Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 63 : Chúc Bình An cho Nhau

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 12 tháng 3 năm 2024

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Tiếp tục với Nghi thức Chúc Bình an, chúng ta trao nhau lời chúc bình an như thế nào? Để biết thêm một chút hiểu biết cơ bản về phần này của Thánh Lễ, Giáo phận Peoria dạy: “Kinh nguyện này tái khẳng định sự thánh thiện của Hội Thánh như Nhiệm thể Đức Kitô. Hội Thánh, trong cương vị là Hiền thê của Đức Kitô, thì thánh thiện và không tì vết. Trong khi Hội Thánh vẫn thánh thiện, các phần tử của Hội Thánh dễ phạm tội và sai lầm, và vì vậy chúng ta cầu xin Chúa nhìn đến Hội Thánh của Ngài với lòng ưu ái và ban cho chúng ta sự bình an và hiệp nhất của Nước Trời. Khi cầu xin Chúa ban sự bình an này, Linh mục mở rộng sự bình an này đến cộng đoàn khi ngài nói: ‘Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em!’ [Giáo dân trả lời] ‘Và ở cùng [thần trí] Cha.’ [Phó tế hoặc Linh mục sau đó nói: “Anh (chị) em hãy chúc bình an cho nhau.”] Theo phong tục địa phương, chúng ta trao cho nhau lời chúc bình an. Điển hình, ở Hoa Kỳ, cử chỉ thông thường là cái bắt tay với những người chung quanh” (A Study of the Mass, p. 18). Còn với người Việt Nam thì cúi đầu.

Một biểu hiện của cộng đồng Kitô giáo

Để mô tả thêm về những gì xảy ra sau những lời từ gian cung thánh, Bách khoa toàn thư Công giáo cho biết: “Sau đó, dân được tụ họp trong cộng đồng quay sang những người ngay bên cạnh họ và trao nhau lời chào, cái bắt tay hoặc dấu chỉ chúc bình khác và tình bằng hữu. Đây không cần phải là một cuộc trao đổi phức tạp. Không có lời lẽ nghi lễ nào được nói ra, một số người thích nói: ‘Bình an cho bạn’ hoặc ‘Bình an của Đức Kitô ở cùng bạn’ hoặc ‘Xin Chúa phù hộ bạn’. Câu trả lời có thể cũng đơn giản như thế. Nụ hôn bình an này, vừa là dấu chỉ của việc nhìn nhận tình bằng hữu, sự tôn trọng, hay tình bạn, về cơ bản là dấu chỉ của sự hòa giải, thể hiện sự quan tâm lẫn nhau giữa các Kitô hữu… Thánh Phaolô đã nhìn nhận dấu chỉ bình an này như một biểu hiện của cộng đồng Kitô hữu (Rm 16:16; 1 Cor 16:20; 2 Cor 13:12). Và Thánh Phêrô coi lời chào này là dấu chỉ của sự kết hợp với Đức Kitô, hay việc cùng nhau giống Đức Kitô (1 Pr 5:14)” (Catholic Encyclopedia, trang 465).

Những cử chỉ Chúc Bình An Thiết Thực

Trong khi ý nghĩa sâu xa hơn của cử chỉ này có thể rõ ràng hơn đối với chúng ta, Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma bao gồm một đoạn mới đề cập đến chính cử chỉ thực tế đó, đó là: “Các Hội Ðồng Giám Mục sẽ tùy theo tinh thần và phong tục của mỗi dân tộc mà ấn định cách thức chúc bình an. Mỗi người chỉ nên tỏ dấu trao bình an cách chừng mực cho những người gần mình” (QCSL, 82). Vì vậy, tiêu chuẩn cho chúng ta là gì? Mặc dù chúng ta không có tiêu chuẩn xác định, như đã đề cập trước đó, nhưng tiêu chuẩn địa phương điển hình của chúng ta là một cái bắt tay đơn giản với những người ở gần. Chắc chắn, vợ chồng, gia đình và những người khác có thể có những trao đổi bình an thân mật hơn như một cái ôm hoặc một nụ hôn. Trong thời điểm mọi người thận trọng hơn về bệnh tật và tiếp xúc, một cúi chào đơn giản hoặc một cái vẫy tay và một nụ cười cũng có thể là những cử chỉ chúc bình an tốt đẹp. Nói chung, tôi khuyến khích mọi người chọn biểu hiệu phù hợp với những người chung quanh. Điều chính yếu chúng ta muốn nhớ là làm cho cử chỉ này trở thành một dấu chỉ bình an thực sự, đồng thời không quá vô tư hoặc di chuyển khắp nhà thờ, nơi chúng ta có thể có nguy cơ thiếu tôn trọng Chúa Giêsu hiện diện trên bàn thờ (đó cũng là lý do tại sao chúng ta không nên nói chuyện vào lúc này).

Để có thêm một vài suy nghĩ tóm tắt, Giáo phận Peoria nói, “Nghi thức chúc bình an này nhìn nhận một số điều: sự tha thứ, sự khiêm nhường và cộng đồng. Trong Tin Mừng Thánh Matthêu, Chương 5, Chúa dạy chúng ta trước hết phải làm hòa với nhau trước khi đến gần bàn thờ. Chúng ta đến gần bàn thờ để đón Hoàng Tử Hoà Bình; Mệnh lệnh của Người là chúng ta phải là người xây dựng hòa bình bằng cách tha thứ cho người khác và xin tha thứ tội lỗi của mình… Đó cũng là một cử chỉ của Thần Khí chung ngự trị trong Hội Thánh. Chúc bình an biểu thị ‘mối dây liên kết Hội Thánh’ này, rằng với Đức Kitô, chúng ta là một cộng đồng tín hữu và là con của cùng một Cha” (A Study of the Mass, p. 18). Lần tới khi bạn Chúc Bình an trong Thánh Lễ, dù là một cái ôm, một nụ hôn, một cái bắt tay, cúi đầu, vẫy tay hay mỉm cười, hãy nghĩ xem nó thực sự có ý nghĩa gì—bạn thực sự muốn tặng điều gì cho những người chung quanh—và nó giúp ích như thế nào để chuẩn bị tâm hồn ngõ hầu đón nhận Chúa Giêsu thực sự hiện diện khi Rước Lễ.

Câu hỏi để Suy Nghĩ:

  1. Ôn lại các đoạn Tân Ước mô tả “nụ hôn thánh” hay “nụ hôn yêu thương” như một lời chào trong Hội Thánh sơ khai (Rm 16:16; 1 Cor 16:20; 2 Cor 13:12; 1 Th 5:26; 1 Phi 5:14). Hãy cầu xin sự chuyển cầu của Các Thánh Cùng Thông Công đã chia sẻ cử chỉ này trong suốt lịch sử Hội Thánh để có bình an trong Hội Thánh ngày nay và mở rộng bình an của Đức Kitô trong sứ mệnh của chúng ta với thế giới.
  2. Là một phần trong tiến trình chuẩn bị của bạn khi tham dự Thánh Lễ lần tới, hãy đọc Thánh vịnh 122, ca ngợi hồng ân được thờ phượng trong “nhà” của Thiên Chúa và có câu “Bình an cho anh em”.