Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 57 : Đại AMEN

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 31 tháng 1 năm 2024

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Amen! Hôm nay chúng ta nhìn đến câu đáp của chúng ta ở cuối Vinh Tụng Ca: Đại Amen. Sau khi Linh mục hát hoặc đọc: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa Là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời,” cộng đoàn đáp, “Amen!” Chính xác thì Amen có nghĩa gì? Amen là một từ đặc biệt thường được hiểu là “Chớ gì được như vậy.”

Từ “Amen” có nghĩa là gì?

Như phần tử vựng trong Sách Giáo lý (tiếng Anh) của chúng ta viết, Amen là “Một từ tiếng Do Thái có nghĩa là ‘thật sự; nó là như thế; chớ gì được như vậy,’ biểu thị sự đồng ý với những gì đã được nói. Các lời cầu nguyện trong Tân Ước và phụng vụ của Hội Thánh, và Kinh Tin Kính, kết thúc bằng tiếng ‘amen’. Chúa Giêsu dùng từ này để giới thiệu những lời khẳng định long trọng, để nhấn mạnh sự đáng tin cậy và thẩm quyền của chúng” (CCC, trang 865) [mà Thánh Kinh tiếng Việt thường dịch là “Quả thật!”]. Như Tiến sĩ Edward Sri viết, “‘Amen’ phiên âm một từ tiếng Do Thái khẳng định giá trị của những gì đã được nói và thường được sử dụng trong bối cảnh phụng vụ. Chẳng hạn, khi các thầy Lêvi hát: ‘Chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa Israel, từ muôn thuở cho đến muôn đời!’ Và toàn dân hô lớn: ‘Amen!’ (1 Sử Biên niên 16:36).” Ông Sri tiếp tục: “Đáng chú ý nhất là cách các Thiên thần và các Thánh trên Thiên Đàng kêu lên ‘Amen’ khi các ngài hát phần đồng ca chúc tụng Thiên Chúa trong phụng vụ trên Trời. Trong sách Khải Huyền, mọi sinh vật sống trên trời, trên mặt đất và trong lòng đất đều nói: ‘Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!’ Và để đáp lại, bốn sinh vật thưa ‘Amen!’ như muốn hét lên, ‘Vâng! Nguyện xin Chúa được chúc tụng và tôn vinh muôn đời!’” (A Biblical Walk Through the Mass, trang 120).

“Đại Amen” trong Thánh Lễ là gì?

Được rồi, vậy tại sao “Amen” trong phần này của Thánh Lễ lại được gọi là “Đại Amen”? Cha Oury dạy: “Lời đáp Amen của dân chúng có tầm quan trọng đặc biệt vào thời điểm cử hành này. Hơn bao giờ hết, đó là một câu trả lời và sự ưng thuận. Về vấn đề này, Bossuet đã viết: ‘Trong Sách Khải Huyền, đối với chúng ta, những người được tuyển chọn, được diễn tả là những người luôn hát Amen với Thiên Chúa. Amen theo cách nói thánh thiêng là Vâng, một lời thưa Vâng chắc chắn và dứt khoát chinh phục được sự ưng thuận, hay đúng hơn là toàn thể trái tim. Đó là cách các ngài yêu trên Thiên Đàng. Chúng ta không nên làm như vậy ở đưới trần sao?’” (The Mass, trang 103). Tương tự, Cha Charles Belmonte dạy: “Đây là lời Amen quan trọng nhất trong Thánh Lễ. Đối với chúng ta, nó vừa là lời một quyết tâm vừa là lời cầu nguyện. Một quyết tâm giúp tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa nở hoa; một lời cầu nguyện dựa trên niềm hy vọng sống lại trong tương lai” (Understanding the Mass, trang 163).

Chúng ta phải thưa “Đại Amen” như thế nào?

Nếu chúng ta nghĩ về cuộc hành trình của chúng ta qua Thánh Lễ, thật hợp lý khi nói rằng Amen này là Amen quan trọng nhất. Hãy dành một chút thì giờ để suy nghĩ về những gì vừa xảy ra trong Thánh Lễ: bánh và rượu được mang tới, cùng với tất cả những lời cầu nguyện và những hy sinh của chúng ta được dâng lên trong sự kết hợp Chúa Giêsu. Qua lời nói và hành động của Chúa Giêsu, Linh mục đã đọc Kinh nguyện Thánh Thể, và bánh cùng rượu đã được biến đổi thành Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính của Chúa Giêsu trên bàn thờ: chính Chúa Giêsu thực sự hiện diện với chúng ta! Đây là Thiên Chúa Toàn năng ở cùng chúng ta! Đây chính là Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta một cách hoàn toàn đến nỗi Người đã trao ban mọi sự cho chúng ta! Đây là giây phút Chúa Giêsu được dâng lên Chúa Cha trong lời ca ngợi hoàn hảo, và chúng ta được mời gọi tham gia cùng với Chúa Giêsu!

Hy vọng rằng chúng ta rất hứng khởi về những gì vừa xảy ra đến nỗi chúng ta muốn hát vang lời Amen của mình với niềm vui lớn lao và hết sức nhiệt tình! Với não trạng hân hoan và mừng kính này, Cha Belmonte trích lời Thánh Giêrônimô: “Chúng ta hãy hát hoặc đọc lời Đại Amen bằng cả tấm lòng kết hợp với tất cả anh em mình. Hãy để nó vang vọng khắp thế giới, như tiếng Amen của những người anh em thời sơ khai trong đức tin của chúng ta ‘vọng vang trên trời, như tiếng sấm của Thiên Đàng trong các vương cung thánh đường ở Rôma’” (Understanding the Mass, trang 163). Chẳng phải loại “Amen” ấy sẽ thu hút được sự chú ý của những người lân cận của chúng ta sao? “Âm thanh lớn làm rung chuyển mặt đất là gì vậy? Ồ, đó là những người Công giáo hát Amen trong Thánh Lễ!”

Câu hỏi để suy nghĩ:

  1. Sách Khải Huyền dùng “Amen” làm danh hiệu khác cho Chúa Giêsu: “Đấng Amen, là Chứng Nhân trung thành và chân thật, là Khởi Nguyên của mọi loài Thiên Chúa tạo dựng …” (Kh 3:14). Các thiên thần, các kỳ lão và bốn sinh vật sử dụng từ này ở đầu và cuối lời cầu nguyện (xem Kh 7:12; xem Kh 19:4). Trong lời cầu nguyện của riêng bạn, hãy dành thì giờ với lời này và để ý nghĩa của nó thấm sâu vào cuộc sống của bạn.
  2. Khi bạn đối diện với những niềm vui và thách đố trong ngày, hãy dành một chút thì giờ để cầu nguyện (âm thầm hoặc thành tiếng) “Amen,” như một cách chấp nhận Thánh Ý Thiên Chúa.