Ánh Sáng Đẹp Tươi: Nhiệm Huấn Vượt Qua, Bài III – Lời Mời Gọi Nên Thánh Phổ Quát
Tác giả: Ts. Jeff Cavins – Được đăng trong Eucharistic Revival Blog Ngày 26 tháng 4 năm 2023
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam.
Chào mừng bạn đến với Ánh Sáng Đẹp Tươi, những bài giáo lý phụng vụ bắt nguồn từ truyền thống nhiệm huấn của Hội Thánh. Nhiệm huấn là một hình thức giáo lý cổ xưa giúp chúng ta đi sâu hơn vào các mầu nhiệm chúng ta cử hành trong các Bí tích. Mỗi tuần, một chủ đề mới sẽ giúp bạn tập trung vào những ân sủng có sẵn cho bạn qua Thánh Lễ khi bạn trong cầu nguyện suy niệm về nội dung của chủ đề.
Hãy Tưởng tượng Nghi Thức
“Vì vậy, lạy Chúa, chúng con tha thiết nài xin Chúa, nhờ cũng một Chúa Thánh Thần, đoái thương thánh hoá của lễ chúng con dâng tiến Chúa đây, để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con, thừa lệnh Người chúng con cử hành mầu nhiệm này.” Chúa Giêsu đang đến – và Chúa Thánh Thần đang hoạt động. Những yếu tố đơn sơ có thể nhìn thấy được nằm trên bàn thờ—những miếng bánh nhỏ và một vài giọt rượu đơn giản—sẽ sớm được thay đổi về bản thể. Tâm hồn bạn bị thu hút vào lời khẩn cầu mầu nhiệm này khi Linh mục trìu mến dang thẳng đôi tay rộng mở của mình, úp lòng bàn tay trên những yếu tố đơn giản. Trong sự thinh lặng nội tâm của tâm hồn, bạn cảm nhận được sự hiện diện ẩn giấu của Thiên Chúa, sẽ sớm được biểu lộ một cách thật sự, một cách bí tích, trong Bí tích Thánh Thể. Bạn cảm nhận được rằng sự hiệp thông đầy yêu thương của chính bạn với Chúa Ba Ngôi cũng đang biến đổi bạn. Quả thật, Thánh Thần Chúa ngự trong bạn, làm cho bạn nên thánh…
Câu hỏi Suy niệm
Trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, Chúa Giêsu tình nguyện chịu phép rửa, rồi ra khỏi nước và có Chúa Thánh Thần ngự trên Người. Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của Người bằng cách nhấn mạnh đến Bí tích Rửa Tội và quyền năng Chúa Thánh Thần. Vào cuối sứ vụ trần thế của Người, Chúa Giêsu đã nói: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Khi bạn tưởng tượng nghi thức này, Chúa Thánh Thần tiếp tục cung cấp sự hiện diện của Chúa Giêsu cho cuộc đời bạn như thế nào?
Trích Dẫn từ các Giáo Phụ
“Việc xây dựng tinh thần của thân thể Đức Kitô đạt được nhờ tình yêu. Như Thánh Phêrô đã nói: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô.”. Và không có cách nào hiệu quả hơn để cầu nguyện cho sự lớn lên thiêng liêng này hơn là Hội Thánh, chính là thân thể của Đức Kitô, dâng Mình và Máu Người cách bí tích dưới hình bánh và rượu. “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” Và vì vậy, chúng ta cầu nguyện rằng, nhờ cùng ân sủng đã làm cho Hội Thánh thành thân thể Đức Kitô, tất cả các thành viên của Hội Thánh có thể vững vàng trong sự hợp nhất của thân thể ấy qua mối dây yêu thương vững bền.
“Chúng ta có lý khi cầu xin để điều này có thể được thực hiện trong chúng ta nhờ hồng ân Thánh Thần duy nhất của Chúa Cha và Chúa Con… Chúa Thánh Thần, Đấng là Thần Khí duy nhất của Chúa Cha và Chúa Con, tạo ra nơi những người mà Ngài ban cho ơn được làm nghĩa tử của Thiên Chúa một hiệu quả tương tự như Ngài đã tạo ra cho những người đã nhận được Chúa Thánh Thần trong Sách Công vụ Tông đồ. Chúng ta được biết rằng đoàn thể những người tin Chúa chỉ có một trái tim, một linh hồn, bởi vì Thần Khí duy nhất của Chúa Cha và Chúa Con, Đấng cùng với Chúa Cha và Chúa Con là một Thiên Chúa, đã tạo nên một trái tim và linh hồn duy nhất trong tất cả những kẻ tin. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô… nói rằng sự hiệp nhất tinh thần trong mối dây hòa bình này phải được bảo tồn một cách cẩn thận.”
—Thánh Fulgentius thành Ruspe
Suy Tư Giáo Lý về Nghi Thức
Có thể bạn đã từng nghe người ta nói rằng Thánh Lễ nhàm chán vì những lời nói và hành động giống nhau diễn ra hết ngày này qua ngày khác. Giả định rằng nếu điều gì đó được lặp lại một cách lặng lẽ và dường như không có bất kỳ thay đổi nào thì sẽ không có gì xảy ra. Dường như có một luật bất thành văn giữa một số người rằng việc thờ phượng tự phát là nơi Thiên Chúa thật sự hành động hơn là những nghi lễ lặp đi lặp lại. Vấn đề với quan điểm này là tất cả cuộc sống đều lặp đi lặp lại, từ mặt trời mọc và lặn cho đến nhịp đập của trái tim con người. Bạn có thể nói rằng tất cả cuộc sống đều đập theo một nhịp điệu nhất định. Khi nói đến trái tim, nếu không có sự lặp lại thì không có sự sống!
Đây là điểm mà Hy Tế Thánh Lễ hoàn toàn làm những ai dành thời gian để hiểu điều gì đang thực sự xảy ra ngạc nhiên; vì điều đang xảy ra trong sự tôn kính thầm lặng của Thánh Lễ, nói một cách đơn giản, là sự biến đổi mạnh mẽ nhất từng được trải qua trên thế gian.
Thánh Lễ là về mặc khải và sự biến đổi trên rất nhiều cấp độ. Tuy nhiên, mọi người tham dự phải ý thức được một điểm đặc biệt trong Thánh Lễ khi mọi thứ sắp thay đổi: kinh epiclesis. Epiclesis là khoảnh khắc trong Phụng vụ Thánh Thể, ở đó Linh mục hạ thấp hai bàn tay dang rộng của ngài xuống, lòng bàn tay úp xuống, trên các lễ vật là bánh và rượu.
Như được giải thích trong Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1105, kinh epiclesis (“khẩn cầu”) là kinh nguyện trong đó Linh mục cầu xin Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa, “để các dấu chỉ (hoặc các yếu tố) của bánh và rượu có thể trở nên món quà quý giá nhất trên trẩn gian, Mình và Máu Chúa Giêsu!” Hãy tưởng tượng điều này, bánh và rượu trở thành sự sống của Chúa Ba Ngôi để chúng ta dùng. Chúng ta có hưởng dùng thụ chính ân sủng của Thiên Chúa! Mỗi bí tích đều có một loại epiclesis, vì Chúa Thánh Thần làm cho con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa. Trong Thánh Lễ, epiclesis cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Của Lễ, nhưng có chuyển động thứ hai của Chúa Thánh Thần, đó là chúng ta, những người tin Chúa, sẽ trở nên của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa; và đào sâu sự hiệp thông của chúng ta với như Thân Thể Đức Kitô. Đây là chuyển động thứ hai mà nhiều người chưa biết đến.
Kinh nguyện Thánh Thể III tiết lộ sự thật tuyệt vời này. Vị Linh mục thưa: Lạy Chúa, “xin cho chúng con được bổ dưỡng bởi Minh và Máu Con Chúa, và được tràn đầy Thánh Thần của Người, thì trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô.” Chúng ta có thể nói rằng chúng ta nhận được trong Bí tích Thánh Thể điều chúng ta sẽ trở thành, sự hiện diện của Thiên Chúa trong một thế giới đang tuyệt vọng tìm kiếm chân lý và sự sống!
Người duy nhất trên thế gian có thể biến đổi, chữa lành và trao quyền cho những người tan vỡ là Chúa Giêsu Kitô. Mỗi khi bạn chú ý đến kinh epilesis, bàn tay của Linh mục dang rộng trên bánh và rượu, lòng bàn tay hướng xuống, một tiếng chuông sẽ vang lên trong lòng bạn, một lời nhắc nhở rằng thế giới rất cần Chúa Giêsu và Đức Kitô đang trải dài sự sống của Người, và chúng ta đang hiến dâng cuộc sống của mình cùng với Chúa Giêsu để cứu rỗi thế gian và vì vinh quang Thiên Chúa! Đây là một cách tuyệt vời để chúng ta có thể tham dự Thánh Lễ tích cách cực hơn.
Sống Như Đức Kitô hôm nay
Hy Tế Thánh Lễ là kinh nghiệm kiên định được ban cho nhân loại. Việc tham dự Thánh Lễ sẽ điều chỉnh la bàn nội tâm của chúng ta sau một ngày hoặc một tuần chiến đấu với sức hút từ tính của những thực thể trái ngược với Thiên Chúa. Người ta thường rời khỏi Thánh Lễ đuôc đổi mới, được trao quyền và cảm nghiệm một sự nhẹ nhàng nào đó của cuộc sống, đó là kết quả của việc đặt cuộc sống vào một quan điểm đúng đắn!
Người khôn ngoan lấy những gì đã lãnh nhận trong Thánh Lễ và áp dụng vào đời sống hằng ngày. Trong kinh epiclesis, bánh và rượu chờ đợi tác động biến đổi của Chúa Thánh Thần, mang lại sự sống và sự sống dồi dào hơn! Và cũng vậy, bằng hành động của ý chí, chúng ta dâng mình cho Thiên Chúa và cầu xin sự biến đổi trong cuộc sống của chúng ta. Bánh trở thành Mình Thánh Đức Kitô, và chúng ta được biến đổi và củng cố như Nhiệm Thể Đức Kitô, Hội Thánh bởi Mình Thánh Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Ngoài niềm vui và sự bình an chúng ta nhận được từ Bí tích Thánh Thể, sứ vụ đang chờ đợi chúng ta; thế giới đang chờ đợi điều chúng ta đã nhận được. Khi chúng ta trải nghiệm kinh epiclesis, trái tim chúng ta phải rộng mở với sự thật rằng điều xảy ra ngay lúc đó trong Thánh Lễ chắc chắn sẽ tác động đến một ai đó trong cuộc sống của chúng ta, có thể là gia đình, hàng xóm, ai đó ở nơi làm việc, hoặc một người ngẫu nhiên ở quán cà phê. Nhưng hãy chắc chắn về điều này; Thiên Chúa đã nuôi bạn để bạn trở thành thân thể của Ngài trong cộng đồng.
Là Kitô hữu, chúng ta phải nhớ điều Chúa Giêsu đã nói trong Luca 12:48, “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn”. Vậy, chúng ta cần phải làm gì sau khi lãnh nhận Mình và Máu Chúa? Câu trả lời dễ dàng và trực tiếp nhất là chúng ta phải nói như Chúa nói và làm như Chúa làm.
Tóm lại, chúng ta phải bắt chước Đấng chúng ta nhận vào thân mình. Bắt chước Chúa không chỉ đơn thuần là làm theo các động tác; nó đòi hỏi phải suy nghĩ như Chúa, liên quan đến tâm trí của chúng ta và thể hiện lòng trắc ẩn đối với những người đang bị đè bẹp bởi sức nặng của cuộc sống hàng ngày; điều này liên quan đến trái tim và cho Chúa mượn thân xác của chúng ta trong các công việc thương xót về thể xác: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, thăm viếng kẻ đau ốm và kẻ bị tù, và chôn kẻ chết. Đây là một số cách chúng ta có thể đáp lại nghi thức này.
Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong lịch sử cứu độ bằng lời nói và việc làm, đòi hỏi chúng ta phải đáp lại mặc khải đó một cách cụ thể. Nói cách khác, chúng ta đáp lại Thiên Chúa bằng lời nói và việc làm. Chúng ta không đưa ra quyết định đáp trả dựa trên mức độ thoải mái của mình; chúng ta dâng hiến trọn vẹn chính mình cho Chúa, biết rằng Người đã ban sức cho cho chúng ta để vượt xa những gì chúng ta thường nói và làm.
Chúa Giêsu ở trong bạn và tiếp tục sứ vụ của Người qua bạn. Bạn có thể làm được điều ấy; Chúa Giêsu đã chọn bạn; chỉ cần nhớ nói “xin vâng” khi bạn chứng kiến lời kinh epiclesis trong Thánh Lễ, xin vâng với Bí tích Thánh Thể, và xin vâng để được biến đổi thành Nhiệm thể Đức Kitô.
Qua chuỗi Ánh Sáng Đẹp Tươi, mỗi tuần từ ngày 13 tháng 4 đến ngày 25 tháng 5 năm 2023, bạn sẽ được mời đi sâu hơn vào các mầu nhiệm của Thánh Lễ qua bốn bước:
- Suy niệm một nghi thức (hoặc một phần) của Thánh Lễ;
- Đọc đoạn trích của một trong các Giáo phụ liên quan đến nghi thức;
- Tham gia suy tư giáo lý về nghi thức Thánh Lễ;
- Hãy xem xét hãy kêu gọi làm thế nào bạn có thể “Sống Đức Kitô Hôm Nay”, bắc cầu giữa trải nghiệm đức tin của bạn với đời sống môn đệ hàng ngày của bạn.
Chúng tôi cũng mời bạn đi sâu hơn nữa bằng cách cầu nguyện với Tài liệu Đồng hành Kinh Nguyện Thánh Thể trong Mùa Phục Sinh [Tiếng Anh | Tiếng Tây Ban Nha | Tiếng Việt Nam] là những bài liên quan với loạt bài Nhiệm Huấn hàng tuần của chúng tôi.