Bài 4 – Việc cử hành Phụng Vụ của Hội Thánh

Giáo lý về Phụng Vụ đòi hỏi phải hiểu biết về công trình bí tích; nhờ đó ta thấy được tính cách mới mẻ của cử hành phụng vụ. Chương này sẽ bàn đến việc cử hành các bí tích, những đặc tính chung của việc cử hành bảy bí tích theo truyền thống Phụng Vụ (x. GLCG 1135).

Ai Cử Hành?

Phụng Vụ là “hoạt động” của “toàn thể Ðức Kitô” (1136).

Trong Phụng Vụ thiên quốc, Ðức Kitô chịu đóng đinh và sống lại, vị Thượng Tế duy nhất, vừa là chủ tế vừa là lễ vật, vừa dâng vừa được dâng lên. Chúa Thánh Thần là con sông có nước trường sinh chảy ra từ ngai Thiên Chúa và Con Chiên. Kế đó là muôn loài đã được qui tụ trong Ðức Kitô: các thiên sứ, Đức Mẹ và các thánh trong Cựu và Tân Ước (x. GLCG 1137-1139).

Phụng Vụ bí tích -Dưới thế, Phụng Vụ là hành động của toàn thể Nhiệm Thể Đức Kitô kết hợp với Đầu là Đức Kitô. Các hoạt động phụng vụ không phải là hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của Hội Thánh, cho nên khi có thể được, phải cử hành cộng đồng với sự tham gia đông đảo và linh hoạt của giáo dân. Mọi chi thể đều được tham dự vào “chức tư tế cộng đồng” của Ðức Kitô, vị Tư Tế duy nhất, nhưng mỗi phần tử có những phần vụ khác nhau trong phụng vụ, như linh mục chủ tế, và những tác vụ khác được các giám mục xác định tùy theo truyền thống và nhu cầu mục vụ. “Trong các cử hành phụng vụ, thừa tác viên hay tín hữu mỗi người chu toàn phận vụ của mình, chỉ làm và làm trọn vẹn những gì bản chất sự việc và những qui tắc phụng vụ qui định cho mình” (x. GLCG 1140-1144).

Cử Hành thế nào?

Dấu chỉ và biểu tượng – Cuộc cử hành bí tích được tạo thành bằng những dấu chỉbiểu tượng.  Theo đường lối sư phạm của Thiên Chúa, ý nghĩa của dấu chỉ và biểu tượng bắt nguồn từ công trình  tạo dựng và trong nền văn hoá nhân loại, được xác định trong các biến cố Cựu Ước và được mặc khải trọn vẹn trong con người và hoạt động của Ðức Kitô.  Ánh sáng và đêm tối, gió và lửa, nước và đất, cây và quả đều nói về Thiên Chúa, là biểu tượng cho sự cao cả và gần gũi của Ngài.  Những dấu chỉ và biểu tượng trong đời sống xã hội, như thanh tẩy, xức dầu, bẻ bánh và chia sẻ ly rượu, có thể diễn tả việc Thiên Chúa hiện diện và thánh hoá, cũng như việc con người bày tỏ lòng tri ân Tạo Hóa.  Phụng vụ của Hội Thánh thừa nhận, tiếp thu và thánh hoá các yếu tố trong thiên nhiên và trong nền văn hóa nhân loại, đồng thời làm cho chúng trở nên những dấu chỉ của ân sủng.  Những dấu chỉ giao ước như cắt bì, xức dầu thánh hiến các vua và tư tế, đặt tay, các lễ vật, và lễ Vượt Qua trong Cựu Ước.  Hội Thánh nhận ra nơi những dấu chỉ đó hình ảnh tiên trưng cho các bí tích của Tân Ước. Những dấu chỉ được Ðức Kitô sử dụng đem lại ý nghĩa mới cho những biến cố và dấu chỉ Cựu Ước, nhất là biến cố Xuất Hành và Vượt Qua, vì chính Người là ý nghĩa của mọi biểu trưng này.  Những dấu chỉ bí tích.  Từ lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần thánh hóa nhờ những dấu chỉ bí tích của Hội Thánh (x. GLCG 1145-1152).

Lời nói và hành động – Mỗi cuộc cử hành bí tích là một cuộc gặp gỡ giữa con cái Thiên Chúa với Cha mình, trong Ðức Kitô và Chúa Thánh Thần.  Đây là cuộc đối thoại bằng hành động và lời nói.  Những hành động trong phụng vụ biểu thị những gì Lời Chúa muốn diễn đạt: vừa là sáng kiến ân sủng của Thiên Chúa, vừa là lời đáp trả trong đức tin của Dân Chúa.  Phụng vụ Lời Chúa là phần cốt yếu trong các cử hành bí tích.  Chúa Thánh Thần không những chỉ khơi dậy đức tin để các tín hữu hiểu Lời Chúa; nhưng qua các bí tích, Ngài còn thực hiện “những kỳ công” của Thiên Chúa được Lời Chúa loan báo (x. GLCG 1153-1155).

Thánh ca và thánh nhạc góp phần với lời nói và hành động của Phụng Vụ để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu.  Từ thời Cựu Ước, khi cử hành Phụng Vụ, người ta đã hát Thánh Vịnh, thường có nhạc phụ họa.  Hội Thánh tiếp tục và phát huy truyền thống này.  “Lời thánh ca phải thích hợp với đạo lý Công Giáo và tốt nhất là rút ra từ Thánh Kinh và các nguồn mạch Phụng Vụ” (x. GLCG 1156-1158).

Ảnh tượng thánh, nhất là ảnh tượng dùng trong Phụng Vụ, chủ yếu trình bày Đức Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể; các ảnh tượng về Ðức Mẹ và các thánh cũng biểu thị Ðức Kitô vinh hiển nơi các ngài. Ảnh tượng thánh dùng hình ảnh để truyền đạt sứ điệp Tin Mừng. Chiêm ngắm ảnh tượng thánh, cùng với suy niệm Lời Chúa và hát thánh thi phụng vụ, sẽ hòa hợp với các dấu chỉ dùng trong cử hành Phụng Vụ, để mầu nhiệm được cử hành khắc sâu hơn trong tâm khảm, sau đó bộc lộ ra trong đời sống mới của các tín hữu (x. GLCG 1159-1162).

Cử hành khi nào?

Mùa Phụng Vụ – Hội Thánh ca tụng công trình cứu độ của Chúa Giêsu bằng việc tưởng niệm các biến cố cứu độ vào những ngày ấn định trong năm.  Mỗi ngày Chúa Nhật, Hội Thánh tưởng nhớ việc Chúa Phục Sinh.  Mỗi năm vào dịp lễ Phục Sinh, Hội Thánh cử hành rất long trọng cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Người.  Hội Thánh quảng diễn mầu nhiệm Đức Kitô qua chu kỳ một năm… (x. GLCG 1163-1165).

Ngày của Chúa – Thayvì ngày Sabath, ngay từ thời các thánh Tông Đồ Hội Thánh đã cử hành mầu nhiệm Phục Sinh vào ngày Chủ Nhật, ngày Chúa sống lại.  Hôm nay được gọi là ngày của Chúa, vì là ngày Ðức Kitô khải hoàn về với Chúa Cha (x. GLCG 1166-1167).

Năm Phụng Vụ – Thời gian của cả năm trước và sau Tam Nhật Phục Sinh được Phụng Vụ thánh hóa thành năm hồng ân.  Chương trình cứu độ được thực hiện trong thời gian, nhưng hoàn tất trong biến cố Ðức Kitô Phục Sinh và Chúa Thánh Thần hiện xuống, là cao điểm của lịch sử nhân loại.  Trong Năm Phụng vụ nhiều khía cạnh của mầu nhiệm Vượt Qua được bày tỏ.  Cũng như trong chu kỳ các lễ xoay quanh mầu nhiệm Nhập Thể (Truyền Tin, Giáng Sinh, Hiển Linh). Các lẽ này gợi lại những biến cố khởi đầu ơn cứu độ và cho chúng ta hưởng nhờ hoa quả đầu mùa của mầu nhiệm Phục Sinh (x. GLCG 1168-1171).

Lễ kính Các Thánh trong năm Phụng Vụ Hội Thánh tôn kính Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa.  Mẹ là thành quả tuyệt diệu của công trình cứu độ, và là hình ảnh trọn hảo của Hội Thánh tương lai.  Hội Thánh còn có những lễ kính các thánh để công bố mầu nhiệm Phục Sinh nơi các ngài, vì các ngài đã cùng chịu thương khó và cùng được vinh hiển với Ðức Kitô.  Các ngài là những mẫu gương cho các tín hữu của để lôi kéo mọi người đến với Chúa Cha qua Đức Kitô; và nhờ công nghiệp các ngài, Hội Thánh lãnh nhận được những hồng ân của Thiên Chúa (x. GLCG 1172-1173).

Giờ Kinh Phụng VụMầu nhiệm Đức Kitô Nhập Thể và Vượt Qua cử hành trong Thánh Lễ được thấm nhập và biến đổi trong ngày nhờ việc cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ, hay Kinh Nhật Tụng. Kinh Nhật Tụng là kinh nguyện công khai của Hội Thánh được lập ra để thánh hiến trọn ngày đêm, qua đó các tín hữu thực thi chức tư tế vương giả của mình bằng lời ngợi khen Thiên Chúa.  Các Giờ Kinh Phụng Vụ phải trở thành lời kinh nguyện của toàn Dân Chúa.  Hội Thánh khuyến khích giáo dân đọc Kinh Nhật Tụng.  Trong đó, chính Ðức Kitô tiếp tục thực thi chức vụ tư tế qua Hội Thánh.  Việc cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ không những đòi buộc phải hòa hợp lời kinh với tâm hồn cầu nguyện, mà còn phải lo cho mình có kiến thức dồi dào hơn về Phụng Vụ và Thánh Kinh, nhất là về Thánh Vịnh.  Việc đọc Lời Chúa trong mỗi Giờ Kinh và việc đọc sách linh đạo cho thấy rõ hơn ý nghĩa của mầu nhiệm đang cử hành.  Thánh Lễ được nối dài bằng Các Giờ Kinh Phụng Vụ (x. GLCG 1177-1178).

Cử hành ở đâu?

Việc thờ phượng theo Thần Khí và Chân Lý của Giao Ước Mới không bị ràng buộc vào một nơi nhất định.  Khi các tín hữu tụ tập, điều quan trọng là chính họ phải là “những viên đá sống động để xây nên đền thờ Chúa Thánh Thần”.  Khi có thể, các Kitô hữu nên xây những thánh đường làm nơi hội họp để cầu nguyện, cử hành và cất giữ Thánh Thể, cùng biểu thị và biểu lộ Hội Thánh đang sống tại địa phương, là ngôi nhà của Thiên Chúa ở giữa những người đã được hòa giải và liên kết với nhau trong Ðức Kitô.

  • Bàn thờ của Giao Ước Mới là Thập Giá Ðức Kitô, nơi phát xuất các bí tích của mầu nhiệm Vượt Qua.  Bàn thờ là trung tâm của thánh đường.
  • Nhà Tạm phải đặt nơi xứng đáng và vinh dự nhất trong nhà thờ để giúp các tín hữu dễ dàng thờ phượng Chúa Giêsu đang hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể.
  • Dầu Thánh được bảo quản và tôn kính tại một nơi chắc chắn trong cung thánh.
  • Ghế của giám mục hay của linh mục chủ tế “phải nói lên nhiệm vụ của Ngài là chủ tọa cộng đoàn và điều hành buổi cầu nguyện”.
  • Giảng đài phải ở một nơi thích hợp trong nhà thờ, để loan báo Lời Chúa.
  • Thánh đường phải có giếng rửa tội để cử hành bí tích Thánh Tẩy và có những bình nước thánh để nhắc các tín hữu nhớ đến những lời hứa ngày rửa tội.
  • Thánh đường phải có nơi thích hợp để tiếp đón hối nhân đến bày tỏ lòng thống hối và lãnh nhận ơn tha thứ.

Thánh Ðường cũng phải là nơi giúp tín hữu hồi tâm và thinh lặng cầu nguyện để nối dài và nội tâm hóa Thánh Lễ.  Thánh Ðường còn mang ý nghĩa cánh chung.  Ðể vào Nhà Chúa, chúng ta bước qua ngưỡng cửa thánh đường nghĩa là từ giã thế giới tội lỗi để bước vào thế giới của Ðời Sống Mới.  Thánh Ðường hữu hình tượng trưng cho Nhà Cha, là nhà của tất cả con cái Thiên Chúa, luôn mở rộng đón mời mọi người.

Categories

Latest Posts

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa
Hãy Làm Việc Này

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng –  Sanctus
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng – Sanctus

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại