Bài 10 – Thánh Lễ là Bữa Tiệc Vượt Qua và Bảo Chứng cho vinh quang mai sau

Thánh Lễ vừa là lễ tưởng niệm hy tế để lưu truyền muôn đời hy tế thập giá, vừa là bàn tiệc thánh để thông hiệp Mình và Máu Chúa.  Rước lễ là đón nhận chính Đức Kitô, Ðấng đã tự hiến vì chúng ta. Bàn thờ là nơi qui tụ cộng đoàn tín hữu để cử hành bí tích Thánh Thể (x. GLCG 1382).

Bàn thờ là biểu tượng của chính Đức Kitô đang hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu.  Người hiện diện như hy lễ dâng lên để giao hòa chúng ta với Thiên Chúa và như của ăn thiêng liêng nuôi sống chúng ta(x. GLCG 1383)

“Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn”: Rước Lễ

Chúa thiết tha mời ta rước Người trong bí tích Thánh Thể.  Ðể đáp lại lời mời này, ta phải chuẩn bị cách cẩn trọng.  Ai biết mình đang mắc tội trọng, phải lãnh xưng tội trước khi rước lễ.  Trước bí tích cao trọng này, ta chỉ còn biết khiêm tốn và tin tưởng lặp lại lời viên bách đội trưởng: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự đến cùng con, nhưng xin Chúa chỉ phán một lời, thì con được lành mạnh.”  Ta cũng phải giữ chay theo luật Hội Thánh.  Thái độ bên ngoài phải biểu lộ lòng tôn kính và niềm vui của giây phút được Chúa ngự vào lòng.  Trong cùng một ngày, tín hữu có thể rước lễ hai lần, và chỉ hai lần mà thôi.  Hội Thánh buộc ta phải dự Thánh Lễ vào các ngày Chúa Nhật, và lễ trọng, rước lễ mỗi năm ít là một lần trong mùa Phục Sinh, trước đó phải chuẩn bị tâm hồn bằng bí tích Hòa Giải, cùng khuyến khích chúng ta rước lễ thường xuyên.  Đức Kitô hiện diện dưới mỗi hình Bánh hình Rượu, vì thế rước lễ dưới hình bánh mà thôi vẫn hưởng trọn vẹn hiệu quả của bí tích Thánh Thể (x. GLCG 1384-1400).

Hiệu quả của việc rước lễ (x. GLCG 1391-1397)

  • được kết hợp mật thiết với Đức Kitô.  Như của ăn vật chất nuôi thân xác thế nào, việc rước lễ cũng nuôi nấng đời sống thiêng liêng như vậy.  Ðể đời sống ân sủng tăng triển, chúng ta phải được bí tích Thánh Thể dưỡng nuôi cho đến giờ lâm tử; lúc ấy chúng ta sẽ đón nhận như Của Ăn Ðàng.
  • giúp chúng ta xa lánh tội lỗi.  Bí tích Thánh Thể thanh tẩy chúng ta khỏi tội đã phạm và giúp chúng ta xa lánh tội lỗi.
  • củng cố đức ái mà trong đời sống hằng ngày.  Ðức ái sống động này có thể xóa đi các tội nhẹ.  Ðức Kitô làm cho tình yêu chúng ta sống dậy, ban sức mạnh để ta tự giải thoát khỏi những ràng buộc bất chính với thụ tạo và gắn bó ta chặt chẽ với Người.
  • Nhờ tình yêu mà bí tích Thánh Thể khơi dậy trong tâm hồn, chúng ta được gìn giữ khỏi phạm tội trọng
  • Bí tích Thánh Thể làm nên Hội Thánh.  Ai rước lễ, đều được liên kết chặt chẽ với Đức Kitô.  Nhờ đó, Người kết hợp họ với các tín hữu khác thành một một thân thể duy nhất là Hội Thánh.  Bí tích Thánh Tẩy tháp nhập ta vào Hội Thánh, bí tích Thánh Thể canh tân, củng cố và kiện toàn sự tháp nhập này.
  • Bí tích Thánh Thể đòi buộc chúng ta phải chăm sóc người nghèo. Ðể thực sự lãnh nhận Mình và Máu Ðức Kitô, chúng ta phải nhận ra Người trong những người nghèo nàn nhất.

Bí tích Thánh Thể và sự hiệp nhất các Kitô hữu.

  • Các Giáo Hội Ðông Phương, dù không hoàn toàn hiệp thông nhưng vẫn liên kết chặt chẽ với với Hội Thánh Công Giáo vì có các bí tích đích thực nhờ sự kế nhiệm các Tông Đồ, nhất là chức linh mục và bí tích Thánh Thể (x. GLCG 1398-1399).
  • Các cộng đoàn phát sinh từ cuộc Cải Cách, đã ly khai khỏi Hội Thánh Công giáo “không còn giữ được bản chất đích thực và nguyên vẹn của mầu nhiệm Thánh Thể vì thiếu bí tích Truyền Chức Thánh,” vì thế Giáo hội Công Giáo không thể cùng với họ cử hành bí tích Thánh Thể được (x. GLCG 1400-1401).

Bảo chứng cho vinh quang mai sau

Bí tích Thánh Thể cũng còn là tiền dự vào vinh quang thiên quốc.  Hội Thánh biết rằng, trong bí tích Thánh Thể, Chúa đã đến và đang hiện diện giữa chúng ta; nhưng Người vẫn còn ẩn mình.  Vì thế, khi cử hành bí tích Thánh Thể, chúng ta “đợi chờ ngày hồng phúc, ngày Chúa Giêsu Kitô, Ðấng cứu độ chúng ta ngự đến.”  Bí tích Thánh Thể là bảo chứng chắc chắn và là dấu chỉ tỏ tường về hy vọng một Trời Mới Ðất Mới, nơi đó công lý ngự trị (x. GLCG 1402-1405)