Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 61 : Kinh Khẩn Xin

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 28 tháng 2 năm 2024

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Nếu bạn đã từng cầu nguyện cùng với các Kitô hữu trong những bối cảnh khác nhau, một kinh nguyện mà bạn có thể đã cùng cầu nguyện là Kinh Lạy Cha. Như Cha Charles Belmonte nói: “Chính Chúa Giêsu Kitô đã quan tâm sáng tác kinh nguyện này để chỉ ra cách chúng ta nên thưa với Thiên Chúa. Đó là kinh nguyện của chính Đấng Cứu Độ chúng ta và do đó, là kinh nguyện của Kitô hữu. Trong Hội Thánh thởi sơ khai, Kinh Lạy Cha được dạy cho các dự tòng [những người chuẩn bị bước vào Hội Thánh qua Phép Rửa] chỉ vài tuần trước khi chịu Phép Rửa. Bên ngoài Thánh Lễ, lời này luôn được đọc bằng giọng nhỏ nhẹ. Dường như các tín hữu đã đọc bài này trước khi rước lễ…” (Understanding the Mass, tr. 169). Kinh Lạy Cha là kinh nguyện của Kitô hữu, người theo Chúa Giêsu. Tuy nhiên, như chúng ta biết, các nhóm Kitô giáo khác nhau đã phát triển một số truyền thống khác nhau theo thời gian. Trong số những truyền thống đó có những điều chúng ta đọc tiếp sau Kinh Lạy Cha.

Một Kinh Nguyện giữa Các Kinh Nguyện

Như Giáo phận Peoria dạy, trong Thánh Lễ, sau Kinh Lạy Cha, linh mục cầu nguyện một số lời đặc biệt gọi là Kinh Khẩn Xin, “cầu xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự dữ, gìn giữ chúng ta khỏi tội lỗi và [đau khổ] cho đến ngày chúng ta gặp Chúa Giêsu Kitô mặt đối mặt” (A Study of the Mass, p. 17). Hầu hết chúng ta có lẽ sẽ nhận ra những lời này: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Nhờ Chúa rộng lòng thương cứu giúp, Chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi và được an toàn khỏi mọi biến loạn, đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc, và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ chúng con.” Như Sách Lễ nói, “Giáo dân tung hô kết thúc lời nguyện: ‘Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời.’”

Ở cuối Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu xin ơn tha thứ và nhìn nhận nhu cầu cần được tha thứ của mình. Khi chúng ta đến gần Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta mong đợi sự củng cố trong sự bình an mà Người mang đến. Tuy nhiên, như Cha Guy Oury lưu ý, “Nhưng trước khi mọi người được mời đến để chứng tỏ rằng họ hòa thuận với nhau, có một chú giải kéo dài những lời cuối cùng trong Kinh Lạy Cha (“xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ”). Hầu như tất cả các phụng vụ Kitô giáo đều có lời này. Nó được gọi là Kinh Khẩn Xin (một sự phát triển được đặt giữa hai kinh nguyện, từ tiếng Hy Lạp em-bal-lein, [có nghĩa là] đặt vào hoặc ở giữa. Hội Thánh triển khai lời cầu xin cuối cùng trong Kinh Lạy Cha để cầu xin cho chúng ta được giải thoát khỏi quyền lực sự dữ” (The Mass, tr. 109–10). Như Cha Oury tiếp tục, “Lời đáp trả của cộng đoàn tồn tại trong hầu hết các phụng vụ của Thánh Lễ. Đó là lý do tại sao phụng vụ Rôma lần lượt chấp nhận nó. Nó xuất phát từ Didache hay Giáo huấn của Mười hai Tông đồ, một tài liệu của Thời đại Tông đồ (thế kỷ thứ nhất) đưa ra nó như một lời kết cho Kinh Lạy Cha. Việc sử dụng nó trong phụng vụ đã rất lâu đời…” (The Mass, trang 110).

Một “Kết Thúc Bổ sung” cho Kinh Lạy Cha?

Về lời tung hô của mọi người, Edward Sri viết, “Lời cầu nguyện này đôi khi được biết như lời kết thúc của Kinh Lạy Cha của người Tin Lành. Mặc dù nó không phải là một phần của kinh nguyện mà Chúa Giêsu đã thực sự dạy chúng ta (và thích hợp khi không được đưa vào kinh Lạy Cha trong phụng vụ Công giáo) (xem Mt 6:9–13; Lk 11:1–4), kinh nguyện này có bắt nguồn từ Thánh Kinh và tìm được nơi thích hợp của nó vào lúc này trong Thánh Lễ. Ở mức độ cơ bản, kinh nguyện phản ánh những lời tung hô tương tự được tìm thấy trong phụng vụ trên trời (Kh 5:12; 19:1). Và khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta tiếp xúc với Thánh Lễ của một số Kitô hữu tiên khởi. Vì những lời này được lấy từ kinh nguyện tạ ơn được sử dụng trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể của thế hệ Kitô giáo tiên khởi sau các Tông Đồ” (A Biblical Walk Through the Mass, tr 128).

Phải chăng điều đó có nghĩa là “phần kết bổ sung” của Kinh Lạy Cha mà nhiều Kitô hữu khác cầu nguyện thực sự là một phần kết “Công giáo”? Vâng: nó đến từ một số cuộc cử hành Thánh Lễ sớm nhất! Nếu bạn tra cứu Kinh Lạy Cha trong Thánh Kinh Công giáo, bạn sẽ không tìm thấy những từ bổ sung này. (Một số phiên bản Thánh Kinh Tin Lành có thể đưa nó vào văn bản, mặc dù các phiên bản học thuật thường không có.) Tuy nhiên, nếu bạn nhìn vào Truyền thống sống động của đức tin Kitô giáo trong Hội Thánh Công giáo, bạn sẽ thấy những lời đó là một phần của Thánh Lễ. như một lời khẩn cầu và đáp lại Kinh Lạy Cha.

Nguồn gốc Thánh Kinh của Tung Hô

Tiếp tục với Tiến sĩ Sri, “chính những từ này đã có từ 1.000 năm trước trong thời Cựu Ước. Chúng bắt nguồn từ lời chúc tụng Thiên Chúa hay nhất của Vua Đavít vào cuối triều đại của ông, đại diện cho một trong những hành động cuối cùng của Đavít với tư cách là vua trước khi ông truyền ngôi cho con trai mình là Salômôn: “Lạy CHÚA, là Thiên Chúa Israel tổ phụ chúng con, xin dâng lên Ngài lời chúc tụng từ muôn thuở đến muôn ngàn đời. Lạy CHÚA, Ngài vĩ đại quyền năng, Ngài oai vệ, vinh quang, rực rỡ, vì mọi sự trên trời dưới đất thuộc về Ngài.  Ngài nắm giữ vương quyền, lạy CHÚA, và địa vị tối cao, vượt trên tất cả. (1 Sb 29:10–11).

Trong mỗi Thánh Lễ, chúng ta lặp lại những lời này của Vua Đavít. Khi làm như thế, chúng ta nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa của cuộc đời chúng ta và ca ngợi Ngài vì mọi ơn lành Ngài ban cho chúng ta. Bất cứ điều tốt nào chúng ta có thể làm, bất cứ thành công nào chúng ta có thể trải nghiệm, chung cuộc đều đến từ Thiên Chúa: ‘Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời.’” (A Biblical Walk Through the Mass, trang 128–9).

Câu hỏi để Suy Nghĩ:

  1. Suy niệm với những câu tung hô trong phụng vụ trên trời trong bối cảnh của Kh 5 và 19 và trong lời cầu nguyện của vua Đavít trong bối cảnh của 1 Sb 29. Hãy suy gẫm xem hôm nay mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của bạn có thể tôn vinh Thiên Chúa như thế nào.
  2. Lần tới khi bạn tham dự Thánh lễ, hãy quan tâm đến các Kitô hữu khác và dâng Kinh Khẩn Xin như một lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo.