Bài 1 – Đại cương về Phụng Vụ

Phụng vụ là việc thờ phượng chung của Hội Thánh dâng lên Chúa Cha qua Đức Kitô và nhờ Chúa Thánh Thần. Bài này tóm lược sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo về Phụng Vụ từ câu 1066 đến 1075.

Phụng Vụ là gì?

Phụng vụ theo tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “việc công cộng”, “việc làm do dân chúng và vì dân chúng”.  Qua Phụng Vụ, Ðức Kitô, Ðấng Cứu Độ và Thượng Tế, tiếp tục công trình cứu độ trong, với và qua Hội Thánh.  Tân Ước sử dụng từ “Phụng Vụ” không những để chỉ nghi lễ phụng thờ Thiên Chúa, mà còn nói lên việc rao giảng Tin Mừng và thực thi đức ái.  Phụng Vụ nhắm đến hai mục tiêu rõ ràng : phục vụ Thiên Chúa và con người.  Vì là công việc của Ðức Kitô Tư Tế và Nhiệm Thể của Người là Hội Thánh nên mọi cử hành Phụng Vụ đều là việc làm chí thánh, có hiệu lực hơn tất cả mọi việc khác của Hội Thánh (xem GLCG 1069-1070).

Tại sao có Phụng Vụ?

Kinh Tin Kính tuyên xưng rằng Ðức Chúa Cha đã sai Ðức Chúa Con và Ðức Chúa Thánh Thần đến để cứu độ nhân loại và làm vinh Danh Ngài.  Ðó là mầu nhiệm của Ðức Kitô được mặc khải và thực hiện trong lịch sử, theo một chương trình khôn ngoan gọi là Công Trình Cứu Ðộ.  Công trình này đã được tiên báo trong Cựu Ước, được Ðức Kitô hoàn tất qua mầu nhiệm Vượt Qua của Người.  Hội Thánh loan truyền và cử hành mầu nhiệm để giúp các tín hữu sống và làm chứng mầu nhiệm này trên toàn thế giới (xem GLCG 1066-1668).

Phụng Vụ là nguồn mạch sự sống của các tín hữu

Phụng Vụ vừa là công trình của Ðức Kitô, vừa là hành động của Hội Thánh Người, như dấu chỉ hữu hình về sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người qua Ðức Kitô.  Phụng Vụ dẫn đưa các tín hữu vào Sự Sống mới trong cộng đoàn. 

Trước khi tham dự Phụng Vụ, con người cần được rao giảng Tin Mừng, cần có đức tin và hoán cải.  Rồi nhờ Phụng Vụ họ nhận được sự sống mới trong Chúa Thánh Thần để dấn thân phục vụ Hội Thánh (xem GLCG 1071-1072).

Kinh nguyện và Phụng Vụ

Phụng Vụ còn là tham dự vào kinh nguyện của Ðức Kitô dâng lên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần.  Mọi lời cầu nguyện Kitô giáo đều bắt nguồn từ và kết thúc với phụng vụ . Nhờ phụng vụ, con người nội tâm được trở nên sâu sắc qua việc kết hợp với Thiên Chúa tình yêu (xem GLCG 1073).

Việc Dạy Giáo lý và Phụng vụ

Phụng Vụ là nguồn đặc biệt của việc dạy Giáo Lý vì việc dạy Giáo Lý phải liên kết chặt chẽ với mọi hoạt động Phụng Vụ và Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể.  Việc dạy Giáo Lý dựa theo Phụng Vụ nhằm đưa con người vào mầu nhiệm Ðức Kitô, dẫn từ hữu hình tới vô hình, từ dấu chỉ tới thực tại, từ các bí tích tới các mầu nhiệm (xem GLCG 1074-1075).

Kết Luận

Vì phụng vụ là nguồn mạch sự sống của các Kitô hữu, nên chúng ta phải cố gắng học hỏi về phụng vụ để có thể dự Thánh Lễ một cách hiểu biết. Chỉ có khi nào chúng ta biết ý nghĩa của các dấu chỉ và biểu tượng của phụng vụ chúng ta mới hiểu chính xác những lời kinh và củ chỉ trong phụng vụ. Nhờ hiểu biết những ý nghĩa này chúng ta có thể tham dự phụng vụ một cách sốt sáng và ích lợi hơn.

Categories

Latest Posts

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa
Hãy Làm Việc Này

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng –  Sanctus
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng – Sanctus

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại