Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 59 : Kinh Lạy Cha

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 14 tháng 2 năm 2024

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Khi chúng ta hành trình qua những bước chuẩn bị cuối cùng trước khi Rước lễ, chúng ta nhìn kỹ hơn vào Kinh Lạy Cha. “Vâng lệnh Chúa Cứu Thế, và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng: Lạy Cha chúng con…” Kinh Lạy Cha là phần đầu tiên của Nghi thức Hiệp lễ. Dĩ nhiên, kinh nguyện này là kinh nguyện được Chúa Giêsu ban cho chúng ta trong các Tin Mừng (Mt 6:9-13; Lc 11:2-4). Đây chính là những lời mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện! Là một Linh mục, tôi cảm thấy một trong những điều thông thường nhất mà mọi người nói với tôi là họ cảm thấy họ cầu nguyện không tốt lắm, hoặc họ không biết phải nói gì khi cầu nguyện. Có lẽ các môn đệ cũng cảm thấy như vậy khi hỏi Chúa Giêsu cách cầu nguyện. Để đáp lại, Người đã ban những lời mà ngày nay chúng ta biết như Kinh Lạy Cha. Đây là cơ hội để cầu nguyện với lòng tin tưởng bằng những lời trực tiếp từ miệng Chúa Giêsu.

Một Kinh Nguyện Táo bạo

Tại sao Linh mục lại nói trong lời mời “chúng ta dám nguyện rằng”? Như Cha Charles Belmonte lưu ý, “Lời mời này là một công thức rất cảm động và cổ xưa nhất (được Thánh Giêrônimô ám chỉ ngay từ thế kỷ thứ tư). Nó nói rằng chúng ta không được phép dám (audemus) thốt ra những gì chúng ta sắp nói—nếu đó không phải là mệnh lệnh rõ ràng của Chúa chúng ta. Người dạy chúng ta đến gần Thiên Chúa như người con nói chuyện với Cha mình” (Understanding the Mass, tr. 169). Theo Giáo phận Peoria, “Chúa chúng ta đã dùng từ ‘Abba’ để diễn tả sự vâng phục của chúng ta đối với Thiên Chúa tối cao. Chúng ta là con cái của Ngài và chúng ta kêu cầu Ngài bằng một thuật ngữ thân mật và gia đình nhất: Cha ơi. Chúa chúng ta mong muốn chúng ta đến gần Cha chúng ta với sự thanh thản và tin tưởng của trẻ thơ. Người không chỉ mặc khải điều này, mà theo một nghĩa nào đó, Người ra lệnh cho chúng ta làm điều ấy khi nói: ‘Khi các con cầu nguyện, hãy cầu nguyện như thế này… Lạy Cha chúng con!’” (A Study of the Mass, tr. 17). Chúng ta dám gọi Thiên Chúa là Cha vì Chúa Giêsu đã nói chúng ta có thể gọi!

Nếu bạn xem qua Cựu Ước, chúng ta thấy một số người có mối quan hệ gần gũi đặc biệt với Thiên Chúa: Ađam, Ábraham và những người khác đã đàm đạo với Thiên Chúa (St 3 và 18); Môsê, người có gương mặt rạng rỡ sau khi được ở trước nhan Thiên Chúa (Xh 34); Giôna và Gióp là những người nói chuyện với Thiên Chúa khi tức giận và thất vọng (Giôna 4; Gióp 3 và 42), cùng những người khác. Như Tiến sĩ Edward Sri viết, “Người Do Thái cổ đại chắc chắn coi Thiên Chúa là cha của dân tộc Israel. Nhưng việc một cá nhân gọi Thiên Chúa là ‘Cha’ là điều không hề bình thường. Tuy nhiên, đây chính là điều Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta làm […] và nếu Người nói tiếng Aram bản địa của mình, có lẽ Người đã dùng từ ‘Abba’ cho Cha. Đây là một từ thân mật, trìu mến tương tự như ‘Cha hay Bố’… Điều này nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết mà chúng ta hiện có với Thiên Chúa nhờ công trình cứu độ của Chúa Giêsu. Qua sự kết hợp của chúng ta trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã thực sự trở thành Cha của chúng ta” (A Biblical Walk Through the Mass, tr. 124).

Ước Muốn Ở Gần Chúng Ta của Thiên Chúa

Trong số những từ đầu tiên chúng ta học khi còn nhỏ là “mẹ” và “bố”. Điều này đúng với mọi thứ người với mọi loại ngôn ngữ khác nhau. Bằng một cách nào đó, những từ này thực sự quan trọng đối với con người chúng ta – con người trong mối liên hệ với người khác. Khi Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện, Người bảo chúng ta bắt đầu bằng việc nói: “Lạy Cha chúng con”. Nếu bản dịch hay của từ “Abba” là “Cha”, hãy nghĩ xem Thiên Chúa muốn gần gũi chúng ta đến mức nào! Thực ra, gần đến mức chúng ta có thể gọi Ngài bằng một danh hiệu mà ngay cả một đứa trẻ cũng có thể nhận ra. Thật là một hồng ân tuyệt vời! Thật là một sự chia sẻ tuyệt vời về sự sống của Thiên Chúa! Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta có thể cầu nguyện với lòng tin tưởng—chúng ta có một Người Cha Thân Thương là Đấng yêu thương chúng ta rất nhiều và rất hoàn hảo!

Như Giáo phận Peoria đã nói, chính “Kinh Lạy Cha” là một mẫu mực của kinh nguyện. Kinh này cầu xin Chúa Cha, nó ca ngợi và chúc tụng Ngài, nó nhìn nhận Thiên Tính và Uy Quyền của Ngài. Nó cầu xin và chuyển cầu, xin ơn tha tội cho chúng ta, xin cho chúng ta tránh khỏi chước cám dỗ và được giải thoát khỏi sự dữ. Thật là thích hợp khi chúng ta kêu cầu Thiên Chúa Cha bằng một kinh nguyện vĩ đại như thế khi chúng ta chuẩn bị đón nhận những hồng ân cao cả của Ngài… Trong chuẩn bị gần cho việc Hiệp Thông Thánh (Rước Lễ) này, chúng ta cầu xin Chúa Cha ban chó chúng ta món quà Con của Ngài. Dù chúng ta không xứng đáng nhưng chúng ta tin tưởng cầu xin điều này, khi biết về lòng thương xót vô hạn của Ngài và mong muốn chia sẻ những hồng ân của Ngài với chúng ta” (A Study of the Mass, tr. 17). Lần sau chúng ta sẽ xét đến kinh nguyện tuyệt vời này một cách sâu xa hơn, bao gồm cả ý nghĩa của những lời cầu xin. Trong khi chờ đợi, nếu bạn quyết định cầu nguyện thêm vài kinh Lạy Cha, xin hãy cầu nguyện cho tôi một kinh!

Câu hỏi để suy nghĩ:

  1. Đọc kỹ các đoạn văn Cha Luke trích dẫn về những người đã đàm đạo thân mật với Thiên Chúa (Sáng thế 3 và 18; Xuất Hành 34; Giôna 4; và Gióp 3 và 42), và chọn một trong những đoạn văn này để suy niệm thêm. Hãy để cho suy tư của bạn về đoạn văn này dẫn bạn vào việc chia sẻ cởi mở với Chúa.
  2. Hãy tạ ơn Thiên Chúa vì những người đã là mẫu mực của tình phụ tử yêu thương trong cuộc đời bạn. Hãy cầu xin sự tha thứ và chữa lành trong những tình cảnh mà những người cha không thể hiện được tình phụ tử yêu thương. Hãy mở rộng tâm hồn để bước sâu hơn vào mối liên hệ con thảo với Thiên Chúa là Cha – Abba