Bài 2 – Phụng Vụ, Công Trình của Chúa Ba Ngôi

Trong lễ Hiện Xuống, Thiên Chúa ban tràn đầy Thánh Thần và giới thiệu Hội Thánh cho nhân loại. Thời đại của Hội Thánh được mở ra; thời Ðức Kitô biểu lộ, làm hiện diện và thông truyền ơn cứu độ qua Phụng vụ Hội Thánh “cho tới khi Người lại đến.”  Ðức Kitô sống và hoạt động trong Hội Thánh và với Hội Thánh qua các Bí tích, được gọi là “Công trình Bí tích”: Thiên Chúa ban phát hiệu quả mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô trong việc cử hành Phụng vụ Bí tích của Hội Thánh (x, GLCG 1076).

Thiên Chúa Cha và Phụng vụ

Thiên Chúa Cha là nguồn mọi phúc lành chúng ta nhận được trong Phụng vụ.  Các phúc lành này bao gồm tất cả những gì Ngài đã phán, đã làm và đã ban cho chúng ta, từ tạo thiên lập địa, qua Cựu Ước, đến Ơn Cứu Độ trong Đức Kitô. Phụng vụ nhắc cho chúng ta rằng chương trình cứu độ là một chúc lành triền miên của Thiên Chúa (x. GLCG 1077-1081).

Phụng Vụ là lời đáp trả của Hội Thánh đối với những phúc lành này. Hội Thánh chúc tụng Chúa Cha qua việc thờ phượng, ngợi khen và tạ ơn (x. GLCG 1082).

Ngoài ra, Hội Thánh không ngừng dâng lên Ngài “lễ vật là chính những hồng ân Chúa ban”, và xin Ngài cho Thánh Thần thánh hóa các lễ vật, Hội Thánh, các tín hữu và toàn thế giới. Nhờ kết hợp với Ðức Kitô, và qua quyền năng Chúa Thánh Thần, những phúc lành này đem lại hoa quả sự sống (x. GLCG 1083).

Công việc của Đức Kitô trong Phụng vụ

Ðức Kitô Phục Sinh đang “ngự bên hữu Chúa Cha”, nhưng vẫn hoạt động trong Hội Thánh qua các Bí tích mà Người đã thiết lập để thông ban ân sủng. Các Bí tích là những dấu chỉ đem lại ân sủng mà chúng diễn tả. Trong Phụng vụ của Hội Thánh, chính Ðức Kitô diễn tả và thực hiện mầu nhiệm Vượt Qua của Người (x. GLCG 1084-1085).

Chúa Giêsu đã sai các Tông Đồ, được đầy Thánh Thần, không những đi rao giảng Tin Mừng, mà còn “thực thi công trình cứu độ mà các ngài loan báo, nhờ Hiến Tế và các bí tích, trung tâm điểm của của toàn thể đời sống Phụng vụ.” Qua việc ban Chúa Thánh Thần cho các ngài, Người đã ban cho các ngài quyền thánh hóa để trở thành dấu chỉ Bí tích của Người. Các ngài cũng chuyển giao quyền thánh hóa này cho những người kế vị nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Việc “kế vị tông đồ” thiết lập toàn bộ đời sống phụng vụ của Hội Thánh, được truyền lại qua bí tích Truyền Chức Thánh (x. GLCG 1086-1087).

Trong mọi hoạt động phụng vụ, Đức Kitô thật sự hiện diện qua các thừa tác viên và cộng đoàn. Người nói qua Thánh Kinh và hành động qua các Bí tích. Người hiện diện trong Thánh Lễ, không những qua thừa tác vụ của các linh mục, mà còn thực sự dưới hình bánh rượu. Người hiện diện trong các bí tích nhờ quyền năng của Người. Sau hết, Người hiện diện khi Hội Thánh cầu nguyện và hát thánh vịnh (x. GLCG 1088-1089).

Qua Phụng vụ dưới trần, Đức Kitô cho chúng ta tham dự và nếm trước Phụng vụ Thiên Quốc nơi Thành Thánh Giêrusalem, mà chúng ta là lữ khách đang tiến về; ở đó, Đức Kitô là thừa tác viên của cung thánh, của nhà tạm đích thực. Người cũng kết hợp chúng ta với các thánh cùng toàn thể đạo binh trên trời đồng thanh tôn vinh Thiên Chúa (x. GLCG 1090).

Chúa Thánh Thần trong Phụng Vụ

Trong Phụng vụ, Chúa Thánh Thần là thầy dạy đức tin, và thực thi những kỳ công của Thiên Chúa, là các bí tích của Giao Ước Mới. Ngài giúp ta đón nhận sự sống của Đức Kitô.  Trong Phụng Vụ, Ngài chuẩn bị cho ta gặp Đức Kitô bằng bốn cách đặc biệt (x. GLCG 1091-1092):

  • Nhắc nhở cho chúng ta việc sửa soạn đón nhận ơn cứu độ của dân Chúa trong Cựu Ước qua các bài đọc Cựu Ước, qua Thánh Vịnh, và nhắc lại các biến cố cứu độ được hoàn thành trong Đức Kitô, như Giao Ước, Xuất Hành và Vượt Qua. Qua Phụng Vụ chúng ta được nhắc nhở phải chuẩn bị thế nào để đón nhận Đức Kitô hôm nay. Trong Giao Ước Mới, mọi hoạt động Phụng vụ đều là cuộc gặp gỡ giữa Đức Kitô và Hội Thánh, đặc biệt việc cử hành Thánh Lễ và các Bí tích. Cộng đoàn phải được chuẩn bị để gặp Đức Kitô. Chuẩn bị tâm hồn là công việc chung của Chúa Thánh Thần, cộng đoàn, và các thừa tác viên. Các tín hữu phải được chuẩn bị như thế, mới có thể đón nhận được những hoa quả của Đời Sống mới mà Phụng vụ mang lại (x. GLCG 1093-1098).
  • Bày tỏ Đức Kitô và công trình cứu độ của Người trong Phụng Vụ.  Chúa Thánh Thần làm cho Lời Chúa sống động và giúp Cộng Ðoàn hiểu được ý nghĩa ý nghĩa thiêng liêng của Lời Chúa, để họ đón nhận và thực thi trong đời sống.  Tân Ước và phần của Phụng vụ gọi là “Tưởng Niệm” (Anamnesis) nhắc lại cho chúng ta những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta trong lịch sử cứu độ, và mời gọi chúng ta sống kết hợp với Đức Kitô (x. GLCG 1099-1103)
  • Phụng vụ không lập lại Mầu Nhiệm Phục Sinh, nhưng hiện tại hoá việc Chúa chịu Khổ Nạn, Sống Lại và Lên Trời để chúng ta được tham dự vào mầu nhiệm này.  Lời “Xin ban Thánh Thần” (Epiclesis) là lời nguyện linh mục dâng lên Chúa Cha, để xin Ngài sai Thánh Thần xuống biến lễ vật thành Mình và Máu Đức Kitô, và các tín hữu trở nên của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa khi họ rước Thánh Thể. Cùng với anamnesis, epiclesis là trọng tâm của mỗi cử hành bí tích, nhất là trong Thánh Lễ. Quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Thần trong Phụng Vụ làm cho Nước Trời mau đến và hoàn tất mầu nhiệm cứu độ (x. GLCG 1104-1107).

Kết Luận

Phụng vụ là công trình của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong đó, chúng ta chúc tụng Chúa Cha là nguồn mạch của mọi ơn lành qua trung gian của Chúa Con, Đức Kitô, là đầu Hội Thánh, là Đấng Trung Gian giữa Chúa Cha và nhân loại trong Chúa Thánh Thần, là linh hồn của Hội Thánh. Qua Đức Kitô, là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất, chúng ta hiệp dâng lên Chúa Cha tất cả những gì thuộc về chúng ta và chính mình.

Categories

Latest Posts

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa
Hãy Làm Việc Này

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng –  Sanctus
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng – Sanctus

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại