôi cũng mời bạn đi sâu hơn nữa bằng cách cầu nguyện với Tài liệu Đồng hành Kinh Nguyện Thánh Thể trong Mùa Phục Sinh [Tiếng Anh | Tiếng Tây Ban Nha | Tiếng Việt Nam] là những bài liên quan với loạt bài Nhiệm Huấn hàng tuần của chúng tôi.

Categories

Latest Posts

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa
Hãy Làm Việc Này

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng –  Sanctus
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng – Sanctus

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại